Giới hoạt động kỳ vọng Tân đại sứ Mỹ sẽ coi trọng vấn đề nhân quyền tại Việt Nam (VOA, 07/11/2017)
Nhà ngoại giao Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 6/11 trình quốc thư lên chủ tịch nước chủ nhà tại Hà Nội, chính thức trở thành đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Các nhà tranh đấu hy vọng rằng tân đại sứ Hoa Kỳ sẽ chú trọng đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Tân Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink (trái) và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, tại Hà Nội, ngày 6/11/2017. (Ảnh chụp từ báo Tuổi Trẻ)
Từ bang Virginia, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, Chủ tịch Tổ chức Quốc tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản ở Việt Nam, đồng thời cũng là bào huynh của bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, nhà đấu tranh vì dân chủ ở trong nước, cho VOA biết :
"Ông Kritenbrink có ghi nhận những ưu tư của cộng đồng Việt Nam. Ông ấy là một người mà chúng ta có thể làm việc với ông ấy được".
Ông ấy là một người mà chúng ta có thể làm việc với ông ấy được.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân nói về ông Daniel Kritenbrink
Ông Kritenbrink đến Hà Nội lúc nửa đêm hôm 4/11, ông cho báo giới biết ông sẽ tháp tùng Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, và khi ông Trump thăm chính thức Hà Nội trong tuần này.
Bác sĩ Quân, người đã vài lần tiếp xúc với ông Kritenbrink, nói tân đại sứ Mỹ là một người rất sốt sắng về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam :
"Ông ấy rất là sốt sắng đối với vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, bằng cớ là hồi ổng làm Giám đốc Vụ Á châu, ông có mời chúng tôi vào Hội đồng An ninh Quốc gia nói chuyện với họ về vấn đề nhân quyền Việt Nam trước thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Tôi thấy ông ấy rất là sốt sắng".
Ông Kritenbrink được Thượng viện chuẩn thuận làm đại sứ hôm 26/10, ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở Châu Á, trải dài từ 1994 cho đến nay.
Thượng nghị sĩ Ben Sasse, đại diện đảng Cộng hòa tại bang Nebraska, nói Hoa Kỳ cần một đại sứ tại Việt Nam có khả năng đảm bảo lợi ích của các hiệp định thương mại và lãnh đạo các cuộc đối thoại ngoại giao của Hoa Kỳ, ông Kritenbrink có thể làm cả hai việc này.
Vào tháng 9, khi ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nói các ưu tiên của ông khi đảm nhận vai trò đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là : hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy nhân quyền, xúc tiến ngoại giao nhân dân, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tại buổi điều trần, ngoài việc ghi nhận có một số tiến bộ về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam trong những năm gần đây, phần lớn nhờ vào sự can thiệp của Quốc hội Hoa Kỳ và cuộc đối thoại song phương hiệu quả về vấn đề này, ông Kritenbrink nhấn mạnh rằng xu hướng gia tăng những vụ bắt bớ, truy tố giới bất đồng, và những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động trong 18 tháng qua, là điều "rất đáng lo ngại".
Bà Trần Thị Nga tại phiên tòa ở tỉnh Hà Nam, ngày 25/7/2017. (Ảnh : VietnamNet)
Ông cam kết trước quốc hội Mỹ rằng ông sẽ tiếp tục vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo cũng như sự cần thiết phải đạt tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống nạn buôn người, tân Đại sứ Mỹ đồng thời nhấn mạnh với cấp lãnh đạo Việt Nam rằng những tiến bộ trong vấn đề nhân quyền tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ và là yếu tố quan trọng để quan hệ đối tác giữa hai bên đạt tiềm năng tối đa.
Bác sĩ Quân nói ông tin rằng tân đại sứ Mỹ sẽ lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề nhân quyền, bên cạnh việc giao thương với Việt Nam :
"Chúng tôi cũng trình bày với ông ấy rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ. Chúng tôi muốn rằng chính phủ của ông Donald, tuy đặt nặng vấn đề buôn bán lên hàng đầu, nhưng cần đặt vấn đề nhân quyền phải đi đôi với vấn đề phát triển kinh tế, giao thương. Và ông ấy cũng đồng ý với chúng tôi về những điểm này".
Hôm 5/11 ông Kritenbrink viết trên Facebook : "Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để làm việc tại Việt Nam. Hai quốc gia chúng ta chia sẻ nhiều lợi ích chung, như an ninh, thương mại và đầu tư, và giao lưu nhân dân".
