Việt Nam được gì từ APEC ? (RFI, 17/11/2017)
Hội nghị thượng đỉnh APEC đã được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/11/2017 tại Đà Nẵng, và ngay sau đó đã diễn ra hai chuyến thăm Việt Nam cấp Nhà nước của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhận định về các sự kiện này, nhật báo The Diplomat cho rằng nước chủ nhà Việt Nam có vẻ đã tìm được một vị trí thoải mái hơn giữa hai đại cường.
Lãnh đạo các nền kinh tế dự thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng, Việt Nam : Hàng đầu từ trái qua : Tập Cận Bình, Trần Đại Quang, Joko Widodo. Hàng sau, từ trái qua : Rodrigo Duterte, Vladimir Putin, Donald Trump Reuters
Trong bài diễn văn chính tại hội nghị thượng đỉnh APEC 2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gởi một thông điệp rõ ràng đến các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương, yêu cầu các nước tự lo cho mình bằng cách đặt lợi ích quốc gia trên hết, giống như ông luôn luôn đặt "Nước Mỹ trước hết".
Theo tác giả Charlotte Gao, có ít nhất một quốc gia đã hành động như thông điệp của ông Trump. Việt Nam, với tư cách nước chủ nhà APEC 2017, một lần nữa đã chứng tỏ tài ngoại giao khi "đi dây" giữa hai đại cường Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính mình.
Trong dịp hội nghị APEC, Việt Nam đã thành công trong việc đưa ra hai thông cáo chung quan trọng. Một với Hoa Kỳ - do Donald Trump, vị tổng thống không thể đoán định, lãnh đạo ; và thông cáo kia với Trung Quốc - dưới uy quyền "bao trùm thiên hạ" của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong thông cáo chung Việt-Mỹ, chủ tịch nước Trần Đại Quang và tổng thống Donald Trump tái khẳng định việc tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện, thông qua xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác chặt chẽ hơn về quốc phòng, an ninh.
Để phù hợp với chính sách của Donald Trump, Việt Nam loan báo một thỏa thuận thương mại song phương trị giá 12 tỉ đô la, và thảo luận về việc nhập khẩu khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ. Việt Nam cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, mà thật ra chẳng ảnh hưởng gì đến lợi ích cốt lõi của Hà Nội.
Đổi lại, Việt Nam đạt được điều mình muốn : Hoa Kỳ tái khẳng định việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông - đương nhiên là nhắm tới Bắc Kinh, tuy không nêu đích danh.
The Diplomat dẫn ra một đoạn của thông cáo : "Hai bên tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ và Hoa Kỳ - ASEAN trước đây (…) ; giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý (…). Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách hàng hải của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp".
Trong khi đó, Việt Nam cũng thực hiện được một sự đột phá tương tự với Trung Quốc, qua việc thích ứng với chương trình hành động của Tập Cận Bình.
Trong thông cáo chung với Trung Quốc, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến "Vành đai và Con đường" mà ông Tập Cận Bình tâm đắc. Đôi bên đồng ý cải thiện hợp tác về kinh tế và thương mại, công nghiệp, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính. Để làm vui lòng Bắc Kinh, Việt Nam không quên tái khẳng định quan điểm chỉ có "Một nước Trung Hoa", nhấn mạnh rằng Việt Nam "kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức".
Về vấn đề nhạy cảm là Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam đạt được thỏa thuận là đôi bên «kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
The Diplomat lưu ý là Việt Nam, một Nhà nước xã hội chủ nghĩa cùng chia sẻ một lịch sử phức tạp với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, biết rất rõ hệ thống chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Thế nên, Hà Nội đặc biệt nhuần nhuyễn trong việc sử dụng từ ngữ nhằm làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ với "đảng bạn".
Chẳng hạn thông cáo chung Việt-Trung viết : "Hai bên cho rằng, tình hữu nghị Việt-Trung do chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối đích thân gây dựng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước. Hai bên cần cùng nhau kế thừa, gìn giữ và phát huy tốt".
Việt Nam cũng không quên "nhiệt liệt chúc mừng" Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 "thành công tốt đẹp".
The Diplomat kết luận, qua việc ký kết hai thông cáo chung riêng rẽ, giữ được thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam dường như đã tìm được một vị trí đáng kể trong khu vực, thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vừa rồi.
Thụy My
*********************
Phóng viên bị hạn chế đưa tin APEC tại Việt Nam (RFA, 15/11/2017)
Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) hôm 14 tháng 11 ra thông cáo chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bỏ rơi tự do báo chí trong chuyến công du Châu Á từ ngày 4 đến 14/11 vừa qua.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump họp báo chung cùng Chủ tịch Trần Đại Quang ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội hôm 12/11/2017 - AFP
Thông cáo viết từ việc không cho phóng viên tham dự một số sự kiện đến việc từ chối trả lời câu hỏi, Tổng thống Trump đang cho các lãnh đạo các nước Trung Quốc, Việt Nam và Philippines hàng ghế đầu đối với việc chối bỏ tự do báo chí.
Các phóng viên đã không được phép đưa câu hỏi trong cuộc họp báo chung giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/11. Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders sau đó nói lý do là vì Trung Quốc không muốn nhận câu hỏi.
Tại Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng hôm 10 và 11/11, báo chí cũng bị hạn chế tham dự một số sự kiện quan trọng. Báo chí không được đưa tin về bữa tối APEC trong đó có sự tham gia của Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Putin.
RSF gọi việc giới hạn báo chí đưa tin ở Việt Nam vốn là nước bị xếp hạng 175 trong số 180 nước theo báo cáo tự do báo chí thế giới 2017 của tổ chức này, là một điều hết sức lạ với cách Mỹ cho tự do báo chí.
RSF lên án chính phủ Việt Nam đã hình sự hóa có hệ thống tự do biểu đạt trong suốt năm qua bằng các biện pháp kiểm duyệt, giam giữ người trái phép và các tội khác. Theo tổ chức này đã có ít nhất 25 bloggers bị bắt giữ hoặc trục xuất khỏi Việt Nam trong năm qua.
Ông Daniel Bastard, phụ trách ban Châu Á - Thái Bình Dương của RSF nói Tổng thống Trump đã trao cho những lãnh đạo độc tài trong khu vực một tấm séc khống.
*****************
Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ chuyến thăm Châu Á của Trump ? (VOA, 15/11/2017)
Hà Nội được cho là đã đạt được những điều mong muốn từ Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du dài ngày nhất của một tổng thống Mỹ tới thăm Châu Á trong suốt hơn 1/4 thế kỷ qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm các lãnh đạo Việt Nam "hài lòng" về chuyến thăm tới Đà Nẵng và Hà Nội.
Ông Trump hôm 14/11 gọi chuyến công du tới 5 nước Châu Á - trong đó có Việt Nam - là một thành công lớn.
"Tôi tự hào về (chuyến công du) nếu nhìn từ khía cạnh an ninh, quân sự và thương mại," ông Trump nói với phóng viên tháp tùng trên chuyên cơ Air Force Once trong chuyến bay trở về Mỹ sau khi kết thúc một cuộc họp ở Manila.
Cũng như các nước khác ở Châu Á mà Tổng thống Trump đến thăm, Việt Nam đã trải thảm đỏ để tiếp đón vị Tổng thống Mỹ đầu tiên công du đến Hà Nội trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Trong 3 ngày ở Việt Nam để dự Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng và sau đó thăm chính thức tại Hà Nội, ông Trump miêu tả Việt Nam là "trái tim của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và ca ngợi Việt Nam là một trong những "phép lạ" trên thế giới.
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc ký kết các hợp đồng thương mại trị giá 12 tỷ USD giữa 2 nước.
Với các hợp đồng thương mại trị giá hơn 12 tỷ USD được ký kết, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng "Việt Nam lấy làm hài lòng" về chuyến thăm của vị Tổng thống Mỹ.
"Ông Trump đã giành nhiều thời gian nhất cho Việt Nam," theo ông Doanh. "Các cuộc hội đàm và tuyên bố chung đã đạt được một sự nhất trí và đồng thuận và 2 bên sẽ nỗ lực để thúc đẩy các quan hệ thương mại, đầu tư cũng như các thỏa thuận và hợp tác khác như là quân sự và an ninh. Cuộc đi thăm của ông Trump đáp ứng kỳ vọng của cả 2 bên".
Mặc dù trong thời gian ở Việt Nam, Tổng thống Trump nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng Hoa Kỳ không còn tham gia các hiệp định thương mại đa phương như hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng ông mở ra triển vọng cho một hiệp định thương mại song phương.
Trong thông cáo chung mà Nhà Trắng đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm 12/11, 2 nhà lãnh đạo cam kết sẽ đào sâu và phát triển hơn mối quan hệ thương mại và đầu tư 2 chiều.
Theo tạp chí Forbes những cam kết đó khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rằng Hoa Kỳ dưới quyền lãnh đạo của ông Trump vẫn quan tâm đến thương mại tự do dù đã rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Thương mại chiếm gần 90%, tức 201 tỷ USD, trong GDP của Việt Nam năm ngoái. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ - chiếm hơn 22% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, theo Tiến sĩ Doanh, người từng tư vấn cho Bộ Kế hoạch và đầu tư. Cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói ông kỳ vọng Mỹ sẽ quay trở lại TPP bởi vì hiệp định này là "một sân chơi có tầm chiến lược, quan trọng cho Châu Á - Thái Bình Dương và có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến lược đối với Hoa Kỳ".
Cũng trong chuyến thăm đến Việt Nam, Tổng thống Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ sẽ hợp tác sâu rộng hơn về quốc phòng và nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc tiếp cận mở trên biển Đông, cũng như tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Tổng thống Trump đã gợi ý với Chủ tịch Trần Đại Quang rằng ông sẽ làm trung gian hòa giải cho các tranh chấp này.
"Việc ông Donald Trump cho rằng muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển Đông cho thấy Trung Quốc đang chiếm phần thượng phong ở khu vực biển Đông," theo luật sư Hoàng Việt chuyên về các vấn đề biển đảo và hải đảo.
Đây chính là điều mà Việt Nam hy vọng trước chuyến thăm của Tổng thống Trump, theo nhận định của tạp chí Forbes. Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã mong Mỹ tái khẳng định lập trường là tiếp tục quan tâm đến các tranh cãi chủ quyền trên biển Đông.
Ông Trump còn thúc giục Việt Nam hãy mua tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ. Tổng thống Mỹ chào bán "những tên lửa tuyệt vời nhất thế giới" với phía Việt Nam trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Kể từ khi Tổng thống tiền nhiệm của ông Trump, Barack Obama, dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, chưa có một hợp đồng vũ khí nào được ký kết giữa 2 bên. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam muốn tăng cường sức mạnh để phòng thủ trước sự bành trướng ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển Đông.
Nhận định về lợi ích mà Việt Nam có được từ chuyến thăm của Tổng thống Trump, tạp chí Forbes cho rằng "Việt Nam là bên được hưởng lợi nhiều nhất" từ chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ, vì Việt Nam "đạt được 2 thứ mà họ mong muốn từ Washington dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump". Đó là an ninh biển Đông, và thương mại tự do.
Giới hoạt động kỳ vọng Tân đại sứ Mỹ sẽ coi trọng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam (VOA, 07/11/2017)
Nhà ngoại giao Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 6/11 trình quốc thư lên chủ tịch nước chủ nhà tại Hà Nội, chính thức trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Các nhà tranh đấu hy vọng rằng tân đại sứ Hoa Kỳ sẽ chú trọng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Tân Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, tại Hà Nội, ngày 6/11/2017. (Ảnh chụp từ báo Tuổi Trẻ)
Từ bang Virginia, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản ở Việt Nam, đồng thời cũng là bào huynh của bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, nhà đấu tranh vì dân chủ ở trong nước, cho VOA biết :
"Ông Kritenbrink có ghi nhận những ưu tư của cộng đồng Việt Nam. Ông ấy là một người mà chúng ta có thể làm việc với ông ấy được".
Ông ấy là một người mà chúng ta có thể làm việc với ông ấy được.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân nói về ông Daniel Kritenbrink
Ông Kritenbrink đến Hà Nội lúc nửa đêm hôm 4/11, ông cho báo giới biết ông sẽ tháp tùng Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, và khi ông Trump thăm chính thức Hà Nội trong tuần này.
Bác sĩ Quân, người đã vài lần tiếp xúc với ông Kritenbrink, nói tân đại sứ Mỹ là một người rất sốt sắng về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam :
"Ông ấy rất là sốt sắng đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, bằng cớ là hồi ổng làm Giám đốc Vụ Á châu, ông có mời chúng tôi vào Hội đồng An ninh Quốc gia nói chuyện với họ về vấn đề nhân quyền Việt Nam trước thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Tôi thấy ông ấy rất là sốt sắng".
