‘Cung đàn số phận’, tác phẩm thứ 4 bị đình bản trong năm 2017 (RFA, 14/02/2018)
Hồi ký "Cung đàn số phận" của tác giả Kim Dung - Kỳ Duyên chấp bút viết về cuộc đời ca sĩ Lộc Vàng, người phải đi tù vì hát nhạc vàng hôm 13/2 bị yêu cầu tạm dừng phát hành với lý do thẩm định lại.
Đây là trường hợp thứ tư trong năm 2017 phải nhận quyết định đình chỉ phát hành, xuất bản, thu hồ và ngay cả hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Những sự việc này cho thấy có hay chăng sự bất nhất giữa mong muốn hòa hợp hòa giải và cách hành xử với những giá trị lịch sử ?
Ca sĩ Lộc Vàng và tác giả Kim Dung - Kỳ Duyên - Ảnh trên trang kimdunghn.wordpress.com
Từ hồi ký cá nhân
"Cung đàn số phận" hay còn được hiểu là "sách về người đi tù vì hát nhạc vàng" là cuốn hồi ký về cuộc đời thăng trầm của ca sĩ Nguyễn Văn Lộc, nghệ danh Lộc Vàng. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với dòng nhạc tiền chiến và những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương…
Trả lời RFA một ngày sau khi cuốn hồi ký có quyết định tạm dừng phát hành, ca sĩ Lộc Vàng cho biết về lý do "Cung đàn số phận" được ra đời :
"Nó là thế này. Chuyện của tôi thì tôi cũng không muốn nói đến làm gì. Nhưng tôi chỉ biết là trong cuộc đời của tôi gặp nhiều chuyện oan trái. Tôi kể chuyện tâm sự với bạn bè. Nhiều khi người ta đến, người ta thắc mắc gặp tôi, hỏi chuyện. anh như thế nào, tù tội, rồi tại sao hát như thế bán hết nhà cửa đi chỉ để được hát thôi ? Một số nhà văn nghe chuyện của tôi họ thích quá, họ muốn viết, thì tôi nói nếu vậy thì tôi kể lại cho viết, trong tình yêu của tôi với vợ tôi, cuộc đời của tôi chỉ đam mê âm nhạc bảo tồn cả nền tân nhạc Việt Nam trước năm 54 thôi".
Những thăng trầm, sóng gió, cũng như mười mấy năm tù tội cũng vì "dám" đam mê gìn giữ, bảo tồn một dòng nhạc của Việt Nam được ông xác nhận là 100% chuyển tải trong cuốn hồi ký.
"Câu chuyện của tôi là cô Kim Dung viết lại trong lời tâm sự của tôi. Tất cả những lời đó, riêng nói về gia đình thì không nói làm gì, nhưng nói về tôi với pháp luật, cũng như nói về con đường âm nhạc và những chuyện tù tội thì tất cả 100% là sự thật, chứ tôi không nói bừa.
Đôi khi những lời tâm sự đó còn hơi thiếu đấy".
Hồi ký ‘Cung đàn số phận’ nhận công văn của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, do ông Nguyễn Quang Thiều - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn ký hôm 5/2, đề nghị đơn vị liên kết - Alpha Books dừng phát hành để thẩm định vì nội dung có nhiều chi tiết, sự kiện cần xác minh tính xác thực.
Những thế hệ đi qua thập niên 60s phần nhiều đều biết đến dòng nhạc tiền chiến với ca khúc của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong…
Nhưng lúc đó, trong lòng xã hội cũng nhen nhóm những tư tưởng lên án dòng nhạc ấy là ủy mị, giết dần giết mòn ý chí sống còn của thanh niên thời đại bấy giờ. Hơn thế nữa, có cả những tuyên truyền cho rằng đó là sản phẩm của đế quốc...
Do đó, khi được hỏi về những nội dung cần thẩm định, ca sĩ Lộc Vàng cho rằng có thể là thẩm định lại những chi tiết kể về 8 năm tù tội của ông vì cái tội chuyên chở những bản nhạc vàng lãng mạn, nói lên tình yêu, thân phận con người.
