Lời tòa soạn : Mặc dù cho đến nay, chính quyền Việt Nam chưa bắt giữ bất cứ một thành viên hay thân hữu nào của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhưng trên thực tế họ đã nhiều lần làm khó dễ các thành viên và thân hữu của Tập Hợp khi về nước.
Câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Nam, một thân hữu của Tập Hợp đang sinh sống tại Cộng hòa Séc (Czech - Tiệp Khắc cũ) là một ví dụ cho sự nhũng nhiễu đó. Chúng tôi đăng lại câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Nam để quý độc giả có một cái nhìn cụ thể về cách ứng xử với cơ quan an ninh Việt Nam khi về nước hồi tháng 8/2016.
Ban biên tập Thông Luận
Việt Nam là quê hương của tất cả mọi người Việt Nam chứ không phải của riêng của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đây là câu chuyện người thật, việc thật của tôi, một người Việt Nam ở Cộng hòa Séc về thăm quê hương. Kể ra đây như một tâm sự cùng mọi người về những trải nghiệm khi bị công an Việt Nam hạch hỏi và đe dọa bắt bớ.
Tôi là Nguyễn Tiến Nam, sinh sống ở Plzen, Cộng hòa Séc (Czech). Tôi sang Séc đã hơn 30 năm, thuộc diện học nghề, sau làm phiên dịch cho các đội lao động Việt Nam ở Séc, và ở lại làm ăn cho tới bây giờ. Tôi vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Mấy năm trước tôi có tham gia một vài hội thảo của người Việt Nam tại Séc về tự do dân chủ cho Việt Nam, và có mặt trong lần biểu tình của anh Đỗ Xuân Cang , trước cổng lãnh sự quán Việt Nam tại Praha, để đòi quyền được gia hạn hộ chiếu phổ thông của công dân, cùng phát tờ rơi vạch mặt Lãnh sự quán Việt Nam lạm thu lệ phí, thu tiền không cấp hóa đơn. Trong thời gian hơn 15 năm trở lại đây ở Séc tôi cũng không mạo hiểm về Việt Nam thăm gia đình và người thân, phần vì công việc đang dang dở, phần vì biết tin có thể sẽ bị công an Việt Nam câu giữ.
Lần này tôi về Việt Nam với nhiệm vụ của các bạn học giao phó, là đưa các thầy cô giáo người Séc cùng đi du lịch. Mặc dù với lý do đơn giản như vậy, nhưng tôi vẫn sắp sẵn cùng vợ con trường hợp tôi bị công an Việt Nam bắt giữ.
Việc nhập cảnh qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất đều diễn ra bình thường. Thời gian gần hai tuần tôi đưa các thầy cô giáo đi thăm thú mọi nơi không bị công an Việt Nam gây khó dễ gì. Có lẽ là họ không muốn cho những người khách ngoại quốc chứng kiến những màn quấy nhiễu, đe dọa bắt bớ của công an Việt Nam với công dân của mình. Nhưng tôi biết công an đã ráo riết theo dõi mọi động tĩnh của tôi.
Một hôm tôi cùng mọi người đi Cần Thơ, rời khỏi địa bàn nơi đăng ký tạm trú. Có thể vì gián đoạn thông tin về tôi nên công an cuống cuồng phái người xuống tổ dân phố điều tra, nhưng họ không biết tôi đi đâu. Tới nhà mẹ tôi dò xét, thì gặp bà già tôi điếc nặng, nên mạnh ai nấy nói, chẳng ăn nhằm gì. Cuối cùng công an đành giở trò mèo, nhắn tin cho tôi qua người bạn của tôi, rằng tôi đang mất tích, nhận được tin phải đến trình diện ngay.
Vì sợ ảnh hưởng đến chuyến đi, tôi đành để mọi người ở lại Cần Thơ, trở lại nhà một mình, nhưng không ai ra mặt gặp tôi cả.
Trong buổi liên hoan chia tay chuẩn bị sang Séc, công an Bình Dương nhắn qua người bạn của tôi, nói tôi phải đến gặp họ để làm việc, nhưng không nói rõ làm gì, nếu không đừng mong được xuất cảnh bình thường. Tôi thấy bất bình vì việc làm này của công an, tại sao họ không trực tiếp gặp tôi, hoặc chí ít gửi giấy mời cho tôi ? Rõ là công an làm việc không đúng trình tự pháp luật và không tôn trọng tôi, muốn nắn gân tôi theo kiểu rung cây dọa khỉ. Vì thế tôi không đi gặp họ.
Hết 2 tuần, tôi cùng các thầy cô trở lại Séc theo lịch định. Khi đang làm các thủ tục xuất cảnh vào phòng đợi lên máy bay. Nhân viên anh ninh cửa khẩu nói, trường hợp của tôi có vấn đề. Một viên an ninh khác đưa tôi vào phòng riêng, ở đó một thượng tá an ninh đọc lệnh tạm dừng xuất cảnh của tôi vì lý do an ninh quốc gia. Tôi không bất ngờ, nhưng vẫn bị bàng hoàng một lúc. Trong phút chốc mình trở thành nghi phạm quốc gia, tôi chợt nghĩ, lớn lao quá, ghê gớm quá. Cái cụm từ an ninh quốc gia dưới chế độ cộng sản, được công an gắn thêm các tiếp đầu ngữ như vì lý do… hay vi phạm, v.v., vậy là muốn bắt giữ ai cũng được. Họ lập biên bản sự việc tạm dừng xuất cảnh của tôi, cái biên bản như vầy :
Biên bản ghi rằng (Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sân Nhất phát hiện ông Nguyễn Tiến Nam là người thuộc diện chưa được xuất cảnh vì lý do an ninh). Có nghĩa là quyết định dừng xuất cảnh của tôi đã có từ trước, mà công an không thông báo cho đương sự, lại bố trí người đón sẵn ở sân bay chờ tôi đến để bắt cho thêm phần quan trọng, và cũng để đánh đòn tâm lý vào người thân của tôi. Cách hành xử sặc mùi cường quyền này chỉ có ở công an của chế độ cộng sản độc quyền Việt Nam. Nếu là đàng hoàng họ có thể triệu tập tôi đến cơ quan công an, để xác minh những gì họ cần khi điều tra về tôi, tôi sẵn sàng làm việc. Tôi yêu cầu an ninh giải thích rõ cho tôi vi phạm điều gì của pháp luật Việt Nam. Nhưng viên an ninh nói rằng, không có trách nhiệm giải thích.
