Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/01/2018

Vụ án PVN : Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đối chất

Tổng hợp

Người dân quan tâm đến đại án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ra sao ? (RFA, 09/01/2018)

Phiên tòa Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đang xử tại Tòa án Hà Nội. Đây được xem là một vụ trọng án kinh tế và mang hơi hướm chính trị theo nhiều cách đánh giá khác nhau. Có thể nói đây là phiên tòa mà hầu hết người dân Việt Nam trong và ngoài nước đều quan tâm. Mức độ quan tâm và cách đánh giá có thể khác nhau, nhưng rõ ràng đây là phiên tòa đặc biệt của năm 2018 và của lịch sử cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam.

daian1

Ông Đinh La Thăng (giữa) trong phiên tòa tại Hà Nội hôm 8/1/2018 AFP

Dư luận phân hóa ?

Theo đánh giá của một nhà văn, họa sĩ, hiện sống tại Hà Nội, ông sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi xin giấu tên của ông để đảm bảo an toàn cho ông : 

"Không biết bởi lý do nào họ khen nọ khen kia không, theo kiểu mượn gió ấy, như là vì ghét Trọng lú nên ủng hộ Thăng. Vì sao ghét Trọng lú vì không ưa chế độ, Trọng lú là đại diện cho chế độ độc quyền, độc tài, không ưa chế độ độc tài thành ra kẻ thù của độc tài thì là ta, đại khái vậy nên đâm ra quay ra tâm tư với Thăng. Nhưng thực ra Thăng là sản phẩm của chế độ, nên việc tâm tư ấy là không ổn. Hiện nay dư luận bị phân ra, có những tâm tư như anh Thăng thế này, tốt, anh ấy thế này thế khác, anh Thăng cho... Nó lấy tiền của nhân dân đói rách ở trên miền núi rồi nó cho mấy ông ở bô, mấy thằng cán bộ, nghệ sĩ tí rượu ấy, đổ mồm ra ca ngợi, nó móc tiền của mấy đứa trẻ cởi trần trên núi, của những người dân đói khổ rồi nó cho những thằng cán bộ, nhà báo, nghệ sĩ í rồi đâm ra tâm tư".

Nhà văn, họa sĩ này cho rằng vấn đề phân hóa thông tin hiện nay rất mạnh, nhiều người cầm bút tỏ ra khóc tiếc cho Đinh Là Thăng và xem ông Thăng như một ngôi sao bài Trung bị ngã ngựa. Nhưng ông cũng đặt dấu hỏi về những gì gọi là thất thoát do ông Thăng gây ra trong lúc người dân miền núi, thậm chí người dân thành phố Sài Gòn, ngay cái nơi ông Thăng làm bí thư thành ủy phải chịu cảnh đói khổ, lạnh lẽo, thì ông Thăng đã làm gì, đã cho rượu ngon cho ai và ai đã uống rượu ngon của ông ta đến mức cay mắt cảm động ?

Từ thành phố Sài Gòn, một nhà văn gạo cội cũng sẵn sàng nêu tên nhưng chúng tôi xin phép giấu tên ông, ông chia sẻ : 

"Chuyện đó cũng rõ rồi, nói chung ông Trọng làm thì được Trung Quốc bật đèn xanh rồi. Chứ một người như ông Trọng, không có quá trình cách mạng, chưa từng đi lính, chỉ là được Trung Quốc yểm trợ thành ra đứng ra có quyền, chắc chắn có Trung Quốc chống lưng mới dám làm vậy, mà nó làm dữ vậy nó sẽ làm được đó, có nghĩa là sẽ động đến nhiều người cao hơn nữa, cho nên vụ này thú vị lắm đấy, chứ không phải đùa đâu".

Theo nhà văn, vấn đề ông quan tâm nhất vẫn là làm thế nào để người dân bớt khổ vì hàng loạt sắc thuế và làm thế nào để dân trí được phát triển. Còn chính trường Việt Nam hiện tại, có thể nói rằng mọi chuyện gần như không còn gì để bàn. Vấn đề chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng cho dù có đứng trên bình diện phe nhóm chính trị đi nữa thì cũng tốt hơn nhiều so với việc không làm mà chỉ hô hào. Mọi đồng tiền mồ hôi, nước mắt của nhân dân, lấy được đồng nào trả về cho ngân sách quốc gia thì tốt đồng đó.

