Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/10/2017

Chỉ có ở Việt Nam : ngân hàng là sòng bạc, lời ăn lỗ chịu

TTVN

Phải cho phá sản ngân hàng để trị căn bệnh ham lãi suất của người gửi ? (Tin Tức Việt Nam, 28/10/2017)

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, ngân hàng phá sản là cách tốt nhất để người gửi tiền thức tỉnh giấc mơ làm giàu trên lãi suất huy động, đảm bảo yếu tố thị trường của ngành tài chính.

bank1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trình bày về dự thảo sửa Luật Các tổ chức tín dụng - Ảnh chụp màn hình

Tại phiên thảo luận về sửa Luật Các tổ chức tín dụng nhiều Đại biểu quốc hội băn khoăn về quyền lợi người gửi tiền trong phương án phá sản ngân hàng. Khi không làm rõ vấn đề này có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan truyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. 

Trước băn khoăn của nhiều Đại biểu quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc). 

Trước quan điểm của cơ quan soạn thảo sửa Luật Các tổ chức tín dụng, trao đổi với phóng viên Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, nếu không cho phá sản ngân hàng sẽ không giải quyết dứt điểm được ung nhọt của ngành tài chính.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành dẫn giải, Luật Các tổ chức tín dụng không có quy định nào cấm ngân hàng phá sản nhưng Chính phủ không muốn cho ngân hàng phá sản. Vấn đề đặt ra ở đây, ngân hàng cũng như doanh nghiệp khi làm ăn thua lỗ không còn đủ điều kiện hoạt động của một tổ chức tín dụng tại sao lại không cho phá sản, quyết định không cho phá sản ngân hàng là thiếu cơ sở luật pháp.

"Không cho ngân hàng phá sản vì lo ảnh hưởng quyền lợi người gửi tiền là không thỏa đáng. Bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng khi ngân hàng phá sản người gửi tiền lúc đó sẽ hưởng bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng/ tài khoản. Luật pháp rất rõ ràng nhưng không áp dụng.

Tại sao không áp dụng vì Chính phủ lo ngại một ngân hàng phá sản sẽ gây hiệu ứng dây truyền người gửi tiền sẽ rút tiền ra, làm đổ vỡ hệ thống, từ một ngân hàng phá sản sẽ kéo theo đổ vỡ của nhiều ngân hàng,… Nhưng đây chỉ là suy nghĩ của một vài người", ông Thành nói.

bank2

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần thí điểm cho phá sản ngân hàng để người dân thận trọng trong việc gửi tiền tiến kiệm vào ngân hàng - Ảnh H.Lực

Theo ông Thành chính vì không muốn cho ngân hàng phá sản nên khi thảo luận tại kỳ họp lần này vấn đề tăng bảo hiểm tiền gửi được nhiều Đại biểu quốc hội quan tâm.

"Tuy nhiên chúng ta phải hiểu xét về luật pháp tất cả công dân Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật và pháp luật áp dụng cho mọi người. Khi anh đem tiền gửi ngân hàng anh phải biết được nếu ngân hàng đó phá sản anh chỉ nhận được bảo hiểm tiền gửi là 75 triệu đồng ngoài ra anh sẽ mất trắng.

Từ đó anh mới lựa ngân hàng mà gửi nhưng mình lại không cho ngân hàng phá sản qua đó tạo điều kiện cho người dân ung dung với suy nghĩ không bị mất tiền, từ đó tạo ra tình trạng ham tiền lãi, chỗ này hơn chỗ kia 0,5%, 1% là nhao đến không cần biết ngân hàng đó ra sao.

Nếu không ham lãi suất lớn mà đưa tiền vào ngân hàng lớn, ngân hàng uy tín để gửi thì làm gì có rủi ro phá sản. Chính việc không cho ngân hàng phá sản khiến người gửi tiền ỷ lại và không thức tỉnh", ông Thành chỉ rõ.

Trở lại vấn đề nâng bảo hiểm tiền gửi để người gửi tiền không chịu thiệt khi ngân hàng phá sản, ông Bùi Kiến Thành thẳng thắn cho rằng, nếu tăng bảo hiểm tiền gửi cho mỗi tài khoản lên ngân hàng không có tiền để trả.

Ông Thành phân tích, ngân hàng yếu kém đến mức phá sản khi vốn chủ sở hữu âm nhiều lần, tài sản ngân hàng bị thất thoát hoặc nằm trong khoản nợ xấu, nợ khó đòi…Trong khi 85% lượng tiền ngân hàng của Việt Nam đến từ kênh huy động tiền gửi. Nói cách khác tiền của người gửi đang nằm trong số nợ xấu, nợ khó đòi. Vì vậy nâng bảo hiểm tiền gửi ngân hàng sẽ không có đủ tiền để trả.

"Tài sản ngân hàng nằm trong số tiền cho vay, không phải ngày 1 ngày 2 là thu hồi trả lại cho người gửi, kể cả phần dự trữ không đủ. Lúc này chúng ta phải thẳng thắn đặt ra nếu ngân nào không còn đủ điều kiện hoạt động sẽ bị rút giấy phép, tức là phá sản.

