Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/01/2018

Tổ chức khủng bố, cấm thăm tù nhân, kiếp nghèo, môi trường ô nhiễm

Tổng hợp

Việt Nam gọi thêm tổ chức ở Mỹ là khủng bố (RFA, 30/01/2018)

Bộ Công An Việt Nam vào ngày 30 tháng Một ra thông báo, xác định tổ chức có tên ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam Lâm thời’ tại Hoa Kỳ là tổ chức khủng bố.

vn1

Bộ Công an thông báo về tổ chức khủng bố "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" – Ảnh chụp màn hình.

Theo Bộ Công an Việt Nam thì tổ chức này đã ném bom xăng đốt cháy 320 chiếc xe tại kho giữ xe của công an Thành phố Biên Hòa vào ngày 8/4/2017, ném bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, và âm mưu đặt bom một số nơi khác.

Vào tháng 12 năm 2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án 15 người bị bắt do cáo buộc có liên quan đến tổ chức nói trên và những hoạt động khủng bố, từ 5 năm đến 16 năm tù giam.

Theo Bộ Công An Việt Nam, tổ chức Chính phủ Quốc gia Lâm thời Việt Nam do 7 người Việt ở hải ngoại đứng đầu là ông Đào Minh Quân (thủ tướng), ông Quách Thế Hùng, bà Kelly Triệu, bà Lisa Phạm, bà Lâm Ái Huệ, ông Lý Hồng Thái và ông Nguyễn Đức Thắng.

Vào ngày 25 tháng 12/2017, bà Lisa Phạm nói với Đài RFA rằng bà không phải là thành viên của tổ chức nói trên.

Tại phiên tòa xử 15 người bị cáo buộc khủng bố của tổ chức này cũng vào tháng 12, một số bị cáo không công nhận hành động khủng bố. Trong khi đó người bị án tù nặng nhất 16 năm, là Đặng Hoàn Thiện thì nói rằng mình sẽ tiếp tục đấu tranh nhưng sẽ chọn phương cách khác.

Trước đó, vào ngày 29/1, Bộ Công an Việt Nam cũng ra thông báo về tổ chức Việt Tân vốn đã bị Việt Nam xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố ở Mỹ. Thông báo viết rằng : "Hiện nay, "Việt tân" tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin ; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại ; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát…

********************

Vợ luật sư Nguyễn Văn Đài được thăm gặp chồng trong 30 phút (RFA, 30/01/2018)

Luật sư nhân quyền và cựu tù chính trị Nguyễn Văn Đài hiện đang bị giam giữ với cáo buộc về tội hoạt động lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam. Ông bị bắt giam vào ngày 16 tháng 12, 2015 với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo điều 88 Bộ Luật hình sự. Đây là lần bị bắt thứ hai của ông.

vn2

Bà Vũ Minh Khánh trong lần sang Mỹ vận động trả tự do cho chồng là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài. RFA

Vào ngày thứ Hai 29/1/2018, bà Vũ Minh Khánh, vợ của Luật sư Nguyễn Văn Đài đã được thăm gặp chồng mình trong khoảng thời gian 30 phút.

Tối cùng ngày, bà Vũ Minh Khánh dành cho RFA buổi nói chuyện. Trước tiên, bà cho biết về tình hình sức khoẻ hiện tại của luật sư Nguyễn Văn Đài.

Bà Vũ Minh Khánh : Tôi xin kính chào quí khán thính giả của đài. Tôi rất vinh hạnh được mọi người quan tâm, đặc biệt là tình hình của chồng tôi.

Ngày hôm qua, 29/1, tôi được thăm gặp chồng tôi, diễn ra trong vòng 30 phút, mỗi người ngồi ở 1 phòng kính khác nhau, qua 2 lớp kính, nói chuyện qua điện thoại. Hiện nay tôi rất băn khoăn và lo lắng rất nhiều cho chồng tôi bởi vì sau 8 tháng rưỡi không được gặp mặt, vì tôi biết chắc chồng tôi gặp rất nhiều áp lực trong trại giam. Áp lực thế nào thì họ không cho chồng tôi được phép nói ra. Tôi chỉ hỏi nhanh chồng tôi là anh có gặp áp lực nhiều không ? Chồng tôi nói "trong này thì khỏi phải nói".

