Việt Nam kết án tù 3 người vì đăng video đả kích chế độ (RFI, 31/01/2018)
Trong một phiên xử mở ra hôm nay, 31/01/2018, Tòa án nhân dân Hà Nội đã tuyên án tù từ 6 đến 8 năm đối với ba người bị buộc tội "tuyên truyền chống Nhà Nước" vì đã đưa lên mạng các đoạn video chỉ trích chế độ. Bản án được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam đang bị giới bảo vệ nhân quyền tố cáo là đang gia tăng trấn áp những người bất đồng chính kiến.
Tòa Án Nhân dân thành phố Hà Nội. Ảnh chụp ngày 08/01/2018. HOANG DINH NAM / AFP
Trong số ba người phải ra tòa hôm nay, ông Vũ Quang Thuận, 51 tuổi, bị bản án nặng nhất là 8 năm tù, kế đến là các ông Nguyễn Văn Điển, 34 tuổi, 6 năm rưỡi và Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, 6 năm.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, luật sư bào chữa cho ba bị cáo cho biết rằng hai ông Thuận và Điển đã bị kết án vì đã đưa lên mạng 17 đoạn video mang tính chất chỉ trích chính phủ. Hai người này bị buộc tội "tuyên truyền chống Nhà Nước".
Riêng ông Phúc, cũng bị buộc vào cùng một tội danh vì đã trợ giúp hai người trên về mặt kỹ thuật. Đối với luật sư biện hộ, việc buộc ông Phúc vào tội tuyên truyền chống nhà nước không có cơ sở vì ông chỉ giúp đỡ hai ông Thuận và Điển về kỹ thuật, trong đó có việc giúp công bố các clip video lên mạng.
Các luật sư biện hộ cho các bị cáo đã yêu cầu tòa án cho phát trong phiên xử các clip video đã được dùng làm bằng chứng buộc tội, nhưng yêu cầu này đã bị bác bỏ vì lý do kỹ thuật.
Từ hôm qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, trụ sở tại New York, đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho ba bị cáo được HRW xem là "nhà hoạt động dân chủ". Theo tổ chức này, riêng trong năm 2017, đã có ít nhất 24 nhà hoạt động dân chủ bị kết án năm ngoái, và 28 người khác bị bắt.
Việt Nam liệt thêm một nhóm người Việt tại Mỹ vào diện "khủng bố"
Trong một thông báo trên trang web ngày 30/01/2018, Bộ Công An Việt Nam đã xác định một nhóm người Việt tại Mỹ mang tên "Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời" là một tổ chức khủng bố. Lời xác định này được đưa ra một tháng sau khi 15 người Việt bị cho là có liên quan đến tổ chức này, bị kết án về tội âm mưu đánh bom tại sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh.
Theo hãng tin Mỹ AP, vụ phá hoại bất thành tại Tân Sơn Nhất vào tháng Tư năm ngoái 2017 đã gây hoảng sợ nhưng không có thương vong. Chính quyền Việt Nam đã quy tội cho tổ chức "Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời" được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1991, nhưng ít được biết đến tại Việt Nam.
Tháng 12 vừa qua, một tòa án tại thành phố Hồ Chí Minh đã kết án 15 người bị cho là thành viên của tổ chức nói trên về những hoạt động khủng bố, với những bản án từ 5 năm đến 16 năm tù giam.
Công An Việt Nam đồng thời ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Đào Minh Quân, thủ tướng tự phong của bào chữa của "Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời", và bà Lisa Phạm, một thành viên cao cấp của nhóm, vì vai trò của họ trong vụ án.
Vào năm 2016, chính quyền Việt Nam cũng đã đưa Việt Tân, một tổ chức người Việt khác ở California, vào diện tổ chức khủng bố.
Trọng Nghĩa
******************
Việt Nam xử nặng ba người ‘tuyên truyền chống nhà nước’ (BBC, 31/01/2018)
Tòa án ở Hà Nội ngày 31/1 xử tù ba người về tội tuyên truyền chống Nhà nước, áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần".
Trần Hoàng Phúc là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)
Áp dụng Điều 88 Bộ luật Hình sự, tòa sơ thẩm tuyên ông Vũ Quang Thuận, sinh năm 1966, bị án tù 8 năm, Nguyễn Văn Điển, sinh năm 1983, bị 6 năm 6 tháng tù.
Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, bị tòa tuyên 6 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo Thuận bị 5 năm quản chế, hai ông Điển và Phúc bị 4 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Thông tấn xã Việt Nam nói "các bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng 'phạm tội nhiều lần' theo quy định tại Điều 48, khoản 1, điểm g - Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử phạt nghiêm khắc".
Ông Trần Hoàng Phúc, bị bắt hồi tháng 7/2017, gây nhiều chú ý vì là thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), sinh viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong dịp Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam và gặp gỡ các thành viên YSEALI tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5/2016, ông Trần Hoàng Phúc bị câu lưu ngay tại địa điểm diễn ra cuộc gặp với ông Obama.
'Không rõ ràng'
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Phúc và ông Thuận, cho BBC biết "không người thân nào của ba người nêu trên được tham dự phiên tòa".
Luật sư Mạnh đã đề nghị tòa "tuyên trả tự do cho các bị cáo ngay tại tòa", đồng thời, "thỉnh cầu tòa án kiến nghị Quốc hội hủy bỏ Điều 117 Bộ luật Hình sự mới (vốn là Điều 88 của Bộ luật Hình sự cũ chuyển hóa thành), hoặc hủy bỏ sự chế tài hình sự đối với sự phỉ báng chính quyền và chuyển thành chế tài vi phạm hành chính".
Ông Mạnh nói thêm : "Tội danh mà nhóm ông Vũ Quang Thuận bị truy tố theo Điều 88 Bộ luật Hình sự "Tuyên truyền chống Nhà nước" có đặc điểm tương tự như một số tội danh khác thuộc nhóm "Xâm phạm an ninh quốc gia", là tội danh hoàn toàn mang tính chất "định tính thuần túy", không rõ ràng và không hề có định lượng vì nội hàm không hề có sự giới hạn".
"Sở dĩ nói "không rõ ràng" vì chẳng thế nào có một định nghĩa đầy đủ về khái niệm "Tuyên truyền chống Nhà nước" là như thế nào ? Gồm những yếu tố gì đủ để cấu thành tội phạm ?"
Ông Vũ Quang Thuận (trái) và Nguyễn Văn Điển (phải) cùng Tùy viên chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ
"Nếu nội hàm của một điều luật không giới hạn, không định lượng thì lấy gì làm cơ sở để lượng định về hình phạt ?"
"Một điều luật quy định một tội danh hình sự phải là điều luật rõ ràng và có giới hạn tức là không thể hiểu đa nghĩa đến mức hành vi như thế nào cũng có thể suy thành hành vi vi phạm điều luật".
"Do tội danh không rõ ràng, nên để củng cố về lý luận, các cơ quan truy tố đã "sáng tạo" ra tổ chức giám định tư tưởng chưa từng có trong thực tiễn pháp chế hình sự của các quốc gia trên thế giới từ trước cho đến nay, đó là "Giám định tập thể" thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông".
"Các giám định viên này đã được rộng rãi "trao quyền" để đánh giá ý chí của một nghi can khi phát biểu quan điểm khác với chính quyền là họ có tư tưởng "chống Nhà nước" hay không ?"
"Dù đã có một số án lệ cho thấy các tòa án hình sự ở Việt Nam đã chấp nhận các kết luận giám định tư tưởng dạng này nhưng quan điểm chung của giới luật sư là chưa bao giờ chấp nhận".
"Cả ba người ra tòa hôm nay đều tự bào chữa cho rằng mình vô tội", luật sư Mạnh nói với BBC.
Cáo trạng nói bị cáo 'xuyên tạc, vu khống'
Thông tấn xã Việt Nam dẫn cáo trạng nói vào ngày 1/3/2017, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đề nghị công an Hà Nội điều tra trang Facebook của ông Thuận và Điển vì đăng video "xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân".
Ngày hôm sau, công an Hà Nội "khám xét khẩn cấp" chỗ ở thuê của hai người này ở Hà Nội.
Công an sau đó nói ông Phúc đã giúp hai người này " trong việc làm, đăng tải các video clip lên mạng Internet có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước".
