Việt Nam bị xếp hạng thấp về thượng tôn pháp luật (RFA, 02/03/2018)
Dự án Công lý Thế giới (World Justice Project) vừa công bố "Chỉ Số Thượng Tôn Pháp Luật" của thế giới năm 2017-2018 qua đó cho thấy Việt Nam tụt 7 hạng so với năm 2016, xếp hạng 74 trên 113 quốc giá được đánh giá.
Ảnh chụp màn hình báo cáo về Việt Nam của WorldJustice - Courtesy Worldjusticeproject.org
Cụ thể theo báo cáo Việt Nam chỉ đạt điểm số 0,5 ; xếp hạng 74. So với Trung Quốc, Việt Nam cao hơn 1 hạng (75). Trong khu vực Đông Á- Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 11/15, và ở vị trí 10/30 nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng trên thế giới lần lượt là Singapore 13, Malaysia 53, Indonesia 63, Thái Lan 71, Philippines 88, Myanmar 100, Cambodia 112…
Dự án Công lý Thế giới thực hiện bản báo cáo dựa trên hơn 100.000 khảo sát đối với người dân và chuyên gia tại 113 quốc gia và vùng lãnh thổ về các quy định của pháp luật được thực thi như thế nào trong từng tình huống cụ thể, hàng ngày.
Điểm số dành cho mỗi quốc gia được dựa trên 44 yếu tố trong 8 nhóm gồm : kiểm soát quyền lực chính phủ, không có tham nhũng, chính phủ minh bạch, các quyền căn bản, trật tự và an ninh, khả năng chấp pháp, công bằng dân sự và luật hình sự.
*****************
Công an phá buổi sum họp gia đình (RFA, 02/03/2018)
Bắt đầu từ một bữa cơm gia đình
Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu nổi tại sao công an Việt Nam, ít nhất cũng là cấp tỉnh- thành phố lại có thể hành xử một cách ngu ngốc như vậy, khi tập trung quân số đông chưa từng có nhằm vào tôi, chỉ với mục đích phá một bữa cơm họp mặt gia đình hôm 27/2/2018 vừa rồi. Họ đã hành xử với tôi theo luật rừng rất nhiều lần như bắt tôi vào đồn hàng chục lần, theo dõi từng bước chân, canh chặn không cho tôi đâu mỗi khi có sự kiện kể cả sự kiện họ tưởng tượng ra ; xông vào nhà đánh và bắt người mang lên đồn nhốt chơi… Nhưng vụ việc này là không thể tưởng tượng nổi cách tính toán của họ.
Nhà chị Cấn Thị Thêu bị canh chặn
Vợ chồng anh vợ tôi ở Lâm Đồng ra HN chơi, hẹn chúng tôi sẽ đến nhà tôi vào sáng ngày 27/2/2018. Nhân dịp này, chúng tôi có mời một số anh em thân thuộc tới ăn cơm cho thêm phần vui vẻ. Nhân vật chính trong bữa tiệc này là vợ tôi và anh trai ruột cô ấy.
Công an đã đối phó như thế nào ?
Chuyện chỉ có thế thôi nhưng chính quyền đã mắc chứng "tẩu hỏa nhập ma" mạn tính. Họ đã đối phó như thế nào ?
Từ chiều hôm trước, trưởng xóm đã đi nhắc nhở các hàng quán, thông báo cấm các gia đình không cho gửi nhờ xe, nếu cho gửi xe sẽ bị phá.
Không chỉ bao vây nhà tôi, nhiều người được cho là khách mời của nhà tôi bị canh chặn tại nhà không cho đi. Ví dụ cảnh canh chặn nhà chị Cấn Thị Thêu :
Sáng sớm đã có rất đông những kẻ quen mặt có, lạ mặt có, có cả ô tô, có cả an ninh thành phố về, bao vây nhà tôi. Không có được con số chính xác 30, 40, 50 hay hơn. Chỉ biết chưa bao giờ, họ huy động một lực lượng đông đến như thế nhằm vào tôi. Tất cả bịt mặt như quân IS với thái độ hung hãn sẵn sàng lao vào khủng bố đối tượng.
8h56’, điện bị cắt. Bài bản quen thuộc.