Hiện nay sức khoẻ của chồng tôi còn nhiều vấn đề phải lo lắng. Thứ nhất là chồng tôi bị đau xương vì từ khi vào trại giam đến giờ phải nằm bệ xi măng, mà thời tiết thì xuân hạ thu đông ở Việt Nam đổi mùa. Đặc biệt mùa đông năm nay rất lạnh, mùa xuân thì thời tiết ẩm ướt. Trong phòng giam của chồng tôi bây giờ đang mùa đông rất lạnh, lạnh như ngoài trời vì 2 cửa sổ to đối diện nhau lùa gió. Nhà tù đó họ thiết kế rất ác để hành hạ con người. mùa đông rất lạnh, mùa hè thì rất nóng, phải chịu đựng trong thời tiết rất khắc nghiệt. Hơn nữa chỗ giam của chồng tôi trên tầng 3, khu giam này ở Hà Nội nên gần đường, mỗi đêm xe tải ầm ầm đi qua, rung cả tòa nhà rất khó ngủ. Chưa kể những tiểu xảo họ gây áp lực cho mình như mất nước, rồi những áp lực khác gián tiếp gây nên. Chồng tôi bị đại tràng nên người rất khó chịu. Hơn nữa còn 1 điều tôi rất lo lắng là tôi không biết vì sao da của chồng tôi xạm đen lại.

RFA : Cuối tháng 12 năm vừa qua, gia đình chị và chính luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết là từ chối luật sư được chỉ định. Truyền thông cũng loan tin này rất nhiều. Chị đã tiến hành những khiếu nại cũng như làm thủ tục bắt đầu lại từ đầu để mời luật sư theo nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Đài hay chưa ?

Bà Vũ Minh Khánh : Gia đình tôi đã mời 3 luật sư kể từ khi anh Đài bị bắt, và 3 luật sư đã làm rất đủ thủ tục, thậm chí sau 4 tháng thì họ lại gửi công văn 1 lần để hỏi xem đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa chưa nhưng họ đều trả lời là chưa được vì đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi cứ yên tâm là họ có mối liên hệ đối với các luật sư, và các luật sư đương nhiên sẽ biết là kết thúc điều tra thì họ sẽ mời. Nhưng rất đáng buồn, ngày 12/12/2017 thì chồng tôi kết thúc điều tra, qua thư chồng tôi gửi về tôi được biết điều đó. Họ không hề thông báo gì cho gia đình, cho luật sư. Họ ngang nhiên chỉ định luật sư. Tôi đã làm đơn khiếu nại gửi cho họ nhưng không 1 cơ quan thẩm quyền nào trả lời cả. Tôi cũng đã viết đơn từ chối luật sư chỉ định. Tôi còn gửi thêm 1 đơn để chính tôi là người được bào chữa cho chồng tôi nhưng chưa thấy họ trả lời gì.

RFA : Về phía 3 luật sư mà gia đình đã làm việc thì có ý kiến gì về việc này ?

Bà Vũ Minh Khánh : Các luật sư đang mong chờ kết quả thôi, vì tôi biết trong vụ của chồng tôi thì còn có gia đình những người khác. Luật sư tôi mời họ ở trong Sài Gòn nên việc đi lại khó khăn hơn, những người luật sư cùng vụ với gia đình tôi như trường hợp anh Nguyễn Trung Tôn, anh Phạm Văn Trội thì luật sư của họ lên tòa liên tục để hỏi và viết đơn khiếu nại. Nhưng tòa không trả lời họ và cũng không cho họ tiếp cận hồ sơ.

Ngày mai có luật sư Nguyễn Văn Miếng sẽ ra Hà Nội, lên tòa để hỏi về thủ tục này.