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh viết thông điệp chào mừng trên Facebook của ông : "Chào mừng ông Daniel Kritenbrink đến Việt Nam và chúc ông có một nhiệm kỳ mới thành công mỹ mãn trước viễn ảnh của một bang giao Mỹ-Trung báo hiệu đầy sóng gió mà con thuyền Việt Nam không định hướng với một thuyền trưởng chỉ biết mơ "đốt lò" đang bị cuốn vào tâm điểm".
Luật sư Khanh viết tiếp : "Chưa bao giờ trong lịch sử bang giao Việt - Mỹ, từ hơn 20 năm qua mà một Đại sứ Mỹ sẽ phải vất vả lao tâm, lao lực để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ ở đất nước cựu thù này".
Báo Tuổi trẻ cho biết trong thời gian giữ chức Giám đốc cấp cao phụ trách Châu Á cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Kritenbrink có nhiều đóng góp cho sự thành công của chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7/2015, và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào tháng 5/2016.
Trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, chức vụ gần đây nhất của ông Kritenbrink là Cố vấn Cao cấp về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
***********************
Tiếp tục kêu gọi ngưng đàn áp tại Việt Nam ngay trước APEC (RFA, 07/11/2017)
17 Tổ chức bảo vệ nhân quyền và đảng phái chính trị trong và ngoài nước vừa ký tên chung trong thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam, lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm trong phiên tòa tại thành phố Nha Trang ngày 29/6/2017- AFP
Trong thư ngỏ mang tựa đề "Ngưng ngay đàn áp tại Việt Nam" viết ngày mùng 7 tháng 11 năm 2017, các tổ chức và đảng phái chính trị đồng ký tên viết rằng "Trong năm qua Việt Nam đã gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ, có ít nhất 25 nhà hoạt và blogger ôn hòa bị bắt giữ hoặc bị lưu đày. Ngoài ra nhà nước Việt Nam cũng tuyên án tù dài hạn những nhà hoạt động nhân quyền có tên tuổi như bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mặc dù những người vừa nêu đều tranh đấu ôn hòa".
Thư ngỏ cũng nhắc đến trường hợp luật sư nhân quyền nổi tiếng Nguyễn Văn Đài bị giam giữ gần hai năm mà không được xét xử.
Thư ngỏ có đoạn viết mà chúng tôi xin được trích dẫn nguyên văn như sau :
"Đợt đàn áp này đi ngược lại với mục tiêu "Tạo Động Lực Mới, Cùng Vun Đắp Tương Lai Chung" là chủ đề của diễn đàn APEC năm nay. Giam giữ tùy tiện, kiểm duyệt, dùng bạo lực nhà nước đối với giới hoạt động và bảo vệ nhân quyền chẳng những là một sự sỉ nhục đối với tính nhân bản chung mà còn là một vi phạm nghiêm trọng pháp luật và chuẩn mực nhân quyền quốc tế".
Vẫn trong thư ngỏ, các tổ chức và đảng phái đồng ký tên còn nêu câu hỏi, "Nếu chính quyền Việt Nam không tuân thủ theo các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế, thì làm sao có thề tin tưởng Việt Nam sẽ tôn trọng các thỏa thuận sẽ được ký kết tại APEC 2017".
Vì thế các tổ chức và đảng phái này kêu gọi các quốc gia thành viên APEC, thúc đẩy Việt Nam ngưng ngay đàn áp và hợp tác với APEC để xây dựng một tương lai chung với đặc điển tôn trọng các quyền tự do và nhân quyền quốc tế.
Blogger Nguyễn Tường Thụy, cũng là thành viên của hội Nhà Báo Độc Lập, một trong những tổ chức cùng ký tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết về việc tham gia của hội :
"Hội nhà báo Độc Lập ủng hộ thư này và ký để mong muốn tình trạng nhân quyền tại Việt Nam được cải thiện. Chúng tôi hy vọng bức thư này có tác động đến các nhà lãnh đạo APEC. Bởi vì hiện nay tình trạng nhân quyền ở Việt Nam rất tồi tệ và đặc biệt từ đầu năm 2017 đến giờ bị bắt bớ rất nhiều và nhắm vào Hội Anh Em Dân Chủ. Mục tiêu của hội Nhà Báo Độc Lập không những hướng về nền tự do báo chí và hướng đến một chế độ dân chủ của Việt Nam nói chung cho nên nhà báo độc lập là ủng hộ bức thư này và ký tên"
Thượng nghị sĩ gốc Việt kêu gọi thủ tướng Canada áp lực Việt Nam về nhân quyền
Cũng liên quan đến nhân quyền Việt Nam, Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải, vừa cho phổ biến bản tuyên bố, kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau thúc đẩy Việt Nam cải tiến nhân quyền, khi ông Trudeau có mặt tại Việt Nam để tham dự APEC và viếng thăm chính thức Hà Nội.