Một thầy giáo về hưu, ở Quảng Nam, chia sẻ : 

"Về phía nhà nước thì mình thấy có quyết tâm đó, quyết tâm lập lại trật tự, quyết tâm làm trong sạch để người dân họ tin, để chế độ tồn tại. Về mặt kinh tế thì thất thoát nhiều quá mà, thì phải làm để lấy lại được phần nào chứ".

Theo vị nhà giáo này, vấn đề phe nhóm chính trị đánh nhau ông không quan tâm mấy, với tư cách một nhà giáo suốt đời tâm huyết với phấn trắng bảng đen, ông chỉ mong sao nhân dân được sống tốt, dân trí được phát triển và nạn tham nhũng, vơ vét không còn nữa. Chỉ có như vậy thì quốc gia mới được bình yên và nhân dân mới bớt khổ.

Với suy tư của một thầy giáo giảng văn suốt mấy chục năm, ông cho rằng những đấu đá chính trị bẩn thỉu nếu có thì không nằm trong sự quan tâm của ông. Ông chỉ quan tâm đến việc chống tham nhũng có triệt để hay không và đến bao giờ thì bộ máy nhà nước được kiện toàn, cho dù nó đứng trên bình diện chính trị hay đảng phái nào cũng không quan trọng, miễn sao đất nước phải phát triển theo đúng ý nghĩa của một quốc gia văn minh, tiến bộ, tự lực, tự cường.

Với một nghệ sĩ tại Đà Nẵng, ông nổi tiếng nói thẳng và không sợ đụng chạm, nhưng chúng tôi xin phép giấu tên, ông chia sẻ : 

"Cái vụ này thật ra là đấu đá nội bộ với nhau, lấy từ quyền lợi của phe này chuyển qua phe khác thôi chứ có gì đâu. Chứ như nói về dầu khí thì có biết bao nhiêu thằng, có bao nhiêu thằng mà sao nó không lôi ra, nói chung đụng là loạn".

Có thể nói rằng phiên tòa được xem là đại án kinh tế đang diễn ra tại Hà Nội, thì trong cách đánh giá của các nghệ sĩ, trí thức, đây cũng là một đại nghi án rằng liệu cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng có đốt được hết các cây củi tham nhũng, hay chỉ đốt một số cây trong rừng nhà khác mà chừa lại cánh rừng nhà mình ?

Liệu có một bàn tay khác ?

Nhà văn từ Sài Gòn chia sẻ thêm : 

"Bây giờ nước mình nát bấy rồi, thành ra bây giờ cứ để nó đánh tham nhũng coi chơi, thành ra mình ủng hộ chống tham nhũng. Như thằng Tập Cận Bình nó xâm lược mình thì mình ghét nó chứ nếu chỉ tính tham nhũng thì nó chống tham nhũng rất tốt, tướng lãnh, ủy viên chính trị, bị bắt vài chục năm tù, nó bắn hoặc có đứa sợ quá tự tử chết. Cứ cho Trọng là tay sai của Tàu làm theo chỉ thị của Tàu cộng, nhưng nếu làm theo chỉ thị diệt tham nhũng, mặc dù diệt tham nhũng này tham nhũng khác mọc ra nhưng việc đó tính sau chứ giờ diệt tham nhũng thì mình khoái đã, đằng nào mình cũng không thể xấu hơn được nữa".

Theo ông, câu chuyện chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay có nhiều nét rất giống với câu chuyện chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc. Và nếu chống tham nhũng một cách rốt ráo theo cách của đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trong vài năm qua cũng là điều tốt. Vấn đề còn lại, ông vẫn mong mỏi và chờ đợi một quốc gia tốt hơn, tiến bộ hơn và dân chủ hơn. Nhưng nghe có vẻ như câu chuyện này còn quá xa vời bởi hiện tại, những gì ông nhìn thấy không cho ông một dự đoán nào về sự cải cách hay sự thay đổi nào đáng kể.

