Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai (RFA, 10/01/2018)
Ban kinh tế trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế lần thứ hai vào ngày 11 tháng Một năm nay.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất ở Hà Nội tháng 6/2017 - Courtesy kinhtetrunguong.vn
Theo báo chí Việt Nam sẽ có hàng ngàn chuyên gia trong và ngoài nước tham gia diễn đàn này.
Các chủ đề sẽ được bàn đến trong Diễn đàn kinh tế lần thứ hai này sẽ là : Kinh tế Việt Nam năm 2017, triển vọng 2018, công nghệ xanh và phát triển bền vững, nâng cao năm suất trong bối cảnh công nghiệp hóa, cải thiện môi trường kinh doanh qua việc cải cách quản lý rủi ro tín dụng.
Ngoài ra sẽ có một phiên đối thoại giữa những người tham gia diễn dàn với các vị lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam.
Diễn Đàn kinh tế Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 6 năm 2017, và được dự tính sẽ tổ chức mỗi năm một lần. Cơ quan tổ chức Diễn đàn này là Ban kinh tế trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam, nơi ông Đinh La Thăng được điều về sau khi ông bị kỷ luật mất chức Ủy viên Bộ chính trị vào tháng Năm năm ngoái, 2017.
******************
Việt Nam tăng cường ‘bảo vệ Tổ quốc và Đảng’ trên mạng (VOA, 10/01/2018)
Không lâu sau khi người dân Việt Nam được biết tới Lực lượng 47 có nhiệm vụ 'bảo vệ Đảng', Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố thành lập Bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng "bảo vệ Tổ quốc".
Nhà hoạt động internet Nguyễn Lân Thắng là một trong những người có nhiều ý kiến bất đồng với chính quyền. Việt Nam đang tăng cường các biện pháp thắt chặt an ninh mạng với danh nghĩa bảo vệ 'tổ quốc.'
Lực lượng này được thành lập tại một buổi lễ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, theo một quyết định của Thủ tướng Việt Nam ra ngày 15/8/2017. Bộ tư lệnh tác chiến mới này của quân đội, theo truyền thông trong nước đưa tin, sẽ "nghiên cứu và dự báo các cuộc chiến tranh không gian mạng" để "bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng".
Theo lời Thủ tướng Phúc, lực lượng này được "trang bị vũ khí đồng bộ, hiện đại nhất" và thường xuyên nắm chắc tình hình" để "xử lý kịp thời các tình huống".
"Cụ thể trang bị cái gì, huấn luyện thế nào, phương án tác chiến ra sao thì thuộc về bí mật quân sự. Không ai biết", một chuyên gia IT không muốn nêu tên nói với VOA từ Hà Nội.
Có rất ít thông tin về lực lượng mới này nhưng gần đây chính phủ Việt Nam đã công khai những lực lượng tác chiến mạng trong quân đội và nâng tầm quan trọng của "an ninh phi truyền thống".
Vào tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị bàn thảo về "hoạt động đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên không gian mạng".
Tháng trước, thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa công bố quân đội có 10.000 ‘binh sĩ đấu tranh trên mạng’ để ‘phản bác các quan điểm sai trái.’
Trong khi Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng có nhiệm vụ ‘bảo vệ quốc gia’ thì Lực lượng 47, theo các nhà quan sát, ‘chiến đấu để bảo vệ những quan điểm của Đảng Cộng sản.’
Trước khi Thượng tướng Nghĩa "bật mí" về Lực lượng 47 mà ông gọi là "vừa hồng vừa chuyên" nhiều người đã không biết đến sự tồn tại của lực lượng này.
Lực lượng 47
Họ là ai ? Họ làm gì trên mạng ? Và tại sao họ lại bị các nhóm và tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích.
"Trước khi ông (Nghĩa) tuyên bố, chúng tôi chưa được nghe về việc có Lực lượng 47", nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho VOA biết.
Lực lượng 47 được hình thành từ Chỉ thị 47 của ban Bí thư về phòng chống thông tin xấu độc.
"10.000 người này có chức năng ngăn những thông tin xấu độc ở các đơn vị quân đội trong bộ quốc phòng", theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. "Nhưng hoạt động của họ như thế nào thì đúng là không ai biết".
Theo chuyên gia IT không muốn nêu tên, đội an ninh mạng của quân đội là "đội cơ yếu và chỉ bảo vệ trọng điểm một số thứ chứ không đủ sức dàn trải trên mạng để bảo vệ chế độ".
Do đó Lực lượng 47, theo chuyên gia này, có thể chỉ là những người như ‘dư luận viên’ được trang bị một số công cụ để truy ra địa chỉ người dùng và báo cáo với quản trị mạng, thậm chí ghi sổ đen để giám sát.
'Dư luận viên' là tên gọi mà những người dùng mạng xã hội đặt cho những "chuyên gia bút chiến trên internet" có nhiệm vụ tranh luận với các quan điểm đi ngược lại chính quyền. 'Dư luận viên' nằm dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo. Cách đây 5 năm, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội truyên bố nhóm này có 900 thành viên.
Với 10.000 người, Lực lượng 47 có quân số tương đương với 1 sư đoàn.
Theo nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, họ là những người lính chuyên "ăn lương của nhà nước, dân nuôi đóng góp" và làm những việc như đấu tranh trên mạng để phản đối những quan điểm sai lệch với quan điểm của Đảng.
