Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/11/2017

Bỏ sổ hộ khẩu : vừa mừng vừa lo !

RFA tiếng Việt

Chính phủ Hà Nội quyết định bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư và thay bằng việc quản lý qua mã số định danh cá nhân.

hokhau1

Sổ hộ khẩu và sổ đăng kỹ sư tạm trú của Việt Nam. Courtesy of nguoiduatin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 4/11 đã ký Nghị quyết 112/ NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo Nghị quyết này thì việc quản lý dân cư sẽ không dùng đến sổ hộ khẩu mà thay bằng phương pháp cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em cũng được bãi bỏ.

Người dân cũng không cần sử dụng sổ tạm trú, hay làm các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu. Các thủ tục như cấp mới, đổi hay cấp lại chứng minh nhân dân cũng sẽ không còn được áp dụng.

Mọi hoạt động trước đây yêu cầu người dân phải xuất trình hộ khẩu và chứng minh nhân dân đều sẽ được bãi bỏ thủ tục này. Nghị quyết 112 có hiệu lực từ ngày 30/10/2017.

Trên các trang mạng xã hội, RFA ghi nhận rất nhiều ý kiến ủng hộ quyết định này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì họ cho rằng điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân mỗi khi làm thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến tỏ ra trách móc vì theo họ đáng lẽ ra điều này cần phải làm từ lâu rồi.

RFA trao đổi với cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành công an và am hiểu về các thủ tục hành chính ngành này đưa ra. Ông cho rằng quyết định này của Chính phủ Hà Nội là hợp lòng dân và phù hợp với sự phát triển của thế giới :

Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay luôn quản lý xã hội theo mô hình quản lý hộ khẩu. Đây là cách thức quản lý mà có lẽ chỉ một vài nước lạc hậu trên thế giới đeo đuổi thôi. Nhiều nước không lạc hậu nhưng người ta theo thể chế toàn trị, quản lý từng con người đến tận thôn xóm. Họ muốn duy trì điều đó bất kể sự phiền hà hay khổ sở của người dân.

Đây là tin mừng đối với người dân Việt Nam trong đó có gia đình tôi.

Còn duy trì sổ hộ khẩu này, thì các cán bộ công quyền còn lợi dụng việc này để hành dân. Điều đó chỉ tai hại cho xã hội và cho đất nước.

Chúng tôi cũng trao đổi với nữ Luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân về quyết định này của Việt Nam. Bà cho biết bản thân bà không quá vui mừng bởi vì lẽ ra chuyện này cần được thực hiện từ lâu rồi, thì thay vào đó người dân Việt Nam phải chịu đựng mấy chục năm trời với thủ tục hành chính mà bà gọi là "hành là chính" của Nhà nước :

Chứng minh nhân dân thì còn đỡ hơn một chút, chứ sổ hộ khẩu thì luôn như một cái vòng kim cô treo lên đầu mỗi người dân Việt Nam.

Bản thân tôi là một người học về luật nhưng cũng không hiểu ý nghĩa tích cực của hộ khẩu nằm ở chỗ nào, ngoài việc ràng buộc con người trong việc di chuyển không gian hay lãnh thổ thì đều phải báo cáo. Người công an luôn tự cho mình cái quyền rất lớn trong việc xâm nhập vào tư gia của người dân cũng như các công ty, xí nghiệp để kiểm tra xem có ai ở đó.

Theo Luật sư Lê Thị Công Nhân, những thủ tục hành chính này cũng tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng trong bộ máy công quyền ở Việt Nam :

Nó giống như một công việc thừa thãi, người ta như bịa ra việc và dựa vào những công việc thừa thãi như vậy người ta kiếm được khoản tiền rất lớn từ tiền lương đến tiền hối lộ để vượt qua những thủ tục vô lý như vậy.

Về ý nghĩa nhân văn, khi con người bị ràng buộc vào những thủ tục vô giá trị như vậy, khi đó sự tự do và nhân phẩm của con người bị hạ xuống rất nhiều. Ở Việt Nam có những câu nói vui rằng đi ngủ ở đâu hay ngủ với ai cũng phải khai báo với chính quyền.

Ngày 6/11, trả lời báo chí trong nước, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm nói với đại ý rằng các thủ tục sẽ được đơn giản hóa chứ không phải buông lỏng quản lý. Và trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều hình thức khác nhau để quản lý người dân.

