Tại sao tàu sân bay Hoa Kỳ lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam lại quan trọng (VNTB, 01/03/2018)
Trong vài ngày tới, một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé cảng biển tại thành phố Đà Nẵng Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Mặc dù động thái này đã được chuẩn bị từ lâu và chỉ là một sự cam kết nhưng là điều thể hiện tầm quan trọng đối với quan hệ Mỹ-Việt, chính sách quốc phòng của Hoa Kỳ, cũng như trong khu vực nói chung.
USS Carl Vinson và những tàu hộ tống trang bị tên lửa - Ảnh : US Navy
Ý tưởng chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam đã được xúc tiến kể từ năm ngoái và lần đầu tiên được đưa ra công khai trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis vào tháng 8 năm 2017. Cả hai bên đều đã hoàn thành các chi tiết trong một số cuộc họp tiếp theo và đang giữ bí mật về những chi tiết cụ thể.
Ý nghĩa của chuyến viếng thăm này có thể xem xét ở ba khía cạnh khác nhau.
Thứ nhất, đây là một sự kiện thuộc trong một loạt các bước tăng cường các quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vốn đã tăng lên trong vài năm qua. Mặc dù một số tàu khác của Hoa Kỳ đã viếng thăm Việt Nam và cả hai bên vẫn tiếp tục mở rộng các nỗ lực trong lĩnh vực này trong nhiệm kỳ của Trump, tàu sân bay USS Carl Vinson là một biểu tượng rõ ràng hơn rất nhiều để chứng minh sự hiện diện của Hoa kỳ trong mối quan hệ đó.
Chuyến thăm này nên được hiểu không chỉ là một sự kiện một lần mà còn là một phần của sự kết hợp dần dần của các tàu sân bay Mỹ trong mối quan hệ quốc phòng song phương. Tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh đã trở thành quan chức cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham quan một tàu sân bay Mỹ khi ông lên tàu USS Carl Vinson. Và chỉ vài ngày sau, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh đã có chuyến thăm tàu sân bay USS George H.W. trong chuyến thăm chính thức hai ngày tới Norfolk, Virginia. Việc Việt nam đón tiếp một tàu sân bay của Mỹ chắc chắn sẽ là một bước tiến về vấn đề này và sẽ chứng tỏ sự thoải mái ngày càng tăng của Hà Nội trong việc đón tiếp các tàu của Hoa Kỳ cũng như vai trò ngày càng tăng của Việt nam trong việc hỗ trợ các nỗ lực của Hoa Kỳ trong bối cảnh rộng hơn của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Thứ hai, chuyến thăm tàu sân bay có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quốc phòng khu vực của Hoa Kỳ. Như đã đề cập trước đó, các tàu sân bay là một cách để Washington củng cố thực tế lâu dài về sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ tại khu vực, đặc biệt quan trọng trong khi phải đối mặt với những e ngại về sự quả quyết về hàng hải của Trung Quốc. Quả thực, không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm Việt Nam này là một phần của chuyến đi dài hơn của tàu sân bay USS Carl Vinson là điểm dừng tại Philippines giữa các cuộc đàm phán khác cũng liên quan đến những tranh chấp chủ yếu ở Biển Đông ( Chẳng hạn, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã ghé thăm cảng tuần trước tại Kota Kinabalu, Malaysia.
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis
1Nói rộng hơn, chuyến thăm cũng nhấn mạnh vai trò của tàu sân bay USS Carl Vinson trong kế hoạch quốc phòng của Hoa Kỳ. Washington đã phải vật lộn với gánh nặng hoạt động lớn hơn cho các tàu của họ và tìm cách quản lý tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng - khi được minh chứng bằng những tai nạn và sự chậm trễ gần đây của Hạm đội 7 - một trong những giải pháp đã được sự tham gia nhiều hơn của Hạm đội Thứ ba ở Tây Thái Bình Dương từ khi chiến dịch Hạm đội 3 hoạt động từ năm 2016, vốn mang lại tính linh hoạt cao hơn cho các hoạt động bao gồm cả các hoạt động được thiết kế nhằm chứng minh sự hiện diện của Hoa Kỳ. Tàu sân bay Carl Vinson là một sự thể hiện hữu hình của Chiến dịch Hạm đội Thứ ba, đã được triển khai lần đầu tiên vào năm ngoái, và bây giờ là lần thứ hai chính thức khởi động vào tháng trước.