Còn quyền lợi người gửi tiền dựa trên bảo hiểm tiền gửi, nếu người gửi tiền thua thiệt thì đó là cái giá phải trả cho việc ham lãi suất. Không thể mua mãi ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng", ông Thành cho biết.

Hoàng Linh/Tạp chí SHTT

***********************

Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro (Tin Tức Việt Nam, 26/10/2017)

Theo luật sư Đức, do ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.

bank3

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng - Ảnh Trung tâm thông tin Quốc hội.

Sáng nay 26/10, Ủy ban Thường vụ quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó phá sản ngân hàng là một trong những vấn đề rất đáng chú ý.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ quốc hội cho rằng, tổ chức tín dụng là 1 doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng. Việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

"Tuy nhiên, việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn tổ chức tín dụng có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt", Ủy ban Thường vụ quốc hội nhấn mạnh.

Theo dự thảo Luật, việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công và tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các nghĩa vụ nợ đến hạn), thuộc 3 trường hợp.

Thứ nhất, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện không thành công phương án phục hồi.

Thứ hai, tổ chức tín dụng không hoàn thành việc xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, tổ chức tín dụng không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung mở rộng thêm đối tượng có quyền nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là các chủ nợ lớn, công đoàn, cổ đông hoặc các nhóm cổ đông sở hữu cổ phần lớn của tổ chức tín dụng.

Ủy ban Thường vụ quốc hội báo cáo rằng, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời tổ chức tín dụng yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu tổ chức tín dụng nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Cũng liên quan vấn đề phá sản tổ chức tín dụng yếu kém trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức - Chuyên gia pháp lý Tài chính - Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định : "Cho phá sản ngân hàng yếu kém là hết sức đúng đắn, cần thiết".

bank4

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nên cho thí điểm phá sản ngân hàng thay vì để nhà nước mua lại giá 0 đồng như hiện nay - Ảnh MaritimeBank

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề cho phá sản ngân hàng quá yếu kém được bàn đến từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Cũng chính vì việc chưa có ngân hàng nào phải phá sản nên dẫn đến tâm lý ỷ lại Nhà nước theo kiểu cứ yếu kém là được nhà nước mua lại 0 đồng.

"Chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người ốm nặng với người lành, dẫn đến người dân không biết đâu ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết", Luật sư Đức cho hay.

Đặt vấn đề, nếu phá sản ngân hàng yếu kém vậy quyền lợi khách hàng gửi tín dụng sẽ sao ? Luật sư Trương Thanh Đức phân tích : Người gửi tiền cũng phải tự chịu hậu quả, đó là phần trong rủi ro mà người gửi tín dụng phải chấp nhận trong nền kinh tế.

Theo Luật sư Đức, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia khuyến cáo rất nhiều về việc khách hàng gửi tín dụng cần thận trọng không nên ham lãi suất cao, cần tìm hiểu thông tin về ngân hàng. Tuy nhiên, do việc ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.

Chung quan điểm Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho biết, theo nguyên tắc tự nhiên của nền kinh tế thị trường thì ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải. 

Theo Tiến sĩ Hiếu, để thực hiện phá sản ngân hàng, chúng ta phải xây dựng Luật Phá sản ngân hàng, dựa vào đó thực hiện các bước thẩm định, đánh giá tiến tới quyết định phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó.

Về quyền lợi của các bên trong trường hợp ngân hàng bị phá sản, theo Tiến sĩ Hiếu sau khi ngân hàng phá sản, tài sản của ngân hàng sẽ được định giá để trả lại các bên, trong đó có cả khách hàng gửi tín dụng theo tỷ lệ tiền gửi.

Mai Anh/Tạp chí SHTT

***********************

Nếu ngân hàng xấu không phá sản thì chỉ có "cá mè một lứa" (oshin, 28/10/2017)

Ông luật sư này đã gây tranh cãi khi nói "gửi tiền ngân hàng cũng là kinh doanh" - cuộc tranh cãi khiến cho vấn đề trọng tâm đã không được bàn cho thấu đáo - nhưng, phá sản những ngân hàng xấu là điều không nên né tránh.

bank5

Những ngân hàng thực sự mạnh nếu người gửi tiền chỉ quan tâm tới lãi suất cao hay thấp chứ không quan tâm đến mức độ tín nhiệm của từng ngân hàng

Sẽ không bao giờ có những ngân hàng thực sự mạnh nếu người gửi tiền chỉ quan tâm tới lãi suất cao hay thấp chứ không quan tâm đến mức độ tín nhiệm của từng ngân hàng. Gửi tiền cho Phạm Công Danh, Trầm Bê... cũng như gửi tiền cho Vietcombank hay cho Trần Mộng Hùng... cho dù họ có làm sập ngân hàng thì Nhà nước vẫn đứng ra trả tiền cho người gửi.

Phải đặt các ngân hàng trước mối đe dọa phá sản thì các ông chủ ngân hàng mới đưa chữ tín lên hàng đầu và người gửi tiền mới cân nhắc đưa tiền cho ai rủi ro ít nhất. Cũng đừng lấy sự ổn định chính trị ra hù dọa, ở thời điểm sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Đông Âu, tín dụng Việt Nam đổ bể hàng loạt mà rồi cũng đâu vào đó.

Huy Đức

Quay lại trang chủ
Read 892 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)