Cảnh sát Biển Việt Nam tiếp nhận tàu tuần duyên của Mỹ (VOA, 18/12/2017)
Chiều 16/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cảnh sát biển Vùng 3, thuộc Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, đã tổ chức lễ tiếp nhận một tàu tuần duyên Mỹ.
Tàu CSB8020 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16/12/2017. (Báo QDND)
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink thông báo trên Facebook hôm 16/12 :
"Chiều nay, những thủy thủ tuyệt vời của CSB8020 đã đưa con tàu trở lại Việt Nam trong chuyến đi đầu tiên với tư cách là một tàu tuần tra của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là một chuyến đi dài từ Hawaii đến Việt Nam. Xin chúc mừng và chào đón về nhà mới !"
Báo Quân đội Nhân dân cho biết Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và bà Mary Tanowka, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tham dự buổi lễ tiếp nhận tàu tuần tra tại một cảng biển ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tàu Cảnh sát biển CSB8020 trước đây có tên là Tàu tuần duyên Morgenthau thuộc Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ, được chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam hồi tháng 5, trước chuyến thăm Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ 8 được đóng tại nhà máy Avondale, New Orleans, bang Louisiana, Hoa Kỳ. Con tàu có lượng giãn nước tối đa 3.250 tấn, dài 115m, rộng 13m. Tàu được trang bị pháo Otobreda 76mm, radar điều khiển hỏa lực Mk 92, hai động cơ diesel và hai động cơ tua-bin khí, đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 14.000 hải lý và đảm bảo hoạt động liên tục 45 ngày trên biển.
Với lượng giãn nước 3.200 tấn, báo chí trong nước nói tàu CSB8020 là tàu tuần tra lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam từ trước đến nay.
Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ Mary Tarnowka trên tàu CSB 8020 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 16/12/2017. (Facebook Mary Tarnowka)
Báo Quân đội Nhân dân trích lời Thượng tướng Phương Nam ra lệnh cho Cảnh sát biển Vùng 3 "nhanh chóng ổn định tổ chức biên chế tàu CSB 8020, tổ chức huấn luyện chuyên sâu, quản lý tốt trang bị, vũ khí, khí tài, giữ gìn, phát huy tốt tính năng kỹ thuật, chiến thuật của con tàu".
Truyền thông trong nước cho biết từ tháng 5/2017 đến nay, kíp tàu 8020 đã tổ chức huấn luyện, sử dụng, vận hành thành thạo con tàu trong mọi tình huống.
Trong bài phát biểu tại hội nghị APEC ở Việt Nam vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập tới "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ củng cố tự do hàng hải trên biển và an ninh khu vực.
Việt Nam trở thành đối thủ chính của Trung Quốc trên tuyến hàng hải giàu tài nguyên ở Biển Đông, kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thay đổi chính sách và trở nên mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.
https://av.voanews.com/Videoroot/Pangeavideo/2017/12/6/66/6666d5f6-dc44-4274-a736-2d8b3dd294c7_manifest.mpd
*********************
Hoa Kỳ huấn luyện phi công quân sự cho Việt Nam (Người Việt, 17/12/2017)
Mỹ huấn luyện phi công cho Việt Nam như một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang tiến dần tới mua sắm một số máy bay quân sự dư thừa hiện đang được bỏ phủ bụi tại sa mạc tiểu bang Arizona.
Một chiếc máy bay Orion P-3 của không lực Hoa Kỳ. (Hình : USNavy)
Giữa tuần trước, Đại Tướng Terrence J. O’shaughnessy, tư lệnh Không Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, đã đến Bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam gặp Thượng Tướng Phan Văn Giang, tổng tham mưu trưởng Quân Đội, thứ trưởng Bộ quốc phòng.
Bản tin của tờ Quân Đội Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền của Bộ quốc phòng cộng sản Việt Nam, viết rằng "Hai bên đã trao đổi một số nội dung, phương hướng giao lưu, hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước trong thời gian tới như đào tạo phi công, hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y…".