Cáo trạng đề cập 17 video clip của những người này đã "phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật".
Tổ chức nhân quyền lên tiếng
Hôm 30/1, thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi từ New York dẫn lời ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của cơ quan này : "Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển là ba người trong hàng ngũ đang lớn mạnh của các nhà hoạt động và blogger sử dụng Internet để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam".
"Việc bắt bớ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến không ngăn cản được ngày càng có nhiều người Việt Nam lên tiếng".
******************
Luật sư : 'ngưỡng mộ khí phách kiên cường' của ba nhà hoạt động (VOA, 31/01/2018)
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với VOA rằng ông ngưỡng mộ khí phách kiên cường của ba nhà hoạt động dân chủ Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc và Nguyễn Văn Điển trong một phiên tòa ở Hà Nội hôm 31/1.
Luật sư Mạnh cho biết ông Thuận bị kết án 8 năm tù với 5 năm quản chế, ông Điển 6,5 năm tù với 4 năm quản chế và Trần Hoàng Phúc 6 năm tù, 4 năm quản chế sau khi mãn án tù, về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước".
Luật sư Mạnh nhận đình rằng cả ba người bị tuyên mức án nặng như vậy là do thái độ "kiên cường" của họ tại tòa, họ cho rằng các hoạt động của họ không chống nhà nước mà chỉ lên tiếng vì sự tiến bộ xã hội cho Việt Nam :
"Tôi nghĩ rằng do thái độ của cả ba người trong phiên tòa. Tôi thật sự khâm phục họ. Tuy là các bị cáo trong một vụ án, nhưng thái độ của họ rất kiên cường. Cũng chính vì thái độ kiên cường đó đã tác động đến mức hình phạt như đã tuyên".
Luật sư Trần Thu Nam, người bào chữa cho ông Thuận, nói với hãng tin AP sau phiên xử rằng phiên tòa chỉ kéo dài có nửa ngày, và hội đồng xét xử không có đủ chứng cứ để buộc tội các bị cáo.
Luật sư Mạnh, người bào chữa cho hai nhà hoạt động Thuận và Phúc, nói rằng Viện Kiểm Sát chủ yếu dùng kết quả giám định "tư tưởng" của một cơ quan nhà nước về 17 clip video mà các bị cáo đưa lên mạng Internet để buộc tội họ :
"Cơ quan truy tố cho rằng các video clip này mang ý nghĩa tuyên truyền chống nhà nước, họ phải nhờ một cơ quan gọi là giám định tư pháp, mà các luật sư gọi đúng nghĩa của nó là giám định tư pháp về tư tưởng. Đây là một khái niệm chưa từng có trên thế giới, kể cả trong thực tiễn và trong học thuật. Vì không ai đi đánh giá tư tưởng để xem một người nào đó có chống nhà nước hay không. Rất tiếc điều đó đang được luật pháp (Việt Nam) quy định và thừa nhận".
Một ngày trước phiên xét xử sơ thẩm 3 nhà hoạt động, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 30/1 ra thông cáo nói rằng họ chỉ là những blogger sử dụng mạng Internet để thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam. "Việc bắt bớ và bỏ tù những tiếng nói bất đồng cũng sẽ không ngăn cản được nhiều người Việt Nam tiếp tục lên tiếng tranh đấu", HRW nói.
Hôm 31/1 Thông Tấn Xã Việt Nam trích cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội nói trang Facebook mang tên "Vũ Quang Thuận" và "Nguyễn Văn Điển" có đăng tải 17 video mang nội dung "xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự nhân phẩm của lãnh đạo của Đảng" lên mạng Internet.
Báo chí Việt Nam nói ông Vũ Quang Thuận là người đóng vai trò chính, đã thuyết trình trên tất cả các video clip, trong khi Nguyễn Văn Điển đăng tải 14/17 video clip lên mạng xã hội và Internet, và Trần Hoàng Phúc đã đăng tải 3/17 video clip lên mạng xã hội và Internet.
Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi, là sinh viên trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và là thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI). Năm 2016, Phúc được mời tới dự cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama với các thành viên YSEALI khi nhà cựu lãnh đạo Mỹ tới thăm Việt Nam.