Ông Kritenbrink được Thượng viện chuẩn thuận làm đại sứ hôm 26/10, ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở Châu Á, trải dài từ 1994 cho đến nay.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, đại diện đảng Cộng hòa tại bang Nebraska, nói Hoa Kỳ cần một đại sứ tại Việt Nam có khả năng đảm bảo lợi ích của các hiệp định thương mại và lãnh đạo các cuộc đối thoại ngoại giao của Hoa Kỳ, ông Kritenbrink có thể làm cả hai việc này.
Vào tháng 9, khi ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nói các ưu tiên của ông khi đảm nhận vai trò đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là : hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy nhân quyền, xúc tiến ngoại giao nhân dân, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tại buổi điều trần, ngoài việc ghi nhận có một số tiến bộ về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm gần đây, phần lớn nhờ vào sự can thiệp của Quốc hội Hoa Kỳ và cuộc đối thoại song phương hiệu quả về vấn đề này, ông Kritenbrink nhấn mạnh rằng xu hướng gia tăng những vụ bắt bớ, truy tố giới bất đồng, và những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động trong 18 tháng qua, là điều "rất đáng lo ngại".
Bà Trần Thị Nga tại phiên tòa ở tỉnh Hà Nam, ngày 25/7/2017. (Ảnh : VietnamNet)
Ông cam kết trước quốc hội Mỹ rằng ông sẽ tiếp tục vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo cũng như sự cần thiết phải đạt tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn người, tân Đại sứ Mỹ đồng thời nhấn mạnh với cấp lãnh đạo Việt Nam rằng những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ và là yếu tố quan trọng để quan hệ đối tác giữa hai bên đạt tiềm năng tối đa.
Bác sĩ Quân nói ông tin rằng tân đại sứ Mỹ sẽ lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề nhân quyền, bên cạnh việc giao thương với Việt Nam :
"Chúng tôi cũng trình bày với ông ấy rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Chúng tôi muốn rằng chính phủ của ông Donald, tuy đặt nặng vấn đề buôn bán lên hàng đầu, nhưng cần đặt vấn đề nhân quyền phải đi đôi với vấn đề phát triển kinh tế, giao thương. Và ông ấy cũng đồng ý với chúng tôi về những điểm này".
Hôm 5/11 ông Kritenbrink viết trên Facebook : "Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để làm việc tại Việt Nam. Hai quốc gia chúng ta chia sẻ nhiều lợi ích chung, như an ninh, thương mại và đầu tư, và giao lưu nhân dân".
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh viết thông điệp chào mừng trên Facebook của ông : "Chào mừng ông Daniel Kritenbrink đến Việt Nam và chúc ông có một nhiệm kỳ mới thành công mỹ mãn trước viễn ảnh của một bang giao Mỹ-Trung báo hiệu đầy sóng gió mà con thuyền Việt Nam không định hướng với một thuyền trưởng chỉ biết mơ "đốt lò" đang bị cuốn vào tâm điểm".
Luật sư Khanh viết tiếp : "Chưa bao giờ trong lịch sử bang giao Việt - Mỹ, từ hơn 20 năm qua mà một Đại sứ Mỹ sẽ phải vất vả lao tâm, lao lực để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ ở đất nước cựu thù này".
Báo Tuổi trẻ cho biết trong thời gian giữ chức Giám đốc cấp cao phụ trách Châu Á cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Kritenbrink có nhiều đóng góp cho sự thành công của chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016.
Trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, chức vụ gần đây nhất của ông Kritenbrink là Cố vấn Cao cấp về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
***********************
Tiếp tục kêu gọi ngưng đàn áp tại Việt Nam ngay trước APEC (RFA, 07/11/2017)
17 Tổ chức bảo vệ nhân quyền và đảng phái chính trị trong và ngoài nước vừa ký tên chung trong thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm trong phiên tòa tại thành phố Nha Trang ngày 29/6/2017- AFP
Trong thư ngỏ mang tựa đề "Ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam" viết ngày mùng 7 tháng 11 năm 2017, các tổ chức và đảng phái chính trị đồng ký tên viết rằng "Trong năm qua Việt Nam đã gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ, có ít nhất 25 nhà hoạt và blogger ôn hòa bị bắt giữ hoặc bị lưu đày. Ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng tuyên án tù dài hạn những nhà hoạt động nhân quyền có tên tuổi như bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mặc dù những người vừa nêu đều tranh đấu ôn hòa".
Thư ngỏ cũng nhắc đến trường hợp luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị giam giữ gần hai năm mà không được xét xử.
Thư ngỏ có đoạn viết mà chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn như sau :
"Đợt đàn áp này đi ngược lại với mục tiêu "Tạo Động Lực Mới, Cùng Vun Đắp Tương Lai Chung" là chủ đề của diễn đàn APEC năm nay. Giam giữ tùy tiện, kiểm duyệt, dùng bạo lực nhà nước đối với giới hoạt động và bảo vệ nhân quyền chẳng những là một sự sỉ nhục đối với tính nhân bản chung mà còn là một vi phạm nghiêm trọng pháp luật và chuẩn mực nhân quyền quốc tế".
Vẫn trong thư ngỏ, các tổ chức và đảng phái đồng ký tên còn nêu câu hỏi, "Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, thì làm sao có thề tin tưởng Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận sẽ được ký kết tại APEC 2017".
Vì thế các tổ chức và đảng phái này kêu gọi các quốc gia thành viên APEC, thúc đẩy Việt Nam ngưng ngay đàn áp và hợp tác với APEC để xây dựng một tương lai chung với đặc điển tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền quốc tế.
Blogger Nguyễn Tường Thụy, cũng là thành viên của hội Nhà Báo Độc Lập, một trong những tổ chức cùng ký tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết về việc tham gia của hội :
"Hội nhà báo Độc Lập ủng hộ thư này và ký để mong muốn tình trạng nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện. Chúng tôi hy vọng bức thư này có tác động đến các nhà lãnh đạo APEC. Bởi vì hiện nay tình trạng nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ và đặc biệt từ đầu năm 2017 đến giờ bị bắt bớ rất nhiều và nhắm vào Hội Anh Em Dân Chủ. Mục tiêu của hội Nhà Báo Độc Lập không những hướng về nền tự do báo chí và hướng đến một chế độ dân chủ của Việt Nam nói chung cho nên nhà báo độc lập là ủng hộ bức thư này và ký tên"
Thượng nghị sĩ gốc Việt kêu gọi thủ tướng Canada áp lực Việt Nam về nhân quyền
Cũng liên quan đến nhân quyền Việt Nam, Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải, vừa cho phổ biến bản tuyên bố, kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thúc đẩy Việt Nam cải tiến nhân quyền, khi ông Trudeau có mặt tại Việt Nam để tham dự APEC và viếng thăm chính thức Hà Nội.
Bản tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải viết rằng, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện đang ngày một tồi tệ hơn, đặc biệt những vụ đàn áp đã gia tăng sau thảm họa môi trường Formosa. Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải nhấn mạnh đây là cơ hội đầy thuận lợi để Thủ tướng Trudeau đòi hỏi Việt Nam phải ngưng ngay những vụ đàn áp những tổ chức hoạt động độc lập, ngưng những cấm đoán nhắm vào các tổ chức tôn giáo và phải thể hiện những bước cải tiến để chấm dứt tình trạng tham nhũng và tra tấn.
Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải cũng kêu gọi Thủ tướng Trudeau trực tiếp đề nghị lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị trong có ông Nguyễn Văn Đài, ông Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Cũng cần nói thêm ngoài Thủ tướng Trudeau sẽ thăm chính thức Việt Nam trước hoặc sau khi tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, còn có Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc và Tổng thống Chile.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam trong hay ngày 11 và 12 tháng 11 năm 2017. Chủ đề hội nghị năm nay là ‘Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung’.
************************
Trong tháng 10 vừa qua, khi thành phố Đà Nẵng chuẩn bị ráo riết cho Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29, thì nhiều nhà hoạt động tại địa phương này bị Công an ép đi làm việc. Họ phải làm việc về chuyện gì và nhận định của họ thế nào trước biện pháp đó của công an ?
Bốn nhà hoạt động bị Cơ quan An ninh Thành phố Đà Nẵng sách nhiễu. RFA Video
Tổng cộng có 4 người đã bị Cơ quan An ninh Thành phố gửi giấy mời lên làm việc. Anh Trần Lê Quang Vĩnh một người lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Đà Nẵng cho biết đã nhận 3 giấy mời liên tiếp, lần lượt vào các ngày 18, 20, 23 tháng 10 năm 2017. Nội dung yêu cầu anh này đến cơ quan an ninh làm việc. Anh thuật lại :
"Chính quyền quan tâm mình, mời giấy mời mình vì cái clip, nhưng mình nghĩ cái mục đích của nó cũng vì vấn đề APEC. Đương nhiên khi mà một người bị công an mời thì tâm lý thứ nhất, thứ 2 là gia đình họ cũng ảnh hưởng vì cái tâm lý đó, thứ ba là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ, khi mà họ phải bỏ thời gian để lên theo giấy mời. Nếu không lên theo giấy mời thì họ sẽ có cái biện pháp tiếp theo. Có thể mình chưa nhìn nhận ra cái biện pháp gì, nhưng mà chắc không dễ gì để cho mình ổn định mà sống".
Anh cũng có nhận định rằng :
"Họ cũng muốn kiểm soát mình và tìm hiểu tư tưởng của mình cỡ như nào và trạng thái của mình khi đối mặt với họ, nó ở vị trí nào để có thể họ tạo một cái hồ sơ để dễ quản lý mình".
Anh Bùi Tuấn Lâm cũng là một người đấu tranh đang sinh sống tại Đà Nẵng và cũng đã được cơ quan an ninh mời lên làm việc cho biết :
"Thời gian vừa qua thì cơ quan PA88 của Đà Nẵng, người ta cũng có gởi giấy mời về cho tôi về vấn đề làm việc. Sau 4 lần gặp mời thì tôi cũng sắp xếp thời gian đi. Thời gian đầu thì người ta gởi giấy mời tôi không đồng ý về những cái nội dung của cái giấy mời cho nên tôi phản đối. Tôi đã yêu cầu phải thay đổi cho nó phù hợp. Theo như giấy mời thì người ta ghi là mời lên làm việc về những vấn đề quan điểm và những bài viết trên facebook. Bản thân tôi thì tôi cũng thấy nó làm phiền nhiễu tới công việc của bản thân, của gia đình.
Với bản thân mình thì mình nghĩ là đúng ra những việc này nó không cần thiết. Đó là vấn đề nó vi phạm về quyền tự do của công dân. Như chúng ta biết thì pháp luật thì nó nằm trong tay của cơ quan công an nên người ta muốn làm gì thì người ta làm thôi".
Ngoài ra còn có anh Khúc Thừa Sơn một công dân sinh sống tại Đà Nẵng, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, đã liên tục nhận 2 giấy mời vào ngày 31 và ngày 6 tháng 9 năm 2017 anh đã từ chối vì công việc quá bận rộn. Sau đó cơ quan an ninh đã thay đổi từ giấy mời sang giấy triệu tập.
Tổng cộng đã có 6 giấy triệu tập, vào các ngày 12, 16, 17, 19, 20, 21. Vì do công việc quá nhiều nên anh không thể làm việc theo yêu cầu của cơ quan an ninh. Nhưng cơ quan an ninh đã liên tục gây sức ép đối với gia đình anh, buộc anh phải bỏ dở công việc để về lại Đà Nẵng. Sau buổi làm việc anh về lại Sài Gòn công tác, nhưng ngày hôm sau cơ quan an ninh lại tiếp tục đánh giấy mời. Vì có sự đe dọa từ phía an ninh nên anh đã từ chối phỏng vấn.
Không chỉ riêng anh Khúc Thừa Sơn mà còn có chị Hoàng Hồng Thái cũng bị gây sức ép không thể trả lời phỏng vấn.
Với những việc làm trên của cơ quan an ninh Thành phố Đà Nẵng, anh Hồ Xuân Thịnh hiện là nhà báo tự do tại Đà Nẵng nhận định rằng :
"Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn "nắn gân" những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi".
Biện pháp mời công dân đi làm việc như đối với 4 nhà hoạt động vừa nêu bị chỉ trích không theo đúng các qui định của luật pháp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như trình bày của những người trong cuộc, họ không thể từ chối sau nhiều lần bị mời, rồi áp lực từ phía cơ quan chức năng đối với người thân, gia đình.
Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các nhà hoạt động tại Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác trên cả nước.
Thông tín viên RFA
************************
Phân nửa số đơn tố cáo, khiếu nại gửi Quốc Hội bị bỏ quên (RFA, 07/11/2017)
Tới phân nửa số đơn thư khiếu nại và tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội không được trả lời.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ảnh chụp tháng 5/2017. AFP
Thông tin này được bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội Việt nam đưa ra trong một báo cáo tại phiên họp chiều ngày 7 tháng 11 của Quốc hội tại Hà Nội.