"Theo tôi hiểu là thẩm định lại 1 số vấn đề của tôi, chuyện tù tội. Thế nhưng tất cả nó là sự thật. Tôi nói trước sau như một thôi. Chứ tôi cũng chả có vấn đề gì. Thực ra thì tôi cũng chỉ là 1 con người yêu thích nghệ thuật và bảo vệ, bảo tồn nền tân nhạc Việt Nam. Còn trong cuộc đời tôi tôi làm hết sức mình, có thể là mất hết tất cả nhưng cũng chả sao. Chuyện đó tôi làm theo đạo đức, đạo lý của tôi trong lĩnh vực âm nhạc".
Đó là "Cung đàn số phận", hoàn toàn là một tác phẩm hồi ký cá nhân, ghi chép lại cuộc đời và sự nghiệp thăng trầm của nhân vật theo chiều dài của biến động lịch sử.
Một quyển hồi ký khác đã từng được ra đời năm 1949, đó là Hồi ký Một Cơn Gió Bụi của nhà sử học Trần Trọng Kim, mô tả những diễn biến thời cuộc, chính trị tại Việt Nam giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1948, cũng bị thu hồi sau khi có giấy phép ấn hành tái bản.
Lý do được đưa ra cũng là có nhiều chi tiết không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng"
Cho đến tác phẩm lịch sử và hư cấu
Còn quyển sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’, một công trình nghiên cứu có bề dày hơn 50 năm của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu dù đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu nhưng ngày 4/1/2017, một "lệnh miệng" được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.
Lý do yêu cầu hủy bỏ cũng không được cụ thể trong văn bản. Theo Giáo sư Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri thức cho biết có thể là do tựa đề của tác phẩm.
"Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng ấy khi được công bố công khai rộng rãi cũng mang lại it nhiều bổ ích cho nền học thuật nước nhà".
Một công trình nghiên cứu hơn 50 năm với những tài liệu sưu tầm có giá trị thực tiễn từ năm 1960 đã không được đến với người hậu thế. Nói như Luật sư Lê Luân rằng "xu thế khách quan, trung thực về một nhân vật của lịch sử đã không được phép giới thiệu đến hậu thế".
Nếu ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ bị thu hồi và hủy bỏ buổi ra mắt sách vì những lý do không được đề cập đến thì ‘Mối Chúa’ của Đãng khấu - Tạ Duy Anh bị kết tử cùng với câu trả lời rõ ràng của Cục xuất bản ngày 13 tháng 9 năm 2017, đó là "Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bằng những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền…"
Không thể hòa hợp hòa giải
Chính sách hòa hợp hòa giải được kêu gọi rất nhiều lần trong những năn gần đây, là một phần nằm trong Nghị Quyết 36-NQ-TW do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao công bố vào 2004, với đường lối chính sách mệnh danh là ‘công tác đối với người Việt Nam ở ngoài đất nước".
Tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 14/1/2016 chính ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về tham dự.
Thế nhưng, chính giới văn nghệ sĩ, trí thức, trong nước lại không thể có cơ hội để hy vọng về điều đó.
Qua sự việc của chính mình, ca sĩ Lộc Vàng nói rằng :
"Theo tôi thì nếu tác phẩm chị Kim Dung viết về câu chuyện của tôi ra đời mà bị cấm thì tôi tin là chuyện hòa hợp hòa giải sẽ không bao giờ có".
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền thông ngày nay, không phải là khó để tìm được các tác phẩm bị cấm lưu hành. Thế nhưng, với tác giả, tác phẩm nói riêng và những thế hệ tiếp nối nói chung, thì đó không phải là giải pháp họ mong muốn.
Điều mà họ mong muốn, như nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đã nói, đó là một bước khác nữa. Bước đi đó đòi hỏi thật tâm, thật tình, có thiện ý thì mới thực hiện được.