Biên bản cũng ghi (Yêu cầu đương sự liên hệ Cục quản lý xuất nhập cảnh tại địa chỉ 254 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết). Tôi nói rằng, yêu cầu các anh ghi rõ ngày giờ, liên hệ như thế nào, gặp ai vào mặt sau biên bản. Nhưng thượng tá Ái nói là không được, vì đây là văn bản. Viên thượng úy Học xé một mẩu giấy nhỏ xíu, ghi vào số điện thoại đưa cho tôi, rồi đưa tôi ra khỏi sân bay, tôi phải tự gọi taxi về lại khách sạn. Ra khỏi sân bay đã gần 12g đêm.
Trước lúc vào sân bay, dự trù tình huống xấu xảy ra tôi đã dặn một bà giáo rằng, khi máy bay chuẩn bị cất cánh mà chưa thấy tôi lên thì bấm vào số điện thoại của bạn tôi hai chữ ‘Nam není’ (Nam không ở đây). Bà giáo đã làm đúng như vậy, nên bọn bạn tôi đã biết tôi bị giữ, tôi không mang điện thoại theo mình nên cũng không thông tin được cho họ tôi đang ở đâu. Sau cùng họ tìm hỏi biết tôi đã trở lại khách sạn thì mừng lắm. Phần tôi đang suy nghĩ, tội phạm thì tôi không phải, vi phạm pháp luật Việt Nam cũng không, họ giữ tôi chắc là vì những hoạt động dân chủ của tôi tại Séc. Những hoạt động đó cũng không trái với luật pháp Việt Nam, càng không trái với luật pháp nước sở tại nơi tôi cư trú. Chẳng qua nó không đúng với đường lối và không chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam nên họ tìm cách gây khó dễ cho tôi, nhằm khủng bố tinh thần của tôi và người thân.
Người Việt Nam ở nước ngoài luôn nhớ về quê hương và mong muốn cho đất nước sớm có tự do và dân chủ như các nước khác.
Xác định như vậy nên tôi chẳng có gì phải lo lắng. Đánh một giấc dài. Nhưng đến ngày hôm sau không thấy tôi liên lạc, an ninh đã gọi đến khách sạn. Ban đầu họ giả làm công ty du lịch gọi tới nói tôi cần đến gặp để làm visa. Lễ tân khách sạn báo lại tôi, tôi nói là không có nhu cầu. Tới chiều thì họ gọi tới nói thẳng với lễ tân là an ninh muốn gặp tôi để làm việc. Cô lễ tân hớt hải tìm tôi đến nghe điện thoại. Tôi cầm điện thoại : Alo ! tôi là an ninh Bộ công an, chi nhánh phía Nam, suốt buổi sáng nay tôi chờ điện thoại liên lạc của anh.
- Tôi thấy biên bản không ghi lúc nào phải đến gặp các anh, nên cũng chưa sắp xếp thời gian.
- Thế anh định khi nào thì đến gặp chúng tôi ?
- Chắc là cuối tuần !
- Không được, ngay ngày mai 8g30, anh phải lên gặp chúng tôi ở địa chỉ trên để làm việc !
Biết có chối cũng không được, họ bắt mình ở sân bay, thả mình về đây, giờ như con chim trong lồng. Họ chưa tàn bạo với mình, bởi mức nguy hiểm của mình với chế độ chưa nhiều, chứ không phải họ vị nể gì mình. Cũng nói thêm rằng họ không có giấy triệu tập, lệnh bắt hay giấy mời, tôi có quyền không đi. Nhưng biết rằng họ sẽ tìm mọi cách bắt tôi phải đến, mà ra vẻ không phạm luật, nên tôi đành chấp nhận gặp họ.
Tiếp tôi là hai nhân viên an ninh, một người tên Minh, người kia tên Vũ, họ mặc thường phục, không giới thiệu cấp bậc, chức vụ.
Sau màn dạo đầu, họ bắt đầu thẩm vấn. Viên an ninh tên Minh vừa hỏi vừa ghi, còn viên an ninh tên Vũ có vẻ là cấp trên, anh ta nóng tính hơn, thỉnh thoảng cắt ngang hoặc nói chen vào. Cứ như vậy kẻ đấm người xoa.
- Ở Séc anh làm gì ?
- Tôi làm công nhân xây dựng tự do. (Ý tôi là hoạt động cho tự do).
- Anh có biết, anh bị giữ lại vì lý do gì không ?
- Ở sân bay, trong biên bản dừng xuất cảnh của tôi thấy nói vì lý do an ninh quốc gia. Tôi có yêu cầu nhưng không được giải thích.
- Anh đã vi phạm pháp luật Việt Nam !
- Tôi đã vi phạm điều gì ?
- Anh đã tham gia ký kiến nghị này nọ trên mạng.
- Tôi ký nhiều lắm, không nhớ hết, đề nghị anh nói cụ thể.
- Anh đã tham gia ký các kiến nghị, như đòi xóa bỏ điều 4 hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
- Đúng ! tôi đã ký đòi xóa bỏ điều 4 hiến pháp.
- Ở Việt Nam làm như vậy là vi phạm pháp luật. Vì luật Việt Nam quy định chỉ có đảng cộng sản mới có quyền lãnh đạo toàn diện đất nước, điều đó là bất di bất dịch.
- Đấy là các anh tự quy định với nhau vậy thôi. Rút quyển hộ chiếu Việt Nam ra chỉ cho họ. Tôi 100% là công dân Việt Nam, tôi có quyền không đồng ý với điều 4 hiến pháp và yêu cầu phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang. Theo các anh là vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng theo nhận thức của tôi thì những kiến nghị đó đúng đắn, và rất hợp ý tôi nên tôi ký.
- Tại sao anh không kiến nghị một mình mà lại ký cùng với những thành phần này nọ ?
- Tôi dốt, không tự viết được những điều mình muốn nói, nên khi thấy người khác viết đúng ý mình thì đồng ý ký liền.
- Chúng tôi được biết, ở Cộng hòa Séc anh có quan hệ với các tổ chức, cá nhân, chống phá đảng và nhà nước.
- Đề nghị anh nói cụ thể hơn.
- Trước hết là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và ông Nguyễn Gia Kiểng.
- Tôi có tham dự hội thảo của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở Praha, và có gặp ông Nguyễn Gia Kiểng. Theo tôi, ông Nguyễn Gia Kiểng là một trí thức yêu nước. Cương lĩnh hành động của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn không làm tổn hại cho đất nước.
- Anh quan hệ như thế nào với Ủy ban Bảo vệ người lao động và ông Trần Ngọc Thành ?
- Ông Trần Ngọc Thành cũng là một người rất tốt, là người yêu nước. Chương trình hoạt động của Ủy ban Bảo vệ người lao động theo tôi rất có lợi cho người lao động.
- Anh có phải là thành viên của Ủy ban Bảo vệ người lao động.