Theo báo cáo này, trong thời gian một năm, từ tháng Tám năm 2016 đến tháng Tám năm 2017 có gần 43 ngàn đơn khiếu nại và tố cáo của công dân Việt Nam được gửi đến Quốc Hội, và Ban Dân nguyện Quốc Hội đã chọn ra 7121 đơn khiếu nại và tố cáo mà ban này cho là có đủ tiêu chuẩn để được trả lời. Những đơn được chọn này đã được gửi đi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng chỉ có hơn 50% số đơn này được trả lời.
Nội dung chủ yếu của các đơn thư khiếu nại và tố cáo này là vấn đề đất đai, trong đó các cán bộ nhà nước cũng như các cấp chính quyền bị tố cáo là đã lạm dụng quyền lực, trục lợi trong việc thu hồi đất đai để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội lại nói rằng các cơ quan thuộc chính phủ đã giải quyết đến 83% đơn thư khiếu nại và tố cáo trong năm 2017.
Báo cáo không nêu ra rõ là số đơn thư này là do Quốc Hội chuyển qua, hay bao gồm cả những đơn thư mà các cơ quan chính quyền nhận trực tiếp từ công dân.
Báo cáo này cho rằng có đến 75% đơn thư khiếu nại và tố cáo của công dân là không đúng.
Một đại biểu Quốc hội là ông Dương Minh Tuấn của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng trong thời gian sắp tới các cơ quan thanh tra của Chính phủ nên giảm bớt các vụ đi thanh tra mà dành thời gian để giải quyết những đơn thư khiếu nại và tố cáo chưa được giải quyết.
APEC (Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương) - sẽ diễn ra trong ít ngày tới - có thể làm nên vẻ vang gì cho giới chóp bu Hà Nội lẫn một nền kinh tế Việt đang lao vào năm suy thoái thứ chín liên tiếp mà chỉ chực chờ vỡ nợ ngân sách cùng khủng hoảng kinh tế ?
Air Force One đến căn cứ U.S. Yokota trên đường đưa Tổng thống Trump đi công du Châu Á.
Động cơ giấu kín
Có thể lắm, một lý do hết sức tế nhị và thầm kín mà đảng và ông Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ công bố : Hội nghị APEC và đặc biệt chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump được Việt Nam quá đỗi hy vọng sẽ có thể giúp làm nhòa nhạt ấn tượng quá xấu của cộng đồng quốc tế về Việt Nam sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ở Berlin - một hành vi vô pháp hiếm có mà đã khiến Chính phủ Đức phải quyết định tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, cùng lúc dập tắt chút hy vọng còn sót lại của Việt Nam về khả năng Nghị viện Châu Âu sẽ thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) trong ngắn hạn.
Nếu Đức được xem là "đầu tàu" - cũng là một từ ngữ sính dùng của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vinh danh không chỉ vài ba mà cho hàng chục tỉnh thành ở Việt Nam - của Châu Âu, nước Mỹ vẫn đương nhiên được xem là đầu tàu về kinh tế của thế giới. Nếu APEC tại Đà Nẵng được tổ chức trót lọt và nếu Mỹ có nhã ý "bắn ý" cho Tây Âu và các nước về một số ưu ái nào đó về kinh tế cho Việt Nam, chút hy vọng cho EVFTA mới có thể được hồi sinh.
Tuy nhiên cho tới nay, trong lúc phía Đức chưa có dấu hiệu nào dịu bớt cơn giận dữ khi có đầy đủ lý do để cho rằng chính thể Việt Nam đã chưa làm một việc gì để cải thiện cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt, thì người Mỹ cũng chưa làm gì, hoặc chẳng muốn làm gì, để giúp Việt Nam phục hồi "thể diện quốc tế".
Thậm chí như thể "đổ dầu vào lửa", Trump đang tăng tốc "đòi nợ" Việt Nam.
Khi Trump "đòi nợ"…
Việt Nam đang quá muốn có được đầu tư và buôn bán thương mại nhiều hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là được xuất siêu càng nhiều càng tốt vào Mỹ và Châu Âu để hầu cân bằng với giá trị khổng lồ phải nhập siêu hàng năm từ Trung Quốc.
Những năm trước, lượng xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ vẫn thường đạt được từ 20 - 30 tỷ USD/năm. Vào năm cao điểm 2016, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lên đến hơn 30 tỷ USD. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu đến 24 tỷ USD vào Mỹ.
Lượng ngoại tệ hơn ba chục tỷ USD thu lợi từ xuất siêu hàng năm sang Hoa Kỳ như thế là vô cùng có ý nghĩa, nếu đối sánh với quốc nạn Việt Nam phải nhập siêu hơn 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch mỗi năm từ "đồng chí Trung Quốc", cộng với hàng năm Việt Nam phải nhập siêu đến khoảng 25 tỷ USD từ Hàn Quốc.
Nhưng Hội nghị kinh tế APEC không chỉ là là một diễn đàn về đầu tư và thương mại, mà còn là nơi các nước "đòi nợ" lẫn nhau.
Ba tuần trước khi Hội nghị APEC diễn ra, vào ngày 20/10/2017 đã có một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM). Trong cuộc gặp này, ông David Malpass đã dứt khoát lặp lại yêu cầu của phía Mỹ về việc Việt Nam phải có biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn.
Rõ là thời Trump khác hẳn với thời Obama. Tín hiệu an ủi đối với giới chóp bu Hà Nội là Trump ít quan tâm đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Nhưng trên phương diện kinh tế, đã có những dấu hiệu sắc nét cho thấy Trump đang rất lưu ý đến tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam.
Không bao lâu sau khi nhậm chức, Trump đã yêu cầu các cơ quan của chính phủ phải rà soát lại toàn bộ tình hình nhập siêu của Mỹ để sau đó đã đưa ra một quyết định hiếm thấy : vào tháng 3/2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia vừa "gian lận thương mại" vừa "gây hại kinh tế" cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong chế tài.
Kết quả của quan điểm "gây hại kinh tế" trên là trong chuyến đi Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp món quà 8 tỷ USD giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, phía Việt Nam không những không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ, mà còn bị Trump hỏi xoáy vào vấn đề thâm hụt thương mại. Trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng ngày 31/5/2017, Trump đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại "lớn" với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ "sớm được cân bằng". Ngay trước đó, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ "siết" các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành "nạn nhân", đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm.
Những tín hiệu vô vọng về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ lại có thể lan đến việc Liên minh Châu Âu xem xét Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu, khiến hiệp định này trở nên vô vọng không kém và có thể chẳng bao giờ được thông qua sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh", cho dù giới chức Việt Nam có cố công đi vận động trực tiếp hoặc tìm cách "lobby hành lang" với chi phí môi giới rất cao.
Chỉ một tháng sau khi Chính phủ Đức tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, Liên minh Châu Âu đã "rút thẻ vàng" đối với hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu vào Châu Âu. Động thái này không chỉ là lời cảnh cáo về gian lận trong hoạt động "đánh bắt xa bờ", mà còn có thể là một lời răn đe về chính trị và khiến Hiệp định EVFTA rơi vào nguy cơ "thẻ đỏ" gần hơn bao giờ hết.
Hẳn là người Mỹ và ngay cả khối Tây Âu hiền hòa dễ chịu như thế cũng không còn dễ chơi, sau tất cả những gì mà giới cầm quyền Việt Nam đã chứng minh họ là một chế độ tư bản thực dụng và dã man đến thế nào, nhưng lại luôn muốn duy trì ảo tưởng về "chủ nghĩa xã hội" và bóp nghẹt các quyền căn bản của người dân chỉ với mục đích duy trì càng lâu càng tốt đặc quyền và đặc lợi cho đảng cầm quyền này.
"Có tiếng, không có miếng"
Rất có thể, Hội nghị kinh tế APEC sẽ dành cho Việt Nam tư thế "chỉ có tiếng, không có miếng". Có thể lại hiện ra những "hợp đồng chục tỷ đô la" giữa Việt Nam và các nước theo đúng cái cách mà hai đời thủ tướng là Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc đã mang đi ký kết với Pháp và Mỹ, nhưng cho tới giờ chẳng còn ai nghe nói gì về số phận của những bản hợp đồng quá bị nghi ngờ vì tính trung thực ấy.
Song ngay cả "tiếng" cũng có lẽ chỉ rất khiêm tốn. Đơn giản là Đà Nẵng chỉ là một trạm dừng để chính giới quốc tế gặp mặt nhau, chứ không vì APEC diễn ra ở Việt Nam mà chính thể này trở nên sáng giá hơn trong mắt cộng đồng quốc tế về uy tín chính trị và kể cả về môi trường đầu tư lẫn thương mại.
Chỉ có một tin tức an ủi giúp "nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế" : 10 ngày trước khi APEC diễn ra, vẫn là nguồn tin từ báo chí Mỹ, trong đó có đài VOA - chứ không phải Bộ Ngoại giao, cơ quan tuyên giáo hay báo chí nhà nước Việt Nam - cho biết sau khi dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng vào hai ngày 10 và 11/11 năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp ba lãnh đạo hàng đầu trong số "tứ trụ" của Việt Nam. Nhưng "riêng cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có trong lịch ở thời điểm này mà chưa rõ lý do vì sao".
3/4 của "tứ trụ", xếp theo thứ tự về mặt đảng từ cao xuống là Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc.
Có thông tin cho biết trong thời gian gần đây, mà cụ thể là sau khi Nhà Trắng phát đi thông cáo báo chí về việc Tổng thống Trump sẽ chính thức gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, "kênh đảng" đã có một đợt vận động cấp tập để "Trump gặp Trọng" - tương tự chiến dịch vận động được Bộ Ngoại giao Việt Nam âm thầm xúc tiến từ khoảng giữa năm 2014 đến gần giữa năm 2015 để Tổng bí thư Trọng được Tổng thống Mỹ tiếp đón như "nguyên thủ quốc gia" tại Phòng Bầu Dục vào tháng 7/2015.
Nhưng vào lần này, Trump đến Việt Nam trong một hoàn cảnh cá nhân tồi tệ mà có thể khiến ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc gặp với những nhân vật được xem là nguyên thủ quốc gia chính thức và "nguyên thủ quốc gia" không chính thức ở Việt Nam.
Bởi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ. Ba cựu cố vấn của tổng thống Mỹ bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga. Vào lần này, mối nguy hiểm đối với ông Trump còn lớn hơn cả lần gần nhất khi ông bị đảng Dân chủ đòi điều tra.
Trong tâm thế ngổn ngang tơ vò như vậy, liệu Tổng thống Mỹ có thể dành toàn tâm toàn ý cho Hội nghị APEC lần này và "tay bắt mặt mừng" với giới chóp bu Việt Nam hay không ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/2017
Trump-APEC : Điểm nhấn và kỳ vọng (VOA, 03/11/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/11 khởi hành chuyến công du 12 ngày tới năm nước Châu Á. Chuyến ra nước ngoài dài ngày nhất của ông Trump kể từ khi dọn vào Tòa Bạch Ốc sẽ đưa ông tới Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines.
Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ túc trực để giúp ông Trump đẩy mạnh chương trình nghị sự đặt trọng tâm vào thương mại và vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Người ta kỳ vọng sẽ hiểu rõ ràng hơn về chính sách của chính quyền Trump đối với khu vực Châu Á đang ngày càng trở nên quan trọng trên trường quốc tế vốn đã khiến người tiền nhiệm của ông Trump, Tổng thống Barack Obama, phải ‘Xoay trục.’
Một vài trọng tâm đang được giới quan sát hết sức ‘để ý’ :
Cuộc khủng hoảng Triều Tiên
Triều Tiên sẽ là vấn đề cấp bách nhất đối với ông Trump giữa lúc Bình Nhưỡng đang tiến gần tới thủ đắc võ khí hạt nhân có khả năng bắn trúng lục địa Mỹ. Mục tiêu của ông Trump là kéo được Hàn Quốc và Trung Quốc vào kế hoạch tăng tối đa áp lực Bình Nhưỡng.
Hiểu rõ phương cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump, Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in đang tìm ‘khoảng trống’ để đối thoại với Bình Nhưỡng trong khi Trung Quốc phản đối lệnh cấm vận dầu khí đối với Triều Tiên hay một cuộc chiến tranh phủ đầu, viện dẫn lý do sẽ gây bất ổn lớn ở bán đảo Triều Tiên.
Thương lượng mậu dịch
Giảm mất cân bằng thương mại với Châu Á là ưu tiên kinh tế hàng đầu của lãnh đạo Mỹ. Khi rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP có sự tham gia của Việt Nam cùng 10 nước khác, ông Trump từng tuyên bố sẽ thương lượng trực tiếp với từng nước một.
Theo dự kiến, ông Trump sẽ yêu cầu Nhật mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt bò và ô tô của Mỹ và thúc đẩy Hàn Quốc điều chỉnh hiệp ước tự do thương mại song phương đã có 5 năm nay mà ông mô tả là ‘quá lợi cho Hàn Quốc và quá hại cho Hoa Kỳ.’