Theo ông, câu chuyện Việt Nam hiện tại không còn đơn thuần là câu chuyện đơn phương của một chế độ, một thể chế, mà đó là sự đan xen, lồng ghép và cộng hưởng của nhiều yếu tố quyền lực.

Nhà văn từ Hà Nội, chia sẻ thêm :

"Đấy là một cái trọng tội, cái tội còn hạ cấp hơn cả tội ăn trộm vặt. Vì như đạo tặc thì bần cùng sinh đạo tặc, vì nó đói, do xã hội... Cái tội này vừa trọng tội mà còn hạ cấp, hèn mạt hơn tội ăn cắp thông thường, bọn này là con ông cháu cha chứ có bần cùng gì đâu, chúng sướng từ bé, vậy nên nó là tội tham lam, cái tội đặc trưng của chế độ độc tài này, thế nên Thăng này là trọng tội, đó là suy nghĩ của riêng mình".

Nhìn chung, phiên tòa đang diễn ra tại Hà Nội để lại một ấn tượng khá mạnh về vấn đề chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay. Và phiên tòa cũng để lại những nghi vấn về vấn đề phe nhóm chính trị. Nhưng dù sao đi nữa thì hành động chống tham nhũng quyết liệt của Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cũng tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân. Vấn đề phát triển đến đâu thì chưa rõ !

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

********************

Đinh La Thăng phản bác lại tòa, Trịnh Xuân Thanh không nhận tội tham ô (RFA, 09/01/2018)

Ngày 9/1 tiếp tục diễn ra phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, và 21 nguyên lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, được gọi tắt là PVN, và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam, tức PVC, giai đoạn 2005 đến 2011.

daian2

Ông Đinh La Thăng tại tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018-AFP

Phiên xét xử ngày 9/1 chủ yếu tập trung vào vấn đề lựa chọn tổng thầu thiếu năng lực cho dự án tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đại diện viện kiểm sát nói rằng việc này đã khiến dự án kéo dài.

Cơ quan tố tụng cho biết trong quá trình thẩm vấn nhiều bị cáo đã thừa nhận trách nhiệm trong việc chọn PVC làm tổng thầu, tuy nhiên ông Đinh La Thăng với vị trí là người đứng đầu đã không thừa nhận trách nhiệm.

Phản bác lại kết luận của tòa, ông Thăng khẳng định trong suốt phiên tòa ông luôn nhận trách nhiệm là người đứng đầu, và kể cả chuyện chọn PVC làm tổng thầu ông cũng nhận trách nhiệm.

Giải thích về việc lựa chọn PVC làm tổng thầu, ông Thăng nói rằng tình hình lúc đó rất cấp bách trong khi Hội đồng thành viên báo cáo PVC có đủ năng lực, cụ thể qua các dự án Nhiệt điện Cà Mau 1, Cà May 2, Vũng Áng 1, Nhơ Trạch 1,…

Ông Thăng bày tỏ mong muốn được Hội đồng xét xử cân nhắc vì theo ông trong bối cảnh 10 năm trước, PVN là tập đoàn kinh tế lớn nhất của cả nước với nhiều dự án trọng điểm trong khi hành lang pháp lý của Việt Nam còn chưa hoàn thiện. Ông cho rằng vì lý do này nên việc vi phạm là khó tránh khỏi.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố về tội gây thiệt hại và làm thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng tiền vốn và tài sản của nhà nước khi còn đương chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN.

Trịnh Xuân Thanh bác bỏ nhận tiền hối lộ

Cũng trong ngày 9/1, tòa án tiếp tục phiên thẩm vấn về việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC cùng các lãnh đạo khác của PVC tham ô số tiền 13 tỷ đồng.

Số tiền này nằm trong vụ án gây thiệt hại 119 tỷ đồng tại Tập đoàn dầu khí PVN và PVC.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát thì ông Thanh đã chủ mưu chỉ đạo Nguyễn Anh Minh (Nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) và Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch thuộc PVC) để lập hồ sơ khống và rút 13 tỷ đồng của dự án này.

