Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/11/2017

Giới chuyên gia lên tiếng về nhà máy Formosa xả thải vượt chuẩn

Hòa Ái

Một lần nữa, nhà máy Formosa lại là tâm điểm của dư luận trong những ngày vừa qua, vì Bộ Tài nguyên và môi trường cho xả khí thải vượt quy chuẩn của Việt Nam. Ý kiến của giới chuyên gia như thế nào liên quan vấn đề vừa nêu ?

formosa1

Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh. Ảnh chụp ngày 12/4/2015. AFP

Bất nhất giữa các cơ quan trong ngành

Trong những ngày hạ tuần tháng 11, báo giới trong nước đồng loạt đưa tin về Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh gửi văn bản báo cáo trình lên Bộ Tài nguyên và môi trường xin ý kiến chỉ đạo, liên quan kết quả quan trắc môi trường tại dự án Formosa cho thấy khí thải của lò thiêu kết có nhiều thời điểm vượt Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên-Môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh nêu rõ thông số SO2 và NO2 bị vượt giới hạn cho phép, nếu tính toán theo "Hàm lượng Oxy tham chiếu là 7%" và qua báo cáo của Công ty Formosa dự kiến thi công hệ thống khử Lưu huỳnh, Nitơ và Dioxin đến năm 2020 mới xong, thì việc xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết của Formosa sẽ không đảm bảo Quy chuẩn 51:2013/BTNMT.

Ngay sau khi thông tin Formosa xả khí thải vượt chuẩn được báo giới loan đi, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết ông Bùi Các Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường vào đầu tháng 9 năm 2014 đã ký công văn số 68, cho phép Formosa sử dụng hàm lượng Oxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%.

Bộ Tài nguyên và môi trường cũng thừa nhận công văn 68 là một văn bản cá biệt vì theo đề nghị của Formosa rằng các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với các quốc gia có ngành gang thép phát triển đều có quy định riêng, đặc thù hàm lượng Oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 15% như Nhật Bản và Hàn Quốc đang áp dụng.

Formosa vi phạm pháp luật môi trường ?

Trả lời câu hỏi của RFA với quy định đặc cách và lời giải thích của Bộ Tài nguyên và môi trường như thế đối với Formosa liệu có thỏa đáng hay không, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải nêu lên nhận xét :

"Vừa rồi, sau khi thấy Báo Thanh Niên đăng có lượng SO2 tăng gần 2 lần, lượng NO2 tăng hơn 2 lần và không đề cập gì đến các chất khác. Ngoài ra, họ còn dùng danh từ ‘tham chiếu Oxy 7% tăng lên 15%’. Trước hết, tôi nghĩ từ ‘tham chiếu’ là vô nghĩa, những ai ngu dốt về khoa học kỹ thuật mới dùng từ ngữ đó. ‘Tham chiếu’ là tham khảo, soi xem như thế nào. Nhưng ở đây không gọi là ‘tham chiếu’ được, mà cần phải nói lượng Oxy cung cấp phải là 7%".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, còn được biết đến với danh xưng "Ông già Ozone" nhấn mạnh trong quá trình luyện thép sẽ rất khó khăn để điều chỉnh lượng Oxy cho việc đốt cháy hết những chất không phải là gang thép. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải giải thích thêm những gì không phải là gang thép thì sẽ bay hơi như Kali, Chì, Thiết, Thủy ngân…và trong quá trình bay hơi sẽ thành chất độc. Do đó, điều quan trọng và cần làm là phải xử độc trong khí thải của các lò thiêu kết, chứ không phải dựa vào thông số quy định về Oxy.

formosa2

Người dân Việt Nam biểu tình phản đối Formosa ở Hà Nội hôm 1/5/2016. AFP

Mặc dù có những ý kiến như vừa nêu từ giới chuyên gia trong nước ; nhưng Tổng Cục Môi trường vào ngày 25 tháng 11 ra thông báo, cho biết Bộ Tài nguyên và môi trường yêu cầu Formosa phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và môi trường còn đề nghị Tổ soạn thảo khẩn trương lấy ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về dự thảo Quy chuẩn được đề xuất áp dụng "Hàm lượng Oxy tham chiếu là 15%" cho quy trình thiêu kết, tương tự quy định của các quốc gia ở Châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ Tài nguyên và môi trường khẳng định đây không phải để hợp thức hóa cho Formosa, mà mục đích của dự thảo là quy định chặt chẽ, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, nhằm đảm bảo sự bền vững của ngành thép Việt Nam.