********************
‘Có một sự kiểm duyệt kỳ dị ở Việt Nam’ (VOA, 12/02/2018)
Những chỉ trích của tướng Võ Nguyên Giáp đối với dự án khai thác bauxite của Trung Quốc và tình yêu nước Mỹ của điệp viên Cộng sản Phạm Xuân Ẩn bị cắt bỏ hoàn toàn khỏi một cuốn sách của một nhà văn Mỹ, qua sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam.
Thomas Bass, tác giả "The Spy Who Loved Us" và "Censorship in Vietnam : Brave New World".
Cả tướng Giáp và ông Ẩn đều chỉ trích Đảng cộng sản, theo nhà văn Thomas Bass – hiện là giáo sư Báo Chí và Văn Chương Anh tại Đại học Albany, New York ; và những điều đó đều biến mất khỏi tác phẩm của ông ("The Spy Who Loved Us" – Người Điệp Viên Yêu Chúng Ta) khi nó được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở trong nước dưới cái tên "Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ".
"The Spy Who Loved Us" (Người điệp viên yêu chúng ta) được xuất bản năm 2009 bằng tiếng Anh
Đây là cuốn sách thứ 2 trong 3 cuốn về Việt Nam của nhà văn chuyên viết về văn hóa và lịch sử. "The Spy Who Loved Us" được xuất bản năm 2009 bằng tiếng Anh và 5 năm sau được ra mắt trong nước, bằng tiếng Việt, với tựa đề "Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ".
"The Spy Who Loved Us" được xuất bản năm 2009 bằng tiếng Anh và 5 năm sau được ra mắt trong nước, bằng tiếng Việt, với tựa đề "Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ".
Sự méo mó của phiên bản tiếng Việt về điệp viên Phạm Xuân Ẩn so với nguyên bản tiếng Anh đã khiến tác giả tìm hiểu và viết thêm một cuốn sách khác : "Censorship in Vietnam : Brave New World" (Kiểm duyệt ở Việt Nam : Thế giới can đảm mới).
Tướng Giáp cũng biến mất
Hãy bắt đầu với "The Spy Who Loved Us". Đầu những năm 1990, nhà văn Bass gặp người điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nổi tiếng với vỏ bọc một phóng viên của tạp chí Time trong thời gian chiến tranh Việt Nam, nhiều lần trong suốt thập kỷ ‘90 cho đến những năm 2000.
Trong những lần nói chuyện riêng tại nhà ông Ẩn ở thành phố Hồ Chí Minh có cảnh sát túc trực bên ngoài, ông Ẩn cho nhà văn người Mỹ biết ông được đọc 2 bức thư của tướng Giáp viết trước khi mất để phản đối vụ khai thác mỏ bauxite của Trung Quốc ở Tây Nguyên.
"Tướng Giáp gần như biến mất (khỏi cuốn sách). Ông ấy không được sủng ái vì có thể ông ấy được cho là quá thân phương Tây và có quan điểm chống lại khai thác bauxite của Trung Quốc và bởi vì ông ấy chỉ trích Đảng cộng sản. Nên vào thời điểm ông ấy qua đời, ông bị coi là ‘political hot potato (vấn đề chính trị gây tranh cãi) theo cách nói của người Mỹ". Theo lời Giáo sư Bass.
Những phần ông Ẩn, người bị nằm dưới sự theo dõi của chính phủ Việt Nam trong thời gian gặp gỡ ông Bass và nhiều vị khách nước ngoài khác tới thăm, đưa ra quan điểm về Đảng Cộng sản và tham nhũng cũng bị cắt bỏ khỏi cuốn sách.
"Phạm Xuân Ẩn chỉ trích nặng nề Trung Quốc và vai trò của họ trong nền văn hóa Việt Nam. Tất cả những cái đó biến mất khỏi cuốn sách. Và tất nhiên bất cứ chỉ trích nào đối với Đảng Cộng sản đều bị kiểm duyệt trực tiếp. Và những thảo luận của ông về ý định đưa dân chủ hay bất cứ dạng quyền lực chính trị nào vào Việt Nam cũng bị trực tiếp cắt bỏ". Vẫn theo lời tác giả Thomas Bass.
