Việt Nam có thể nhân rộng ‘ý chí U23’ ? (VOA, 31/01/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi "nhân rộng bản lĩnh, ý chí" của đội tuyển U23, trong khi "cơn sốt" bóng đá vẫn chưa hạ nhiệt, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính quyền "cần có hành động thiết thực" và "không ‘vắt chanh bỏ vỏ’".
Đội tuyển Việt Nam đá với Uzbekistan trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hôm 27/1.
Có lẽ, do Việt Nam hiện nay có quá ít thứ để tự hào đối với bè bạn thế giới, nên thành tích thể thao hiếm muộn này trở thành một điểm sáng.
Nhà hoạt động Nguyễn Đình Hà nói.
Dù để vuột cúp vô địch U23 Châu Á vào tay Uzbekistan, các cầu thủ đội bóng trẻ Việt Nam vẫn được chào đón như những người hùng, và gây tốn không ít giấy mực của truyền thông cũng như gây "bão" trên mạng.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cách người Việt ăn mừng cũng "giống như người dân nhiều nước đam mê bóng đá khác, và hoàn toàn không có sự phân biệt quan điểm, màu cờ hay chế độ chính trị".
"Tất cả dựa trên tinh thần dân tộc và lòng ái quốc", ông Hà nói. "Có lẽ, do Việt Nam hiện nay có quá ít thứ để tự hào đối với bè bạn thế giới, nên thành tích thể thao hiếm muộn này trở thành một điểm sáng".
Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng bàn thắng gỡ hòa trong trận gặp Uzbekistan hôm 27/1.
Còn giáo sư Carl Thayer nói rằng "chiến thắng trong bóng đá giúp Việt Nam khẳng định bản thân".
Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam nói thêm : "Thi đấu và đánh bại các quốc gia trong khu vực giúp Việt Nam tự tin hơn về bản thân mình. Bóng đá còn là bản sắc của quốc gia từ khi Việt Nam bắt đầu tái hòa nhập với thế giới".
Thi đấu và đánh bại các quốc gia trong khu vực giúp Việt Nam tự tin hơn về bản thân mình.
Giáo sư Carl Thayer nói.
Luật gia Hà đặt câu hỏi về việc liệu "tinh thần dân tộc, sự tự hào trong thành tích thể thao như vừa qua liệu có bị lợi dụng, đẩy lên cao quá đà để khỏa lấp các vấn đề nóng khác trong xã hội như [trạm thu phí] BOT, ô nhiễm môi trường, chống tham nhũng hay không ?" hoặc "có sự lợi dụng việc này vào các mục đích kiếm lợi hay không ?"
Sau khi tiếp đón đội tuyển, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/1 bày tỏ hy vọng rằng "thành tích đạt được và bản lĩnh, ý chí của đội bóng đá U23 Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy, nhân rộng trên tất cả các lĩnh vực, vùng miền của đất nước, góp phần đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển…"
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn nói rằng "thật dễ hiểu" khi ông Phúc muốn tinh thần của tuyển U23 được lan tỏa rộng khắp.
"Sự kiện thành công của U23 thực sự đã truyền cảm hứng rất lớn trong lòng xã hội, và đã là chính khách thì càng phải nhận ra đâu đang là nguồn cảm hứng của xã hội", ông Tuấn nói.
Thủ môn Tiến Dũng trong một pha cản bóng.
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Đình Hà cho rằng "‘bản lĩnh, ý chí U23 Việt Nam’ mà ông Phúc nói tới chính là tinh thần đoàn kết, cùng vượt qua khó khăn, thử thách, và sự kiên trì để vươn lên của lớp cầu thủ này", nhưng phía chính quyền cũng cần phải "có hành động thiết thực để trọng dụng nhân tài, đối đãi nhân tài", "đừng ‘vắt chanh bỏ vỏ’".
"Trong các lĩnh vực khác, tinh thần và ý chí của người Việt luôn có, nội lực của quốc gia vẫn còn, nhưng những rào cản xuất phát từ thể chế chính trị còn nhiều hạn chế đã khiến cho đất nước trở nên tụt hậu. Do vậy, chính quyền cần thực hiện những gì họ hô hào, họ hứa hẹn và tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội phát triển trước khi yêu cầu người dân phải làm gì", ông Hà nói.
Trên mạng hiện đã xuất hiện những lời kêu gọi Việt Nam "ngưng lên đồng tập thể" và trở lại với những vấn đề thiết thực hàng ngày.
Khi được hỏi vì sao người dân có thể rầm rộ ra đường để cổ vũ bóng đá, nhưng lại có ít người xuống đường để phản đối Trung Quốc ở Biển Đông hay tuần hành về môi trường trong vụ Formosa, ông Hà cho rằng "bóng đá là một câu chuyện không nhạy cảm, không động chạm đến chính quyền".