- Tôi không phải là thành viên.
- Tại sao anh lại có mặt ở đại hội của Ủy ban Bảo vệ người lao động ?
- Tôi được mời, lần đó đại hội tổ chức trong hội trường của quốc hội Ba Lan.
- Anh quan hệ thế nào với nhóm Văn Lang ? Anh có biết nhóm Văn Lang có những hoạt động chống phá nhà nước hay không ?
- Như tôi được biết, nhóm Văn Lang gồm toàn những sinh viên ưu tú được cử đi học ở cộng hòa Séc. Ông Phạm Hữu Uyễn là đại diện về dân tộc thiểu số của Việt Nam ở trong chính phủ Séc. Theo tôi những người đó là những người tốt.
- Anh có biết nhiều về ông Phạm Hữu Uyễn và bà Nguyễn Thanh Mai của nhóm Văn Lang ?
- Tôi tham gia hoạt động cùng Văn Lang nhiều, nhưng quan hệ cá nhân với ông Phu và bà Nguyễn Thanh Mai không nhiều, chỉ đôi lần gặp nhau khi tham gia các sự kiện như biểu tình đưa kiến nghị về việc cá chết tại biển miền Trung, trước đại sứ quán Việt Nam ở Praha vừa qua, nên không biết tường tận về họ. Theo cảm nhận của tôi, họ là những người có học, tử tế, và rất có lòng với quê hương đất nước. Mấy người này thường xuyên bỏ việc nhà đi làm những công việc không ai trả công, để nhận về mình rắc rối chỉ vì mong muốn Việt Nam tốt đẹp hơn, dân chủ tự do hơn.
- Anh có là thành viên của Văn Lang không ?
- Tôi không là thành viên của Văn Lang.
- Tại sao anh tham gia các hoạt động của Văn Lang ?
- Ô đúng ! Tôi có tham gia các hoạt động của Văn Lang như tổ chức chiếu phim ‘Hoàng Sa nỗi đau mất mát’ của tác giả André Menras Hồ Cương Quyết. Hay hội thảo về Biển Đông của tiến sĩ Nguyễn Nhã ở Plzen. Phim ‘Hoàng Sa nỗi đau mất mát’ được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ủng hộ và đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh quay. Nếu nói đây là những hoạt động chống phá Nhà nước, thì hóa ra những người này cũng chống phá à. Theo tôi những người cản phá chiếu cuốn phim này mới là kẻ chống phá đất Nhà nước.
- Anh quan hệ với ông Đỗ Xuân Cang thế nào ?
- Chúng tôi là quan hệ bạn bè.
- Ông Cang có phải thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không ?
- Chuyện đó tôi không biết.
- Tại sao hôm ông Đỗ Xuân Cang biểu tình trước lãnh sự quán anh lại có mặt ?
- Tôi phát tờ rơi cho người Việt Nam đến lãnh sự quán làm việc, vạch mặt những việc làm mờ ám của lãnh sự quán, như lạm thu các loại lệ phí, không thông báo minh bạch giá cả các loại phí như quy định, thu tiền không cấp hóa đơn chứng từ…
- Tại sao anh lại phát vào ngày anh Cang biểu tình, mà không phải ngày khác ?
- Ngày anh Cang biểu tình có cảnh sát Séc bảo vệ. Nếu tôi phát vào ngày khác sứ quán sẽ gọi bộ đội Sapa (bảo vệ chợ Sapa) đến, có thể xảy ra va chạm bất lợi cho tôi.
- Quan hệ của anh thế nào với nhóm Đàn Chim Việt.
- Chúng tôi cũng là quan hệ bạn bè, họ là con cái của những cán bộ ra đi từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
- Tại sao anh lại gửi những bài viết của anh cho Đàn Chim Việt ?
- Không lẽ tôi lại gửi cho báo trong nước. Thực tình tôi cũng gửi cho một vài tạp chí, nhưng họ không đăng.
***
Thú thật khi mới bị thẩm vấn tôi cũng bị chút bối rối, nhưng càng về sau tôi càng tự tin hơn, nhiều câu trả lời tôi như được trút được niềm bức xúc và giảng giải thêm cho họ, những người an ninh chỉ biết trung thành với chế độ.
- Anh đừng nên tham gia hoạt động cùng các tổ chức cá nhân chống phá Đảng và Nhà nước nữa.
- Các anh thần hồn nát thần tính, nhìn chỗ nào cũng thấy thù địch, nhìn chỗ nào cũng thấy phản động. Các anh cố tạo ra trong xã hội, mà ở đó người dân phải sợ các anh. Tôi nói thật chính các anh mới là người đang sợ…
An ninh Vũ đứng bật dậy :
- Việc gì chúng tôi phải sợ.
Tôi cười lớn và nói :
- Có thể các anh nghĩ rằng mình có súng và dùi cui nên không sợ. Tôi lấy ví dụ cho các anh nghe. Một đất nước loạn lạc mà trộm cắp luôn rình rập, dù có bảo vệ thế nào, tường cao hào sâu tên trộm vẫn đột nhập được, và ông chủ luôn là người sợ trộm. Còn đất nước an bình, ông chủ nhà có để cửa mở cũng không sợ gì.
- Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam vẫn phát triển tốt đấy chứ.
- Tốt ở chỗ nào, Đảng và Nhà nước đang bằng mọi giá làm kinh tế, nhưng vì cơ chế độc quyền, tham nhũng nên càng làm càng sa lầy. Chấp nhận tất cả các nhà thầu kém khả năng và đạo đức, các dự án tưởng là rẻ hóa ra đắt, vì kém chất lượng, kéo dài thời gian, và nhất là tàn phá môi trường, điển hình như Formosa các anh thấy rồi đấy. Đất đai nông nghiệp bị lấn lướt cho các công trường, nhiều nơi thành vùng đất trắng, tôi đồ rằng chỉ nay mai thôi con cháu chúng ta sẽ không có chổ mà ở. Những dòng sông bị bức tử, như sông Sài Gòn đây, hồi nào còn trong xanh chúng tôi còn bơi lội ở đó. Bây giờ thú thật có thò ngón chân xuống tôi cũng không dám.
Bấy giờ thì tôi đã chủ động nói ra ý nghĩ của mình, mà không lệ thuộc vào các câu hỏi của họ nữa.
Ngày thứ hai, an ninh yêu cầu tôi viết bản tường trình.
- Tất cả những gì các anh cần biết tôi đã nói đầy đủ từ hôm qua tới giờ, cần gì phải ghi lại nữa !
- Chúng tôi muốn tự anh viết lại những sự việc đó, đây là nguyên tắc.
Lời qua tiếng lại rồi tôi cũng phải viết bản tường trình theo như họ muốn.