Đối với Trung Quốc, ông có thể sẽ bảo đảm một số thỏa thuận thương mại trị giá hàng tỷ đô la.
Quan hệ Mỹ-Trung
Trong các chủ đề ông Trump bàn thảo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh lần này không thể thiếu vấn đề Triều Tiên và sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á
Một phần sứ mạng của ông Trump là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc cổ súy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và thông thoáng, theo Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Trump, khi đặt chân tới Châu Á sẽ thể hiện tầm nhìn của Mỹ tại thượng đỉnh APEC tại Việt Nam cũng như sẽ tổ chức các cuộc họp thượng đỉnh với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, quyết định của ông Trump bỏ qua Thượng đỉnh Đông Á do ASEAN tài trợ ở Philippines vào ngày 14/11 không những khiến người ta thắc mắc về sự nghiêm túc trong cam kết của Trump đối với Châu Á, mà còn tạo điều kiện cho Trung Quốc ‘bành trướng’ ảnh hưởng.
Việt Nam trông đợi gì ?
Chặng dừng của ông Trump tại Việt Nam từ ngày 10 đến 12/11 là một sự kiện đáng chú ý giữa lúc Việt Nam đang tìm cách vực dậy năng lượng cho mối quan hệ song phương sau khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP.
Giới lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam muốn có các mối quan hệ kinh tế khắng khít hơn với Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu và giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh chiếm 21% tổng thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2016, gần gấp đôi so với chục năm trước, trong khi Mỹ chiếm khoảng 13%, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Việt Nam có phần chắc sẽ ‘ve vãn’ ông Trump bằng cách giảm bớt những rào cản đầu tư và ký các thỏa thuận kinh doanh lớn để hạ nhiệt những chỉ trích về mức thặng dư mậu dịch với Mỹ tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua. Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Tòa Bạch Ốc hồi tháng 6, Việt Nam đã ‘chào hàng’ một số các thỏa thuận thương mại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Trump đang vướng bận ‘nhiều chuyện nội bộ của Mỹ’ với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ đang ngày càng gay cấn và điểm nóng Triều Tiên, Hà Nội ‘khó lòng kỳ vọng gì nhiều ở ông Trump trong chuyến đi này,’ theo nhận định của Luật sư-Giáo sư Vũ Đức Khanh tại Đại học Ottawa (Canada), một chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.
Theo nhà quan sát này, hai điểm chính mà Việt Nam trông chờ khi đón tiếp Tổng thống Donald Trump lần này là sự tái cam kết trong chính sách an ninh-tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Trung Quốc không ngừng lấn bước trong các tranh chấp chủ quyền, và một tín hiệu rõ ràng về chính sách thương mại của Washington với Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh TPP tái khởi động không có Mỹ.
Trà Mi
Nguồn tham khảo : Nikkei/ Bloomberg/VOA Interview
*******************
Tổng thống thứ 45 của Mỹ bắt đầu chuyến công du đầu tiên tại Châu Á. Trước khi khởi hành vào thứ sáu 03/11/2017, Washington đưa hai oanh tạc cơ chiến lược B1-B biểu dương lực lượng trên không phận bán đảo Triều Tiên. Hành động này có lẽ không phải là ngẫu nhiên : Donald Trump cần phải trấn an các nước Châu Á, đang mất niềm tin vào đồng minh Hoa Kỳ.
Công du Châu Á trong hơn 10 ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải rất thận trọng. Ảnh minh họa. miné.JIM WATSON / AFP
Vòng công du đầu tiên của tổng thống Donald Trump ở Châu Á, được giới phân tích xem là rất "tế nhị". Các quốc gia đồng minh cốt lõi trong khu vực chờ xem chủ nhân Nhà Trắng có hành động hay tuyên bố nào xác quyết lập trường truyền thống "cột trụ an ninh" ở Châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Triều Tiên công khai thách thức và Trung Quốc cũng không còn che giấu tham vọng bá quyền.
Trong khi đó thì chiến lược Châu Á của Donald Trump vẫn là một ẩn số. Đâu là mục tiêu sâu xa của Washington ? Những tuyên bố của tổng thống Mỹ, lúc còn là ứng cử viên, muốn xét lại mối quan hệ liên minh lịch sử giữa Hoa Kỳ với các đồng minh trên thế giới đã gây hoang mang trong công luận và chính giới các nước liên hệ, ở Châu Âu cũng như ở Châu Á.
Được RFI đặt câu hỏi, chuyên gia Pháp Barthélémy Courmont, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IRIS giải thích : Có một mối ưu tư rất lớn, đặc biệt là ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước này lo ngại vì những lời tuyên bố của Donald Trump. Trước khi đắc cử, Donald Trump kêu gọi hai nước Châu Á này phải tự lo thân trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên. Tuyên bố này làm công luận và các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc bất an. Lo âu còn nhiều hơn nữa liên quan đến sự giao kết của Mỹ ở Biển Đông. Trên toàn Châu Á, từ khi Donald Trump đắc cử, người ta thấy Mỹ muốn rút chân ra khỏi khu vực nhất là qua quyết định từ bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Các nước trong vùng xem quyết định này là dấu hiệu Mỹ bỏ rơi những cam kết liên đới lịch sử với các đồng minh truyền thống.
Do vậy, trong chuyến công du Châu Á lần này, Donald Trump phải tìm cách xóa tan những lo ngại của các đồng minh.
Lời cảnh báo Tokyo và Seoul phải tự lo thân, không nên trông cậy ô dù nguyên tử của Washington đã làm lung lay niềm tin ở các nước đồng minh Châu Á. Thêm vào đó là những phản ứng ngẫu hứng của tổng thống Donald Trump trước mỗi hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng càng làm cho tình hình căng thẳng thêm.
Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, hồ sơ quan trọng thứ hai trong chuyến công du cũng ẩn chứa nhiều chướng ngại. Quyết định của Donald Trump không tham gia Hiệp Định TPP, cho dù người tiền nhiệm đã ký kết, chỉ làm cho uy tín của Mỹ trong khu vực, bị tác hại.
Mỹ rút chân, Trung Quốc thừa cơ hội thao túng khu vực với dự án đối tác thương mại khu vực gọi tắt là RECEP.
Tuy nhiên, biết rõ Bắc Kinh không thực tâm tôn trọng quyền tự do kinh doanh mà chỉ sử dụng hiệp ước thương mại để phục vụ ý đồ chính trị bành trướng, 11 thành viên còn lại của TPP, đứng đầu là Nhật Bản và Úc tiếp tục con đường đa phương đã định trong khi tổng thống Donald Trump cố tìm những thỏa thuận song phương có lợi cho Mỹ.
Trong vòng 11 ngày của chuyến công du Châu Á từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, chủ nhân Nhà Trắng phải chứng minh là khẩu hiệu "nước Mỹ trước đã" của ông không có tác động ngược, làm hại cho quyền lợi của nước Mỹ.
Tú Anh
Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét khổng lồ để xây đảo nhân tạo (RFI, 04/11/2017)
Hôm 04/11/2017, báo chí chính thức của Trung Quốc loan tin là nước này vừa cho hạ thủy một chiếc tàu khổng lồ, có khả năng xây những đảo nhân tạo giống các đảo mà Bắc Kinh đã xây ở Biển Đông.
Đá Vành Khăn, Trường Sa, một trong những đá mà Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh chụp từ máy bay P-8A Poseidon của Mỹ. Reuters
Theo China Daily, chiếc tàu nạo vét lớn nhất Châu Á này, mang tên Thiên Côn Hiệu (Tian Cun Hao), đã được hạ thủy tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, để bắt đầu chạy thử.
Chiếc tàu khổng lồ này có khả năng đào được 6.000 mét khối đất/giờ, khối lượng tương đương với gần ba bể bơi Olympic. Với chiều dài 140 mét, chiếc tàu mới có kích thước lớn hơn chiếc tàu Thiên Kinh (Tian Jing) mà Bắc Kinh đã sử dụng để nạo vét và bồi đắp các đá và các đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông và đặt trên đó các cơ sở quân sự.
Chiếc tàu Thiên Côn có khả năng đào ở độ sâu đến 35 mét và sau khi nghiền nát đá và cát được nạo vét thành bùn, có thể tự động phóng lượng bùn này đi xa 15 km, khoảng cách phóng xa nhất đối với một tàu nạo vét hiện nay trên thế giới.
Thanh Phương
******************
Trung Quốc : Biển Đông không nằm trong nghị trình APEC (VOA, 03/11/2017)
Vấn đề Biển Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam, và cũng không nằm trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc họp thượng định này, Tân Hoa Xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông khẳng định hôm thứ Sáu (3/11).
Hội nghị APEC 2017 sẽ được tổ chức ở Đà Nẵng, Việt Nam .
"Các bên khác nhau có sự nhất trí về vấn đề này", ông Lý Bảo Đông cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh về chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới tham dự APEC ở Đà Nẵng, sau đó thăm cấp nhà nước tới Hà Nội và kết thúc chuyến đi tại Lào.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này hy vọng hội nghị APEC sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế của khu vực Châu Á Thái-Bình Dương.
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông nhận định căng thẳng ở Biển Đông đã hạ nhiệt và có những tiến triển tích cực. Ông cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
"Hai bên sẽ giữ vững nguyên tắc tham vấn và đối thoại thân thiện để cùng quản lý và kiểm soát các tranh chấp hàng hải, bảo vệ bức tranh lớn về mối quan hệ đang phát triển Việt-Trung", tờ Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời ông Trần.
Trong khi đó, tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội một ngày trước đó (2/11), Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị hai bên nên giải quyết tranh chấp dựa trên sự đồng thuận và luật pháp quốc tế, tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Trước đó vào tháng 8, một cuộc họp đã lên lịch giữ hai ngoại trưởng Việt-Trung đã bị hoãn vào phút chót do bất đồng giữa hai bên về vấn đề Biển Đông. Mặc dù lý do hoãn họp không được nêu chính thức, nhưng các hãng tin quốc tế cho biết ông Vương Nghị đã bỏ họp với ông Phạm Bình Minh vì một thông cáo chung của ASEAN đưa ra ngay trước đó, với nội dung bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc bồi đắp các đảo tranh chấp và quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh đổ lỗi cho Việt Nam đã vận động để đưa vấn đề này vào thông cáo chung của ASEAN.
Hoa Nam Buổi Sáng nhận định mặc dù Hà Nội có những nghi ngờ sâu sắc đối với Bắc Kinh về vấn đề an ninh, song họ vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Ngoài ra, quyết định rút khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của chính quyền Trump cũng là một yếu tố thúc đẩy Hà Nội tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Cũng trong ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết Bắc Kinh mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ông cho biết thêm rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt 150 tỷ đôla trong năm nay.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/11/d/db/db300415-7c4b-4035-82c4-1c737e5cee99.mp4
*****************
Biển Đông : Trung Quốc thông báo đạt được một thỏa thuận với Việt Nam (RFI, 03/11/2017)
Ngày 03/11/2017, một quan chức Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Hà Nội đã đạt được một đồng thuận trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông thông qua nhiều cuộc đối thoại hữu nghị. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Vương Nghị vừa đến Hà Nội làm việc với các đồng nhiệm Việt Nam vào tuần này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (t) và ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh trước cuộc hội đàm tại Hà Nội ngày 02/11/2017.Reuters/Kham
Phát biểu trước chuyến công du tham dự thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng của chủ tịch Tập Cận Bình, ông Trần Hiểu Đông (Chen Xiaodong), trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc cho biết các quan chức của hai nước đã có nhiều cuộc thảo luận "sâu sắc, thẳng thắn" về các vấn đề hàng hải và "đã đạt được một thỏa thuận quan trọng" song ông không nêu chi tiết.
Ông cho biết thêm : "Cả hai bên duy trì nguyên tắc tham khảo và đàm phán hữu nghị để cùng quản lý và kiểm soát các tranh chấp hàng hải và bảo vệ hình ảnh phát triển quan hệ Việt-Trung, cũng như ổn định tại Biển Đông".
Về phía Việt Nam, trong một bản thông cáo ngày 02/11/2017, phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong buổi làm việc với phái đoàn Trung Quốc, ông đã đề nghị với ngoại trưởng Vương Nghị rằng hai nước giải quyết các tranh chấp dựa trên đồng thuận và luật pháp quốc tế.
Sau khi tham dự thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng trong hai ngày 10-11/11, chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Việt Nam và Lào. Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lý Bảo Đông (Li Baodong), mục đích chính của chuyến công du là thúc đẩy môi trường mở cửa và hòa nhập để phát triển thương mại và đầu tư trong vùng.
Vì căng thẳng tại Biển Đông, một cuộc gặp gỡ giữa ngoại trưởng hai nước được dự kiến vào tháng 08/2017 bên lề một cuộc họp tại Manila, đã bị hủy.