"Ẩn không được phép yêu nước Mỹ"
Mặc dù hoạt động tình báo cho chính phủ Cộng sản Bắc Việt nhưng Phạm Xuân Ẩn lại "cởi mở với văn hóa Mỹ và đề cao sự tự do của nền dân chủ Mỹ", theo nhà văn Bass, người mất 10 năm để viết về ông Ẩn trong cuốn "Người điệp viên yêu chúng ta".
Ông Bass phân tích : "Phạm Xuân Ẩn không được phép yêu nước Mỹ. Ông ấy không được phép ngưỡng mộ nước Mỹ hay tôn trọng nước Mỹ theo bất cứ cách nào. Tất cả những cái đó bị cắt bỏ. Cắt hết".
Phạm Xuân Ẩn, người được coi là một trong những điệp viên giỏi nhất trong lịch sử thế giới, theo lời của giáo sư Bass, được đào tạo đầu tiên bởi điệp viên người Mỹ lừng danh, Edward Lansdale, và sau đó theo học tại một trường ở California nên ông ấy "rất yêu văn hóa Mỹ".
Đó là lý do vì sao Thomas Bass đặt tên cho cuốn sách là "Người điệp viên yêu chúng ta", và "chúng ta" ở đây là Mỹ.
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, ông Ẩn đã rất hy vọng được chuyển sang Mỹ sinh sống nhưng bị Bộ Chính trị ngăn cản. Đó là phần bị kiểm duyệt trong một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn do Larry Berman, một giáo sư người Mỹ của Đại học tiểu bang Georgia, viết.
Theo những tài liệu của WikiLeaks, cuốn sách của Berman có tên "Perfect Spy" (Điệp viên hoàn hảo) cũng bị kiểm duyệt gắt gao và quyết định có nên xuất bản cuốn sách của Berman hay không đã lên đến tận Thủ tướng chính phủ. Nhưng ông Berman phủ nhận điều đó, theo giáo sư Bass.
Theo ông Bass, những nỗ lực kiểm duyệt này "nhằm làm bình thường hóa hình ảnh ông Phạm Xuân Ẩn".
"Có những nỗ lực để loại bỏ sự hài hước dí dỏm trong ông ấy, loại bỏ tình yêu nước Mỹ của ông ấy hay công việc làm báo của ông ấy. Những nỗ lực nhằm loại bỏ tất cả những điều đó để làm cho ông ấy trở thành một đảng viên Cộng sản tốt mà thực tế ông ấy chưa bao giờ là vậy".
Nhưng nhà văn Bảo Ninh đã nhận ra những kiểm duyệt trong cuốn sách của ông Bass xuất bản ở Việt Nam. "Bảo Ninh biết chính xác đoạn nào đã bị can thiệp", ông Bass nói.
Kiểm duyệt ‘kỳ dị’
Kiểm duyệt đang trở nên tệ hại hơn ở Việt Nam, theo giáo sư Bass. Ông cho rằng điều này đang làm hủy hoại nền văn hóa Việt Nam bởi nó "làm thụt lùi lịch sử và thời gian".
Sự kiểm duyệt ở Việt Nam thật là "kỳ dị" khi chính quyền kiểm duyệt tất cả mọi thứ, ông Bass nói.
Sau khi phiên bản tiếng Việt cuốn sách của ông ra mắt với cái tên "Điệp viên Z21 – Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ", một cái tên mà ông nói "không biết họ lấy đâu ra và dường như Z21 là bí danh của ông Ẩn", giáo sư Bass quyết định quay về Việt Nam để tìm gặp những người đã "kiểm duyệt" sách của ông và tìm hiểu quá trình kiểm duyệt ở Việt Nam diễn ra như thế nào và tại sao phải mất đến 5 năm để biên dịch cuốn sách của ông.