Bản tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải viết rằng, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện đang ngày một tồi tệ hơn, đặc biệt những vụ đàn áp đã gia tăng sau thảm họa môi trường Formosa. Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải nhấn mạnh đây là cơ hội đầy thuận lợi để Thủ tướng Trudeau đòi hỏi Việt Nam phải ngưng ngay những vụ đàn áp những tổ chức hoạt động độc lập, ngưng những cấm đoán nhắm vào các tổ chức tôn giáo và phải thể hiện những bước cải tiến để chấm dứt tình trạng tham nhũng và tra tấn.
Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải cũng kêu gọi Thủ tướng Trudeau trực tiếp đề nghị lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị trong có ông Nguyễn Văn Đài, ông Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Cũng cần nói thêm ngoài Thủ tướng Trudeau sẽ thăm chính thức Việt Nam trước hoặc sau khi tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, còn có Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc và Tổng thống Chile.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam trong hay ngày 11 và 12 tháng 11 năm 2017. Chủ đề hội nghị năm nay là ‘Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung’.
************************
Sách nhiễu mạnh tay trước Hội nghị APEC (RFA, 06/11/2017)
Trong tháng 10 vừa qua, khi thành phố Đà Nẵng chuẩn bị ráo riết cho Hội nghị Cấp Cao thường niên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 29, thì nhiều nhà hoạt động tại địa phương này bị Công an ép đi làm việc. Họ phải làm việc về chuyện gì và nhận định của họ thế nào trước biện pháp đó của công an ?
Bốn nhà hoạt động bị Cơ quan An ninh Thành phố Đà Nẵng sách nhiễu. RFA Video
An ninh Thành phố Đà Nẵng gửi giấy mời
Tổng cộng có 4 người đã bị Cơ quan An ninh Thành phố gửi giấy mời lên làm việc. Anh Trần Lê Quang Vĩnh một người lên tiếng đấu tranh cho tự do, dân chủ tại Đà Nẵng cho biết đã nhận 3 giấy mời liên tiếp, lần lượt vào các ngày 18, 20, 23 tháng 10 năm 2017. Nội dung yêu cầu anh này đến cơ quan an ninh làm việc. Anh thuật lại :
"Chính quyền quan tâm mình, mời giấy mời mình vì cái clip, nhưng mình nghĩ cái mục đích của nó cũng vì vấn đề APEC. Đương nhiên khi mà một người bị công an mời thì tâm lý thứ nhất, thứ 2 là gia đình họ cũng ảnh hưởng vì cái tâm lý đó, thứ ba là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của họ, khi mà họ phải bỏ thời gian để lên theo giấy mời. Nếu không lên theo giấy mời thì họ sẽ có cái biện pháp tiếp theo. Có thể mình chưa nhìn nhận ra cái biện pháp gì, nhưng mà chắc không dễ gì để cho mình ổn định mà sống".
Anh cũng có nhận định rằng :
"Họ cũng muốn kiểm soát mình và tìm hiểu tư tưởng của mình cỡ như nào và trạng thái của mình khi đối mặt với họ, nó ở vị trí nào để có thể họ tạo một cái hồ sơ để dễ quản lý mình".
Anh Bùi Tuấn Lâm cũng là một người đấu tranh đang sinh sống tại Đà Nẵng và cũng đã được cơ quan an ninh mời lên làm việc cho biết :
"Thời gian vừa qua thì cơ quan PA88 của Đà Nẵng, người ta cũng có gởi giấy mời về cho tôi về vấn đề làm việc. Sau 4 lần gặp mời thì tôi cũng sắp xếp thời gian đi. Thời gian đầu thì người ta gởi giấy mời tôi không đồng ý về những cái nội dung của cái giấy mời cho nên tôi phản đối. Tôi đã yêu cầu phải thay đổi cho nó phù hợp. Theo như giấy mời thì người ta ghi là mời lên làm việc về những vấn đề quan điểm và những bài viết trên facebook. Bản thân tôi thì tôi cũng thấy nó làm phiền nhiễu tới công việc của bản thân, của gia đình.