RFA : Trong 30 phút ngắn ngủi chị được gặp luật sư Nguyễn Văn Đài, ông có lời nào nhắn gửi đến những người đang rất quan tâm đến anh ?

Bà Vũ Minh Khánh : Tôi thấy tinh thần của chồng tôi rất mạnh mẽ, thậm chí những lần công an gây cản trở điều gì khi chúng tôi tôi nói chuyện, chồng tôi đã quay ra để đấu tranh rất mạnh và mắng lại những người quản lý tại đó. Những người công an khi tôi gặp thì họ tuyệt đối cấm không cho nhắc đến những người bên ngoài đấu tranh hoặc nhắc đến vụ án.

RFA : Xin cảm ơn bà Vũ Minh Khánh.

*******************

Bà lão nhặt ve chai kiếm sống (RFA, 30/01/2018)

Nhiều người già tại Việt Nam vẫn phải bươn chải kiếm sống nuôi bản thân ; thậm chí còn phải phụ thêm cho con cái.

vn3

Bà Lê Thị Tươi, 70 tuổi, hằng ngày vẫn miệt mài đi thu nhặt ve chai để phụ tiền điện nước cho đứa con trai út đi làm phụ hồ. RFA

Cuộc sống của bà Hai

Bà Hai là cái tên thân mật người ta vẫn thường gọi bà Lê Thị Tươi, ngụ ở một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở vào tuổi 70, hằng ngày bà vẫn miệt mài đi thu nhặt ve chai để phụ tiền điện nước cho đứa con trai út đi làm phụ hồ.

Trước đây, bà Hai cũng làm nghề mà con trai út của bà đang làm. Sau nhiều năm làm nghề phụ hồ, đến khi già cả, bà Hai chuyển sang đi lượm ve chai.

Công việc của bà bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng rong ruổi trên nhiều tuyến đường cho tới giờ ngọ. Sau giờ ăn trưa và nghỉ ngơi, bà lo phân loại những thứ nhặt được vào buổi sáng mang ra vựa ve chai bán.

"Giờ bám víu theo thằng út thôi. Kiếm ăn hàng ngày 70-80 ngàn đồng gì đó. Mình bà sống à. Còn út tới tháng nó phụ tiền nhà, bà phụ tiền điện nước. Ngày được 70-80, nhiều khi ta thương ta cho thêm đồ thì bán được 80-90. Sống qua ngày thì cũng đủ con ơi. Tháng 7 thì người ta cho gạo. Bà cũng đi xin gạo về để dành đó, ăn hàng ngày".

Bà cho biết bị đau khớp đầu gối do trước đây khi đi làm phụ hồ xe quẹt té xuống đường. Bà bị đau khớp nhiều năm nhưng không dám đi khám. Trái nắng trở trời đau ốm, bà cũng chỉ nghỉ chừng 1 ngày, xong lại rong ruổi lượm nhặt chai lọ trên đường vào ngày hôm sau.

"Bà đi suốt luôn, đau thì uống thuốc. Mua thuốc mười mấy hai chục ngàn, uống hết rồi đi làm tiếp. Không có nghỉ ngày nào hết.

Nói chung khi nào bệnh bất tử, sốt này nọ thì nghỉ ngày thôi chứ không nghỉ sang ngày thứ hai. Bởi uống thuốc hoài đâu có hết đâu con. Mà giờ bà đi khám thì không dám khám đâu. Khám rồi nhiều chứng bệnh quá rồi đâu có tiền điều trị".

Theo lời kể của bà Hai thì trước đây gia đình ở quê vì nghèo không có nhà cửa gì nên hai vợ chồng kéo nhau lên thành phố. Chồng bà chết khi bà mới chừng 50 tuổi.