Điều thứ ba và cuối cùng, ngoài Hoa Kỳ và Việt Nam, chuyến thăm cũng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khu vực. Như tôi đã nói ở trên, vẫn có những lo lắng rõ rệt ở các thủ đô ở Đông Nam Á vào năm 2018 có thể thấy một số động thái khiêu khích hơn của Trung Quốc ở Biển Đông sau một năm khi có một số căng thẳng tương đối giảm. Trường hợp này dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả việc Trung Quốc đã vượt qua một năm hợp nhất trong nước với Đại hội Đảng năm ngoái và chính quyền Trump sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách chặt chẽ hơn về Trung Quốc trong năm nay về nhiều mặt có thể khiến Bắc Kinh trả đũa lại.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của các nhà tàu sân bay không chỉ quan trọng vì củng cố quyết tâm hiện tại của Washington đối với vấn đề Biển Đông, mà còn bởi vì những động thái như vậy sẽ mở ra khả năng trong tương lai rằng Bắc Kinh có thể nắm bắt chúng như là một cái cớ để đưa ra những động thái mà họ đã có kế hoạch để làm bất cứ điều gì như họ đã từng làm trong quá khứ. Trường hợp ở Biển Nam Hải cũng như với các mối quan hệ quốc tế rộng hơn, mặc dù một số khía cạnh của tầm quan trọng của một sự kiện thường rõ ràng ngay từ đầu, những ở những sự kiện khác lại trở nên rõ ràng hơn trong mối quan hệ sự kiện khác xảy ra sau đó.
Prashanth Parameswaran
Nguyên tác : Why a First US Aircraft Carrier Vietnam Visit Matters, The Diplomat, 01/03/2018
Phương Thảo dịch
********************
USS Carl Vinson tới Đà Nẵng và còn gì nữa ? (BBC, 01/03/2018)
Sau chuyến thăm vào Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, Hoa Kỳ sẽ mở ra một loạt hoạt động của Đối tác Thái Bình Dương về hải quân trong vùng.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao tuyên bố về tàu USS Carl Vinson
Bản thân chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu trở lại Việt Nam từ cuộc chiến tranh, kết thúc năm 1975 có ý nghĩa lớn cho quan hệ Mỹ - Việt.
Prashanth Parameswaran bình luận trên The Diplomat (01/03/2018) rằng có cả lý do nội bộ khiến Hải quân Hoa Kỳ đưa USS Carl Vinson sang Đông Nam Á.
"Căng thẳng tăng lên, thể hiện bằng các sự cố và trì hoãn gần đây của Hạm đội 7 khiến một giải pháp là để Hạm đội 3 tham gia vào hoạt động nhiều hơn ở Tây Thái Bình Dương".
Tàu USS Carl Vinson, đóng ở cảng San Diego, California, là tàu chủ đạo cho Nhóm tấn công của Hạm đội 3.
Năm bản lề 2018
Còn về quan hệ khu vực, vẫn Prashanth Parameswaran viết rằng tại vùng Đông Nam Á đang có lo ngại rằng sau năm "củng cố quyền lực" của ông Tập Cận Bình ở kỳ Đại hội Đảng Cộng sản 2017, Trung Quốc sẽ "cứng rắn hơn" trong năm 2018.
Điều này khiến Hoa Kỳ càng thể hiện quyết tâm coi vấn đề Biển Đông cũng là của họ trong năm nay.
Một tác giả khác, Kyle Mizokami viết hôm 27/02 rằng "Hoa Kỳ thể hiện mạnh mẽ nhằm quyến rũ Việt Nam, nước nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn" (small but influential country).
Trang Washington Times (21/2) nói rõ hơn khi trích lời Phó đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tấn công phát biểu trên tàu USS Carl Vinson rằng "sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn".
"Tôi nghĩ điều thật rõ là chúng tôi đã có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây".
Mục tiêu của tàu USS Carl Vinson tại Biển Đông là "để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ và hợp tác với các đối tác và đồng minh - tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc là cả vùng biển này không phải của họ", một sỹ quan Mỹ phát biểu.
Hạm đội 3 cử USS Carl Vinson sang Tây Thái Bình Dương hỗ trợ Hạm đội 7
Sự hiện diện của Hải quân Mỹ lần này khi đến Biển Đông là cả một nhóm tấn công gồm các tàu USS Carl Vinson, USS Wayne E. Meyer (DDG 108) và tuần dương hạm mang hỏa tiễn USS Lake Champlain (CG 57).
Nhưng năm 2018 còn có nhiều hoạt động khác của Hải quân Hoa Kỳ.
Theo trang Defense News từ Úc, một chiến dịch chuẩn bị khắc phục thảm họa (disaster-response preparedness) tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đối tác Thái Bình Dương, mà một phần có chuyến thăm vào Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ đầu tháng 3 - có mục tiêu tăng hợp tác với các đối tác khu vực.
Năm 2018, đối tác này sẽ nhận 800 quân nhân và nhân viên dân sự từ Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc, Pháp, Peru và Nhật Bản lên tàu y tế USNS Mercy và tàu vận tải USNS Fall River trong chuyến đi khu vực tới đây.
USNS Mercy sẽ đến thăm Indonesia, Sri Lanka, Malaysia và Việt Nam, còn tàu USNS Fall River sẽ đến đảo Yap, Palau, Malaysia và Thái Lan.
Đối tác Thái Bình Dương cũng sẽ quay lại Sri Lanka trong năm thứ nhì, đánh dấu sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Ấn Độ Dương, sau lần đầu năm 2017, trang Defense News cho hay.
Tại sao Việt Nam ?