Cuốn sách của ông bị cắt đến hơn 400 đoạn và nhiều cái tên đã biến mất khỏi cuốn sách, trong đó nhà báo Bùi Tín, hiện đang sinh sống ở Paris, Pháp, đã hoàn toàn không còn trong đó nữa.
Nhã Nam và Hồng Đức là hai công ty chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách này.
VOA đã không nhận được phản hồi yêu cầu bình luận về việc kiểm duyệt cuốn sách của giáo sư Bass trong quá trình xuất bản.
Nhã Nam là một nhà xuất bản độc lập và trong con mắt của tác giả Bass là "tốt" nhưng vì "họ hoạt động trong nền văn hóa Việt Nam nên không có lựa chọn nào khác là phải kiểm duyệt sách".
"Ông Thomas Bass là một nạn nhân tại vì ông đã bị kiểm duyệt khá nhiều với những cuốn sách của ông in ở Việt Nam. Khi người ta cắt gọn bản thảo thì ông không còn nhận ra cuốn sách của mình nữa". Đó là nhận định của Tiến sĩ và nhà báo độc độc lập Phạm Chí Dũng, một trong 5 người mà ông Bass gặp gỡ và đưa những nhận định của họ vào cuốn sách thứ 3 của ông về kiểm duyệt ở Việt Nam ra mắt năm 2017 với tên "Censorship in Vietnam : Brave New World" (Kiểm duyệt ở Việt Nam : Thế giới can đảm mới)
Sau khi tìm hiểu để viết cuốn sách "Kiểm duyệt ở Việt Nam", giáo sư Bass nhận thấy "Việt Nam có một mạng lưới chỉ để làm những công việc kiểm duyệt" nhưng ông "không thể biết có bao nhiêu người đã tham gia kiểm duyệt cuốn sách" của mình.
Hình bìa tác phẩm “Censorship in Vietnam: Brave New World” của giáo sư Thomas Bass.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, người giúp giáo sư Bass xuất bản phiên bản tiếng Việt không bị kiểm duyệt của cuốn "Người điệp viên yêu chúng ta" bên ngoài Việt Nam qua mạng internet, cho rằng cuốn sách thứ 3 của ông là "chân dung truyền thần sinh động về bộ mặt kiểm duyệt ở Việt Nam" và nó "thật đến mức khó chịu".
Nhà văn bị cấm xuất bản ở Việt Nam và đang sinh sống ở Berlin, Đức, cho rằng cuốn sách này "bao quát hiện tượng kiểm duyệt, phác họa cấu trúc và các hình thái của kiểm duyệt, tìm hiểu bối cảnh của kiểm duyệt và miêu tả chi tiết kiểm duyệt diễn ra như thế nào.
"Vấn đề kiểm duyệt ở Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu và đó là một vết hằn của chế độ, đặc biệt là chế độ độc tài, chế độ một đảng. Việc này cho tới nay không những không giảm đi mà lại còn có chiều hướng gia tăng". Nhận định của ông Phạm Chí Dũng.
Chế độ kiểm duyệt đã ăn sâu vào bản chất của chế độ này và gần đây còn có một hiện tượng đáng lo nữa là không những kiểm duyệt hệ thống báo chí quốc doanh và văn học nghệ thuật quốc doanh mà chính quyền còn lấn sang kiểm duyệt đối với các nhà mạng của nước ngoài có hoạt động ở Việt Nam, theo nhà báo Phạm Chí Dũng.
Giáo sư Bass nhận định "Việt Nam thực chất đã hủy nền văn hóa của họ và hạn chế rất lớn đến sức tưởng tượng và tiềm năng văn hóa thông qua sự kiểm duyệt. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng tệ hại tới nền văn hóa Việt Nam".
Có bao nhiêu người trên thế giới đang chú ý đến sự kiểm duyệt. Nó là một vấn đề đang trở nên nghiêm trọng. Nó là một vấn đề đối với bất kỳ nền văn hóa nào và khu vực nào trên thế giới.