Nơi bà Hai ở là một gian nhà trọ nghèo trong xóm. Nhà bà lỉnh khỉnh đồ đạc, toàn những thứ cũ mèm từ quần áo, xoong nồi. Đến cái bếp duy nhất bà có, cái bếp dầu mua với giá 170.000 đồng cũng muốn hư từ bao giờ. Ve chai, đồ đạc phủ gần hết gian nhà. Vậy nên cái diện tích chưa đầy 10m2 nhà bà chỉ gói gọn lại tầm 50 cm lối đi, dắt vào khu nhà vệ sinh cũ kỹ nằm ngay cạnh nơi vo gạo, rửa rau.

Sống lạc quan

Hoàn cảnh sống như vậy chứ bà Hai yêu đời lắm. Bà Hai yêu ca hát, bà bảo, mai này làm được giấy tờ lại, bà sẽ đi đăng ký thi hát, lên truyền hình, biết đâu có tiền về chữa cái bệnh. Hồi đó, bà mất hết giấy tờ rồi, nên giờ chưa có giấy tờ đi đăng ký thi được.

"Bà thì ca hát hổng thua ai. Nói chung già rồi nhưng mà ca cũng được lắm. Bà cũng ao ước rồi chẳng qua giờ chưa có chứng minh nhân dân. Mất lâu quá rồi, giờ sửa soạn đi làm lại đặng đăng ký đi thi chỗ đó mà không biết là chỗ nào. Tính hỏi thăm để bà đăng ký xin đi thi. Nếu được chút đỉnh tiền bà về chữa bệnh chứ không gì hết trơn á. Bà ao ước nhiêu đó thôi".

Mỗi khi rảnh, bà hát suốt. Chị Oanh, hàng xóm nhà bà Hai tâm sự :

"Bà khoái hát karaoke lắm. Mỗi lần hát là 2 tiếng đồng hồ mới nghỉ. Mỗi lần có đám tiệc mở nhạc lên là bà qua liền. Bà chỉ khoái chương trình văn nghệ thôi, khoái dữ lắm.

Bà khoái văn nghệ chứ sáng sớm là bà đi lượm ve chai rồi. Đi tới 11 giờ mấy về. Chiều đi tới 5 giờ mấy.

Nhưng mà bà ở nhà trọ một mình, cực khổ, không có ai quan tâm".

Do mất giấy tờ nên bà Hai chưa có bảo hiểm, cũng chưa được hỗ trợ từ phía người cao tuổi.

"Bà dì của bà chết rồi. Tháng 11 này đem giấy tờ về dưới để xin nhập hộ khẩu với dì Mười. Mấy đứa cháu bảo thôi chị ba về nhập hộ khẩu vô đi để xã người ta giúp cho mấy người cao tuổi. Thành ra tháng 11 này bà mới về dưới, xin hộ khẩu để có cái giấy chứng minh rồi con nó mua cho cái bảo hiểm. Con nhỏ con gái thứ hai, nó ở dưới quê á. Chứ giờ bà ở trên đây tiền đâu mua. Tới 7-800.000 đâu có ít đâu".

Lắm lúc bà Hai cũng buồn. Sống trong căn nhà có một mình, con trai con dâu đi làm sáng tối. Bà Hai cũng thương thân mình lắm.

"Con cái nhiều khi đối xử với mình không được tử tế thì mình cũng buồn chứ. Rồi mình suy nghĩ lại mình cũng buồn hoài nó cũng vậy thôi con ơi. Già rồi, mình càng buồn chừng nào thì mình càng khổ tâm chừng đấy. Chứ cũng buồn chứ".

Có thể nói cảnh ngộ của bà Hai chẳng phải cá biệt. Không riêng gì ở thành phố Sài Gòn mà khắp mọi tỉnh - thành khác, cũng như tại các miền quê, vùng sâu - vùng xa của Việt Nam ; người ta dễ dàng gặp cảnh những cụ già phải sống neo đơn, không con cái, người thân để nương tựa. Trong khi hỗ trợ từ phía chính quyền chẳng là bao để họ được chút an thân buổi xế chiều cuộc sống.