Biển Đông : Trung Quốc hy vọng Mỹ "giúp đỡ, không gây thêm vấn đề"
Hãng tin Reuters cho biết ông Trần Hiểu Đông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á sẵn sàng và có khả năng tự giải quyết tình hình Biển Đông, ngầm nhắc đến Hoa Kỳ và những chuyến tuần tra của Hải Quân Mỹ trong vùng biển này khiến Bắc Kinh tức giận.
Cũng trong ngày 03/11, phát biểu trước báo giới tại Bắc Kinh, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) hy vọng Hoa Kỳ có thể "giúp đỡ, chứ không gây thêm vấn đề" ở Biển Đông. Ông khẳng định : "Vấn đề tại Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Thu Hằng
***********************
Trung Quốc nói đạt thỏa thuận kiểm soát tranh chấp Biển Đông với Việt Nam (RFA, 03/11/2017)
Tin về quan hệ Việt- Trung, một quan chức ngoại giao của Trung Quốc vào ngày 3 tháng 11 lên tiếng cho rằng Bắc Kinh và Hà Nội đạt được thỏa thuận về kiểm soát tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông thông qua những cuộc đàm phán hữu hảo.
Trung Quốc xây nhà trên đảo nhân tạo ở đảo Thị Tứ quần đảo Trường Sa. AP Images
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, ông Trần Hiểu Đông, cho biết như vừa nêu tại cuộc một họp báo trước chuyến công du của chủ tịch Tập Cận Bình đến Việt Nam để thăm chính thức cấp nhà nước ở Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng.
Theo lời của ông Trần Hiểu Đông thì lãnh đạo của hai quốc gia láng giềng Việt Nam- Trung Quốc đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu rộng về các vấn để biển ; sau đó hai phía đạt được đồng thuận quan trọng.
Cũng theo lời ông Trần Hiểu Đông thì cả hai phía sẽ tuân thủ nguyên tắc đối thoại và tư vấn thân thiện nhằm quản lý những tranh chấp về lãnh hải, và bảo vệ tòa cảnh lớn hơn trong việc phát triển mối quan hệ Việt- Trung và ổn định tại khu vực Biển Đông.
Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, ra thông cáo cho biết tại cuộc gặp với người tương nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 2 tháng 11 rằng hai phía giải quyết tranh chấp dựa trên căn bản ý thức chung và luật pháp quốc tế.
Trong khi đó thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang ngày 3 tháng 11 lên tiếng bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ chứ không tạo nên vấn đề tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Trịnh nói với báo giới như vừa nêu và nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi tại Biển Đông và vấn đề tranh chấp lãnh hải tại khu vực này không phải là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nguyên văn lời của ông thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang là Bắc Kinh hy vọng một nước bên ngoài như Hoa Kỳ có thể trồng thêm hoa và loại bớt gai ; tức giúp đỡ chứ không gây nên vấn đề cho khu vực Biển Đông.
Phát biểu của thứ trưởng ngoại giao Trịnh Trạch Giang của Trung Quốc được đưa ra trước chuyến thăm Châu Á của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được bắt đầu từ ngày 4 tháng 11 qua 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
**********************
Trung Quốc hoạt động trên biển riêng rẽ với Việt Nam và ASEAN (BBC, 02/11/2017)
Việt Nam đang có cuộc tuần tra chung với Trung Quốc trong ba ngày, Tân Hoa Xã đưa tin, ở quanh khu vực đánh bắt cá chung trên Vịnh Bắc Bộ.
Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành tập trận, huấn luyện quân sự, trong đó có diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, theo giới quan sát
Hai quốc gia điều động hai tàu tuần tra, thực hiện một loạt các nhiệm vụ theo lịch trình bắt đầu từ thứ Tư 1/11, bao gồm nghiên cứu, luyện tập các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, và kiểm tra các tàu đánh cá.
Theo Tân Hoa Xã, đây là đợt tuần tra chung thứ hai của lực lượng cảnh sát biển của hai nước trong năm nay ; lần đầu được tổ chức vào tháng Tư.
Một sĩ quan thuộc Bộ phận Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cho Tân Hoa Xã biết các cuộc tuần tra chung đã giúp tạo ra một "môi trường ổn định để đánh cá, xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng an ninh hàng hải, và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa người dân hai nước".
Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành 14 cuộc tuần tra chung trong vùng đánh cá chung từ năm 2006.
Vịnh Bắc Bộ là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân hai nước. Trung Quốc và Việt Nam đã ký hiệp định phân chia biên giới trên biển ở khu vực này hồi cuối năm 2000, sau 27 năm đàm phán.
Theo hiệp định đã ký, Việt Nam được 53,23% và Trung Quốc được 46,77% diện tích Vịnh.
Diễn tập chung Trung Quốc-ASEAN ; Việt Nam vắng mặt
Ngay trước lúc hai bên có cuộc tuần tra chung, Trung Quốc đã cùng một số nước thành viên ASEAN tiến hành một cuộc diễn tập giải cứu hàng hải với quy mô lớn chưa từng có.
Các nước tham gia gồm Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei, theo hãng tin AFP.
Cuộc tập trận hôm 31/10 mô phỏng một vụ va chạm giữa chiếc tàu chở khách Trung Quốc và tàu chở hàng của Campuchia ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông.
Có tổng số khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ trên 20 tàu và ba trực thăng tham gia sự kiện này, theo truyền thông Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc Phòng Trung Quốc Trường Vạn Toàn tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ở Phillipines hôm 24/10
Cuộc diễn tập chung giữa Trung Quốc và 6 thành viên thuộc khối ASEAN diễn ra sau các cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Singapore bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ 11 tại Philippines hồi tháng trước.
AFP nhận định cuộc diễn tập trên cho thấy "căng thẳng ở Biển Đông suy giảm dần", và đồng thời, sự phản đối của các nước ASEAN đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông cũng đang hạ nhiệt dần.
Nhiều năm nay, Biển Đông luôn là vấn đề gai góc nhất cho các nước ASEAN. Các nước có quan điểm khác nhau về cách lên tiếng về sự khẳng định chủ quyền, các tòa nhà và quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong các vùng biển có tranh chấp.
Hồi tháng Tám vừa rồi, cuộc họp ngoại trưởng các nước ASEAN đã không đưa ra được thông cáo chung thường lệ vì không đạt được sự đồng thuận về ngôn từ liên quan các tranh chấp ở Biển Đông, hãng tin Anh Reuters tường thuật.
Reuters dẫn nguồn các nhà ngoại giao từ ba nước ASEAN nói sự chậm trễ là do Việt Nam muốn thông cáo đề cập việc cần tránh các hoạt động 'bồi đắp lấn biển' và 'quân sự hóa'.
Hồi năm ngoái, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại the Hague ra phán quyết trong vụ kiện do Manila đệ đơn, theo đó bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại từ chối sử dụng quyết định này như một đòn bẩy lợi thế, thay vào đó là làm dịu chính sách của người tiền nhiệm để đổi lại hàng tỷ đô la thông thương hàng hóa và đầu tư từ Trung Quốc.
***********************
Trung Quốc muốn Mỹ ‘không gây rắc rối’ biển Đông trước chuyến đi của Trump (VOA, 03/11/2017)
Ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ "giúp đỡ chứ không phải là gây thêm rắc rối" trên biển Đông.
Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể "giúp chứ không gây thêm rắc rối" trên biển Đông đang có nhiều tranh chấp, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Bắc Kinh vào tuần sau, theo ghi nhận của Reuters.
Mỹ đã chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên vùng biển này và lo ngại nước này có thể dùng các cơ sở đó để hạn chế việc tự do hàng hải.
Các tàu hải quân của Mỹ cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông khiến cho Trung Quốc tức giận.
Nói với các phóng viên về chuyến công du Châu Á của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói Bắc Kinh có chủ quyền lãnh thổ không thể gây tranh cãi đối với các hòn đảo và vùng lãnh hải bao quanh đó trên biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa. Thực chất của cuộc tranh chấp trên biển Đông là sự lấn chiếm bất hợp pháp của một số nước trên một số hòn đảo và rạn san hô, theo ông Trịnh. Vị thứ trưởng ngoại giao này nói thêm rằng Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại với các nước có liên quan trực tiếp.
"Vấn đề biển Nam Trung Hoa không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ", Reuters trích lời ông Trịnh.
"Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ, với tư cách là một quốc gia bên ngoài, có thể ‘làm nở thêm hoa và ít gai hơn’ – giúp đỡ chứ không phải là gây thêm rắc rối", theo lời vị thứ trưởng này.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói ông hy vọng Mỹ có thể có cách nhìn khách quan về những phát triển tích cực trên biển Đông và tôn trọng các nỗ lực của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong việc bảo vệ hòa bình và sự ổn định ở đây.
Theo ông Trịnh, không có vấn đề gì đối với tự do hàng hải trên biển Đông và Trung Quốc phản đối bất kỳ bên nào sử dụng một lý do nào đó để làm tổn hại đến lợi ích về chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành thêm nữa các hoạt động tuần tra lớn trên biển Đông.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển đang là nơi giao thương của lượng hàng hóa giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình chính thức bị xét xử theo điều 258 (VOA, 02/11/2017)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ an hôm 30/10 kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm Sát tỉnh Nghệ An đề nghị truy tố Hoàng Đức Bình theo khoản 2, Điều 258 Bộ Luật Hình sự "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Nhà tranh đấu Hoàng Đức Bình. (Ảnh : Facebook Bình Hoàng)
Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho nhà hoạt động công đoàn độc lập và môi trường Hoàng Đức Bình, thông báo trên Facebook hôm 1/11 rằng với tội danh này, Bình sẽ đối mặt với mức án tù từ hai năm đến bảy năm.
Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 15/5, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Nguyễn Đình Thục.
Trực tiếp chứng kiến vụ bắt bớ, Linh mục Nguyễn Đình Thục, cho VOA biết cảnh sát giao thông đã chặn xe ô tô chở linh mục và ông Bình trên đường quốc lộ, tiếp đến hàng chục nhân viên công an mặc cảnh phục lẫn thường phục đã "tấn công một cách thô bạo và mở cửa" chiếc xe, "lôi" ông Bình ra rồi "đưa đi mất".
Trước khi bị bắt, ông Bình tích cực tham gia các hoạt động phản đối vụ hãng Formosa gây thảm họa ô nhiễm biển miền trung Việt Nam, nhất là tại một số vùng có đông giáo dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Ông Bình từng là Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, tổ chức được thành lập năm 2008 với mục tiêu giúp người lao động đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của họ. Chính quyền Việt Nam không công nhận tổ chức này.
***********************
'Chưa luật sư nào bào chữa thành công các vụ Điều 258' (BBC, 02/11/2017)
Nhân vụ một nhà hoạt động bị đề nghị truy tố theo Điều 258, một luật sư ở Thành phố Hồ Chí Minh bình luận với BBC rằng "chưa luật sư nào bào chữa thành công cho thân chủ bị Điều 258, nhưng không phải vì luật sư kém cỏi".
Hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái, đang bị truy nã) và Hoàng Đức Bình (đang bị giam)
Luật sư Hà Huy Sơn cho hay, ngày 30/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát đề nghị truy tố ông Hoàng Đức Bình theo Khoản 2, Điều 258 Bộ luận Hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Nếu bị tòa tuyên phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, ông Bình có thể đối mặt với bản án từ 2 đến 7 năm tù giam.
Tháng 5/2017, báo Nghệ An đưa tin bắt giữ 'phản động' Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội 'Chống người thi hành công vụ ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước ; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết : "Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi"…
Ông Nguyễn Văn Hóa bị bắt hôm 11/1/2017 vì vi phạm Điều 258
'Sự thật phũ phàng'
Hôm 2/11, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói :
"Đâu là ranh giới giữa một bên là sự hành xử quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp và bên kia là tội hình sự lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước theo điều 258 Bộ luật Hình sự ? Cơ quan an ninh nói ranh giới ấy ở đâu, thì nó ở đó !"
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
"Câu trả lời ngay và luôn đó cũng đã phản ảnh một sự thật đáng buồn mà giới luật sư ít muốn thừa nhận, đó là : Chưa có thân chủ nào bị truy tố với tội danh theo Điều 258 mà được luật sư bào chữa thành công cả !"
"Nói khác, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi !"
"Sự thật phũ phàng tuy có buồn, nhưng không hề xấu hổ, không phải vì giới luật sư kém cỏi, mà vì ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy !"
Trước khi ông Hoàng Đức Bình bị bắt, hồi tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, người post các clip biểu tình chống Formosa tại miền Trung lên mạng xã hội, bị khởi tố bị can theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Hóa "nhận 1.500 đôla mỗi tháng từ các đài, trang mạng nước ngoài để viết phóng sự xuyên tạc, kích động" vụ Formosa.
Tháng 10/2016, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi thông cáo kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".
Ông Zeid Ra'ad al-Hussein kêu gọi Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".
Chính phủ Việt Nam vẫn bác cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và nói rằng chỉ có những người bị bắt "vì vi phạm pháp luật".
