Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ họp vào đầu năm 2021, từ nay đến cuối năm họ phải chuẩn bị xong hai công việc quan trọng là báo cáo chính trị, đề ra phương hướng cho 5 năm tới và sắp xếp công tác nhân sự đại hội. Về nhân sự thì chúng tôi đã phân tích trong bài trước, bài này sẽ nói về khả năng hành động của Đảng cộng sản Việt Nam (1).
Trước hết, cùng nhau điểm lại những tin tức nổi bật trong thời gian qua. Thịt lợn tăng giá kỷ lục trong mấy tháng liền, thủ tướng càng quyết liệt chỉ đạo thì giá càng tăng. Giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg lên 105.000 đồng/kg. Giải pháp "hay nhất" được hiến kế từ bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường là "heo đắt thì chuyển sang ăn thịt gà".
Tiền điện tăng vọt, khoảng 3 triệu hộ dân tiền điện tháng qua tăng gấp 3 lần (có trường hợp tăng đến… 200 lần) và lý do được nhà nước đưa ra là… do trời nóng. Quốc hội họp hôm 19/6 đã quyết định hoãn tăng lương cho cán bộ công chức dự trù bắt đầu từ 1/7/2020. Người Việt cần chuẩn bị tâm lý để đóng thêm tiền chống ngập, tiền phí thu rác tính bằng cân và sắp tới xe ôm, quán cóc cũng phải đóng thuế thu nhập. Những người vi phạm có thể bị cắt điện nước sinh hoạt.
Chuyện lớn hơn là việc sát nhập huyện, xã ở 43 tỉnh, thành phố để giảm chi cho ngân sách hơn 1.400 tỉ đồng. Hà Nội thất thu ngân sách trong mấy tháng Covid-19 lên đến 16.600 tỉ đồng vì thế Quốc hội đã cho phép Hà Nội tự đặt ra phí mới chưa có trong luật để tự tăng phí, thu phí "theo cách của mình". Đừng quên một sự kiện là ngay sau khi lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19 được bãi bỏ thì có lệnh tổng kiểm tra các phương tiện giao thông trên toàn quốc trong 1 tháng, từ 15/5 đến 16/6. Chỉ sau 5 ngày (15/5-20/5) đã xử phạt 65.000 trường hợp và thu về 47 tỉ đồng cho ngân sách.
Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương Phùng Hữu Phú cho biết, lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào "là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được" và cần tiếp tục nghiên cứu.
Làn sóng các công ty của Mỹ và Châu Âu rút khỏi Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á đã được dự báo từ lâu nhưng chính quyền Việt Nam đã không hề có sự chuẩn bị nào để đón nhận làn sóng dịch chuyển đó. Kết quả là 27 công ty Mỹ đã chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam. Một tuần sau đó, hôm 22/5 thủ tướng mới quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt đón sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài do phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm tổ trưởng. Trước đó Ấn Độ đã trải thảm đỏ để chào mời 1.000 công ty của Mỹ đầu tư vào Ấn Độ.
Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị thì bài viết của ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, là đáng chú ý. Theo ông thì "quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa bao lâu, có mấy chặng đường" vẫn chưa ai biết và chưa làm được nhưng sẽ được nghiên cứu, làm rõ trong thời gian tới. Nhiệm vụ chính trong thời gian tới là "giữ vững nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và mục tiêu phát triển của đảng". Theo ông thì đã có ý kiến đòi bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin trong nội bộ đảng nhưng như thế là không thừa nhận sự lãnh đạo của đảng, là mất đảng và loạn 12 sứ quân…
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo thì cho biết "thế lực thù địch" đáng sợ nhất và khó đấu tranh nhất chính là các cán bộ, đảng viên thoái hóa, tự chuyển hóa, tự chuyển biến, trong đó có nhiều người giữ chức vụ cao. Những người "tự chuyển biến, tự chuyển hóa" nguy hiểm đến đâu thì chưa thấy nhưng những đảng viên thoái hóa thì đã quá rõ. Họ lợi dụng chức quyền, để vơ vét cho bản thân và đồng đảng bất chấp quyền lợi người dân. Chính những người này sẽ phá nát và làm sụp đổ chế độ chứ không phải ai khác. Họ rất đông và cấu kết với nhau chặt chẽ nên không ai làm gì được họ.
Như vậy chúng ta có thể thấy được là Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. Họ không có bất cứ giải pháp nào cho đất nước và nếu có thì cũng không thể nào thực hiện được. Chỉ mỗi chuyện phân phát tiền cứu trợ cho những người gặp khó khăn vì Covid-19 mà họ cũng không thể làm được khi tiền đó chạy hết vào nhà quan. Những gì xảy ra ở Thanh Hóa là một ví dụ.
Một "trật tự dân chủ mới" đang được hình thành, đó là một thế giới dân chủ hơn, nhân văn hơn, các quyền con người sẽ được nâng lên cao hơn. Các cuộc biểu tình trên khắp thế giới sau cái chết của anh da đen người Mỹ Geogre Floyd buộc các nước dân chủ phải thay đổi và xét lại mô hình xã hội để ngăn chặn sự kỳ thị, giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và đòi công bằng xã hội nhiều hơn. Dân chủ sẽ tiến một bước tiến lớn, không chỉ thực thi những "quyền không bị", là những quyền căn bản tối thiểu như :
"Không bị xâm phạm tới cơ thể, gia đình, tài sản ; không bị cấm đoán phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin ; không bị cấm cản thành lập và tham gia các tổ chức, ứng cử và bầu cử, v.v. Những quyền này qui định một không gian cá nhân mà nhà nước hay bất cứ ai không thể xâm phạm. Đó là những quyền tự do căn bản" (2).