9h50’ anh chị tôi đi taxi đến. Lập tức, đội quân canh sẵn xông vào khống chế ngay trước cửa. "Phản động" đây rồi. Hai "phản động" đến nhà tôi gồm một ông già và một bà già đều đã trên 70 tuổi. Bọn chúng bu đến như ruồi nhặng, đứa nào cũng bịt mặt. Anh tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi lý do, mang lẽ mang luật mang đạo lý ra nói chuyện thì bị chúng chửi láo và xô đẩy. Chúng chỉ có một cái "lý" duy nhất : đây là lệnh trên.
Vợ tôi bế cháu ra đón anh chị cũng bị xô đẩy, xưng hô mày tao và chửi bằng những bài đã được dạy sẵn : mày bán nước hại dân, mày thế này thế nọ…
Tôi mở điện thoại ra phát trực tiếp, chúng sấn đến như những con thú, cướp máy, chửi bới, nhổ nước bọt, hất nước bẩn vào người. Sợ bị cướp máy, tôi lùi vào trong đóng cửa lại và tiếp tục quay qua lỗ tò vò. Lúc này, điều quan trọng nhất của tôi lúc này là phải ghi được hình ảnh. Chúng đạp cửa thình thịch, chửi bới, và tiếp tục đe dọa, tỏ ra sẵn sàng giết người đến nơi. Thật là kinh khủng. Mặc kệ, tôi vẫn tiếp tục quay và phát trực tiếp lên facebook.
Ảnh : Những "chiến binh IS" đằng đằng sát khí
Bà chị dâu vốn rất nhát tái mặt, run rẩy. Chưa bao giờ chị chứng kiến cảnh tượng như thế. Chị sợ quá kéo bằng được chồng đi. Anh đã từng vào Nam, ra Bắc, cận kề cái chết, chẳng mảy may sợ hãi nhưng cực chẳng đã, anh đành phải theo ý vợ lên taxi ra sân bay để về Sài Gòn.
Ngưu tầm ngưu
Đám lưu manh, côn đồ lần được huy động canh chặn nhà tôi nhiều lần vô cùng hung hãn và láo xược. Việc công an sử dụng côn đồ, lưu manh ngày càng phổ biến. Có thể nói ở ngoài đường, chỗ nào có công an là chỗ ấy có côn đồ được huy động để hỗ trợ. Không chỉ công an, chính quyền, doanh nghiệp cũng sử dụng côn đồ vào mục đích cướp đất của nông dân. Khi công an đã đi cùng hàng với lưu manh thì đủ biết chế độ đang đi đến đâu, bản chất của nó là gì ? Nó có chính danh không ?
Phải thừa nhận công an cũng khéo tìm người để hợp tác nhằm "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảng giao". Bọn lưu manh này không có khả năng phân biệt phải trái, đạo lý, không biết gì về pháp luật, không có liêm sỉ, hung bạo. Nói tóm lại là thứ cặn bã rác rưởi của xã hội. Chính vì thế, thuê bọn này cũng rẻ. Trưa hôm đó, theo hàng xóm nói lại, nhiều đứa phải vào quán ăn mì tôm với giá 10 nghìn. Điều vô cùng nguy hiểm cho họ là thứ rác rưởi đó lại được sử dụng để bảo vệ chế độ. Điều này nói lên sự mục ruỗng, thối nát của chế độ. Người tử tế không bao giờ chấp nhận cho công an sử dụng mình vào những việc làm phi pháp, trái đạo lý.
Thành công không phải từ chúng tôi
Xin kể hơi dài dòng một chút : Năm 1966, anh vợ tôi bỏ đại học xin đi bộ đội. Sau đợt huấn luyện cơ bản cho tân binh 3 tháng, anh được cử đi học đại học quân y. Sau đó anh vào chiến trường Quảng Trị 1972. Vì vậy, đứa con trai cả của anh được đặt tên là Quảng Trị để kỷ niệm. Anh là một trong một vài người thoát chết trở về. Ra Bắc, anh làm bác sĩ ở các bệnh viện quân đội rồi chuyển ngành làm giám đốc trung tâm y tế của một huyện của tỉnh Lâm Đồng. Ông cụ (bố vợ tôi) là cán bộ hoạt động thời tiền khởi nghĩa. Với lý lịch như vậy, tuy vẫn yêu thương các em nhưng vợ chồng chúng tôi luôn bị anh mắng về quan điểm chính trị, thậm chí mắng chúng tôi là "chúng mày phản bội lý tưởng của bố và anh mày". Chúng tôi giải thích thế nào cũng không thay đổi được. Khi chúng tôi kể về những sai trái của chính quyền, anh không bao giờ tin.
