Việt Nam thành lập Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng (RFI, 09/01/2018)
Theo hãng tin Reuters, ngày 08/01/2017, Việt Nam thông báo thành lập một Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng. Mục tiêu nhằm góp phần "bảo vệ chủ quyền quốc gia", trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc vẫn gay gắt.
Việt Nam nâng cao khả năng đối phó chống tin tặc. Ảnh minh họa.
Theo một báo cáo của bộ Quốc Phòng được đăng trên trang điện tử của chính phủ Việt Nam cho biết Bộ Tư Lệnh Tác Chiến sẽ có nhiệm vụ "phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng", đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng.
Trang điện tử của chính phủ Việt Nam hôm qua trích lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ thành lập Bộ Tư Lệnh mới, tuyên bố rằng "việc bảo vệ không gian mạng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia được Đảng quan tâm chỉ đạo từ sớm".
Trước đó, vào tháng 12/2017, Việt Nam cũng loan báo hiện đã có một đơn vị của quân đội, mang tên Lực lượng 47, gồm 10 ngàn người gọi là "hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng". Đó là những người được xem là "kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao", được huy động để chống các quan điểm "sai trái" trên Internet.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Việt Nam đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và tìm cách loại bỏ những nội dung bất lợi cho Nhà nước. Vào tháng 8/2017 chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hơn các trang thông tin và trang blog với những "nội dung xấu và nguy hiểm".
Thanh Phương
************************
Việt Nam lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng (RFA, 08/01/2018)
Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 8/1 công bố quyết định thành lập Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không gian Mạng.
Hình minh họa. Biểu tượng của mạng xã hội Facebook - AFP
Thông tin này được đưa ra tại một buổi lễ ở Hà Nội với sự tham dự của người đứng đầu ngành quốc phòng Việt Nam là ông đại tướng Ngô Xuân Lịch, và Thủ tướng chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Chức năng chính của Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Không Gian Mạng được nêu rõ là đầu mối thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân.
Vào ngày 25 tháng 12 năm ngoái, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân đội Việt Nam, cho biết về đơn vị có tên Lực Lượng 47 gồm 10 ngàn người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng.
Tên gọi Lực Lượng 47 được đặt theo chỉ thị 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm, trong đó có quy định về việc giám sát, quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet trong quân đội, quản lý báo chí, xuất bản.
Ông Nghĩa nói 10 ngàn người của lực lượng 47 ‘vừa hồng, vừa chuyên’, có kỹ năng, trình độ sử dụng công nghệ cao.
Trước khi có tuyên bố của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, lâu nay tại Việt Nam còn có đội ngũ được gọi là ‘dư luận viên’ được trả tiền để viết bài, tham gia hoạt động chống lại những nhóm bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động vì dân chủ, môi trường sạch…
******************
Việt Nam lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (BBC, 08/01/2018)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng vừa dự lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng hôm 8/1.
Ngày càng nhiều người dùng internet ở Việt Nam
Truyền thông Việt Nam nói việc này xuất phát từ một quyết định ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Việt Nam, tuy không cho biết rõ nội dung cụ thể của quyết định này.
Như tên gọi, lực lượng mới này của quân đội sẽ tập trung hoạt động trên mạng internet để "bảo vệ Tổ quốc".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sẽ "phối hợp chặt chẽ" với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông dặn dò biên chế lực lượng "phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất", theo trang web chính phủ.
Đây sẽ là lực lượng "trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả".
Thủ tướng Việt Nam cũng yêu cầu Bộ Tư lệnh "tuyệt đối không để các thế lực thù địch móc nối, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội".
Tác chiến mạng
Có rất ít thông tin về lực lượng mới này, nhưng chính phủ và quân đội Việt Nam từ lâu không giấu giếm sự quan tâm đến vấn đề tác chiến mạng.
Tạp chí Quốc phòng Toàn dân của Bộ Quốc phòng Việt Nam gần đây gọi không gian mạng là "chiến địa", và kêu gọi cảnh giác "đấu tranh loại bỏ thông tin xấu độc, làm thất bại chiến lược 'Diễn biến hòa bình'".
Có thể hình dung Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng sẽ "phản bác" các thông tin mà Việt Nam cho là của "thế lực thù địch, phần tử cơ hội".
Lực lượng tác chiến mạng, theo một bài của Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, được mô tả là sẽ "viết bài đấu tranh", được "bồi dưỡng chuyên sâu".
Tại một hội nghị tháng Ba năm ngoái, lãnh đạo Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bàn thảo về tầm quan trọng của việc "phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch và thông tin xấu độc trên không gian mạng".
Mới nhất, hồi tháng 12, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - tiết lộ về "lực lượng 47", có có hơn 10.000 người.
Ông mô tả lực lượng 47 là "hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng", "vừa hồng vừa chuyên".
*******************
Việt Nam- Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa (RFA, 08/01/2018)
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, người dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng giêng tại Bắc Kiinh có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc, ông Lạc Thụ Cương, nhân chuyến thăm kéo dài từ ngày 7 đến ngày 9/1/2018.
Các nghệ sĩ tái diễn hình ảnh quân đội Trung Quốc đang chiến đấu với nhân dân Việt Nam, trong buổi lễ kỷ niệm lần thứ 226 chiến thắng của Hoàng đế Quang Trung đánh bại quân Thanh xâm lược năm 1789. Ảnh chụp tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 2 năm 2015. AFP
Tin cho biết tại cuộc gặp, hai phía cùng điểm lại tình hình hợp tác, triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định văn hóa hai nước giai đoạn 2016-2018. Trong đó, năm 2017 được Hà Nội và Bắc Kinh đánh giá là năm đỉnh cao trong quan hệ giao lưu hợp tác văn hóa Việt-Trung.
Cũng tại buổi hội đàm, cả haivị bộ trưởng đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác, lấy văn hóa làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất thiết lập cơ chế gặp gỡ định kỳ hàng năm giữa lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Trung Quốc giai đoạn 2019-2021, với trọng tâm thúc đẩy các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đào tạo nghệ thuật.
Hai phía vào dịp này ký kết "Bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp văn hóa".