Hồ sơ về tôi chắc họ đã nắm tường tận từ mạng lưới dày đặc của họ ở trong nước và hải ngoại. Chẳng là họ muốn dằn mặt tôi, và những người tự do, nên bầy trò bắt bớ thẩm cung như vậy. Để mọi người thấy đó làm sợ, hoặc chí ít cũng thấy phiền toái mà từ bỏ công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ.
Ngày thứ ba, hai viên anh ninh bắt tôi viết bản cam kết, không tham gia các tổ chức hoặc làm gì, chống phá nhà nước. Biết có chối cũng không được, cuối cùng rồi bản cam kết cũng được viết xong. Thay vì viết nguyên văn như họ mớm lời, tôi viết rằng, không tham gia các tổ chức hoặc làm gì tổn hại đến tổ quốc Việt Nam.
Không tranh cãi với an ninh, nhưng tôi nghĩ rằng, các tổ chức, cá nhân mà minh biết đều là những tổ chức hoạt động công khai, minh bạch và đấu tranh cho công lý, lẽ phải, tự do dân chủ ở Việt Nam. Chỉ là không nằm trong sự chi phối của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tôi yêu cầu họ photo lại cho tôi bản tường trình cùng bản cam kết của tôi, nhưng họ từ chối và nói đây là tài liệu nôi bộ.
Viên an ninh Vũ hỏi tôi :
- Thời gian trước mắt anh định làm gì ?
- Nếu ngắn thì tôi đi Tây Ninh thăm bà con họ hàng, nếu dài thì tôi đi Phan Rang, Đà Nẵng, dài nữa thì tôi ở nhà chăm sóc mẹ tôi.
- Khi nào anh định trở lại Tiệp ?
- Ơ hay ! Các anh dừng xuất cảnh của tôi, giờ lại hỏi vậy tôi làm sao biết được.
Viên an ninh tỏ vẻ quan tâm hỏi :
- Sự việc thế này có làm ảnh hưởng công việc của anh bên Séc không ?
- Công việc chưa làm thì nó còn đó, chứ có đi đâu.
- Gia đình anh bên đó thế nào ?
- Con gái lớn của tôi tốt nghiệp đại học đã đi làm, con trai nhỏ còn đi học phổ thông.
- Anh không phải đưa đón cháu đến trường à ?
- Nhà cách trường 6 km, nó tự đi xe buýt tới trường. Trẻ con bên đó tự lập lắm, xã hội lại an toàn, không lo tai nạn hay bắt cóc bán qua Trung Quốc như ở Việt Nam, nên chẳng lo gì cả.
Sẵn đang "bức xúc", tôi tuôn xối xả vào viên an ninh những bất cập của giáo dục Việt Nam. Câu chuyện chuyển qua nhiều đề tài, lĩnh vực nào tôi cũng nêu ra những sự thật phũ phàng của xã hội Việt Nam đương đại, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam. Ngay những sự thay đổi tiến bộ của Việt Nam mà Đảng cho là nhờ vào sự sáng suốt của mình, cũng là mạo nhận, sự đổi mới mà Đảng vẫn rêu rao chẳng qua là trả lại những giá trị ban đầu vốn có, tự do dân chủ của xã hội, mà Đảng đã kìm giữ.
Viên an ninh ngồi nghe chẳng tỏ ra đồng tình, cũng không tỏ ra phản đối, có lẽ sự việc buộc anh ta phải nghe tôi nói. Đến bây giờ tôi lại mong cho họ gọi làm việc nữa, để được tranh luận với họ, những công bộc của chế độ. Dẫu biết rằng sẽ chưa thay đổi được gì, nhưng tôi tin rằng họ cũng là những con người Việt Nam. Khi mọi người mạnh dạn nói lên những bức xúc chính đáng của mình, trước những bất công của xã hội, tất nhiên xã hội phải thay đổi.
- Chúng tôi sẽ gửi hồ sơ của anh lên lãnh đạo. Anh đừng đi chơi xa và giữ liên lạc với chúng tôi, có thể thứ hai tới lãnh đạo sẽ gặp anh.
Thế rồi thứ ba, tôi nhận được điện thoại từ an ninh Minh, rằng lãnh đạo bận họp, không gặp anh được. Đồng thời thông báo lệnh dừng xuất cảnh của tôi đã được gỡ bỏ.
- Anh cho biết khi nào tôi có thể gặp các anh để nhận quyết định đó ?
- Những việc nội bộ, thông báo thế là được rồi, anh cứ ra sân bay có việc gì thì liên lạc trực tiếp với tôi !
Chẳng lẽ lại chửi bậy, ĐM làm ăn như con c… Lúc dừng bay của người ta thì biên bản hẳn hoi, giờ thả người thì nói suông. Như vậy nhằm ý đồ gì ? Chắc chắn là muốn rũ bỏ trách nhiệm khi câu giữ tôi.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức dân chủ đối lập của Việt Nam nhưng không phải là kẻ thù của Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi xem mọi người Việt Nam đều là anh em.
Tôi ra phòng vé đặt vé, cô nhân viên hỏi. Chú có lệnh được xuất cảnh chưa ? Cháu hỏi là lo cho chú, sợ lấy vé rồi mà không được bay thì mất tiền oan.
Tôi bấm điện thoại liên lạc với Minh.
- Alô ! anh Minh à, tôi đang ở phòng vé, nhân viên họ hỏi tôi là có lệnh xuất cảnh chưa ?
- Anh cứ an tâm đặt ngày bay đi, sẽ chẳng có việc gì xảy ra đâu ! Chúng tôi muốn gặp anh một lần nữa.
- Tôi sẽ đặt ngày bay vào chủ nhật này, từ nay tới đó các anh muốn gặp tôi vào lúc nào ?
- Được rồi, tôi sẽ gặp anh ở sân bay vào ngày chủ nhật. Mấy giờ anh bay?
- 11g giờ đêm !
- Vậy thì 8g chiều ta gặp nhau !
Chiều chủ nhật, anh ta đến thật đúng giờ. Ngồi café trong sảnh đợi sân bay.
Minh nói với tôi, lãnh đạo gửi lời thăm hỏi và chúc anh đi may mắn.
Tôi hỏi lãnh đạo tên gì để còn cám ơn.
- Anh biết thế là được rồi.
- Tôi bị các anh dừng xuất cảnh, bây giờ chứng minh tôi không có tội gì, lỗi bị phạt do đổi vé bay không phải tôi gây ra, các anh định xử lý thế nào ?
Có vẻ như đã sẵn sàng câu trả lời, an ninh Minh không tỏ ra khẩn trương, chậm rãi nói :
- Thật ra anh cũng không hoàn toàn vô tội đâu !