********************
Thư cho lãnh đạo Việt Nam về hai nữ tù nhân (RFA, 02/11/2017)
40 chuyên gia và nhà hoạt động xã hội khắp nơi trên thế giới gửi thư cho các nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ sự lo lắng về hai tù nhân chính trị Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga.
Bà Trần Thị Nga - Courtesy danlambao
Bức thư được gửi đến ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bức thư đề ngày 4 tháng 10 và được công khai trên mạng Internet vào đầu tháng 11 để kêu gọi nhiều người khác cùng ký tên.
Bức thư ngỏ nêu rõ các bản án 10 năm và 9 năm tù dành cho hai người nữ tù nhân chính trị nói trên có những vi phạm quyền tự do biểu đạt trong luật pháp quốc tế mà Việt Nam phải tôn trọng.
Bức thư nhấn mạnh rằng những bản án này đặc biệt nặng nề đối với hai phụ nữ có con nhỏ dưới mười tuổi, và là một việc hình sự hóa những hoạt động ôn hòa của hai người phụ nữ này.
Ký tên dưới bức thư là những nhà khoa học, chuyên gia xã hội người Việt và người nước ngoài đang sống và làm việc tại Mỹ, Châu Âu, và Châu Úc. Có nhiều người đã từng là chuyên gia cho chính phủ Việt Nam như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam như bà Sophia Quinn-Judge, ông Peter Zinoman, ông Christopher Goscha.
*********************
Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng bị Công an Hà Nội sách nhiễu (RFA, 02/11/2017)
Cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng vào ngày 1 tháng 11 bị công an Hà Nội bắt, cưỡng đoạt điện thoại khi bà này đến thăm người thân tại thị xã Sơn Tây, thuộc Hà Nội.
Chị Bùi Thị Minh Hằng (ngồi giữa hàng đầu)chụp ảnh cùng bà con Phật giáo Hòa Hảo trước khi bị bắt hồi tháng 2/2014 - Photo : RFA
Tin nêu rõ hai công an đến nhà người thân nơi bà Bùi thị Minh Hằng có mặt yêu cầu kiểm tra hành chính vào lúc 2 giờ chiều ngày 1 tháng 11. Bà này sử dụng điện thoại di động để thu lại cảnh đó thì bị một nhóm gần chục người từ bên ngoài xông vào bắt đưa vào một chiếc xe bảy chỗ đậu gần ngôi nhà rồi đưa đến trụ sở Công an Sơn Tây.
Tại đó bà bị lục soát, bị lấy điện thoại và ví tiền có 3 triệu đồng trong đó. Sau đó bà bị thẩm vấn bởi một viên chức tự xưng là thuộc Công An Hà Nội. Bà Bùi thị Minh Hằng từ chối trả lời những câu hỏi của viên công an nên bị bỏ một mình đến 8 giờ tối ngày 1 tháng 11, số công an trở lại yêu cầu bà ký biên bản nhưng bà từ chối. Cuối cùng họ đưa bà về trở lại nhà người thân ở Sơn Tây.
Công an yêu cầu bà Bùi Thị Minh Hằng trở lại làm việc trong ngày 2 tháng 11 ; tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe.
Vào chiều tối ngày 2 tháng 11, bà Bùi Thị Minh Hằng cho Đài Á Châu Tự Do biết tình hình sức khỏe hiện nay và sẽ thông tin công khai về vụ việc liên quan bản thân bà khi có phương tiện :
"Tôi sẽ cố gắng có phương tiện trong thời gian sớm nhất để thông tin. Hiện nay tôi đang rất đau và phải ở cùng con cháu".
Xin được nhắc lại cựu tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng là một trong những người tích cực tham gia đợt biểu tình ở Hà Nội vào năm 2011 và những sự kiện tương tự trong những năm sau đó. Mục tiêu các cuộc biểu tình nhằm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam.
Bà bị bắt lần đầu vào tháng 11 năm 2011 tại Sài Gòn khi đứng giương biểu ngữ ủng hộ những người ở Hà Nội biểu tình hoan nghênh đề nghị của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về luật biểu tình. Lần đó bà bị đưa vào Trại cải tạo Thanh Hà ở Vĩnh Phúc. Đến cuối tháng tư năm 2012 bà mới được đưa về nhà ở Vũng Tàu.
Bà bị bắt lại lần thứ hai vào đầu năm 2104 khi cùng một số nhà hoạt động khác và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái do Hà Nội lập nên đến thăm cựu tù chính trị Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Bà bị đưa ra tòa cùng với anh Nguyễn Văn Minh và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’. Bà bị tuyên án 3 năm tù giam.
Sau khi mãn án tù, bà Bùi thị Minh Hằng tiếp tục tích cực lên tiếng về tình hình Việt Nam. Bà sử dụng công cụ mạng xã hội như livestream của Facebook để bày tỏ chính kiến về những vụ việc diễn ra liên quan đến bắt bớ các thành phần đấu tranh, ủng hộ dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam.
***********************
Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung (RFA, 02/11/2017)
Một phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho mạng báo lề trái ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, cô Huyền Trang, vào ngày 1 tháng 11 bị hành hung bởi thành phần lạ mặt sau khi tham dự lễ giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.
Phóng viên Huyền Trang - Courtesy FB Nguyễn Huyền Trang
Tin cho biết cô Huyền Trang bị một nhóm người xông vào đánh ngay sau thánh lễ.
Cô kể lại vụ việc với Đài Á Châu Tự Do vào chiều tối ngày 2 tháng 11 như sau :
Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn thì khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi. Và bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi, nói chung đã cho thuốc uống rồi
Vụ việc đối với phóng viên độc lập Huyền Trang xảy ra ngay trước Ngày Quốc tế Yêu Cầu Chấm dứt Dung Dưỡng Tội Ác Đối Với Nhà Báo, 2 tháng 11 hằng năm do Liên Hiệp Quốc đề ra.
Theo tổ chức quốc tế này thì trong vòng 11 năm qua có hơn 900 nhà báo bị giết hại vì đưa tin tức, thông tin đến cho công chúng. Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp dứt khoát chống lại sự dung thứ cho những tội ác đối với các phóng viên.
Đặc phái viên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam gặp ông Tập (RFA, 31/10/2017)
Đặc phái viên của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam vào chiều ngày 30 tháng 10 được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo báo chí tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 10 năm 2017. AFP
Tin tức ghi nhận được cho biết ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của ông Nguyễn Phú Trọng, sang Bắc Kinh để chúc mừng thành công của Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ông Hoàng Bình Quân, ngoài vai trò đặc sứ của ông tổng bí thư còn là ủy viên trung ương đảng, trưởng ban đối ngoại trung ương đảng cộng sản Việt Nam, trong cuộc gặp với người đứng đầu nhà nước kiêm tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, phát biểu Hà Nội muốn phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Bắc Kinh. Ông Hoàng Bình Quân chúc đảng cộng sản Trung Quốc đạt được mục tiêu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Ngay sau khi ông Tập Cận Bình tái nhiệm chức tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, vào ngày 25 tháng 10 ông Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chúc mừng ; và nay cử đặc sứ sang tận Bắc Kinh để nhắc lại thông điệp của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam với phía Trung Quốc.
Một chuyên gia Việt Nam, bà Nguyễn Nguyên Bình, phó Viện trưởng các vấn đề phát triển Việt Nam, đưa ra nhận định về chuyến đi của ông Hoàng Bình Quân sang Trung Quốc :
"Theo chúng tôi cho rằng đây cũng là một thường lệ thôi, nhưng chỉ có là ông Tập Cận Bình vừa rồi có đọc bài diễn văn nói quá rõ tham vọng xây dựng lại trật tự thê giới trong đó có vấn đề ông quyết tâm lấy biển Đông Việt Nam, người ta đã nói rõ thế rồi mà mình vội vã đi sang, thì theo tôi cho thế dù cấp thấp chưa phải cấp bộ chính trị mà chỉ cấp trung ương, mà ông Hoàng Bình Quân này là trưởng ban đối ngoại thì việc ông sang lẽ ra phải là bình thường nhưng Tập Cận Bình nói rõ những mưu đồ mà mình lại sang thì theo bản thân tôi cũng như một số các dư luận mà có quan tâm thì người ta thấy đấy là một sự tiếp tục tỏ thái độ như chư hầu".
*******************
Đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng gặp Tập Cận Bình (VOA, 31/10/2017)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Hai 30/10 kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam hãy có nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định quan hệ giữa hai nước.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Hoàng Bình Quân. (Ảnh TTXVN)
Tân Hoa Xã trích lời kêu gọi của ông Tập, người vừa tái đắc cử chức Tổng Bí thư trong Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói trong cuộc gặp với ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam, cũng là đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Tập nói các lãnh đạo mới trong Ban Chấp hành Trung Ương được bầu trong đại hội 19 sẽ hợp tác với lãnh đạo Đảng của Việt Nam nhằm "làm sâu sắc hơn nữa các trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, triển khai những nội dung quan trọng mà hai bên đã nhất trí, và xử lý thích hợp các vấn đề có liên quan" để thúc đẩy sự phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định trong quan hệ song phương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói hai đảng của hai nước đều là đảng cầm quyền theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và cần phải nhìn mối quan hệ Việt-Trung từ một vị trí cao hơn, ở một mức độ sâu sắc hơn, và cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai chung.
Truyền thông trong nước nói ông Hoàng Bình Quân đã chuyển tới ông Tập Cận Bình lời chúc mừng thành công của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thông Tấn Xã Việt Nam nói ông Quân khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển "quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện" với Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc, mong muốn hai bên phối hợp thực hiện tốt các nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và các thỏa thuận đã đạt được.
Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã, ông Quân còn nói rằng Việt Nam muốn hiểu rõ hơn về tinh thần của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, và "Tư tưởng Tập Cận Bình về vấn đề Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc" trong thời đại mới.
***********************
Ông Tập tiếp đặc phái viên của TBT Trọng (BBC, 31/10/2017)
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam hãy có nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định quan hệ giữa hai nước, Tân Hoa Xã đưa tin.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp ông Hoàng Bình Quân chiều 30/10 tại Bắc Kinh
Lời kêu gọi của ông Tập, người vừa được Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc tái xác lập vị trí lãnh đạo trong năm năm tới, được đưa ra trong cuộc gặp với ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Việt Nam.
Trong chuyến đi lần này, ông Hoàng Bình Quân đảm nhiệm vai trò đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tại cuộc gặp gỡ, ông Tập khẳng định rằng bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ làm với dàn lãnh đạo của Tổng bí thư Trọng.
Mục tiêu, ông nói, là nhằm làm sâu sắc hơn nữa các trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị lẫn nhau, triển khai những nội dung quan trọng mà hai bên đã nhất trí, và xử lí thích hợp các vấn đề có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định trong quan hệ song phương, Tân Hoa Xã tường thuật.
Ông Tập nói rằng hai đảng của hai nước đều là các đảng cầm quyền ở các đất nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa, và cần phải nhìn mối quan hệ Việt-Trung từ một vị trí cao hơn, ở một mức độ sâu sắc hơn, và cần mạnh mẽ thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ vận mệnh.
"Kết quả Đại hội Đảng"
Nhắc tới kết quả Đại hội 19, ông Tập nói rằng ông đã kêu gọi các đảng viên hãy tiếp tục theo đuổi khát vọng và giữ vững sứ mệnh, và điều đó cũng áp dụng vào sự phát triển của quan hệ Việt-Trung.
Đem theo lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới Chủ tịch Tập, ông Hoàng Bình Quân nói rằng Việt Nam muốn hiểu rõ hơn về tinh thần của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, và về Tư tưởng Tập Cận Bình trong vấn đề Chủ nghĩa Xã hội Đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, theo Tân Hoa Xã.
Ông Hoàng Bình Quân cũng khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ song phương trong thời đại mới lên một tầm cao mới.
Trong chuyến đi, ông Hoàng Bình Quân đã gặp với ông Tống Đào, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi gặp ông Tập, truyền thông Việt Nam nói.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hoàng Bình Quân đảm nhận vai trò đặc phái viên của Tổng bí thư Trọng tới gặp ông Tập.
Hồi đầu năm ngoái, ông đã sang Trung Quốc "thông báo trực tiếp" kết quả Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam tới lãnh đạo Bắc Kinh.
Trong cuộc gặp với vị khách Việt Nam hôm 29/2/2016, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng "Trung Quốc và Việt Nam cùng chung số phận, cũng như hai đảng cộng sản của hai nước", theo tường thuật của Tân Hoa Xã.
*********************
Ngoại trưởng Trung Quốc sắp thăm Việt Nam (RFA, 31/10/2017)
Vào ngày 2 tháng 11 tới đây bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, sẽ có chuyến thăm Việt Nam kéo dài trong ba ngày.