Với bản thân mình thì mình nghĩ là đúng ra những việc này nó không cần thiết. Đó là vấn đề nó vi phạm về quyền tự do của công dân. Như chúng ta biết thì pháp luật thì nó nằm trong tay của cơ quan công an nên người ta muốn làm gì thì người ta làm thôi".
Sức ép từ chính quyền
Ngoài ra còn có anh Khúc Thừa Sơn một công dân sinh sống tại Đà Nẵng, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, đã liên tục nhận 2 giấy mời vào ngày 31 và ngày 6 tháng 9 năm 2017 anh đã từ chối vì công việc quá bận rộn. Sau đó cơ quan an ninh đã thay đổi từ giấy mời sang giấy triệu tập.
Tổng cộng đã có 6 giấy triệu tập, vào các ngày 12, 16, 17, 19, 20, 21. Vì do công việc quá nhiều nên anh không thể làm việc theo yêu cầu của cơ quan an ninh. Nhưng cơ quan an ninh đã liên tục gây sức ép đối với gia đình anh, buộc anh phải bỏ dở công việc để về lại Đà Nẵng. Sau buổi làm việc anh về lại Sài Gòn công tác, nhưng ngày hôm sau cơ quan an ninh lại tiếp tục đánh giấy mời. Vì có sự đe dọa từ phía an ninh nên anh đã từ chối phỏng vấn.
Không chỉ riêng anh Khúc Thừa Sơn mà còn có chị Hoàng Hồng Thái cũng bị gây sức ép không thể trả lời phỏng vấn.
Với những việc làm trên của cơ quan an ninh Thành phố Đà Nẵng, anh Hồ Xuân Thịnh hiện là nhà báo tự do tại Đà Nẵng nhận định rằng :
"Trong thời gian sắp diễn ra APEC thì động thái của chính quyền là một số người bị đánh giấy mời, một số người bị triệu tập. Theo mình nghĩ đó là động thái người ta muốn "nắn gân" những người bất đồng ở trong khu vực diễn ra APEC thôi".
Biện pháp mời công dân đi làm việc như đối với 4 nhà hoạt động vừa nêu bị chỉ trích không theo đúng các qui định của luật pháp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên như trình bày của những người trong cuộc, họ không thể từ chối sau nhiều lần bị mời, rồi áp lực từ phía cơ quan chức năng đối với người thân, gia đình.
Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các nhà hoạt động tại Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi khác trên cả nước.
Thông tín viên RFA
************************
Phân nửa số đơn tố cáo, khiếu nại gửi Quốc Hội bị bỏ quên (RFA, 07/11/2017)
Tới phân nửa số đơn thư khiếu nại và tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội không được trả lời.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ảnh chụp tháng 5/2017. AFP
Thông tin này được bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội Việt nam đưa ra trong một báo cáo tại phiên họp chiều ngày 7 tháng 11 của Quốc hội tại Hà Nội.
Theo báo cáo này, trong thời gian một năm, từ tháng Tám năm 2016 đến tháng Tám năm 2017 có gần 43 ngàn đơn khiếu nại và tố cáo của công dân Việt Nam được gửi đến Quốc Hội, và Ban Dân nguyện Quốc Hội đã chọn ra 7121 đơn khiếu nại và tố cáo mà ban này cho là có đủ tiêu chuẩn để được trả lời. Những đơn được chọn này đã được gửi đi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng chỉ có hơn 50% số đơn này được trả lời.
Nội dung chủ yếu của các đơn thư khiếu nại và tố cáo này là vấn đề đất đai, trong đó các cán bộ nhà nước cũng như các cấp chính quyền bị tố cáo là đã lạm dụng quyền lực, trục lợi trong việc thu hồi đất đai để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên báo cáo của Chính phủ Việt Nam trình Quốc hội lại nói rằng các cơ quan thuộc chính phủ đã giải quyết đến 83% đơn thư khiếu nại và tố cáo trong năm 2017.
Báo cáo không nêu ra rõ là số đơn thư này là do Quốc Hội chuyển qua, hay bao gồm cả những đơn thư mà các cơ quan chính quyền nhận trực tiếp từ công dân.
Báo cáo này cho rằng có đến 75% đơn thư khiếu nại và tố cáo của công dân là không đúng.
Một đại biểu Quốc hội là ông Dương Minh Tuấn của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng trong thời gian sắp tới các cơ quan thanh tra của Chính phủ nên giảm bớt các vụ đi thanh tra mà dành thời gian để giải quyết những đơn thư khiếu nại và tố cáo chưa được giải quyết.