Dịp này, phái đoàn của tướng O’shaughnessy đã họp với phái đoàn đại diện của không quân cộng sản Việt Nam về các nội dung vừa kể. Không thấy có các chi tiết đặc biệt nào được hé lộ mà chỉ thấy thuật lời tướng Phan Văn Giang ca ngợi "trong bối cảnh quan hệ chung giữa hai nước, hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua cũng có nhiều bước phát triển tích cực".
Tháng trước, khi đến Việt Nam thăm viếng và dự Hội Nghị Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu – Thái Bình Dương, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã công khai "chào hàng" Việt Nam về các loại võ khí tối tân của Mỹ.
Ông Trump khoe : "Chúng tôi muốn quý vị mua trang bị (quân sự) từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất khí cụ và phi cơ quân sự tốt nhất và bất cứ thứ gì quý vị có thể nêu tên. Các hoả tiễn là một lãnh vực không nước nào có thể theo kịp".
Tổng Thống Trump thúc giục Việt Nam mua trang bị quốc phòng từ Hoa Kỳ để giải quyết thâm thủng mậu dịch giữa hai nước lên tới 32 tỷ USD vốn là mối quan tâm lớn của ông. Nhưng hiện vẫn chưa thấy Hà Nội nhúc nhích gì.
Hai ngày sau khi phái đoàn Tướng O’shaughnessy đến Hà Nội, báo chí trong nước đưa tin tàu cảnh sát biển 3,200 tấn Mỹ viện trợ cho Việt Nam đã về đến Vũng Tàu sau mấy tháng huấn luyện tại Hawaii. Tàu này được đổi số hiệu thành tàu CSB 8020, dự trù sẽ được trao cho Vùng 3 Cảnh Sát Biển, tức khu vực chịu trách nhiệm Nam Trung phần, Đông Nam phần và Biển Đông.
Các sĩ quan quân đội cộng sản Việt Nam nghe thuyết trình về máy bay săn ngầm Orion P-3 tại căn cứ không quân Honolulu hồi tháng Tư, 2016. (Hình : Báo Đất Việt)
Bình luận về đề nghị của ông Trump bán võ khí tối tân cho Việt Nam, một số chuyên gia trong ngoài nước cho rằng các loại hỏa tiễn, chiến hạm, máy bay chiến đấu mới nhất của Mỹ tuy ăn trùm thế giới nhưng quá đắt, Hà Nội không có khả năng với tới vì ngân sách quốc phòng nhỏ bé. Nhiều lắm, nếu muốn, Việt Nam chỉ có thể mua lại một ít máy bay, tàu chiến đã bị Mỹ cho nghỉ hưu. Chúng được tân trang và trang bị theo với túi tiền nhỏ bé của khách hàng.
Giữa tháng Tư, 2016, một phái đoàn sĩ quan cộng sản Việt Nam đã đến căn cứ không quân ở Honolulu, Hawaii, nghe thuyết trình về chức năng và được ngồi trên máy bay tuần tra săn ngầm Orion P-3 xem bay biểu diễn hoạt động.
Việt Nam từng ngỏ ý muốn mua một số máy bay Orion P-3 từ lâu nhưng vì kẹt lệnh cấm vận bán võ khí sát thương. Lệnh này chỉ được gỡ bỏ toàn diện hồi tháng 5 năm ngoái khi Tổng Thống Barack Obama đến thăm Việt Nam.
Báo chí Việt Nam cũng từng nêu khả năng Việt Nam muốn mua các máy bay chiến đấu đa năng F-16 để thay thế cho các loại máy bay tiêm kích Mig-21 đã quá già nua lại lỗi thời, sẽ chỉ là những cái bia biết bay đối với các loại hỏa tiễn tối tân bây giờ.
Năm ngoái cũng từng thấy có tin Israel muốn bán lại cho Việt Nam một số máy bay F-16 vì nước này muốn thay thế bằng các máy bay tàng hình F-35. (TN)