Mà sẽ phải thực thi cả những "quyền được có" :
"Những quyền được có là những gì cá nhân có thể đòi hỏi ở cộng đồng, đặc biệt là nhà nước, thí dụ như quyền được có một lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở ; được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v." (những điều 23, 24, 25 và 26 của Tuyên ngôn Nhân quyền phổ cập).
"Trật tự dân chủ mới" đó không có chỗ cho những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Việt Nam… Thế giới sẽ rút đi và chỉ duy trì một quan hệ ở mức tối thiểu với Trung Quốc cho đến khi họ phải dân chủ hóa. Tuy nhiên có thể thấy được là Trung Quốc, dù không còn thích hợp với mô hình cũ nhưng lại không có ý định dân chủ hóa vì thế tan vỡ là điều không thể tránh khỏi.
Trí tuệ của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thật sự có vấn đề... Ảnh minh họa phát biểu của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Đảng cộng sản Việt Nam đã lấy quyết định "bỏ Tàu theo Mỹ" nhưng họ vẫn tiếp tục từ chối dân chủ. Bỏ Tàu vì Tàu không còn là chỗ dựa cho họ. Theo Mỹ chỉ để lợi dụng và kiếm tiền từ Mỹ chứ họ không hề có ý định chuyển hóa về dân chủ. Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc, bơ vơ, lạc lõng, không biết đi đâu về đâu trong một thế giới đầy biến động. Họ không biết tương lai thế giới sẽ ra sao vì thế họ không thể có được một giải pháp nào phù hợp với tình thế mặc dù kinh tế Việt Nam phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngoại thương.
Các công ty Mỹ đã chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam là một cảnh báo nghiêm trọng. Dù Việt Nam có ưu thế hơn về cơ sở hạ tầng (Indonesia là một quốc đảo), công nhân rẻ, chính sách ưu đãi, được chính phủ Mỹ khuyến khích… Nhưng rồi các công ty Mỹ vẫn không chọn Việt Nam. Lý do duy nhất : Thể chế chính trị Việt Nam bất ổn. Nên biết, các công ty lớn trên thế giới đều có bộ phận nghiên cứu chính trị riêng, họ không có niềm tin vào chính quyền Việt Nam, họ không hiểu Việt Nam sẽ chọn mô hình phát triển nào ? Dân chủ không ra dân chủ, độc tài cũng không ra độc tài. Họ không biết tương lai Việt Nam sẽ ra sao. Hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, thậm chí đảo chính và biết đâu lại quay về với Trung Quốc… khi đó họ phải chuyển cơ sở và nhà máy một lần nữa ? Tất nhiên là không.
Bế tắc hoàn toàn nên Đảng cộng sản chỉ còn cách gia tăng đàn áp. Cách đây hai ngày (24/06/2020) chính quyền đã bắt giữ 6 công dân là Vũ Tiến Chi (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Cẩm Thúy (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Tâm và ba mẹ con dân oan nổi tiếng là bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư (Dương Nội). Bà Thêu đã hai lần đi tù vì kiên quyết giữ đất. Phương, Tư nhiều lần bị công an giả danh côn đồ tấn công, cuộc sống mưu sinh hàng ngày của họ thường xuyên bị công an gây rối và cản trở. Họ là những người nông dân hiền lành, chăm chỉ. Chỗ của họ là trên đồng ruộng chứ không phải trong nhà tù. Chính đảng cộng sản đã triệt đường sống của họ và biến họ thành những nạn nhân đau khổ. Chúng tôi lên án hành động khủng bố đối với những người vừa bị bắt giữ.
Chỗ đứng của 6 công dân vừa bị bắt vì đưa tin về vụ Đồng Tâm là trên đồng ruộng chứ không phải trong nhà tù. Chính đảng cộng sản đã triệt đường sống của họ và biến họ thành những nạn nhân đau khổ.
Trong giai đoạn sôi động và nhiều biến chuyển dồn dập như vậy thì ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là ai và họ có đủ trí tuệ để dẫn đường cho dân tộc vượt qua thử thách hay không ? Thật sự là dù đã quá hiểu họ nhưng chúng ta vẫn không khỏi bị choáng váng và ngỡ ngàng về kiến thức của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã có những phát ngôn để đời như : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Ông nói (một cách rất thành thật) rằng các đại biểu quốc hội đừng tưởng vào Quốc hội thì muốn nói gì thì nói mà phải tuân theo chủ trương đường lối của đảng. Ông Nguyễn Xuân Phúc còn gáy thêm : "Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam". Ông Vũ Đức Đam vui vẻ cho biết : "Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước"… Họ không hề nhớ gì đến cái chết đau lòng của 39 người Việt khi nhập cảnh lậu vào Anh cách đây chưa lâu.
Những con người đó, với trí tuệ đó có thể là một giải pháp cho dân tộc Việt Nam không ? Chắc chắn là không. Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi và họ cũng không có bất cứ dự án nào cho đất nước, mong muốn của họ chỉ là kéo dài chế độ được ngày nào hay ngày đấy. Đã đến lúc trí thức và người dân Việt Nam cần ủng hộ cho một giải pháp mới, một lực lượng chính trị mới, một kết hợp mới để thay thế Đảng cộng sản.
Việt Hoàng
(26/06/2020)
(1) Việt Hoàng, "Bế tắc nhân sự Đại hội 13", thongluan-rdp.org, 05/05/2020
(2) Nguyễn Gia Kiểng, "Quyền con người", thongluan.blog, 23/01/2016