Du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ liên tiếp tăng (RFA, 14/11/2017)
Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Hoa Kỳ.
Việt Nam tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách những quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Hoa Kỳ. Courtesy of www.laodong.vn
Số liệu được công bố trong báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) và được Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội loan tin trong bản thông cáo báo chí ngày 14 tháng 11.
Theo báo cáo đưa ra, số du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ trong năm học 2016-2017 tổng cộng hơn 22.400 sinh viên, tăng 5% so với năm học trước. Sinh viên quốc tế hiện chiếm 5,3% tổng số sinh viên tại Hoa Kỳ.
Trong tổng số du học sinh ở Hoa Kỳ, số lượng nhiều nhất là sinh viên bậc đại học, 68%, sau đại học là 15.6%.
Các ngành học được lựa chọn nhiều nhất trong năm 2016-2017 là kỹ thuật, kinh doanh và quản trị, toán và khoa học máy tính.
Thông cáo báo chí này cũng nêu cụ thể những tiểu bang tập trung du học sinh quốc tế là California, New York, Texas, Massachusetts, Illinois, Pennylvania, Florida, Ohio, Michigan và Indiana.
Ngược lại, cũng từ báo cáo hàng năm Open Doors của IIE cho biết, trong năm 2016-2017, Việt Nam đón hơn 1 ngàn sinh viên từ Mỹ.
*****************
Việt Nam đình bản hai tờ báo mạng do ‘vi phạm hành chính’ (VOA, 16/11/2017)
Chính quyền Việt Nam vừa ra quyết định đình bản tạm thời và phạt hai trang báo điện tử tổng cộng 190 triệu đồng do ‘vi phạm hành chính.’
Quyết định phạt báo điện tử Nhà Quản lý của Bộ Thông tin và truyền thông, chụp từ trang Facebook của Lê Nguyễn Hương Trà.
Nhà báo tự do Võ Văn Tạo ở Khánh Hòa nói rằng việc các trang báo bị phạt hay bị đình bản vẫn thường xuyên xảy ra khi các lãnh đạo đấu đá lẫn nhau vì phe cánh:
"Việc hai tờ báo bị phạt và đình bản do đăng bài chống tham nhũng cũng không có gì là mới so với trước đây. Việc xử lý tham nhũng chỉ ở cấp thấp và có định hướng, phe cánh, chỉ làm để vớt vác uy tín hay là một công cụ để thanh trừng lẫn nhau hay xử lý phe cánh".
Bộ Thông tin và Truyền Thông Việt Nam hôm 14/11 ra quyết định đình bản 3 tháng chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của báo điện tửNgười Đưa tin và tạp chí điện tửNhà Quản lý. Ngoài ra hai cơ quan báo chí này còn bị phạt số tiền 190 triệu đồng.
Một quyết định do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Hoàng Vĩnh Bảo ký nói báo Người đưa tin đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản qua bài viết đăng ngày 29/10 trên chuyên trang Phụ nữ và Đời sống (tên miền phununews.vn).
Quyết định xử phạt cho biết trang này viết bài sai sự thật trong bài ‘Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh chống tham nhũng?’đăng trên báo này hôm 21/8/2017. Tạp chí này thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo về Quản lý. Tuy nhiên, quyết định của Bộ không nói rõ những vi phạm trong bài viết này cụ thể là gì.
Báo VietnamNet nói báo điện tửNgười đưa tin bị xử phạt 140 triệu đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là đình bản tạm thời, tức là tước quyền sử dụng giấy phép của chuyên trang Phụ nữ và Đời sốngtrong thời gian 3 tháng.
Trang Phununews.vn hôm 15/11/2017 đã ngưng hoạt động
Trước đó, ngày 13/11, Bộ Thông tin và Truyền Thông cũng ra quyết định thu hồi chuyên trang Quản lý bán lẻ (tên miền nhaquanly.vn/banle) của Tạp chí điện tử Nhà quản lý vì "Tạp chí không xuất bản chuyên trang trong thời gian quy định" và đưa thông tin "sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết "Doanh nghiệp Việt bán hàng giả : Chuyện bây giờ mới...lộ" đăng ngày 26/10. Tổng số tiền vi phạm hành chính đối với trang Nhà Quản lý là 50 triệu đồng.
Nhà báo Võ Văn Tạo nói việc các trang báo bị phạt hay đình bản thường xuyên xảy ra ở Việt Nam:
"Đối với người làm báo ở Việt Nam lâu lâu tờ báo này đăng tin kia bị Bộ Thông tin và truyền thông thổi còi, phạt, đình bản tạm thời, đình bản vĩnh viễn không còn xa lạ nữa. Vì trong một nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền thì báo chí được cho là công cụ của Đảng, nhà nước dùng để tuyên truyền, chứ không phải là một cơ quan ngôn luận độc lập của người dân, do đó báo chí luôn bị quản lý gắt gao".
Nhà báo Võ Văn Tạo điểm lại các vụ đình bản và phạt báo chí trước đây:
"Vụ tương đối đình đám là báo Người Cao tuổi của ông Kim Quốc Hoa đăng bài Sao và Vạch nói về việc mua quan bán tước, chức vụ trong bộ Công an, Quân đội. Đó là một thực tế hiển nhiên trong xã hội mà hầu như ai cũng biết, nhưng đề cập đến là bị liền. Trước đó báo Thanh niên, Tuổi trẻ nói về vụ PU18 cũng bị cách chức hàng loạt tổng biên tập và tước thẻ phóng viên, biên tập viên, thậm chí có hai phóng viên bị bắt và phải ra tòa".