"Điều cần phải nhấn mạnh chính là sự giới hạn trong việc thực thi các quyền công dân, quyền con người căn bản trong các hoạt động chính trị - xã hội trong hàng chục năm qua, cùng với nền giáo dục thụ động, ảnh hưởng nặng nề của tư duy Khổng giáo, tư duy của thời bao cấp đã khiến cho một bộ phận lớn người dân Việt Nam không thể hiện chính kiến, quan điểm của mình một cách công khai, bằng hành động cụ thể, bởi họ sợ ‘thiệt vào thân’, gặp sự khó dễ do chính quyền mang đến", ông Hà nói.
Người tham dự một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam năm 2014.
Còn nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận định rằng "dư luận không mặn mà với những chuyện chống Trung Quốc hay Formosa cũng dễ hiểu trong bối cảnh môi trường thông tin hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa lành mạnh".
Ông nói : "Dù không phải tất cả nhưng khó có thể phủ nhận một bộ phận lớn những người định hình dư luận ở Việt Nam vẫn luôn muốn chọn một vị trí an toàn về mặt chính trị cho những phát biểu công khai của họ. Sự im lặng của báo chí nhà nước trong rất nhiều trường hợp trở thành dấu hiệu cho thấy một vấn đề là nhạy cảm, dẫn tới việc nhiều người ngần ngại lên tiếng".
Ông Tuấn nói thêm rằng ông "tin là câu chuyện mà U23 đã kể chắc chắn sẽ truyền cảm hứng tích cực đến xã hội, và điều này, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy nhiều người nghĩ về cái chung nhiều hơn, có thể là cố gắng vượt lên khả năng của chính mình - như cách mà U23 đã thi đấu - để kể nhiều câu chuyện giàu cảm hứng hơn nữa".
Viễn Đông
*********************
VietJet hạ cấp nhưng khí thế dân Việt vẫn cao (Người Việt, 30/01/2018)
Hãng máy bay VietJet đáng bị cả nước chửi, khi cho các cô người mẫu và người không mẫu tiếp đón các cầu thủ U23 với quần áo hở hang. Công ty này đã xin lỗi về những thứ da thịt phụ nữ phơi bày lộ liễu của họ, nhưng cả câu chuyện cũng để lộ ra cả cái đầu óc của ban giám đốc và của giới kinh doanh quen suy nghĩ như thế nào. Nhìn vào cung cách tiếp đón, hay "tiếp thị" của một công ty hàng không, lại thấy nền nếp tinh thần một xã hội đang đi xuống.
Các cô người mẫu và người không mẫu tiếp đón các cầu thủ U23 với quần áo hở hang
Làm cách nào để tỏ lòng quý mến một đã người hay một nhóm người đạt những thành tích cao bất ngờ làm cho cả nước phấn khởi, tự hào về đồng bào của mình ? Chúng ta có thể vinh danh, có thể dùng quà tặng thưởng có giá trị vật chất.
Khi nhà toán học Ngô Bảo Châu đoạt giải Field, ông đã được vinh danh, mời đứng đầu một viện toán học ở thủ đô để các thế hệ thanh thiếu niên sau này noi gương ông trau dồi học môn toán, mà người Việt Nam thường có năng khiếu đặc biệt. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã bỏ tiền của mình để xây dựng nên viện toán học đó, ông đã nhận được một phần thưởng tinh thần xứng đáng. Nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam bày tỏ lòng quý mến đối với tài năng và thành tích của ông.
Nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn kể, sau khi ông chiếm giải Chopin năm 1980, lừng danh thế giới khi tuổi còn chưa bằng các em cầu thủ U23, anh đã được ông Phạm Văn Đồng trân trọng đón tiếp. Sau khi khen ngợi, ông thủ tướng hỏi "cậu nhạc sĩ" trẻ tuổi muốn chính phủ tặng một món quà nào, Đặng Thái Sơn chỉ khép nép xin cho thân phụ anh… có hộ khẩu ! Nhà thơ Đặng Đình Hưng đã bị đày đi khỏi Hà Nội vì tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, phải làm giấy ly dị vợ để cho vợ con được ở lại an toàn, mà nhờ thế Đặng Thái Sơn mới có cơ hội học tập thành một dương cầm thủ tài ba. Nhà thơ lãng mạn đã lén về sống ở Hà Nội, không giấy phép cư trú, tức là không tem phiếu mua gạo, mua đường, mua nước mắm, phải nhờ bạn bè cưu mang, có lúc ông phải sống dưới gầm cầu thang. Đặng Thái Sơn đã nhận được một phần thưởng lớn, chắc giá trị vật chất và tinh thần còn cao hơn cả giải Chopin.
