Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/11/2017

Bắc Kinh vuốt ve Việt Nam trước thềm hội nghị APEC

Tổng hợp

Ông Tập tới thăm Việt Nam 'chỉ mang tính biểu tượng' (BBC, 06/11/2017)

Một nhà quan sát dự báo với BBC rằng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "chỉ mang tính biểu tượng nhưng không hứa hẹn cải thiện tình hình ở Biển Đông".

vnapec1

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 30/10 tại Bắc Kinh

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn được truyền thông Việt Nam dẫn lời đánh giá chuyến thăm của ông Tập nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao APEC là "mốc son mới" trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hôm 6/11, trả lời BBC, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói : "Nhìn chung thì chuyến thăm Việt Nam của ông Tập chỉ mang tính biểu tượng, thể hiện chuyện Việt Nam là nước đầu tiên ông đi thăm sau khi tái đắc cử".

"Điều này là do sự trùng hợp về mặt thời gian APEC diễn ra sau khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng 19, còn nếu APEC diễn ra ở thời điểm khác thì chưa chắc".

"Tuy nhiên, cũng không thể bác bỏ ý nghĩa của chuyến thăm. Thời gian qua, giữa hai nước có những căng thẳng, Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam nhằm ngăn việc Hà Nội bị các kình địch như Mỹ, Nhật gia tăng ảnh hưởng".

vnapec2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Tống Đào, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc

'Biện pháp trấn an'

"Riêng về vấn đề Biển Đông, tôi không có hy vọng chuyến thăm sẽ đem lại hứa hẹn cải thiện tình hình tại khu vực này".

"Theo tôi hiểu thì trước chuyến đi của ông Tập, hai ngoại trưởng Việt Nam, Trung Quốc đã gặp nhau, thỏa thuận sẽ giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình".

"Tuy nhiên, những cam kết, hứa hẹn như thế không phải là điều gì mới mẻ và không đảm bảo thời gian tới căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm xuống".

"Trước đây, nhiều lần hai bên đạt được nhận thức chung về giải quyết tranh chấp trên Biển Đông với nội dung tương tự như thỏa thuận năm nay, như hồi chuyến thăm Bắc Kinh hồi năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng hoặc sau sự kiện giàn khoan năm 2014".

"Sau những lần đó, tình hình không có chuyển biến rõ nét, nên tôi không hy vọng có bước tiến mới trong năm nay, mà đó chỉ là biện pháp trấn an của Bắc Kinh trước khi có những bước xác quyết hơn thời gian tới".

"Gần đây, Bắc Kinh cho hạ thủy tàu nạo vét khổng lồ, được cho là sẽ được đưa đến Hoàng Sa nhằm xây đảo nhân tạo".

"Nếu vậy thì Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực, khó khăn trong việc vận động sự ủng hộ từ quốc tế vì tranh chấp ở Hoàng Sa chủ yếu là giữa Việt Nam và Trung Quốc chứ không như tranh chấp ở Trường Sa có nhiều bên liên quan".

Đề cập về chiến lược cân bằng quan hệ giữa các nước lớn của Hà Nội, ông Hiệp nói : "Chiến lược này tương đối nhất quán và phát huy tác dụng, dù không hoàn toàn hiệu quả do Hà Nội còn chịu sức ép, phụ thuộc vào Bắc Kinh về nhiều khía cạnh, đặc biệt là kinh tế".

"Tuy nhiên, việc Việt Nam đã cải thiện quan hệ với Mỹ, Nhật, Ấn Độ… giúp Hà Nội có vị thế tốt hơn trong đàm phán với Trung Quốc".

Một bài trên tờ South China Morning Post hôm 6/11 cho hay, Bắc Kinh và Hà Nội đang cố gắng làm dịu căng thẳng ở Biển Đông trong lúc ông Tập chuẩn bị đối phó với việc ông Trump tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Tờ báo dẫn nguồn tin từ giới chức ngoại giao cao cấp cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận về cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Hồi tháng Tám, Trong khi Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định hoạt động khoan dầu với Repsol nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha nói họ đã ngừng khoan dầu trong khu vực "tranh chấp với Trung Quốc".

Một cuộc họp giữa hai bộ trưởng ngoại giao Việt, Trung tại Hội nghị Thượng đỉnh Asean tại Manila hồi tháng Tám đã bị hủy, dù hai bên đã làm việc để hàn gắn quan hệ song phương trong những tuần gần đây.

************************

Việt Nam ca ngợi lập trường tự do hàng hải ở biển Đông của Mỹ (RFA, 06/11/2017)

Việt Nam đánh giá cao lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

vnapec3

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink  Courtesy FB Ambassador Ted Osius

Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tiếp tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink trình quốc thư, chính thức nhận nhiệm vụ mới.

Ngoài ra Chủ tịch Việt Nam còn nói rằng Hoa Kỳ đã nổ lực giúp Việt Nam trong việc tẩy độc dioxin còn sót lại từ thời chiến tranh Việt Nam tại sân bay Đà Nẵng.

Đáp lời, ông Daniel Kritenbrink nói rằng mục tiêu sắp tới của ông là đẩy mạnh quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Ông Đại sứ Mỹ cũng nói rằng với sự chu đáo của Việt Nam, chuyến thăm chính thức Hà Nội sắp tới đây của Tổng thống Donald Trump sẽ thành công tốt đẹp.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đến Đà Nẵng dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) trong vài ngày tới tại Đà Nẵng, rồi sau đó sẽ ra Hà Nội thăm chính thức Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)