Ông Thanh được chia 4 tỷ đồng từ số tiền này.

Tuy nhiên tại tòa, ông Thanh một mực khẳng định ông không nhận số tiền này từ ông Minh và ông Hòa và cũng không biết gì về hồ sơ khống để rút tiền. Trong khi đó, ông Minh lại xác nhận với tòa là chính ông Thanh đã yêu cầu chuyển tiền về PVC để lo tết. Ông Minh cũng nói ông Thanh đã yêu cầu ông đưa cho ông Thanh 5 tỷ để chúc tết.

Ông Minh còn khai với tòa đã nhìn thấy ông Thanh cầm một túi tiền lớn đi chúc tết. Khi ông Minh hỏi, thì ông Thanh nói rằng số tiền này do ông Hòa đưa cho ông.

Ông Thanh tiếp tục phủ nhận lời khai này của ông Minh, nói rằng ông chưa bao giờ nhận tiền từ ông Hòa và quan hệ với ông Hòa chỉ ở mức độ công việc.

Cuối phiên tòa, ông Thanh đã xin nộp số tiền 4 tỷ đồng lại cho Nhà nước với trách nhiệm là người đứng đầu cho tới khi mọi chuyện được điều tra rõ.

*********************

Trịnh Xuân Thanh bác bỏ cáo buộc tham nhũng (RFA, 08/01/2018)

Luật sư người Đức đại diện cho Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), cho biết Trịnh Xuân Thanh bác bỏ mọi cáo buộc dành cho mình bao gồm cả cáo buộc tham nhũng.

daian3

Trịnh Xuân Thanh (giữa), bị công an dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018  AFP

Bà Petra Schlagenhauf là luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh khi ông này xin tỵ nạn tại Đức hồi năm ngoái. Bà Schlagenhauf xác nhận tin này với đài Á Châu Tự Do sau các trao đổi với các luật sư Việt Nam đại diện cho Trịnh Xuân Thanh.

Chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước hồi tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam đã bác bỏ cáo buộc này và khẳng định Thanh đã về nước đầu thú.

Trịnh Xuân Thanh và cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch HĐTV tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng cùng 20 lãnh đạo khác tại PVN đang phải ra tòa tại Hà Nội hôm 8/1, đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Có tội hay không có tội ?

Trịnh Xuân Thanh đang phải đối mặt với cả hai cáo buộc này và nếu bị kết án có thể phải đối mặt với án tù nhiều năm hoặc cao nhất là tử hình.

Trước đó, khi còn ở Đức, bà Schlagenhauf cho biết Trịnh Xuân Thanh đã bác bỏ những cáo buộc về tội cố ý làm trái.

Cáo trạng được đại diện Viện Kiểm sát đọc trước tòa cho biết trong thời kỳ ông Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị ở PVC giai đoạn 2009 – 2013, ông Thanh đã cho đầu tư vào 46 công ty con với tổng số tiền hơn 3,400 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ, gây mất cân đối. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái quy định để PVC nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu đô la và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, chỉ đạo sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng số tiền tạm ứng vào mục đích khác không đưa vào dự án nhà máy nhiên điện Thái Bình 2 gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Liên quan đến cáo buộc tham nhũng, cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng với một số lãnh đạo khác của PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó ông Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng. Ngoài ra ông Trịnh Xuân Thanh cùng với 3 bị cáo khác cũng phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

Hôm 5/1, 3 ngày trước khi phiên tòa diễn ra, mẹ ruột của Trịnh Xuân Thanh là bà Đàm Thị Ngọc Kha đã đến Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Báo Vietnamnet trích dẫn đơn trình bày của bà Kha tiết lộ, khi gia đình được vào thăm gặp con trai trong trại tạm giam, động viên tinh thần trước khi ra hầu tòa, ông Thanh đã đề nghị gia đình khắc phục hậu quả thay cho mình, tự nguyện tạm thời khắc phục số tiền Nhà nước bị chiếm đoạt xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Theo Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng từ ngày 1/1/2018, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc, phát hiện, điều tra, xử ý tội phạm hoặc lập công lớn thì không bị thi hành án tử hình.

Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc trong bài phân tích về phiên tòa được đăng trên trang blog cá nhân hôm 5/1 nhận xét :

Carl Thayer : Trịnh Xuân Thanh là bị cáo duy nhất trong số 20 bị cáo có thể phải chịu án tử hình. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kết luận Thanh không thành khẩn, tìm cách lẩn trốn truy bắt và cản trở việc điều tra.

Kết án để cảnh cáo các quan chức khác

Trước khi phiên tòa diễn ra 3 ngày, bà luật sư Schlagenhauf cũng đáp máy bay vào Việt Nam nhằm trao đổi với các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh trước phiên tòa. Tuy nhiên khi đến sân bay Nội Bài, Hà Nội vào ngày 5/1, bà đã bị buộc phải rời khỏi Việt Nam mặc dù theo quy định công dân Đức có thể vào Việt Nam không quá 15 ngày mà không cần visa.

Bà Schlagenhauf cho biết nguyên nhân được giới chức Việt Nam cho biết là căn cứ theo điều 21 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Theo những quy định trong điều này, người bị từ chối nhập cảnh vào Việt Nam có thể vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên bà cho biết nguyên nhân chính theo theo bà là vì bà là luật sư đại diện cho ông Thanh tại Đức :

Petra Schlagenhauf : Họ lúc đầu không đưa ra một lý do nào về việc không cho tôi nhập cảnh. Tôi phải đòi hỏi họ đưa ra bằng được thì họ mới đưa cho tôi bản copy. Nhưng tôi có thể hiểu một chút tiếng Việt và tôi nghe họ nói với nhau rằng tôi là luật sư của Thanh.

Theo luật sư Schlagenhauf, việc cấm bà nhập cảnh vào Việt Nam có thể làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Việt Nam với Đức vốn đã không dễ chịu gì kể từ sau cáo buộc bắt cóc từ phía Đức hồi năm ngoái. Chính phủ Đức hiện đã đóng băng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và đòi hỏi phía Việt Nam phải có giải pháp thỏa đáng đối với vấn đề này.

Ngoài ra luật sư Schlagenhauf cũng bày tỏ quan ngại về sự độc lập của phiên tòa xét xử và kết quả của phiên tòa.

Petra Schlagenhauf : Tôi không hy vọng gì vào phiên tòa vì ở Việt Nam hệ thống tư pháp không độc lập với quyền lực chính trị. Ngoài ra Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố trước công chúng là thân chủ của tôi có tội thì tôi còn trông đợi gì ?

Phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và các đồng phạm được đánh giá là một sự kiện quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt nam do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động gần 2 năm qua.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều thập niên, một cựu ủy viên Bộ Chính trị (ông Đinh La Thăng) phải ra hầu tòa về cáo buộc sai phạm kinh tế.

Giáo sư Carl Thayer đánh giá việc Trịnh Xuân Thanh bị kết án sẽ có những tác động đối với những quan chức có vấn đề khác, nhưng vấn đề tham nhũng không thể giải quyết được tận gốc.

Carl Thayer : Nếu Thanh bị kết án thì điều này sẽ có tác động lên các quan chức cấp cao có liên quan đến sai phạm lớn dẫn đến thất thoát nghiêm trọng cho nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả ở các nước lớn, các vụ sai phạm lớn không thể được loại bỏ hoàn toàn. Cá nhân tham lam và sắn sàng liều lĩnh để có được những lợi ích lớn mà họ hy vọng nhận được. Trong trường hợp của Việt Nam, tham nhũng ở mức độ lớn chỉ có thể được giải quyết bởi các cơ quan điều tra và kiểm toán độc lập và một hệ thống báo chí tự do hơn không chịu tác động chính trị.

Luật sư Schlagenhauf thì cho rằng bản án dành cho Trịnh Xuân Thanh chắc chắn đã được chuẩn bị từ trước khi phiên tòa diễn ra, và với những gì mà bà đã chứng kiến, bà không có hy vọng gì vào kết quả phiên tòa. Điều quan trong, theo bà vào lúc này là những gì sẽ diễn ra sau đó.