**************************

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh 'báo động' (BBC, 30/01/2018)

Ô nhiễm không khí đang ngày trang trầm trọng ở hai thành phố lớn của Việt Nam, theo các báo cáo mới.

vn4

Ô nhiễm môi trường ở hai thành phố lớn đã đến mức báo động

Reuters đăng bài hôm 30/1 cho hay cả năm 2017, thủ đô Hà Nội chỉ có đúng 38 ngày có không khí sạch.

Theo đó, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã ngang ngửa thủ đô khói bụi Bắc Kinh của Trung Quốc, theo thông tin ban đầu của một báo cáo từ Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).

"Chỉ có hơn một tháng là có không khí sạch", cố vấn kỹ thuật tại GreenID, Lars Blume, cho Reuters biết.

"Điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của nhiều người - họ vẫn phải ra ngoài và đi làm - và trong nhiều trường hợp rất khó để biết liệu không khí sạch hay bẩn", ông Blume nói với Reuters.

Nguyên nhân chính : xe cộ, công trường, xí nghiệp

Ô nhiễm môi trường ở Hà Nội xảy ra do ba yếu tố, bao gồm việc các công trường xây dựng ngày càng mọc lên, các lượng xe ô tô và xe máy gia tăng, và việc thiêu đốt phế phẩm nông nghiệp ngoài trời.

Nhưng nghiên cứu cho thấy các ngành công nghiệp nặng như nhà máy thép, xi măng và các nhà máy nhiệt điện than gần trung tâm thủ đô cũng là các nhân tố lớn góp phần vào lượng khí thải.

Theo tổ chức phi lợi nhuận này thì tình hình đang theo chiều hướng xấu hơn vì Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện than.

Image captionHà Nội chỉ có đúng 38 ngày có không khí sạch vào năm 2017

Tình hình ở Thành phố Hồ Chí Minh

Trong khi đó ở Thành phố Hồ Chí Minh, vào đầu tháng Một, mức ô nhiễm môi trường đã lên đến mức báo động.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại một tọa đàm hôm 3/1 rằng tại Thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động với sức khỏe người dân.

Ông Bằng nhận định tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mỗi năm, theo trích dẫn trên báo Công an Nhân dân.

Cũng ở tọa đàm này, Tiến sĩ Lê Việt Phú, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế, Đại học Fulbright, nhìn lại năm 2013 và cho rằng thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam vào năm 2013 có thể lên đến trên 10 tỉ đôla.

Thiệt hại về người dẫn đến thiệt hại về kinh tế thông qua việc mất thu nhập và giá trị mạng sống, ước tính tương đương khoảng 250.000 đôla/người.

Với số lượng người tử vong vì ô nhiễm không khí, thiệt hại về kinh tế có thể chiếm 0,9-1,4% GDP, theo Tiến sĩ Phú.

Image captionMột nhà máy ở khu công nghiệp tại Đà Nẵng

Biện pháp ?

Từ giữa 2016, chính phủ Việt Nam đã tiến hành một kế hoạch hành động quốc gia để kiểm soát và giám sát lượng khí thải và cải thiện chất lượng không khí.

Hà Nội dự tính sẽ lắp đặt 70 trạm giám sát không khí.

Nhưng GreenID mong muốn chính phủ phải lắp đặt hệ thống này trên toàn quốc và công bố số liệu về không khí công khai.

Đồng thời phải cải thiện việc kế hoạch hóa đô thị, đầu tư vào năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông công cộng, báo cáo của GreenID viết.

Còn Tiến sĩ Lê Việt Phú đề nghị Việt Nam phải áp dụng một tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng không khí, từ mức 25 microgram hiện tại xuống 15-20 microgram.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng thì đề xuất nếu khu vực quận, huyện nào đó có chỉ số ô nhiễm không khí trên mức cho phép thì các cơ quan quản lý nên dừng việc quy hoạch phát triển các nhà máy, khu công nghiệp, hạn chế phương tiện giao thông đi lại…

Đồng thời, ông nói thêm rằng các nhà máy cần có mới giới hạn xả thải, tức trong một tháng hay một quý, họ chỉ được thải một lượng khí thải nhất định.

Quay lại trang chủ
Read 766 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)