Câu trả lời vừa có tinh thách đố vừa thể hiện bản chất cù nhầy của an ninh Việt Nam. Biết có tranh cãi với họ cũng vô ích, lối nào mình muốn bay thì cũng phải bỏ tiền túi ra, đừng mong gì bọn này làm theo lẽ phải. Có khiếu nại thì rồi mất công mất việc.
- Anh trở lại Séc nếu biết cá nhân hay tổ chức nào chống phá nhà nước thì liên hệ với chúng tôi.
- Nếu tổ chức, cá nhân nào chống phá Tổ quốc Việt Nam, thì tôi còn chống lại họ trước khi báo cho các anh.
Tôi trở lại Séc trong niềm tâm tư bộn rộn, đối với quê hương xứ sở của mình : Tổ quốc VIỆT NAM.
Nguyễn Tiến Nam
(4/9/2016)
Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ họp vào đầu năm 2021, từ nay đến cuối năm họ phải chuẩn bị xong hai công việc quan trọng là báo cáo chính trị, đề ra phương hướng cho 5 năm tới và sắp xếp công tác nhân sự đại hội. Về nhân sự thì chúng tôi đã phân tích trong bài trước, bài này sẽ nói về khả năng hành động của Đảng cộng sản Việt Nam (1).
Trước hết, cùng nhau điểm lại những tin tức nổi bật trong thời gian qua. Thịt lợn tăng giá kỷ lục trong mấy tháng liền, thủ tướng càng quyết liệt chỉ đạo thì giá càng tăng. Giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg lên 105.000 đồng/kg. Giải pháp "hay nhất" được hiến kế từ bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường là "heo đắt thì chuyển sang ăn thịt gà".
Tiền điện tăng vọt, khoảng 3 triệu hộ dân tiền điện tháng qua tăng gấp 3 lần (có trường hợp tăng đến… 200 lần) và lý do được nhà nước đưa ra là… do trời nóng. Quốc hội họp hôm 19/6 đã quyết định hoãn tăng lương cho cán bộ công chức dự trù bắt đầu từ 1/7/2020. Người Việt cần chuẩn bị tâm lý để đóng thêm tiền chống ngập, tiền phí thu rác tính bằng cân và sắp tới xe ôm, quán cóc cũng phải đóng thuế thu nhập. Những người vi phạm có thể bị cắt điện nước sinh hoạt.
Chuyện lớn hơn là việc sát nhập huyện, xã ở 43 tỉnh, thành phố để giảm chi cho ngân sách hơn 1.400 tỉ đồng. Hà Nội thất thu ngân sách trong mấy tháng Covid-19 lên đến 16.600 tỉ đồng vì thế Quốc hội đã cho phép Hà Nội tự đặt ra phí mới chưa có trong luật để tự tăng phí, thu phí "theo cách của mình". Đừng quên một sự kiện là ngay sau khi lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 được bãi bỏ thì có lệnh tổng kiểm tra các phương tiện giao thông trên toàn quốc trong 1 tháng, từ 15/5 đến 16/6. Chỉ sau 5 ngày (15/5-20/5) đã xử phạt 65.000 trường hợp và thu về 47 tỉ đồng cho ngân sách.
Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Phùng Hữu Phú cho biết, lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào "là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được" và cần tiếp tục nghiên cứu.
Làn sóng các công ty của Mỹ và Châu Âu rút khỏi Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á đã được dự báo từ lâu nhưng chính quyền Việt Nam đã không hề có sự chuẩn bị nào để đón nhận làn sóng dịch chuyển đó. Kết quả là 27 công ty Mỹ đã chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam. Một tuần sau đó, hôm 22/5 thủ tướng mới quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt đón sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài do phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng. Trước đó Ấn Độ đã trải thảm đỏ để chào mời 1.000 công ty của Mỹ đầu tư vào Ấn Độ.
Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị thì bài viết của ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, là đáng chú ý. Theo ông thì "quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa bao lâu, có mấy chặng đường" vẫn chưa ai biết và chưa làm được nhưng sẽ được nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới. Nhiệm vụ chính trong thời gian tới là "giữ vững nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và mục tiêu phát triển của đảng". Theo ông thì đã có ý kiến đòi bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin trong nội bộ đảng nhưng như thế là không thừa nhận sự lãnh đạo của đảng, là mất đảng và loạn 12 sứ quân…
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo thì cho biết "thế lực thù địch" đáng sợ nhất và khó đấu tranh nhất chính là các cán bộ, đảng viên thoái hóa, tự chuyển hóa, tự chuyển biến, trong đó có nhiều người giữ chức vụ cao. Những người "tự chuyển biến, tự chuyển hóa" nguy hiểm đến đâu thì chưa thấy nhưng những đảng viên thoái hóa thì đã quá rõ. Họ lợi dụng chức quyền, để vơ vét cho bản thân và đồng đảng bất chấp quyền lợi người dân. Chính những người này sẽ phá nát và làm sụp đổ chế độ chứ không phải ai khác. Họ rất đông và cấu kết với nhau chặt chẽ nên không ai làm gì được họ.
Như vậy chúng ta có thể thấy được là Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. Họ không có bất cứ giải pháp nào cho đất nước và nếu có thì cũng không thể nào thực hiện được. Chỉ mỗi chuyện phân phát tiền cứu trợ cho những người gặp khó khăn vì Covid-19 mà họ cũng không thể làm được khi tiền đó chạy hết vào nhà quan. Những gì xảy ra ở Thanh Hóa là một ví dụ.
Một "trật tự dân chủ mới" đang được hình thành, đó là một thế giới dân chủ hơn, nhân văn hơn, các quyền con người sẽ được nâng lên cao hơn. Các cuộc biểu tình trên khắp thế giới sau cái chết của anh da đen người Mỹ Geogre Floyd buộc các nước dân chủ phải thay đổi và xét lại mô hình xã hội để ngăn chặn sự kỳ thị, giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và đòi công bằng xã hội nhiều hơn. Dân chủ sẽ tiến một bước tiến lớn, không chỉ thực thi những "quyền không bị", là những quyền căn bản tối thiểu như :
"Không bị xâm phạm tới cơ thể, gia đình, tài sản ; không bị cấm đoán phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin ; không bị cấm cản thành lập và tham gia các tổ chức, ứng cử và bầu cử, v.v. Những quyền này qui định một không gian cá nhân mà nhà nước hay bất cứ ai không thể xâm phạm. Đó là những quyền tự do căn bản" (2).
Mà sẽ phải thực thi cả những "quyền được có" :
"Những quyền được có là những gì cá nhân có thể đòi hỏi ở cộng đồng, đặc biệt là nhà nước, thí dụ như quyền được có một lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở ; được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v." (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên ngôn Nhân quyền phổ cập).