************************

Đinh La Thăng trong chiếc còng số tám (RFA, 08/01/2018)

Hình ảnh nhân vật một thời đầy quyền lực, luôn xuất hiện trên báo chí với những dòng bình luận rất tích cực trong suốt mấy năm liền, nay có vẻ tiều tụy, tay bị còng, đứng trước vành móng ngựa, làm bà Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên Đại học tại Hà Nội cảm thấy buồn nhiều hơn vui :

"Thứ nhất mình cũng cảm thương cho một con người, lúc lên voi lúc xuống chó không biết thế nào mà nói. Thứ hai là mình cũng cảm thương cho một cái… Tức là mình cảm thấy mong mạnh trong cái thời đại này. Bởi vì một con người đã đạt được quyền lực như vậy, rồi mất đi nhanh chóng như vậy, thì cũng chẳng biết là ngày mai sẽ là ai. Nói cho cùng thì mọi người dân đều mong mỏi chống tham nhũng, nhưng mà khi có kết quả chống tham nhũng như vậy thì tôi không nghĩ rằng sẽ làm cho… cá nhân tôi thì thấy buồn nhiều hơn là vui".

daian4

Ông Đinh La Thăng bị còng tay dẫn ra tòa tại Hà Nội ngày 8/1/2018.  AFP

Bà Ánh nói rằng thật sự bà không ghét ông Thăng, mà ngược lại, bà cũng nằm trong số những người Việt Nam cho rằng ông Thăng cũng đã làm được một số chuyện lúc ông tại chức, hơn nữa phong cách mà bà cho là hào sảng của ông Thăng cũng làm cho hình ảnh ông Thăng gần với người dân hơn những vị lãnh đạo khác.

Nhưng ngược lại cũng có những cảm xúc tức giận như bác sĩ Lê Phương tại Sài Gòn, ông viết trên Facebook của mình như sau :

Nằm trên mỏ dầu, 90 triệu con người còng lưng đóng thuế mà tiền đi đâu ? Nếu không phải vào túi Thăng, và đồng bọn.

Đồng tiền tham nhũng của bọn chúng phải trả bằng sinh mạng, bằng giá máu của những người cha nhịn ăn để nuôi con bệnh, bằng những đồng bạc đẫm mồ hôi cuối cùng vét túi để mua từng toa thuốc.

Nên phiên tòa xử Thăng và đồng bọn hôm nay không làm tôi mảy may động lòng.

Ông Đinh La Thăng từng là người đứng đầu ngành dầu khí của Việt Nam, quốc gia có nhiều mỏ dầu hàng thứ tư của Đông Nam Á, và chính những sai phạm và thất thoát của ngành dầu khí là một nguyên nhân dẫn ông Thăng đến vành móng ngựa.

Nhưng bà Nguyễn Hoàng Ánh, một mặt cho rằng chuyện chống tham nhũng là chuyện đáng làm, nhưng đâu phải chỉ mỗi mình ông Thăng phạm tội tham nhũng :

"Ở Việt Nam thì thực ra thông tin nó không minh bạch, thực tế mà nói thì được làm vua thua làm giặc, rất là khó đoán định. Và tôi cũng tin là nếu ông ấy có mắc tội thì cũng là có rất đông những người chưa bị làm sao cả cũng mắc tội như ông ấy mà thôi, thậm chí có thể còn ghê gớm hơn".

Bà nhấn mạnh rằng thông tin không minh bạch làm cho nhiều người như bà hoài nghi rằng có thật sự ông Thăng bị phạm tội như vậy hay không.

Từ những hoài nghi đó có người nhìn hình ảnh ông Thăng ra tòa ở khía cạnh một cuộc đấu đá phe phái nhiều hơn là chống tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân, một nhân viên kế toán ở Bình Dương nói với chúng tôi :

"Cái đầu tiên mình nghĩ đến nhân quả, nhân nào quả nấy. Hình ảnh Đinh La Thăng bị còng tay và xử án, là cái chuyện mà tôi cho là bình thường vì cái điều đó đã xảy ra tương tự ở Trung Quốc rồi. Cái thứ hai là tình hình nội bộ trong lúc này, thì hình ảnh đó cũng bình thường thôi, vì kết quả đấu tranh phe phái thì như thế. Ông Đinh La Thăng thì không có oan ức gì với ổng cả. Ổng làm thì ổng gánh chịu những hành động của ổng thôi".