Bây giờ công ty VietJet đón tiếp đoàn cầu thủ U23 theo một cung cách rất hạ cấp. Đưa các cô gái xinh đẹp ăn mặc lõa lồ ra ve vuốt các cậu trai dưới 23 tuổi, người ta đã suy nghĩ theo cách dung tục, rẻ tiền, thấp kém nhất.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh đã nhận xét trên trang Facebook cá nhân : "Phải chi họ đi đón bọn cờ gian bạc lận, bợm nhậu hay ma cô, tú ông, thì thổn thển, õng ẹo, cợt nhả vậy là lựa chọn phù hợp quá. Đằng này họ đón U23. Họ biết U23 là ai không ? Chắc chắn các chàng trai tận lực đá banh vất vả để vào đến chung kết này không phải là bọn "cờ gian bạc lận, bợm nhậu hay ma cô, tú ông…" Đón tiếp họ theo cách đó là một hành động sỉ nhục". Cho nên, trên báo chí đã nhiều người nhận ra, huấn luyện viên Park Hang-seo và các cầu thủ đội U23 đều tỏ ra khá ngượng nghịu, không thoải mái khi được kề cận với các cô chỉ quen phô bày một thứ có giá trị của mình, là khoe ngực, khoe đùi. Có ai có thể thoải mái, không ngượng ngùng khi bị sỉ nhục một cách bất ngờ như vậy ?
Tại sao một công ty hàng không lại tiếp đón các cầu thủ như vậy ? Có thể nói, vì trong cuộc đời cạnh tranh trong việc làm ăn của họ, họ đã có thói quen chiều đãi những người cần chiều đãi như vậy, từ lâu rồi. Họ nghĩ rằng đàn ông con trai thì phải thích con gái trẻ, đẹp. Họ đã có kinh nghiệm đó. Đã từng làm và thấy có hiệu quả ! Mà không riêng gì hãng máy bay này. Ở đâu cũng thế. Trên báo chí đã kể chuyện có những quan đầu tỉnh bắt các cô giáo phải đi làm việc tiếp tân, hầu rượu khi họ tiếp khách. Có ông hiệu trưởng ở tỉnh Lạng Sơn đã đem các nữ sinh trung học dâng cho bọn cán bộ cao cấp trong tỉnh.
Bà Kim Hạnh viết về công ty hàng không này "…phải gọi họ là hãng BM… không phải BMW nhé, mà là BMBV, hãng Buôn Mông Bán Vú nhé". Công ty này đã từng đem các cô gái đẹp như người mẫu mặc bikini lên máy bay nhảy múa khi khai trương đường bay Sài Gòn-Nha Trang. Mỗi năm họ đều in lịch người mẫu bikini để tặng khách, đã được gọi là "hàng không bikini".
Hành động đó cho thấy người phụ nữ Việt Nam đã bị coi rẻ như thế nào. Thói quen hối lộ lẫn nhau bằng thân xác phụ nữ đã lan tràn, cho thấy xã hội đã suy đồi. Không những đạo lý sa sút mà cả đầu óc con người cũng càng ngày càng xuống cấp ! Người ta không kính trọng phụ nữ, những người có vai trò làm mẹ của các thế hệ tương lai !
Nhưng sau khi các cầu thủ trẻ tuổi quên đi hành động lỗ mãng của một công ty hàng không, chúng ta vẫn thấy một niềm phấn khởi, khi cả nước Việt Nam tưng bừng mở hội khi đội cầu nước nhà tiến xa đến vào được vòng chung kết.
Người dân bày tỏ nỗi mừng rỡ, lòng hãnh diện một cách tự nhiên. Không cần ai tuyên truyền, hô hào, "động viên", hay ép buộc. Nhìn hình ảnh người ta đổ ra đường đông đảo, muôn người như một, chúng ta thấy khi cần biểu lộ tình cảm yêu nước, niềm hãnh diện về đất nước, khí thế dân tộc Việt Nam vẫn không thay đổi.
Một chế độ độc tài chuyên chế khiến nền nếp tinh thần suy nhược, nhưng không giết chết được khí thế tiềm tàng của dân Việt.
Thử tưởng tượng có ngày một đội cầu Việt Nam đánh thắng các cầu thủ Trung Quốc ! Thử tưởng tượng, nếu có tin một tàu tuần duyên của Việt Nam đuổi được những chiếc thuyền đánh cá của dân Trung Quốc ra khỏi hải phận nước ta, mà tàu Hải Giám của Trung Cộng phải chịu ! Khi đó hàng triệu người Việt Nam sẽ xuống đường ca hát vui mừng như thế nào !
Ngô Nhân Dụng