"Họ, Lực lượng 47 này, 10.000 người lính này có nhiệm vụ phản biện và tranh cãi tất cả những quan điểm đi ngược lại với ý của Đảng", theo ông Tuyến.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến nói với VOA rằng ông chưa gặp được ai xưng danh là người của Lực lượng 47.
Lực lượng này không xuất hiện cụ thể, và không ai biết họ ở đâu.
Ông Tuyến, người thường có các bình luận chỉ trích chính quyền trên mạng, cho biết ông "vẫn chưa tìm thấy một người nào dám nói hoặc tự xưng mình rằng ‘tôi là một quân nhân thuộc biên chế của Lực lượng 47 này và tôi sẵng sàng đối đáp với anh/ông".
Theo chân Trung Quốc ?
Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều động thái siết chặt tự do trên mạng bằng cách yêu cầu Google và Facebook xóa bỏ những thông tin và clip ‘độc hại.’ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tháng trước cho biết Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước".
VOA Tiếng Việt không liên lạc được với Google và Facebook để kiểm chứng thông tin này.
Việt Nam, theo lời của Thượng tướng Nghĩa nói tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 vào tháng trước, "là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.
Ban Tuyên giáo là nơi quản lý những 'dư luận viên' nhằm chống lại những nhà hoạt động xã hội, nhân quyền và môi trường.
Nhưng cùng với đó là sự lớn mạnh của những người dùng mạng xã hội, viết blog, đưa ra những quan điểm trái chiều với truyền thông chính thống do nhà nước quản lý.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng phương thức này là "nhằm để siết chặt những tiếng nói chỉ trích trên mạng".
Các nhà quan sát gọi Lực lượng 47 là một ‘vũ khí’ mới của chính phủ chống lại ‘những quan điểm trái triều".
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 100 nhà báo, blogger và những nhà hoạt động dân chủ từng ‘chỉ trích’ chính phủ, theo thống kê của tổ chức Human Rights Watch.
Cùng với Freedom House và Human Rights Watch, Tổ chức bảo vệ các nhà báo CPJ, có trụ sở ở New York đều cho rằng Lực lượng 47 là "một phương thức mới đầy kinh ngạc nhắm vào việc đàn áp những ý kiến bất đồng", theo AFP.
Nhưng theo các chuyên gia về chính sách internet, các phương pháp mà Việt Nam đang áp dụng tương tự như những động thái nhằm thắt chặt tự do thông tin ở những nơi khác trên thế giới. Thái Lan cũng đã đe dọa sẽ chặn Facebook nếu mạng xã hội này không gỡ bỏ những hình ảnh nhạy cảm về nhà vua mới của họ hay Trung Quốc cũng đã mở rộng thêm rất nhiều bức tường lửa của họ.
"Phải nói rằng Việt Nam đang bắt chước những cái mà nước láng giềng Trung Quốc đang làm", Steven Butler, điều phối viên chương trình Châu Á của CPJ nhận định với VOA. "Trung Quốc đang đi đầu trong cách làm thế nào để khống chế internet. Họ có hàng triệu người theo dõi để chỉ ra và phản ứng nhanh chóng với những gì không có lợi cho chính phủ. Có vẻ như Việt Nam đang làm đúng như vậy".
********************
Campuchia xử 4 người về tội buôn uranium từ Việt Nam (RFA, 10/01/2018)
Tòa án thủ đô Phnom Penh vào ngày 9 tháng Một bắt đầu phiên xử 4 người bị cáo buộc buôn lậu uraium từ Việt Nam.
Hình minh họa. Một biển báo chất phóng xạ nguy hiểm trên hàng rào xung quanh nhà máy Uranium Canyon Shootaring ở Utah, Mỹ hôm 27/10/2017 - AFP
Theo báo Phnom Penh Post, dù đưa các bị cáo ra xét xử với cáo buộc như vừa nêu nhưng cơ quan chức năng Campuchia vẫn chưa cho tiến hành xét nghiệm chất mà họ cho là uranium sau gần 1 năm rưỡi bắt các nghi phạm.
Bốn người bị đưa ra xét xử gồm Chea Yu, Chan Thoeun, Tit Raksney, và Dy Vibol. Chea Yu, 44 tuổi, bị cho là chủ mưu với cáo buộc sở hữu chất được dùng để chế tạo vũ khí phóng xạ, sinh học, nguyên tử. Ba người còn lại là tòng phạm. Nếu bị tòa tuyên có tội, mức án mà các nghi phạm phải chịu là từ 5 đến 10 năm.
Trước tòa, Chea Yu khai nhận chất bị cho là uranium từ một người Việt Nam được gọi là Mai. Người này cũng sắp xếp cho Chea Yu liên lạc với Chan Thoeun để tìm khách hàng mua chất đó.
Nghi phạm Chea Yu khai thêm là Mai cho biết chất được chào bán là acid để thử vàng, mỗi lít trị giá 400 ngàn đô la.
Các luật sư bào chữa đều lập luận là không có bằng chứng cho thấy chất mà các nghi phạm bán ra là hóa chất cấm tại Xứ Chùa Tháp. Trong khi đó thì viên chức Bộ Nội Vụ Campuchia, Hy Pru, phụ trách theo dõi vụ việc từ chối không cho biết chi tiết vì sao lại cho rằng chất mà các nghi phạm có được là uranium.
Cả Việt Nam và Campuchia cho đến nay vẩn chưa có khả năng tinh luyện uranium. Uranium rắn chỉ có thể làm tan chảy ở nhiệt độ 1.132 độ C. Uranium đã tinh luyện được sử dụng cho các lò phản ứng hạt nhân và chế tạo vũ khí nguyên tử.