Hiếu kỳ và hả hê

Cũng có những quan sát thấy rằng nhiều người dân Việt Nam quan sát phiên tòa xử ông Thăng và những người đồng sự với một cảm xúc hiếu kỳ và hả hê. Nhạc sĩ Diệp Chí Huy, sống tại Đà Nẵng cho biết quan sát của ông :

"Mấy nhân vậy đó không gây cho mình cảm xúc bởi lý do là những người này từ rất là lâu, mình thấy họ chỉ ăn tàn phá hại cái đất nước này thôi. Mà tại sao không biết họ lại lên vùn vụt, đứng đầu một thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó là quá nhẹ so với cái mà họ phá hoại đất nước này. Người ta thì hiếu kỳ ra xem vì đây là chuyện ở thượng tầng kiến trúc, và tôi cũng thấy rằng dân chúng họ cũng hả hê".

Hai loại tù khác nhau

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, hiện sống ở Sài Gòn, nhìn hình ảnh ông Thăng cùng những người nhân viên cũ của ông ra tòa bên cạnh những con số tài sản khổng lồ, bình luận :

"Một thường dân ra tòa bị còng, thì Đinh La Thăng bị còng thì … theo tôi nếu đúng là luật pháp, tôi đặt trong ngoặc kép nhé, thì nó bình thường. Tôi cho là thế này, đằng sau những khối tài sản khổng lồ mà có nguồn gốc bất thường, bao giờ cũng đi kèm với tội ác. Tôi không nói về thất thoát, chuyện của đất nước, thất thoát của đất nước, tiền đó là của dân chứ không của ai cả".

Cũng nói về cái ác và cái thiện, Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhắc lại hai sự kiện khi ông Thăng làm Bí thư thành ủy Sài gòn là đã thẳng tay phá hủy Chùa Liên Trì, phớt lờ lời kêu gọi không đàn áp những người biểu tình tại thành phố này chống Trung Quốc lấn lướt ngoài biển Đông, và kết luận rằng ông "không quan tâm đến những phiên xử gọi là "đại án" như phiên xử ông Thăng, vì nó không có giá trị thiện ác mà chỉ là có màu sắc phân tranh của một chế độ".

Nhà báo Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng, với tư cách là một người tù chính trị, từng bị bắt giam vì những bài báo phản biện các chính sách của nhà nước, so sánh hai thân phận người tù khác nhau :

"Một ủy viên Bộ chính trị cỡ Đinh La Thăng, bị còng tay ra tòa, thì thật sự cá nhân tôi thì tôi thấy có điều gì đó chạnh lòng. Thú thật là thế, với tư cách con người. Nhưng còn với tư cách một nhà báo quan sát thì, khi tôi là bị cáo đứng trước vành móng ngựa, thì tôi đã nói câu này, tôi đã khắc trong phòng biệt giam B14, nơi đang giam ông Thăng, tôi khắc là : Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù khiến họ vinh quang".

Tương tự như vậy nhà báo Mạc Việt Hồng, hiện sống tại Ba Lan bình luận trên mạng xã hội về hình ảnh ông Đinh La Thăng, với những người bất đồng chính kiến thường bị xử bằng những điều luật được cho rằng mù mờ trong hình luật Việt Nam như các điều 79, 88, 258 :

"Nhìn ảnh anh Thăng bị còng tay dẫn ra tòa sáng nay, mình cũng có chút băn khoăn. Những người phạm tội theo điều 79, 88 hay 258 ra tòa là có bao bạn hữu đến để bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ ; dù bị cản trở, đàn áp thập chí đánh đập họ vẫn tới. Trong khi các anh, những người lẫy lừng một thời, thở ra một câu, ho ra một lời, báo chí cũng vồ lấy tán tụng ; giờ co ro, cúm rúm một mình".

Kính Hòa

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)