"Trật tự dân chủ mới" đó không có chỗ cho những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… Thế giới sẽ rút đi và chỉ duy trì một quan hệ ở mức tối thiểu với Trung Quốc cho đến khi họ phải dân chủ hóa. Tuy nhiên có thể thấy được là Trung Quốc, dù không còn thích hợp với mô hình cũ nhưng lại không có ý định dân chủ hóa vì thế tan vỡ là điều không thể tránh khỏi.
Trí tuệ của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thật sự có vấn đề... Ảnh minh họa phát biểu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy quyết định "bỏ Tàu theo Mỹ" nhưng họ vẫn tiếp tục từ chối dân chủ. Bỏ Tàu vì Tàu không còn là chỗ dựa cho họ. Theo Mỹ chỉ để lợi dụng và kiếm tiền từ Mỹ chứ họ không hề có ý định chuyển hóa về dân chủ. Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc, bơ vơ, lạc lõng, không biết đi đâu về đâu trong một thế giới đầy biến động. Họ không biết tương lai thế giới sẽ ra sao vì thế họ không thể có được một giải pháp nào phù hợp với tình thế mặc dù kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngoại thương.
Các công ty Mỹ đã chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam là một cảnh báo nghiêm trọng. Dù Việt Nam có ưu thế hơn về cơ sở hạ tầng (Indonesia là một quốc đảo), công nhân rẻ, chính sách ưu đãi, được chính phủ Mỹ khuyến khích… Nhưng rồi các công ty Mỹ vẫn không chọn Việt Nam. Lý do duy nhất : Thể chế chính trị Việt Nam bất ổn. Nên biết, các công ty lớn trên thế giới đều có bộ phận nghiên cứu chính trị riêng, họ không có niềm tin vào chính quyền Việt Nam, họ không hiểu Việt Nam sẽ chọn mô hình phát triển nào ? Dân chủ không ra dân chủ, độc tài cũng không ra độc tài. Họ không biết tương lai Việt Nam sẽ ra sao. Hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, thậm chí đảo chính và biết đâu lại quay về với Trung Quốc… khi đó họ phải chuyển cơ sở và nhà máy một lần nữa ? Tất nhiên là không.
Bế tắc hoàn toàn nên Đảng cộng sản chỉ còn cách gia tăng đàn áp. Cách đây hai ngày (24/06/2020) chính quyền đã bắt giữ 6 công dân là Vũ Tiến Chi (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Cẩm Thúy (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Tâm và ba mẹ con dân oan nổi tiếng là bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư (Dương Nội). Bà Thêu đã hai lần đi tù vì kiên quyết giữ đất. Phương, Tư nhiều lần bị công an giả danh côn đồ tấn công, cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ thường xuyên bị công an gây rối và cản trở. Họ là những người nông dân hiền lành, chăm chỉ. Chỗ của họ là trên đồng ruộng chứ không phải trong nhà tù. Chính đảng cộng sản đã triệt đường sống của họ và biến họ thành những nạn nhân đau khổ. Chúng tôi lên án hành động khủng bố đối với những người vừa bị bắt giữ.
Chỗ đứng của 6 công dân vừa bị bắt vì đưa tin về vụ Đồng Tâm là trên đồng ruộng chứ không phải trong nhà tù. Chính đảng cộng sản đã triệt đường sống của họ và biến họ thành những nạn nhân đau khổ.
Trong giai đoạn sôi động và nhiều biến chuyển dồn dập như vậy thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là ai và họ có đủ trí tuệ để dẫn đường cho dân tộc vượt qua thử thách hay không ? Thật sự là dù đã quá hiểu họ nhưng chúng ta vẫn không khỏi bị choáng váng và ngỡ ngàng về kiến thức của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã có những phát ngôn để đời như : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Ông nói (một cách rất thành thật) rằng các đại biểu quốc hội đừng tưởng vào Quốc hội thì muốn nói gì thì nói mà phải tuân theo chủ trương đường lối của đảng. Ông Nguyễn Xuân Phúc còn gáy thêm : "Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam". Ông Vũ Đức Đam vui vẻ cho biết : "Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước"… Họ không hề nhớ gì đến cái chết đau lòng của 39 người Việt khi nhập cảnh lậu vào Anh cách đây chưa lâu.
Những con người đó, với trí tuệ đó có thể là một giải pháp cho dân tộc Việt Nam không ? Chắc chắn là không. Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi và họ cũng không có bất cứ dự án nào cho đất nước, mong muốn của họ chỉ là kéo dài chế độ được ngày nào hay ngày đấy. Đã đến lúc trí thức và người dân Việt Nam cần ủng hộ cho một giải pháp mới, một lực lượng chính trị mới, một kết hợp mới để thay thế Đảng cộng sản.
Việt Hoàng
(26/06/2020)
(1) Việt Hoàng, "Bế tắc nhân sự Đại hội 13", thongluan-rdp.org, 05/05/2020
(2) Nguyễn Gia Kiểng, "Quyền con người", thongluan.blog, 23/01/2016
Việt Nam cho bắt thêm người với cáo buộc hoạt động lật đổ (RFA, 06/10/2017)
Ông Đào Quang Thực, một facebooker và là giáo viên tiểu học về hưu, bị Công an Tỉnh Hòa Bình bắt khẩn cấp vào tối ngày 5 tháng 10 với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Đào Quang Thực, facebooker - giáo viên tiểu học về hưu. Facebook của ông Đào Quang Thực
Con gái của người bị bắt, cô Đào Ngọc Bích Quỳnh Trang, một ngày sau khi người cha bị bắt, cho Đài Á Châu Tự Do biết là lực lượng công an phong tỏa khu vực nhà của ông Đào Quang Thực tại xóm Trúc Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ; khi tiến hành biện pháp bắt khẩn cấp như vừa nêu.
Vào ngày 6 tháng 10, người thân của ông Đào Quang Thực cũng bị công an mời đến để thẩm vấn. Con gái ông Đào Quang Thực kể lại rằng cơ quan công an hỏi cô xoay quanh tài khoản Facebook có tên Đào Quang Thực.
Tuy nhiên cô này nói không biết gì nhiều về trang facebook đó.
Ông Đào Quang Thực sinh năm 1960. Ông từng là giáo viên tiểu học suốt 30 năm và hiện đã nghỉ hưu.
Thông báo của Cơ quan An Ninh Điều Tra thuộc Công an tỉnh Hòa Bình gửi cho vợ ông Đào Quang Thực ghi ông bị tạm giữ tại Trại giam Công an Tỉnh Hòa Bình.
