Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình chính thức bị xét xử theo điều 258 (VOA, 02/11/2017)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ an hôm 30/10 kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm Sát tỉnh Nghệ An đề nghị truy tố Hoàng Đức Bình theo khoản 2, Điều 258 Bộ Luật Hình sự "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình. (Ảnh : Facebook Bình Hoàng)
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho nhà hoạt động công đoàn độc lập và môi trường Hoàng Đức Bình, thông báo trên Facebook hôm 1/11 rằng với tội danh này, Bình sẽ đối mặt với mức án tù từ hai năm đến bảy năm.
Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 15/5, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Nguyễn Đình Thục.
Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã "tấn công một cách thô bạo và mở cửa" chiếc xe, "lôi" ông Bình ra rồi "đưa đi mất".
Trước khi bị bắt, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ông Bình từng là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
***********************
'Chưa luật sư nào bào chữa thành công các vụ Điều 258' (BBC, 02/11/2017)
Nhân vụ một nhà hoạt động bị đề nghị truy tố theo Điều 258, một luật sư ở Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng "chưa luật sư nào bào chữa thành công cho thân chủ bị Điều 258, nhưng không phải vì luật sư kém cỏi".
Hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái, đang bị truy nã) và Hoàng Đức Bình (đang bị giam)
Luật sư Hà Huy Sơn cho hay, ngày 30/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát đề nghị truy tố ông Hoàng Đức Bình theo Khoản 2, Điều 258 Bộ luận Hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Nếu bị tòa tuyên phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, ông Bình có thể đối mặt với bản án từ 2 đến 7 năm tù giam.
Tháng 5/2017, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ 'phản động' Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội 'Chống người thi hành công vụ ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết : "Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi"…
Ông Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11/1/2017 vì vi phạm Điều 258
'Sự thật phũ phàng'
Hôm 2/11, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói :
"Đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật Hình sự ? Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó !"
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
"Câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là : Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo Điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả !"
"Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi !"
"Sự thật phũ phàng tuy có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy !"
Trước khi ông Hoàng Đức Bình bị bắt, hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, người post các clip biểu tình chống Formosa tại miền Trung lên mạng xã hội, bị khởi tố bị can theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Hóa "nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động" vụ Formosa.
Tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".
Ông Zeid Ra'ad al-Hussein kêu gọi Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".
Chính phủ Việt Nam vẫn bác cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và nói rằng chỉ có những người bị bắt "vì vi phạm pháp luật".
********************
Thư cho lãnh đạo Việt Nam về hai nữ tù nhân (RFA, 02/11/2017)
40 chuyên gia và nhà hoạt động xã hội khắp nơi trên thế giới gửi thư cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự lo lắng về hai tù nhân chính trị Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga.
Bà Trần Thị Nga - Courtesy danlambao
Bức thư được gửi đến ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức thư đề ngày 4 tháng 10 và được công khai trên mạng Internet vào đầu tháng 11 để kêu gọi nhiều người khác cùng ký tên.
Bức thư ngỏ nêu rõ các bản án 10 năm và 9 năm tù dành cho hai người nữ tù nhân chính trị nói trên có những vi phạm quyền tự do biểu đạt trong luật pháp quốc tế mà Việt Nam phải tôn trọng.
Bức thư nhấn mạnh rằng những bản án này đặc biệt nặng nề đối với hai phụ nữ có con nhỏ dưới mười tuổi, và là một việc hình sự hóa những hoạt động ôn hòa của hai người phụ nữ này.
Ký tên dưới bức thư là những nhà khoa học, chuyên gia xã hội người Việt và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Mỹ, Châu Âu, và Châu Úc. Có nhiều người đã từng là chuyên gia cho chính phủ Việt Nam như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam như bà Sophia Quinn-Judge, ông Peter Zinoman, ông Christopher Goscha.
*********************
Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng bị Công an Hà Nội sách nhiễu (RFA, 02/11/2017)
Cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng vào ngày 1 tháng 11 bị công an Hà Nội bắt, cưỡng đoạt điện thoại khi bà này đến thăm người thân tại thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội.