Trong diễn tiến mới nhất liên quan, Báo mạng Motthegioi.vn, vào ngày 27 tháng 11 đề cập đến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (Quy chuẩn 51:2017/BTNMT) cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải trong công nghiệp sản xuất thép theo như Quy chuẩn hiện hành 51:2013/BTNMT, ngoại trừ thay đổi hàm lượng Oxy tham chiếu từ 7 lên 15%. Một điểm đáng chú ý đặc biệt quan trọng trong dự thảo là các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới phải đáp ứng quy chuẩn 7%, các cơ sở còn lại theo quy chuẩn 15% và tất cả các cơ sở áp dụng ở mức 7% kể từ ngày 01/01/2020.

Những người quan tâm đến ngành sản xuất thép của Việt Nam cho rằng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (Quy chuẩn 51:2017/BTNMT) cho thấy sự không minh bạch của Bộ Tài nguyên-Môi trường, cũng như sự thiếu công bằng đối với các nhà sản xuất thép. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý thành phố Hồ Chí Minh-HASCON bày tỏ quan điểm của ông trước sự không thống nhất giữa Sở Tài nguyên và môi trường với Bộ Tài nguyên và môi trường :

"Quan điểm của tôi trước một sự kiện cụ thể, ví dụ như chất thải của Formosa mà cơ quan A nói thế này và cơ quan B nói thế kia là tôi không tán thành. Dù cho cơ quan A hay B có thẩm quyền cao hơn, đối với tôi việc đó không quan trọng. Điều quan trọng là cơ quan nào nói đúng theo pháp luật hiện hữu của Việt Nam. Bây giờ Formosa đang ở Việt Nam và nếu Formosa làm đúng pháp luật Việt Nam thì Formosa đúng".

Tuy nhiên, trên thực tế theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam 51:2013/BTNMT, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh xác nhận hệ thống xử lý khí thải hiện nay của Formosa không đáp ứng yêu cầu. Báo mạng Motthegioi.vn dẫn lời một chuyên gia ngành thép, không nêu tên rằng căn cứ theo quy định pháp luật của Việt Nam thì Formosa phải ngưng hoạt động cho đến khi xây xong hệ thống khử độc vào năm 2020. Vị chuyên gia này nói rằng trong trường hợp Formosa vẫn được phép hoạt động theo công văn 68, mà ông gọi là "văn bản đặc cách" của Bộ Tài nguyên và môi trường thì đã vi phạm pháp luật môi trường.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định Bộ Tài nguyên và môi trường cần phải yêu cầu Formosa nhanh chóng thực hiện khử khói độc từ các ống khói của lò thiêu kết :

"Khi chúng ta nhìn thấy ảnh chụp trên Báo Thanh Niên có khói đen thì việc đầu tiên phải xử lý khói đen. Giống như cách đây 2 năm, ngày 28/11/2015, tôi cũng đề nghị trên báo là tại sao khói của lò hóa thân hoàn vũ (lò hỏa táng ở Thanh Trì, Hà Nội) lại đen như thế và phải xử độc, nếu không xử độc thì tôi sẽ tham gia. Và, tôi rất mừng là chỉ sau đó hơn một tháng thì khói đã không độc hại.

Là một người Việt Nam, tôi không muốn người dân mình bị nhiễm độc. Là một thầy giáo, là một nhà vật lý thì tôi yêu cầu phải làm thế nào khói từ các ống khói lò cao của các nhà máy thiêu kết trong khu vực Vũng Án-Formosa phải trong sạch".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của đa số những chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng tình với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải là Bộ Tài nguyên và môi trường nên khẩn trương xem xét và xử lý việc xả thải vượt chuẩn quy định của Formosa, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 759 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)