Giáo sư Bass hy vọng cuốn sách về "Kiểm duyệt ở Việt Nam" sẽ là một chút đóng góp của ông vào việc lưu tâm đến mọi người rằng "kiểm duyệt" là một lực lượng nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
**********************
Chính trị bình dân hay nhạy cảm chính trị ? (RFA, 13/02/2018)
Vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, Cục Hải quan Đà Nẵng đã tịch thu 4 bưu kiện gửi từ nước ngoài về, trong đó có 3 cuốn sách ‘Chính trị bình dân’ của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang. Lý do được đưa ra là "nhạy cảm chính trị". Vậy như thế nào là chính trị bình dân và nhạy cảm chính trị ?
Bìa sách Chính trị Bình dân. 9/2017. Ảnh do tác giả cung cấp.
Chính trị bình dân
Vào cuối tháng 9 năm 2017 vừa qua, cuốn sách Chính trị bình dân của nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang được xuất bản và được phổ biến rộng rãi, thậm chí còn được đăng bán trên trang mạng mua sắm trực tuyến Amazon.
Trong bài phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do trước đây, cô Phạm Đoan Trang cho biết khi viết cuốn sách này, cô muốn người Việt xóa bỏ định kiến cho rằng chính trị là của một nhóm thiểu số, hay nói theo kiểu người dân trong nước là có đảng và nhà nước lo.
"Cái hiểu về chính trị của Việt Nam bị bóp méo hoàn toàn, rất sai lệch. Người Việt Nam nghĩ về chính trị là nghĩ về công việc quản lý nhà nước của một thiểu số, của đảng cộng sản, tức là của các quan chức đảng cộng sản, nhà nước của đảng cộng sản. Còn lại tất cả những người không thuộc cái nhóm đấy đều là quần chúng".
Đồng quan điểm với nữ nhà báo Đoan Trang, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến hiện đang sống ở Hà Nội cho biết :
"Trong Việt Nam, chính trị là gì rất khủng khiếp, người dân thường không nên bàn luận".
Tuy vậy, chính trị không phải là những việc lớn lao mà con người không có quyền nói đến, chính trị là những việc xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, như lời chia sẻ của nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến :
"Chính trị như hơi thở hàng ngày, len vào tất cả sinh hoạt vì là những thứ bằng cách này hay cách khác tác động trực tiếp lên cuộc sống con người. Chính sách, tất cả những gì tác động đến đời sống người dân như thuế, xăng dầu, vật giá, viện phí… đều là một phần của chính trị".
Đây cũng chính là mong muốn của nhà báo Đoan Trang khi nói về lý do cô viết cuốn sách Chính trị bình dân :
"Tôi muốn cho mọi người biết là chính trị nó nằm trong cuộc sống, nó đơn giản như là cơm ăn áo mặc. Người bình dân nào cũng có thể nói về nó, một chuyện rất bình thường".
Tuy nhiên, quan niệm về chính trị như thế cũng khác biệt nhau, điển hình là từ Cục Hải quan Đà Nẵng khi Cục này cho rằng cuốn sách Chính trị bình dân có "nội dung nhạy cảm chính trị" và tịch thu luôn bưu phẩm có chứa sách này.
Nhạy cảm chính trị
Vậy tại sao nhà cầm quyền Hà Nội thường xuyên sử dụng lý do "nhạy cảm chính trị" để cấm đoán các nhà hoạt động dân chủ trong thời gian gần đây ?
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Những gì mà họ (chính quyền Việt Nam) không thích thì họ gọi là nhạy cảm".
Còn đối với nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, cụm từ ‘nhạy cảm chính trị’ rất mơ hồ. Anh nói thêm :
"Các nước, đặc biệt là Việt Nam, hay vin vào những gì không muốn đưa ra công luận hay bàn dân thiên hạ biết thì đều gắn vào chữ ‘nhạy cảm’ rất chung chung, không theo bộ luật hay điều luật nào nói rằng cụ thể thế nào là nhạy cảm, ở mức độ nào và lĩnh vực gì. Nhưng khi vấn đề nào động chạm thì người ta nói chung chung là nhạy cảm".