Chị Bùi Thị Minh Hằng (ngồi giữa hàng đầu)chụp ảnh cùng bà con Phật giáo Hòa Hảo trước khi bị bắt hồi tháng 2/2014 - Photo : RFA
Tin nêu rõ hai công an đến nhà người thân nơi bà Bùi thị Minh Hằng có mặt yêu cầu kiểm tra hành chính vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 11. Bà này sử dụng điện thoại di động để thu lại cảnh đó thì bị một nhóm gần chục người từ bên ngoài xông vào bắt đưa vào một chiếc xe bảy chỗ đậu gần ngôi nhà rồi đưa đến trụ sở Công an Sơn Tây.
Tại đó bà bị lục soát, bị lấy điện thoại và ví tiền có 3 triệu đồng trong đó. Sau đó bà bị thẩm vấn bởi một viên chức tự xưng là thuộc Công An Hà Nội. Bà Bùi thị Minh Hằng từ chối trả lời những câu hỏi của viên công an nên bị bỏ một mình đến 8 giờ tối ngày 1 tháng 11, số công an trở lại yêu cầu bà ký biên bản nhưng bà từ chối. Cuối cùng họ đưa bà về trở lại nhà người thân ở Sơn Tây.
Công an yêu cầu bà Bùi Thị Minh Hằng trở lại làm việc trong ngày 2 tháng 11 ; tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe.
Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình sức khỏe hiện nay và sẽ thông tin công khai về vụ việc liên quan bản thân bà khi có phương tiện :
"Tôi sẽ cố gắng có phương tiện trong thời gian sớm nhất để thông tin. Hiện nay tôi đang rất đau và phải ở cùng con cháu".
Xin được nhắc lại cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng là một trong những người tích cực tham gia đợt biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011 và những sự kiện tương tự trong những năm sau đó. Mục tiêu các cuộc biểu tình nhằm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.
Bà bị bắt lần đầu vào tháng 11 năm 2011 tại Sài Gòn khi đứng giương biểu ngữ ủng hộ những người ở Hà Nội biểu tình hoan nghênh đề nghị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về luật biểu tình. Lần đó bà bị đưa vào Trại cải tạo Thanh Hà ở Vĩnh Phúc. Đến cuối tháng tư năm 2012 bà mới được đưa về nhà ở Vũng Tàu.
Bà bị bắt lại lần thứ hai vào đầu năm 2104 khi cùng một số nhà hoạt động khác và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Hà Nội lập nên đến thăm cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Bà bị đưa ra tòa cùng với anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà bị tuyên án 3 năm tù giam.
Sau khi mãn án tù, bà Bùi thị Minh Hằng tiếp tục tích cực lên tiếng về tình hình Việt Nam. Bà sử dụng công cụ mạng xã hội như livestream của Facebook để bày tỏ chính kiến về những vụ việc diễn ra liên quan đến bắt bớ các thành phần đấu tranh, ủng hộ dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam.
***********************
Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung (RFA, 02/11/2017)
Một phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho mạng báo lề trái ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, cô Huyền Trang, vào ngày 1 tháng 11 bị hành hung bởi thành phần lạ mặt sau khi tham dự lễ giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.
Phóng viên Huyền Trang - Courtesy FB Nguyễn Huyền Trang
Tin cho biết cô Huyền Trang bị một nhóm người xông vào đánh ngay sau thánh lễ.
Cô kể lại vụ việc với Đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 2 tháng 11 như sau :
Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn thì khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi. Và bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi, nói chung đã cho thuốc uống rồi
Vụ việc đối với phóng viên độc lập Huyền Trang xảy ra ngay trước Ngày Quốc tế Yêu Cầu Chấm dứt Dung Dưỡng Tội Ác Đối Với Nhà Báo, 2 tháng 11 hằng năm do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Theo tổ chức quốc tế này thì trong vòng 11 năm qua có hơn 900 nhà báo bị giết hại vì đưa tin tức, thông tin đến cho công chúng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp dứt khoát chống lại sự dung thứ cho những tội ác đối với các phóng viên.