Như vậy ông Đào Quang Thực là người bị bắt mới nhất tại Việt Nam. Người bị bắt trước ông Đào Quang Thực gần nhất là cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng. Anh này bị bắt gần giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào ngày 27 tháng 9 vừa qua. Cáo buộc đối với anh này là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, gần 20 nhà hoạt động, cựu tù chính trị tại Việt Nam bị cơ quan chức năng bắt giữ.
****************
JICA Nhật gửi tối hậu thư cho Hải Phòng (RFA, 06/10/2017)
Thành phố Hải Phòng phải tự trả các khoản thanh toán cho Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn nếu dự án vẫn chậm tiến độ.
Rác và chất thải tràn ngập trên kênh (minh họa) - RFA
Đó là nội dung trong tối hậu thư do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) gửi cho UBND TP Hải Phòng vào tháng 9 vừa qua.
Trong thư, JICA yêu cầu thành phố Hải Phòng cần đẩy nhanh tiến độ sớm nhất có thể và nhấn mạnh bất kỳ sự chậm trễ nào so với kế hoạch ban đầu đều không được chấp nhận.
Theo tin tức cho biết, dự án vừa nêu là dự án trọng điểm của Hải Phòng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản với tổng mức đầu tư 5.513 tỷ đồng.
Tin cho biết theo kế hoạch năm nay, nhu cầu vốn ODA thực tế của dự án là hơn 1400 tỷ đồng ; thế nhưng chỉ được giao 680 tỷ đồng. Khoản vốn đối ứng do thành phố Hải Phòng bố trí trên thực tế là gần 566 tỷ đồng nhưng mới được giao hơn 200 tỷ đồng.
Hải Phòng cho biết còn thiếu hơn 360 tỷ đồng đối ứng cho dự án. Trong số này có hơn 100 tỷ từ nguồn ngân sách và 100 tỷ vốn trái phiếu địa phương ; thế nhưng chưa được giải ngân.
******************
Nghịch lý trong thuyên chuyển cán bộ bị kỷ luật vụ Formosa ? (RFA, 06/10/2017)
Tin về một cán bộ bị cách chức vì liên quan thảm họa môi trường Formosa lại được bổ nhiệm làm Phó Đoàn Kiểm tra Formosa lại gây chú ý dư luận trong những ngày qua. Hòa Ái ghi nhận trong phần sau.
Ông Lương Duy Hanh Báo điện tử chính phủ
Nhân vật được truyền thông trong nước loan tin là ông Lương Duy Hanh, người từng giữ chức Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị Bộ Tài Nguyên-Môi Trường kỷ luật cách chức hồi tháng 6 năm 2017. Lý do bị cách chức vì thiếu trách nhiệm khi làm Trưởng Đoàn thanh tra dự án Formosa. Thế nhưng trong tháng 7 ông Lương Duy Hanh được Tổng cục Môi trường bổ nhiệm làm Phó Đoàn thanh tra kiểm tra hệ thống xử lý môi trường tại nhà máy Formosa.
Một người dân tại Hà Tĩnh nói với RFA rằng dân chúng địa phương rất phẫn nộ khi nghe được thông tin vừa nêu :
"Dân rất phẫn nộ bởi vì người lãnh đạo không làm tròn trách nhiệm của mình đã gây thảm họa không chỉ thiệt hại đến tài sản mà còn thiệt hại đến sức khỏe đời sống lâu dài của con người. Cho nên sau khi biết tin ông ta trở lại trong đoàn thanh tra thì chúng tôi hoàn toàn không đồng ý, rất phẫn nộ. Những người đó không đủ khả năng và xét về mặt đạo đức thì càng không được nữa. Tốt nhất là không để những người như vậy tham gia vào các việc liên quan đến sức khỏe đời sống của con người".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không chỉ người dân là nạn nhân của thảm họa Formosa phẫn nộ đối với việc thuyên chuyển công tác của hai giới chức chính quyền liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây nên là ông Võ Kim Cự và ông Lương Duy Hanh, mà dư luận trong nước bày tỏ sự bức xúc, thậm chí có nhiều người cho rằng rất căm phẫn khi Chính phủ thách thức niềm tin của dân chúng trong xử lý hậu quả của thảm họa Formosa cũng như điều hành đất nước.
Chúng tôi nêu vấn đề với nguyên Đại Biểu Quốc Hội, ông Lê Văn Cuông và được cho biết theo thiển ý của ông thì Chính phủ cần lắng nghe phản ứng của dân chúng liên quan việc bổ nhiệm nhân sự này. Ông Lê Văn Cuông chia sẻ :
"Đối với trường hợp này có nhiều người đả kích vì ông này được cho là chuyên gia chuyên sâu trong lãnh vực liên quan đến Formosa nên được cơ cấu vào giúp cho đoàn thanh tra về chuyên môn. Đây là lý lẽ của những người bố trí, nhưng làm như thế gây nên sự phản cảm. Chúng tôi thấy vấn đề này cần phải nghiên cứu để làm thế nào đó tránh những lời dị nghị là ảnh hưởng đến kết quả thanh tra không được khách quan.
Đây là một vấn đề cũng cần phải rút kinh nghiệm để khắc phục tình trạng đã vi phạm trong một thời gian ngắn lại được tiếp tục sử dụng làm cho người dân mất tin tưởng".
Ông Lê Văn Cuông cũng nhấn mạnh đây là một trong số những trường hợp cá biệt bởi vì Chính phủ trong những năm gần đây đã cố gắng hạn chế tình trạng cán bộ có sai phạm và bị kỷ luật mà vẫn giữ nguyên chức vụ hay được thuyên chuyển công tác thậm chí ở những vị trí cao hơn. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo và Nhà nước đang nỗ lực thực hiện chấn chỉnh bộ máy và phẩm chất của cán bộ, các trường hợp xử lý nhẹ hay "giơ cao đánh khẽ" được giải quyết một cách nghiêm túc.
Mặc dù vài vị Đại Biểu Quốc Hội chúng tôi tiếp xúc có đồng quan điểm với ông Lê Văn Cuông, tuy nhiên dư luận cho rằng qua việc bổ nhiệm mới nhất đối với hai cán bộ liên quan trong thảm họa Formosa đã phá tan những kết quả đạt được trong chủ trương chấn chỉnh bộ máy chính quyền của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều người lên tiếng việc bổ nhiệm này chẳng khác nào là gáo nước lạnh dội vào cái "lò lửa" chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà người đứng đầu Đảng lãnh đạo từng tuyên bố "Lò nóng lên rồi, củi tươi vào cũng phải cháy".
Một số người dân từ Bắc đến Nam nói với RFA nếu Chính quyền Việt Nam không thực tâm giải quyết hậu quả Formosa một cách triệt để cũng như tiếp tục bắt bớ những tiếng nói bảo vệ môi trường như Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì lời hô hào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước là vô giá trị.