Vào tháng 7 năm nay, ba tờ báo Thanh niên, Người Lao động, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị phạt với cáo buộc "đưa tin sai sự thật". Năm 2016, báo Thanh Niên bị phạt 200 triệu vì vụ 'thông tin nước mắm nhiễm Asen'. Năm 2015, hai ấn phẩm phụ của báo Đời sống & Pháp luật cũng bị tạm thời đình bản 3 tháng. Năm 2014, các báo Tiền Phong, Đất Việt và Kiến thức, mỗi tờ bị xử phạt 60 triệu đồng.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/11/7/7a/7a65f6eb-c4ae-4bcd-ae53-4e9ac5afd1a7.mp4
*****************
Đình bản hai báo điện tử Việt Nam (RFA, 14/11/2017)
Báo Nhà Quản Lý bị đình bản - Courtesy hình chụp màn hình báo Người Lao Động
Bộ Thông tin- Truyền Thông Việt Nam vào ngày 14 tháng 11 ra quyết định đình bản 3 tháng chuyên trang Phụ nữ & Đời sống của báo điện tử Người Đưa tin và tạp chí điện tử Nhà Quản lý.
Theo quyết định của Bộ Thông Tin- Truyền Thông Việt Nam thì ngoài biện pháp đình bản 3 tháng báo điện tử Người Đưa tin phải nộp phạt 140 triệu đồng do vi phạm hành chánh trong một bài viết trên chuyên trang Phụ nữ & Đời sống này hôm 29/10 vừa qua.
Tạp chí điện tử Nhà Quản lý bị kỷ luật với lý do nêu ra là đưa tin sai sự thật trong bài viết tựa đề ‘Bình Phước : Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh chống tham nhũng ?’ đăng trên báo này hôm 21/8/2017. Tạp chí này thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo về Quản lý.
Quyết định của Bộ Thông tin- Truyền thông nêu rõ sau thời gian đình bản 3 tháng, Bộ này sẽ xem xét trên cơ sở các quy định của pháp luật về báo chí nhằm quyết định việc tiếp tục hoạt động cho hai tạp chí điện tử vừa bị kỷ luật.
Đây không phải là lần đầu tiên các tờ báo trong nước bị phạt hành chính cũng như bị đình bản với cáo buộc đưa tin sai sự thật. Điển hình năm 2014, ba tờ báo Tiền Phong, báo điện tử Đất Việt và báo điện tử Kiến thức, mỗi tờ bị xử phạt 60 triệu đồng. Năm 2015, hai ấn phẩm phụ của báo Đời sống & Pháp luật cũng bị tạm thời đình bản 3 tháng. Đến năm 2016, báo Thanh Niên 200 triệu vì vụ 'thông tin nước mắm nhiễm Asen'.
Gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2017, ba tờ báo Thanh niên, Người lao động, Pháp luật TP.HCM cũng bị phạt với cáo buộc đưa tin sai sự thật.
*************
Nhà máy giấy Lee & Man phát mùi hôi thối (RFA, 14/11/2017)
Nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang lại bị dân chúng sống xung quanh phản đối vì phát ra mùi hôi.
Lễ khởi công nhà máy giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang, 29/3/2017. Photo courtesy of ricons.vn
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 11 loan tin ghi nhận ý kiến của nhiều người dân nói rằng trong những ngày 10, 12, tháng 11, mùi hôi cùng với tiếng ồn từ nhà máy làm cho họ rất khó chịu.
Theo tin ghi nhận được thì ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thị trấn Mái Dầm, nơi nhà máy tọa lạc đã xác nhận là có mùi hôi phát đi từ nhà máy theo như người dân nói, ông cũng đã báo cho nhà máy cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường của Tỉnh Hậu Giang.
Tuy nhiên Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường nói rằng hiện chưa thể trả lời báo chí về vấn đề này vì đang bận.
Nhà máy Lee & Man là một dự án đầu tư 100% vốn của Trung Quốc.
Nhà máy bắt đầu vận hành thử nghiệm vào tháng 12 năm 2016, tuy nhiên đã bị tạm dừng vì phát ra tiếng ồn bị dân chúng phản đối.
Đến tháng 10 năm nay, 2017, Cục Môi trường của Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp giấy chứng nhận cho rằng các công trình bảo vệ môi trường của nhà máy này đã hoàn tất và có thể chính thức hoạt động.
Một số nhà khoa học lo ngại rằng nhà máy Lee & Man có thể làm ô nhiễm nặng nề sông Cửu Long, nguồn nước và phù sa sống còn của cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường vừa trình Chính phủ Việt Nam một dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường đã được chuẩn thuận vào năm 2014.
Các lý do được đưa ra là nhiều điều trong luật này nằm ở các bộ luật khác nhau như Luật Tài nguyên, Luật Khoáng sản, Luật Qui hoạch,… nhưng lại không thống nhất với nhau.
Một lý do nữa là nhiều điều luật được cho là không sát với thực tế.
Và điều thứ ba là việc phân công các cấp thẩm quyền trong việc quản lý chất thải được cho là chồng chéo nhau, không phân rõ trách nhiệm.