Riêng với Việt Nam, quan hệ ngoại giao bằng các chuyến thăm hải quân của Hoa Kỳ tiến chậm mà chắc.
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc đáp xuống tàu Liêu Ninh trong một lần tập trận tại Bột Hải và thực hành nạp nhiên liệu và thao tác không chiến
Nhưng gần đây, các hoạt động này có vẻ tăng lên với cường độ nhanh hơn.
Tháng 10/2017, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh đã thăm tàu USS Carl Vinson khi đến Mỹ.
Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh tại Mỹ cũng đã thăm tàu sân bay USS George H.W. Bush ở Norfolk, Virginia.
Hồi tháng 05/2017 Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thăm Tòa Bạch Ốc và đến tháng 11/2017 Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam, đọc diễn văn nêu viễn kiến về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
USS Carl Vinson là tàu sân bay đầu tiên của Hoa Kỳ quay lại Đà Nẵng từ 1975
Các nhà quan sát cho rằng sau khi Philippines và Thái Lan có động thái ngả dần sang Trung Quốc, Hoa Kỳ nay muốn thể hiện quyết tâm hơn ở Biển Đông và Việt Nam hoan nghênh điều này.
**********************
Thông báo hoạt động của nhóm tàu USS Carl Vinson tại Đà Nẵng (RFA, 01/03/2018)
Đoàn tàu sân bay Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3 sắp tới và có chuyến thăm hữu nghị tại đây đến ngày 9 tháng 3.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đi qua vùng Tây Thái Bình Dương hôm 3/5/2017. AP
Đây là thông tin được bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 1 tháng 3 cho biết trong buổi thông báo về lịch trình dự kiến của nhóm tàu sân bay Mỹ khi đến Việt Nam.
Các tàu quân sự của Hải quân Hoa Kỳ đến Đà Nẵng lần này bao gồm : tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần duyên USS Lake Champlain, và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer.
Lịch trình dự kiến cho chuyến thăm bao gồm lễ đón, họp báo, chào xã giao, trao đổi kỹ thuật, giao lưu thể thao và một số hoạt động cộng đồng như thăm Làng trẻ em SOS, thăm Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam…
Trả lời câu hỏi liệu việc đoàn tàu sân bay của Mỹ đến Việt Nam liệu sẽ gây ảnh hưởng đến chủ quyền của Trung Quốc và an ninh khu vực, như lời giới chức Bắc Kinh lên tiếng hay không, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định : chuyến thăm Đà Nẵng lần này của tàu sân bay Hoa Kỳ được thực hiện theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong dịp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái.
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, chuyến thăm Đà Nẵng sắp tới của các tàu quân sự của Hải quân Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt – Mỹ, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
*******************
Thăm Việt Nam, tàu sân bay Mỹ ‘duy trì hòa bình khu vực’ (VOA, 01/03/2018)
Chuyến thăm lịch sử sắp tới của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Carl Vinson không những củng cố quan hệ song phương mà còn đóng góp vào ổn định khu vực, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson và đội tàu chiến Mỹ.
Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng tuyên bố như vậy hôm 1/3, bốn ngày trước khi tàu sân bay của Hoa Kỳ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, trong chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ tới quốc gia cựu thù kể từ những năm 60.
Hiện Hoa Kỳ chưa có thông báo công khai nào về lịch trình chuyến đi Việt Nam kéo dài từ ngày 5 tới 9/3 của USS Carl Vinson cũng như tàu tuần duyên USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meye.
"Chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển của khu vực", bà Hằng nói.
Nữ phát ngôn viên này nói thêm rằng chuyến thăm của nhóm tàu chiến Mỹ "được thực hiện theo thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nêu trong tuyên bố chung của Việt Nam và Hoa Kỳ" nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 11 năm ngoái.
Chuyến thăm của nhóm tàu chiến Mỹ "được thực hiện theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tin cho hay, ngoài các hoạt động trao đổi kỹ thuật, đôi bên còn giao lưu thể thao và tiến hành một số hoạt động vì cộng đồng.
Nhận định về sự hiện diện của tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng nó cho thấy Hà Nội "tiếp tục theo đuổi trao đổi quốc phòng với Hoa Kỳ một cách đều đặn và thận trọng".
"Tàu sân bay USS Carl Vinson là một biểu tượng sức mạnh hàng hải. USS Carl Vinson và các tàu tháp tùng mang sức mạnh tới Biển Đông còn hơn tất cả bảy hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Thayer nói.
Mới đây, tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia của nước này nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để "kiềm tỏa" Bắc Kinh.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung - Mỹ.
USS Carl Vinson từng nhiều lần đi qua Biển Đông.
Trong khi đó, giáo sư Thayer nhận định rằng Việt Nam "hoan nghênh" sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông "chừng nào nó đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực".
Mới đây, trước thềm chuyến thăm Việt Nam, Thiếu tá Tim Hawkins nói từ tàu sân bay USS Carl Vinson rằng "các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào "luật pháp quốc tế cho phép" trên vùng biển chiến lược này".
Viễn Đông