Vẫn theo anh Nguyễn Chí Tuyến, gán ghép lý do nhạy cảm để cấm đoán không phải là phương thức mới được sử dụng gần đây, mà đã có từ trước đó rất lâu. Các biện pháp giải quyết những vấn đề "nhạy cảm chính trị" được cơ quan nhà nước thực hiện theo mức độ :
"Nếu nhẹ nhàng thì người ta khuyên không nên bàn luận về vấn đề đó, nặng hơn thì ngăn cấm rất gắt gao, mạnh mẽ về việc bàn tán, trao đổi, giao lưu".
Hiện tại, cơ quan công quyền không ra văn bản mà chỉ truyền miệng về vấn ‘nhạy cảm chính trị’. Theo anh Nguyễn Chí Tuyến, lý do được đưa ra vì nếu có những phản đối từ phía công luận thì cũng không có bằng chứng cụ thể :
"Vì trong nước thì người ta toàn quyền muốn làm gì thì làm, nhưng khi ra công luận quốc tế thì bằng chứng đâu, văn bản đâu, đồng thời có thể đổ thừa cấp dưới, do những cá nhân tự suy nghi nghĩ và làm sai. Đây là cách người ta vẫn hay áp dụng trong nước Việt Nam".
Phổ biến về chính trị trong đời sống
Trong không gian mạng xã hội như ngày nay, đặc biệt là khi Facebook đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, những thông tin về chính trị liên tục được báo chí lề trái và lề phải cập nhật, giúp cho chính trị dần trở nên quen thuộc với người dân ; không như những gì cao siêu và nguy hiểm mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn thường tuyên truyền.
Đặc biệt, những người đọc qua cuốn sách Chính trị bình dân của nhà báo Đoan Trang đều nhận xét rằng cuốn sách này giúp người đọc biết nhiều hơn về chính trị.
Facebooker Nguyễn Quốc Quân hiện đang sống tại bang California nước Mỹ chia sẻ : "Tôi đã đọc quyển sách "Chính Trị Bình Dân", cảm thấy bổ ích về tri thức để Biết đúng & Hiểu đúng hơn. Lẽ ra mọi loại "Nhà Nước" nên phát hành giúp và phát không cho dân chúng… đằng này lại tịch thu làm của riêng. Thật "ích kỷ" quá".
Luật sư Lê Công Định cũng bày tỏ trên Facebook rằng sách Chính trị bình dân rất đáng đọc : "Đây là quyển sách quan trọng và nền tảng về chính trị cho mọi người, nhất là giới trẻ".
Riêng Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, có thể nhân việc sách Chính trị bình dân bị Hải quan Đà Nẵng tịch thu để giúp sách được phổ biến rộng rãi hơn :
"Tôi đã đọc cuốn sách ấy của Đoan Trang và chẳng thấy gì nhạy cảm cả. Không có gì quảng cáo cho cuốn sách tốt như cách tịch thu như vậy".
Không chỉ riêng tại Việt Nam, lý do ‘nhạy cảm chính trị’ lâu nay thường được các nhà nước độc tài sử dụng để trấn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến. Biện pháp này bị các tổ chức theo dõi nhân quyền từng lên án là mơ hồ.
RFA tiếng Việt
**************************
Sách về 'người đi tù vì hát nhạc vàng' bị đình chỉ (BBC, 13/02/2018)
Một nhạc sĩ nói với BBC rằng việc tạm dừng phát hành cuốn hồi ký của ông 'Lộc Vàng' cho thấy là phía tuyên giáo vẫn muốn "ôm chặt một hệ thống tư tưởng cố cựu".