Hòa Ái, phóng viên RFA
***************
Người dân tại ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết chính quyền địa phương đòi cưỡng chế đất của dân trong khi chính quyền đã làm sai quy trình và không thực hiện đúng cam kết. Phóng viên RFA tìm hiểu sự việc qua những người trong cuộc.
Người dân giăng băng rôn đòi chính quyền xử lý vụ việc. RFA
Họ là người dân sinh sống lâu đời tại địa phương và đất của họ được cấp phép sử dụng hợp pháp. Nhưng kể từ khi các dự án khu công nghiệp Hố Nai bắt đầu triển khai, chính quyền địa phương đưa ra các phương án giải tỏa và đền bù với hứa hẹn tái định cư tại chỗ cho dân. Tuy nhiên, sau khi dân tin cam kết của chính quyền và nhận tiền bồi thường thì họ bị đứa đến một nơi thật xa, không như thỏa thuận.
Bà Lan, một người sỡ hữu đất ở khu vực này cho biết :
"Tôi sinh sống ở đây từ năm 1970, đất cát là do bố mẹ tôi để lại. Đến năm 2001 thì ba cấp chính quyền ở đây họ thông báo đất ở đây có quy hoạch theo quyết định 450. Đến năm 2003 thì gọi chúng tôi nhận tiền. Thì chúng tôi đi nhận tiền rồi. Khi nhận tiền người ta nói là tại đây, từ cái ngã tư đó tới đây là 5 hecta này làm đất tái định cư cho bà con ở đây, là không phải đi đâu xa, tái định cư tại chỗ. Sau khi nhận tiền xong, thì họ đưa tiền nhà trọ một tháng 6 trăm. Hết 6 tháng tôi chẳng thấy đất tái định cư đâu cả. Sau đó cứ tiếp tục nói dối chúng tôi là 6 tháng nữa có. Tái định cư ngay nhà quý vị. Họ đưa đầy đủ sơ đồ vườn cây xanh, dãy nhà liền kề. Chúng tôi chờ đợi mãi tới năm 2009 là các cấp chính quyền đây lại thông báo với tôi đi nhận tái định cư ở vị trí khác, ở ấp Bắc Hòa".
Bị thất hứa, người dân đi khiếu kiện và phát hiện ra nhiều uẩn khúc trong quy hoạch.
"Nói chung khu này, ba cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn luôn nói với chúng tôi rằng các ông các bà quy hoạch theo quyết định 450 của thủ tướng chính phủ. Là 229 mẫu, nhưng thực sự theo tôi tìm hiểu khiếu kiện trong 17 năm. Thì tôi tìm được một cái văn bản tại văn thư lưu trữ tỉnh Đồng Nai, khu công nghiệp Hố Nai giai đoạn 1 chỉ có 100 hecta. So với quyết định ban đầu thì nó chệnh nhau 129 hecta rồi.
Tôi cứ đi khiếu kiện hoài, cứ lên sở Tài Nguyên Môi Trường, Tỉnh Đồng Nai rồi đi các nơi các sở. Đơn khiếu kiện của tôi tính ra cũng mấy kí lô rồi. Cứ hỏi đi tìm hiểu quyết đinh thu hồi đất, đi tìm hiểu bản đồ quyết định 450, sau này lòi ra quyết định 278 chỉ có 191 mẫu thành lập khu công nghiệp.
Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom có văn bản tiếp xúc cử tri là văn bản 1684 trong văn bản có một đoạn trích như thế này. Phần đất 39 mẫu này không phải đất Phú Sơn, phần đó chúng tôi cho một số công ty làm xe máy, công ty gì đó thuê trước rồi".
Chính quyền trả lời rằng 39 hecta này đã được cho các công ty thuê từ lâu, và bây giờ ép buộc người dân nhận bồi thường và chuyển đến nơi khác sống. Cụ thể trong văn bản số 9781 này, có ghi rõ : ‘nền đất tái định cư tại xã Bình Minh, huyện Trảng Bom’. Không phải là tái định cư tại chỗ.
Một người dân cũng có đất đai bị nằm trong diện giải tỏa cho biết thêm thông tin về vụ việc này.
"Khi người dân đòi quyết định thu hồi cho cá nhân mỗi một hộ thì không có. Rồi họ trích ra cái điều, một cái văn bản của 306 của bộ Tài Nguyên Môi Trường là có văn bản hướng dẫn luật năm 93 là khi nhà nước thu hồi đất sẽ không có quyết định thu hồi cho từng cá nhân, hộ gia đình. Nhưng phải có cái thu hồi của tỉnh là quyết định thu hồi tổng thể. Nhưng hiện tại bây giờ chính quyền không đưa ra được cái quyết định tổng thể của tỉnh. 278 là quyết định thành lập khu công nghiệp, với diện tích bằng đó. Sau đó là quyết định 450 cho thuê đất".
Dù không đưa ra được quyết định thu hồi đất như thắc mắc của người dân ; chính quyền lại khiến dân thêm bức xúc khi bàn hành một số văn bản phạt cảnh cáo những hộ dân không chịu giao đất.
"Tới năm 2005 thì đưa ra một quyết định cảnh cáo phạt cảnh cáo về hành vi không chấp hành quyết định thu hồi đất để giao đất cho nhà đầu tư và dân kiện lại, thì chủ tịch UBND huyện lại rút lại quyết định cảnh cáo đó. Không hiểu tại sao chính quyền đưa ra quyết định cho 9 hộ, quyết định ký ngày 11 tháng 9 năm 2017 mà tới ngày 18 tháng 9 dân mới được nhận là quyết định cưỡng chế 9 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Chứ không phải tôi đã nhận tiền, tôi ký vào văn bản bàn giao đất mà tôi không giao đất mà cưỡng chế tôi. Đúng ra trình tự thủ tục anh phải có quyết định thu hồi đất. Ở đây không có. Ụp một cái quyết định cưỡng chế. Dân đối thoại lần cuối rồi ngay chiều hôm nay thông báo là tạm ngưng cưỡng chế chờ văn bản chờ văn phòng tỉnh ra thông báo hoặc chỉ đạo mới. Tôi nghĩ đó là một hình thức rất khủng bố tinh thần".
Vụ việc tại ấp Phú Sơn như vừa nêu cũng tương tự vô số trường hợp khác tại các địa phương trên cả nước. Tình trạng người dân bị chính quyền địa phương thu hồi đất một cách bất minh để giao cho doanh nghiệp và hưởng lợi gây phẩn nộ trong dân chúng ; buộc họ phải khiếu kiện đến tận các cơ quan trung ương.