Ngoại trưởng Trung Quốc Wang Yi và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (trái) bắt tay trước cuộc gặp tại Bộ Ngoại giao Bắc Kinh vào ngày 18 tháng 4 năm 2017. AFP
Thông cáo của Bộ Ngoại gia Việt Nam cho biết như vừa nêu ; theo đó sau khi đến Hà Nội vào chiều ngày 2 tháng 11, ông Vương Nghị sẽ hội đàm cùng người tương nhiệm Việt Nam, Phạm Bình Minh. Sang ngày 3 tháng 11, ngoại trưởng Vương Nghị đến chào xã giao ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ Hà Nội.
Chuyến thăm của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đến Việt Nam diễn ra ngay trước khi ông chủ tịch Tập Cận Bình sang dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh Tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng cũng vào tháng 11 tới đây.
Một Việt Kiều Mỹ bị cấm nhập cảnh Việt Nam : ‘Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC’ (VOA, 20/10/2017)
Một người Mỹ gốc Việt bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam, do từng tham gia biểu tình ở phố Bolsa và đăng hình ảnh được cho là "nói xấu chế độ".
Ông Dominic Phạm, người Mỹ gốc Việt, cư dân thành phố Westminster, bang California (Ảnh chụp từ Facebook Dominic Phạm)
Ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster bang California, hôm 18/10 đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, "mời làm việc" và sau đó thông báo miệng từ chối nhập cảnh.
Hôm 19/10, từ thành phố Westminster, ông Dominic cho VOA biết sự việc xảy ra tại phòng nhập cảnh sân bay Nội Bài :
"Lúc bước ra khỏi máy bay, tới nơi trình hộ chiếu để họ kiểm tra thì thấy có ba chú đang nói chuyện trên điện thoại, rồi họ bảo tôi vào trong phòng làm việc.
Họ chỉ nói tại vì tôi chống cộng nên họ không được hài lòng lắm. Họ nói nếu tôi không chống cộng nữa và sau khi tôi về Mỹ thì liên hệ với họ để họ cứu xét cho trở về thăm quê nhà".
Ông Dominic có cung cấp cho VOA các thẻ lên máy bay (boarding pass) của ông cho thấy ông đáp chuyến bay Eva Air từ thành phố Las Vegas quá cảnh Đài Bắc, về đến Nội Bài trưa ngày 18/10 và cũng trưa cùng ngày ông bị buộc phải quay về Mỹ.
Ông Dominic Phạm nói công an cửa khẩu sân bay không cấp biên bản về việc từ chối nhập cảnh đối với ông :
"Không có bất cứ một văn bản nào. Tôi được chỉ vào trong phòng đó, họ hỏi qua hỏi lại, chờ cho đến giờ lên máy bay quay về Mỹ. Họ chờ cho đến khi hành khách lên máy bay xong cả thì họ dẫn mình ra trở lại máy bay".
VOA chưa liên lạc được với Cục xuất nhập cảnh hay Cơ quan phụ trách xuất nhập cảnh sân bay Quốc tế Nội bài để xác nhận sự việc.
Sau khi về lại Mỹ, ông Dominic viết lên Facebook rằng trong thời gian thẩm vấn, ông không được đụng đến điện thoại, và bị phía an ninh mặc thường phục yêu cầu cung cấp mật khẩu để "kiểm tra".
"Tôi chỉ nói ngắn gọn : ‘tôi không biết các chú là ai, các chú mặc quần áo dân thường, không bảng tên, không phù hiệu, ăn nói như đầu đường xó chợ nên tôi không nhất thiết phải tuân phủ theo các mệnh lệnh của chú".
Ông Dominic cho biết các câu hỏi thẩm vấn của một cán bộ xuất nhập cảnh như sau :"Về Việt Nam anh sẽ ở đâu ? Thăm những ai ? Tại sao anh lại chống cộng ? Anh có biết Việt Tân không ? Có biết Đào Minh Quân không ? Anh có vào đảng phái nào không ? Hầu như các cuộc xuống đường ở Bolsa đều thấy anh tham gia, Vali anh có tài tiệu gì không ? Anh đã về Việt Nam biểu tình lần nào chưa ?"
Ông Dominic nhận định lý do ông bị cấm nhập cảnh :
"Cũng có thể vì do đợt này Tổng thống Donald Trump về Đà Nẵng cho nên chế độ họ sợ tất cả những người chống Cộng mà về Việt Nam trong đợt này có thể gây rắc rối, lên tiếng này họ. Khoảng cả tháng nay, họ đã triệu tập, gửi giấy mời, bắt bớ những anh chị em đấu tranh trong nước, cũng có thể là vì lý do này".
Blogger Phan Cẩm Hường tại Hà Nội viết trên Facebook về ông Dominic : "Anh là người Việt sống tại Mỹ, anh thường dành dụm những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt để giúp dân oan & những người dân yếu thế trong nước. Anh cũng thường lên tiếng phản đối những bất công sai trái của xã hội Việt Nam qua mạng".
Blogger Trịnh Bá Phương ở Hà Nôi viết trên Facebook sau khi ông Dominic bị cấm nhập cảnh : "Chú Dominic Pham là người luôn quan tâm đến dân oan và hiện tình đất nước", đăng kèm với một bức ảnh ông Dominic Pham lần trước về thăm Việt Nam và tặng quà cho dân nghèo Dương Nội.
Nhà tranh đấu cho dân oan Dương Nội nhận định : "Đây rõ là một thủ đoạn đê hèn mà Việt Nam đã đối xử với Việt kiều, trong khi họ vẫn ra rả kêu gọi hoà giải và gọi kiều bào bằng mỹ từ 'Khúc ruột ngàn dặm.'
******************
Nhà hoạt động bị chất vấn về Hội Anh Em Dân Chủ (RFA, 20/10/2017)
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn vào ngày 20 tháng 10 làm việc với Công an Thành phố Đà Nẵng, nơi anh này có đăng ký thường trú.Sau một ngày làm việc, nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn cho đài Á Châu Tự Do biết một số điều mà anh có thể chia sẻ :
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn và Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài - facebook Khúc Thừa Sơn ; facebook Nguyễn Văn Đài
"Cả một ngày làm việc họ hỏi facebook như thế nào, quan hệ các một số bài báo viết trên mạng và phỏng vấn đài RFA, trong cam kết họ nói em là không được tiết lộ những vấn đề liên quan đến an ninh vụ án đang điều tra, và em ngầm hiểu là của hội anh em dân chủ, liên quan đến vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài. Kết thúc buổi làm việc chiều, là giấy triệu tập thứ 5, họ hẹn em 8 giờ sáng mai tiếp tục. Tất nhiên những quá trình điều tra họ không cho phép tiết lộ bởi vì đây là bí mật cam kết với họ vì đây là vụ án rất quan trọng, liên quan đến bộ áp lực xuống, họ làm việc em thấy mấy người tham gia nói, và mình ở trong đó như cá nằm trên thớt vậy đó, mình bắt buộc phải trả lời thôi"
Nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn là một trong những người bị cơ quan chức năng Việt Nam mời đi làm việc trong những ngày qua liên quan đến ‘vụ án’ cựu tù chính trị Nguyễn Văn Đài như trường hợp cựu tù chính trị-nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào ngày 18 tháng 10 vừa qua.
Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Đến ngày 30 tháng 7 vừa qua, cơ quan chức năng cho biết khởi tố vụ án đối với ông này và cáo buộc mới được nêu thêm là ‘hoạt động lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Vào ngày 30 tháng 7, bốn cựu tù chính trị gồm nhà hoạt động Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo tự do Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn bị bắt cũng với cáo buộc hoạt động lật đổ chính quyền.
******************
Nhân quyền : RSF tranh đấu cho blogger Việt Nam bị giam cầm (RFI, 20/10/2017)
Nhân Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11, khoảng 10 hiệp hội phi chính phủ và Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới phát động chiến dịch cho quyền tự do thông tin tại Việt Nam, kêu gọi Hà Nội ngưng truy bức công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Phan Kim KháCette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Trong thông cáo đề ngày 17/10/2017, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới vận động công luận kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền, "đặc biệt là quyền tự do thông tin mà Hà Nội vừa bị Liên Hiệp Quốc lên án cách nay ba tháng".
Theo RSF, ít nhất 25 blogger và nhà báo công dân đang bị cầm tù tại Việt Nam.
Trong thư, RSF lưu ý trường hợp của các nạn nhân từ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Bùi Hiếu Võ, giáo viên Đào Quang Thực cho đến sinh viên Pham Kim Khánh, người sắp ra toà vào thứ Tư 25/10/2017.
Blogger Phan Kim Khánh, sinh viên năm cuối khoa Quốc Tế, đại học Thái Nguyên, bị chính quyền Việt Nam bắt giam ngày 21/03/2017. Bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", sinh viên 21 tuổi này đối mặt với bản án 20 năm tù. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF kêu gọi Hà Nội ngưng truy bức công dân thực hiện quyền tự thông tin.
Chính quyền Việt Nam bắt Phan Kim Khánh với lý do "tuyên truyền chống nhà nước". Còn theo RSF, "tội" của người sinh viên quê ở Thái Nguyên này là "điều hành" một số trang blogg và Facebook (Tuần Việt Nam, Báo Tham Nhũng, Viet Bao TV và Vietnam Online) để thông tin đa chiều.
Trong bảng xếp hạng của RSF về các nước tôn trọng tự do báo chí năm 2017, Việt Nam đứng hàng thứ 175 trên tổng số 180.
Theo Reuteurs, Việt Nam bắt thêm một nhà bất đồng chính kiến. Bà Trần Thị Xuân, 41 tuổi, đã bị bắt ngày 17/10/2017 tại Hà Tĩnh vì cáo buộc lật đổ chính quyền, nâng con số các nhà ly khai bị bắt tại Việt Nam trong năm nay lên 17 người.
Tú Anh
*******************
‘Hãy ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam’ là kêu gọi do liên minh gồm 10 tổ chức của các nhóm nhân quyền Việt Nam cùng quốc tế đưa ra với chính quyền Việt Nam vào ngày 16 tháng 10.
Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh bị bắt giữ với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Photo of FB Nguyen Van De
Nội dung nêu rõ trong nước đang diễn ra một chiến dịch đàn áp chưa từng có đối với quyền tự do biểu đạt từ đầu năm 2017 đến nay.
Các nhà đấu tranh dân chủ và bất đồng chính kiến trong nước có nhận định gì về sự gia tăng đàn áp này ?
Bản thông cáo báo chí mang tên Stop the Crackdown in Vietnam - Ngưng Ngay Đàn Áp tại Việt Nam ghi nhận tính cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt giữ hoặc buộc phải đi lưu vong ít nhất 25 nhà hoạt động ôn hòa và blogger. Trong đó cũng nêu rõ tên của những người đang thụ án hoặc đang bị giam giữ như bà Trần Thị Nga, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và luật sư Nguyễn Văn Đài.
Một diễn biến mới nhất là ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm - Photo : RFA
Nhận định về nguyên nhân của sự gia tăng đàn áp này, nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn cho biết theo anh, đây là một kế hoạch đã có từ đầu năm 2017 của nhà cầm quyền Việt Nam.
"Kể từ đầu năm 2017 trở lại đây, số lượng đàn áp, bắt bớ đã gia tăng lên. Đặc biệt trong khoảng thời gian này rất nhiều anh em đã bị bắt. Riêng ở Nghệ An, 1 số anh em đã bị bắt rồi như chú Lê Đình Lượng, Hoàng Bình, những người liên quan đến hoạt động môi trường thì đã bị bắt và bị khởi tố cũng như bị truy nã. Trong thời gian hiện tại, có 1 số anh em khác đã bị nhà cầm quyền bao vây, cho công an theo dõi, bố ráp quanh khu vực.
Điều đó chứng tỏ họ đã quyết tâm sẽ dập tan những người bất đồng chính kiến và họ đang gia tăng khủng bố tinh thần rất trầm trọng".
Nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn nhấn mạnh thêm nhà cầm quyền Việt Nam đã có ý định đàn áp không chỉ ở miền Trung mà trên cả nước. Theo lời anh Sơn, đặc biệt ở miền Trung, bắt đầu năm 2017, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng như Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, trưởng công an tỉnh Nghệ An đã ra 1 thông báo là sẽ đập tan các ổ nhóm phản động, nhất là khu vực miền Trung, Nghệ An.
Nhắc lại diễn biến vào ngày 27 tháng 9, tại Nghệ An, cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Bên cạnh đó, mạng xã hội trong nước những tuần qua liên tục đăng tải thông tin về những người bày tỏ chính kiến bị đàn áp, sách nhiễu. Phổ biến nhất là họ nhận được giấy triệu tập, hay còn gọi là giấy mời, như trường hợp của nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng, cựu tù chính trị, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.
Có một lý do khác dẫn đến sự gia tăng đàn áp này được nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn chia sẻ.
"Theo tôi nghĩ có thể là sau hội nghị Trung ương 6 lần thứ 12 và để chuẩn bị cho kỳ họp APEC vào tháng 11 năm 2017 tới đây, họ lo sợ những nhà hoạt động nhân quyền cũng như những người đấu tranh trong nước sẽ có những hành động gì để gây trở ngại nên họ gia tăng đàn áp".