Cục Xuất bản in và Phát hành "yêu cầu xem xét lại tính xác thực của một số chi tiết" trong cuốn sách này
Sách vừa bị tạm dừng phát hành là cuốn 'Cung Đàn Số Phận' của tác giả Kỳ Duyên/Kim Dung, do Công ty Alpha Books ở Hà Nội liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà Văn in và phát hành.
Cuốn hồi ký kể về nỗi đoạn trường của ông Nguyễn Văn Lộc, người có nghệ danh 'Lộc Vàng' hồi thập niên 1960 gắn bó với dòng nhạc tiền chiến và những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương…
Trong bối cảnh nhà cầm quyền gọi dòng nhạc này là "nhạc vàng", ông Lộc và hai người khác trong nhóm nhạc bị bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò và sau đó bị kết tội "Truyền bá văn hóa đồi trụy".
Báo Hà Nội Mới ngày 12/1/1971 đăng bản luận tội : "Khi đi biểu diễn nhạc kiếm tiền ở những đám cưới, các cuộc liên hoan, chúng tìm cách đánh xen kẽ những bản nhạc vàng để truyền bá và thăm dò thị hiếu của lứa tuổi thanh niên. Chúng phân chia nhau đi tìm mua đĩa hát loại nhạc vàng lọt vào được, đi sưu tầm các bài hát và nhạc vàng cổ, ghi chép các bản nhạc giật, nhạc tâm lý chiến của đài Mỹ và đài Sài Gòn. Chúng dùng các bản nhạc này để luyện cho nhau những giọng hát, tiếng đàn thật là bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để đi truyền bá, lôi kéo thanh niên…" (!).
Ông 'Lộc Vàng' bị 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân (năm 1973, nhân Hà Nội ký hiệp định Paris nên được giảm án còn 8 năm tù, 4 năm quản chế).
Hai người còn lại, ông Phan Thắng Toán bị tuyên 15 năm tù, ông Nguyễn Văn Ðắc bị tuyên 12 năm tù.
'Tính xác thực'
Hôm 13/2, thông cáo do Công ty Alpha Books phát đi ghi : "Theo công văn ngày 5/2/2018, cuốn sách 'Cung Đàn Số Phận' tạm thời dừng phát hành để Nhà xuất bản Hội Nhà Văn thẩm định lại toàn bộ nội dung".
"Việc thông báo dừng phát hành cuốn sách để tiến hành thẩm định nội dung được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn thực hiện dựa trên tinh thần của công văn ngày 31/1/ 2018, của Cục Xuất bản in và Phát hành, do ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng ký, yêu cầu xem xét lại tính xác thực của một số chi tiết, sự kiện trong cuốn sách 'Cung Đàn Số Phận'.
"Trong thời gian chờ kết quả thẩm định, chúng tôi sẽ không quảng cáo, phổ biến cuốn sách 'Cung Đàn Số Phận' dưới bất kỳ hình thức nào".
Hôm 13/2, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh nói : "Tôi có đọc qua tác phẩm 'Cung Đàn Số Phận' và cũng mơ hồ cảm thấy điều gì đó bất thường sẽ đến với cuốn sách này".
"Có thể nói người chấp bút đã cố gắng lướt qua tất cả những vấn đề thuộc về ý thức chính trị để mô tả chuyện một số phận trắc trở. Mặc dù đây là câu chuyện hết sức chính trị. Nhưng rồi dù có tự kiểm duyệt đến mức nào, câu chuyện này vẫn bị đóng lại".
"Thật không có gì quá ngạc nhiên, bởi phía tuyên giáo vẫn muốn ôm chặt một hệ thống tư tưởng cố cựu, bất chấp đất nước đã thay đổi rất nhiều".
"Nếu câu chuyện của ông Lộc Vàng không được nói rõ và được lưu hành, điều đó có nghĩa trong mắt của nhưng người đã bỏ tù người hát nhạc vàng, ông Lộc chỉ là một người được "khoan hồng" chứ họ không dám nhìn nhận là họ đã sai lầm khi ứng xử với con người".