Còn Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) cho biết là trong năm 2017, Bộ Công an sẽ thu thập thông tin của người dân và bắt đầu xây dựng hệ thống kỹ thuật. Và đến ngày 1/1/2020, dự án cơ sở dự liệu quốc gia dân cư mới được đưa vào sử dụng.

Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết trong tương lai mỗi người dân sẽ được phát một mã số định danh và khi giải quyết thủ tục hành chính, chỉ cần đưa ra 3 thông tin là họ tên, mã định danh và chỗ ở.

Bà Lê Thị Công Nhân cho rằng đây chính là những điều khiến người dân lo lắng :

Ông tướng Tô Lâm nhấn mạnh rằng Nhà nước vẫn quản lý con người như vậy. Họ làm gì, ở đâu, gắn bó với gia đình nào, ăn ở chỗ nào, làm việc ở đâu, thì vẫn tiếp tục như vậy nhưng với hình thức và thủ tục đơn giản hơn và tinh vi hơn. Ý nghĩa của nó vẫn là Nhà nước phải quản lý cho bằng được việc người dân sẽ di chuyển như thế nào.

Hiện tại chỉ còn một vài quốc gia trên thế giới vẫn còn sử dụng sổ hộ khẩu giống Việt Nam như Đài Loan, Triều Tiên… Tại Hàn Quốc, hệ thống hộ khẩu cũng bị triệt bỏ vào năm 2008 vì bị cho là vi hiến.

Các thủ tục hành chính rườm rà trong đó có sổ hộ khẩu bấy lâu nay gây ra nhiều phiền toái cho người dân Việt Nam. Tại các phiên họp Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần lên tiếng Việt Nam cần cải cách đơn giản hóa hệ thống thủ tục hành chính. Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đều cho rằng chế độ hộ khẩu không còn thích hợp với tình hình Việt Nam vào giữa thập niên 2010 nữa vì gây nhiều bất cập cho dân chúng, khiến nhiều người không thể tiếp nhận những dịch vụ cơ bản.

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, một người từng nhiều năm công tác trong ngành luật pháp cho rằng có hai nguyên nhân chính khiến Việt Nam chấp thuận bãi bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh thư, là do học theo sự cải cách của Trung Quốc và muốn đi theo sự phát triển của thế giới :

Theo tôi biết thì Trung Quốc đã làm trước rồi, mà Việt Nam hay học Trung Quốc, cùng một thể chế chính trị. Các thể chế độc tài lúc nào cũng muốn kiểm soát người dân thật lỹ lưỡng, quá mức cần thiết. Khả năng thứ hai, trong quá trình hòa hợp quốc tế, cái gì Việt Nam quái đản quá thì các nước văn minh họ không nhìn với con mắt thiện cảm. Muốn hợp tác kinh tế, được giúp đỡ,… thì cũng phải làm sao đừng khác người quá.

Còn cựu Đại tá Nguyễn Đăng Quang lại cho rằng Việt Nam quyết định thay đổi là do những tai hại bấy lâu nay cho cả người dân và Nhà nước mà những thủ tục phức tạp như sổ hộ khẩu mang lại :

Trong thực tại, quản lý hộ khẩu mấy chục năm qua không mang lại nhiều hiệu quả lắm và mang lại nhiều tai hại hơn ích lợi về mặt Nhà nước. Cho nên, buộc Chính phủ phải đi đến quyết định đúng đắn này. Thứ hai, nếu còn duy trì thì chính người bị tác hại nhiều không phải chỉ có dân mà còn cả Chính phủ.

Vì vậy, bỏ cái này đi để được tiếng thơm là một, và giúp việc quản lý xã hội được tốt đẹp, hiện đại và hiệu quả hơn.

Tất cả những người chúng tôi được tiếp xúc đều nói rằng Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi nghị quyết này và cần một thời gian quá độ dài mới có thể ổn định. Khó khăn đầu tiên được nhìn nhận đó là làm sao để thu thập được thông tin của tất cả người dân.

Sổ hộ khẩu được áp dụng trên cả nước Việt Nam vào năm 1975. Đây là một hình thức quản lý nhân khẩu theo từng hộ gia đình, con cái sinh ra được nhập theo hộ khẩu của bố mẹ. Hộ khẩu có liên quan đến các quyền lợi khác như : phân chia ruộng đất, nhà ở, lương thực, thực phẩm, việc làm, tiêu chuẩn điện nước, trường học...

RFA tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)