Nhà hoạt động Lã Việt Dũng, từ Hà Nội cho RFA biết cá nhân anh có một suy nghĩ khác, không hẳn là vì lý do hội nghị APEC sắp diễn ra vào tháng 11 sắp đến.
"Cũng có nhiều người nói rằng do APEC nhưng tôi nghĩ đấy không phải là lý do chính.
Theo tôi lý do chính ở đây là có 2 vấn đề. Thứ nhất, chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh đang ráo riết khủng bố và bắt giữ người lên tiếng phản đối Formosa và những người hoạt động xã hội phản đối lại họ.
Lý do thứ hai tôi thấy phần lớn các anh em bị bắt có sinh hoạt trong 1 số hội nhóm mà cũng từng bị bắt trước đây như Hội Anh Em Dân Chủ hoặc là 14 thanh niên công giáo.
Đợt này theo quan điểm cá nhân của tôi không hẳn là do APEC. APEC chỉ là vấn đề phụ".
Theo quan điểm nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ, khi một thành viên của một hội nhóm bị bắt thì những thành viên sẽ bị bắt theo. Điển hình là sự việc của cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam, bị bắt ở Thái Bình vào sáng ngày 1 tháng 9.
Chỉ trong vòng khoảng hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã tiến hành bắt giam và khởi tố 5 thành viên và 1 cựu thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, bao gồm Mục sư Nguyễn Trong Tôn, Nhà báo tự do Trương Minh Đức, Kỹ sư Phạm Văn Trội, Luật sư Nguyễn Bắc truyển, ông Nguyễn Văn Túc, ông Lê Đình Lượng.
Một chuyện mà những ai theo dõi tình hình chính trị Việt Nam đều có thể biết, Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự do Luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập.
Hiện tại, luật sư Nguyễn Văn Đài đang bị bắt giam với cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ luật Hình Sự, tuyên truyền chống nhà nước. Hôm 30 tháng 7 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An đã ra quyết định truy tố thêm tội danh theo điều 79.
Không đưa ra một nguyên nhân cụ thể như nhà hoạt động Chu Mạnh Sơn và Lã Việt Dũng, cựu tù nhân lương tâm Trần Vũ Anh Bình có nhận định chung về hiện trạng này.
"Khi mà nhà cầm quyền họ cảm thấy nó có 1 điều gì đó ảnh hưởng sự sống còn của họ thì buộc lòng họ bắt người này, bắt người nọ".
Do đó, theo nhà hoạt động Lã Việt Dũng, rất khó để dự đoán được sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền sẽ như thế nào trong tương lai, cũng như còn bao nhiêu người nữa sẽ bị bắt giữ. Đặc biệt, ông nói rằng tình hình chính trị thế giới nói chung và trong nước nói riêng hoàn toàn không thuận lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ.
******************
Thêm người bị bắt với cáo buộc lật đổ 'RFA, 18/10/2017)
Cơ quan chức năng Việt Nam vừa tiến hành bắt giữ khẩn cấp cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Cô Trần Thị Xuân, 41 tuổi, người thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tĩnh Hà Tĩnh vừa bị bắt giữ khẩn cấp với cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. - Courtesy FB Nguyễn Thiện Nhân
Một người dân tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 18 tháng 10, xác nhận với đài Á Châu Tự Do về việc cơ quan chức năng bắt giữ cô Trần Thị Xuân cũng như có nhận xét về những hoạt động của người bị bắt :
"Cô này chỉ làm việc bác ái và đòi hỏi quyền lợi. Họ cho bắt khi cô đang đi buôn bán. Còn lật đổ chính quyền làm sao mà lật được ; quyền họ nắm trong tay nên họ vu khống cho người ta như thế".
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin trưng dẫn ‘thông cáo báo chí’ của Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó nói rằng ‘việc tổ chức và thi hành lệnh bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân đảm bảo đúng trình tự, qui định của Bộ Luật tố tụng hình sự’ của Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, cơ quan chức năng Việt Nam ra thông cáo báo chí của Cơ quan an ninh điều tra về việc bắt giữ khẩn cấp một công dân. Vào ngày 27 tháng 9, Nghệ An cũng có văn bản tương tự đưa ra sau khi cựu tù chính trị Nguyễn Viết Dũng bị bắt khi đang ăn cơm trưa cùng một số bạn hữu gần giáo xứ Song Ngọc, tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Anh này bị bắt với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Một số nhà hoạt động trong nước phản đối cho rằng việc bắt giữ như thế không đúng vì chưa có lệnh và không có bằng chứng người bị bắt đang phạm tội quả tang.
Vào ngày 3 tháng tư vừa qua, hằng ngàn người dân địa phương đến tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh để đòi hỏi bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường mà nhà máy gang thép Formosa gây nên. Ngoài ra những người tham gia cuộc biểu tình tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà cũng đòi hỏi cơ quan chức năng giải quyết tình trạng uy hiếp dân chúng vào những đêm trước đó.
Những người dân đến tại Ủy ban nhân dân Huyện Lộc Hà mang theo những biểu ngữ với nội dung ‘Lẽ nào vì Formosa mà giết dân ?’ hay ‘Phản đối công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân.’…
Đến ngày 12 tháng 4, Công an Hà Tĩnh ra lệnh khởi tố vụ án hình sự được gọi là ‘gây rối trật tự và bắt giữ người trái pháp luật’ vào ngày 3 tháng 4 sau khi diễn ra sự việc như vừa nêu.
Xin được nhắc lại, tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều doanh nghiệp thu mua hải sản theo như yêu cầu của chính quyền sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa từ đầu tháng 6 năm ngoái.
Số này cũng thuộc diện được bồi thường theo các quyết định của chính phủ Hà Nội ; tuy nhiên đến ngày 18 tháng 10, những doanh nghiệp tại địa phương nói rõ họ vẫn chưa nhận được khoản nào.
***************
Cơ quan chức năng triệu tập nhiều người hỏi về vụ án luật sư Nguyễn Văn Đài (RFA, 18/10/2017)
Cựu tù chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vào ngày 18 tháng 10 bị cơ quan chức năng mời đi làm việc với nội dung được nêu rõ trong giấy mời là ‘trả lời và trình bày rõ các vấn đề có liên quan đến vụ án ‘Nguyễn Văn Đài’.
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài tại phiên xử hôm 26/11/2007. AP
Vào lúc 4 :20 chiều ngày 18 tháng 10, phu nhân của ông Nguyễn Xuân Nghĩa cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin mà ông này chia sẻ sau buổi sáng làm việc với cơ quan chức năng :
"Họ hỏi về Hội Anh Em Dân Chủ và những hoạt động liên quan".
Hiện nay có một số nhà hoạt động tại Việt Nam cũng bị cơ quan chức năng mời đi làm việc. Nội dung giấy mời như của ông Nguyễn Xuân Nghĩa ghi rõ làm việc liên quan đến vụ án Nguyễn Văn Đài ; trong khi đó có giấy như gửi cho nhà hoạt động Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng lại chỉ ghi là ‘vụ án’ ; khiến người nhận phải đặt nghi vấn và yêu cầu làm rõ.
Trong những bản tin bắt khẩn cấp cô Trần Thị Xuân mà truyền thông trong nước loan đi vào ngày 18 tháng 10, cơ quan chức năng Việt Nam nhắc lại vụ việc vào ngày 30 tháng 7. Lúc đó Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công An tiến hành khởi tố bị can đối với cựu tù chính trị, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài.
Vào ngày 30 tháng 7 cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ 4 cựu tù chính trị gồm ông Phạm Văn Trội ở Hà Nội, mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, nhà báo độc lập Trương Minh Đức và luật gia Nguyễn Bắc Truyển ở Sài Gòn.
Cả 4 người bị cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Tại Nghệ An vào ngày 26 tháng 7, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An bắt một nhà hoạt động vì môi trường và xã hội, ông Lê Đình Lượng, cũng với cáo buộc tương tự.
Quan chức Mỹ ‘chật vật’ tìm tiếng nói chung ở Việt Nam (VOA, 22/05/2017)
Trong chuyến công du nước ngoài đầy tiên đầy sóng gió trên cương vị đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer không thể lôi kéo sự hậu thuẫn của các nước Châu Á – Thái Bình Dương về chính sách "thương mại công bằng" của chính quyền của ông Trump, do khác biệt về vấn đề chủ nghĩa bảo hộ, theo nhận định của Reuters.
Ông Robert Lighthizer trong cuộc họp của APEC ở Hà Nội hôm 21/5.
Hãng tin này hôm 21/5 đưa rằng một tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố sau cuộc họp ở Hà Nội, Việt Nam, đã bị hủy bỏ do các khác biệt giữa một bên là Mỹ và một bên là 20 thành viên khác của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Theo một bản thảo về tuyên bố chung mà phóng viên của Reuters cho biết đã đọc, các quan chức Mỹ phản đối việc đề cập tới "các xu thế bảo hộ gây tác động mạnh tới tiến trình hội nhập kinh tế và hồi phục kinh tế toàn cầu".
Phía Hoa Kỳ muốn đề cập tới "các hoạt động thương mại thiếu công bằng, gây ra sự mất cân bằng thương mại", và cũng như kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại làm mất cân đối thương mại nhằm bảo đảm sự "tự do và công bằng".
Rốt cuộc, theo Reuters, không có tuyên bố chung mang tính toàn diện mà chỉ có một tuyên bố của chủ tịch cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và một "tuyên bố hành động chung" khác.
Bộ trưởng của Việt Nam được Reuters dẫn lời nói rằng đã có "các khác biệt về quan điểm".
Tuyên bố của ông chủ tịch dựa trên một bản thảo mà nhóm đã thảo luận trước đó, nhưng hầu như phớt lờ tất cả các đề xuất sửa đổi của Mỹ, và thay vào đó, đề cập cả chuyện "chống lại mọi hình thức bảo hộ".
Một quan chức không muốn nêu tên nói rằng "Hoa Kỳ không muốn thêm từ chủ nghĩa bảo hộ, nhưng 20 thành viên khác lai muốn cho vào".
Quan chức này cũng được Reuters trích lời nói rằng phía Mỹ muốn dùng từ "quốc tế" thay cho "đa phương" khi nói tới các hệ thống thương mại.
Ông Lighthizer, luật sư thương mại 69 tuổi được coi là nhà đàm phán cứng rắn từ thời Tổng thống Reagan, mới được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận làm đại diện thương mại Hoa Kỳ hôm 11/5.
Khi được hỏi về những bất đồng về ngôn từ, ông Lighthizer nói rằng việc Mỹ tìm cách kiến tạo thương mại tự do và công bằng đã bị nhầm lẫn với chủ nghĩa bảo hộ.
Phát biểu tại cuộc họp báo, quan chức Mỹ cho rằng đó là điều "đáng tiếc". Theo Reuters, trọng tâm của ông Lighthizer ở Hà Nội là các cuộc gặp song phương với các đối tác chính, cho thấy xu hướng chuyển dần sang các thỏa thuận song phương trong chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền của Tổng thống Trump.
Một trong các hành động đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức là rút Mỹ khỏi thỏa thuận TPP.
Tuy nhiên, hôm 21/5, 11 thành viên còn lại của hiệp định này đồng ý khôi phục nó dù không có Mỹ, sau khi ông Lighthizer nói rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tái gia nhập.
*******************
Trung Quốc 'đánh giá cao' hậu thuẫn của Việt Nam (VOA, 21/05/2017)
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Châu Sơn và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của APEC hôm 20/5/2017
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Châu Sơn nói với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang rằng Bắc Kinh "đánh giá cao sự hậu thuẫn tích cực và sự tham dự của Việt Nam vào Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường mới được tổ chức ở Bắc Kinh", theo Xinhua.
Quan chức hai nước gặp nhau ở Hà Nội hôm 20/5 bên lề một sự kiện trong khuôn khổ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) mà Việt Nam tổ chức.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đã thông báo cho nguyên thủ Việt Nam về "thành công và thành quả toàn diện" của diễn đàn mà nhiều hãng tin gọi là sáng kiến "con đường tơ lụa mới" nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu.
Theo Tân Hoa Xã, ông Quang đã "chúc mừng thành công của Trung Quốc trong việc tổ chức diễn đàn" và rằng Việt Nam "coi trọng việc mở rộng và củng cố quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc".
Theo Reuters, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của nhiều nhà lành đạo và các quan chức hàng đầu thế giới, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, để củng cố vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến lược "Nước Mỹ trên hết", và đặt dấu hỏi về các thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới.
Theo trang web của chính phủ Việt Nam, ngoài quan chức thương mại của Trung Quốc, ông Quang còn tiếp Bộ trưởng thương mại của các nước như Nga, Indonesia và Canada.
Tân Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer hiện ở Việt Nam tham dự sự kiện của APEC.
Theo Reuters, tại Hà Nội, Nhật Bản và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hôm 21/5 đã đồng ý tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại này mà không có Hoa Kỳ tham gia.