Bây giờ anh được chứng kiến tận mắt việc làm xằng bậy của công an, bị chúng xúc phạm, chửi bới, hẳn là anh đã tin những gì chúng tôi nói là thật. Anh đi rồi, từ sân bay Nội Bài gọi điện cho chúng tôi bằng giọng vô cùng phẫn nộ. Tôi cho rằng, nhãn quan chính trị của anh sẽ có sự thay đổi đột biến trong sự kiện này.
Nguyễn Tường Thụy
*******************
Việt Nam xem lại dự luật về hội ‘do áp lực quốc tế’ (VOA, 02/03/2018)
Một nhóm các các cựu đại biểu quốc hội Việt Nam hôm 1/3 đã tổ chức một hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội sau nhiều lần quốc hội Việt Nam trì hoãn chưa thông qua. Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam xem đây là một tín hiệu mừng, nhưng họ vẫn hoài nghi về những cam kết của Hà Nội.
Công nhân nhà máy Pouyuen - Việt Nam biểu tình (Ảnh : Oxfam)
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Phong trào Lao động Việt - một hội độc lập bảo vệ người lao động nhưng chưa được công nhận tại Việt Nam, cho VOA biết rằng việc Việt Nam xem xét lại dự luật về hội là do sức ép của quốc tế, cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu (EU) sắp ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
"Tôi nghĩ việc xem lại dự luật về hội là do áp luật quốc tế. Vì trong những cuộc họp với EU và các lãnh sự, đại sứ quán nước ngoài, họ luôn đề cập đến quyền tự do lập hội đối với công dân tại Việt Nam. Từ trước đến nay, quyền này luôn luôn bị hạn chế, quyền tự do lập hội do nhà nước quy định, phải xin phép và trải qua sự kiểm soát rất gắt gao. Các hội bất đồng chính kiến thì hoàn toàn không được phép thành lập".
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Việt Nam, EU nhiều lần lên tiếng rằng Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, quyền lao động và quyền lập hội.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch của Phong trào Lao Động Việt, từng bị chính quyền và công an cấm đoán hoạt động và vào đầu năm 2018 đã bị công an Nghệ An bắt giam và xử phạt 14 năm tù giam.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình bị tuyên án 14 năm tù, ngày 6/2/2018 (Báo Nghệ An)
Bà Đỗ Thị Minh Hạnh nói thêm rằng bà vẫn hoài nghi về những cam kết của Việt Nam :
Nếu như Việt Nam cho thành lập hội nhóm theo áp lực của quốc tế có khả năng họ không bao giờ tuân thủ theo các hiệp ước quốc tế. Trong quá khứ chúng ta biết rằng họ đã hạn chế rất nhiều trong hoạt động của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam, họ sử dụng những ngôn từ để đánh tráo khái niệm, ví dụ công nhân không hề biết được thế nào được gọi là nghiệp đoàn độc lập, mà họ dùng nghiệp đoàn cơ sở, làm mất đi tính độc lập của nghiệp đoàn".
Bà Hạnh còn cho biết các hội đoàn nhà nước còn đặt ra các quy định riêng nhằm kiểm soát bất cứ cá nhân hay hội nhóm nào có khuynh hướng độc lập.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng viết trên tờ Today Cali News rằng việc Việt Nam xem xét lại luật về hội là một tin đáng khích lệ dành cho giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền Việt Nam, sau khi "giới chóp bu Việt Nam đã buộc phải nhân nhượng EU, ít nhất trên phương diện hứa hẹn".
Hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam tổ chức.
Báo Vnconomy dẫn lời ông Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa 13, phát biểu tại hội thảo này cho biết : "Dự thảo Luật quy định quyền lập hội của công dân còn khiêm tốn".
Trong khi đó báo chí Việt Nam nói rằng hiện nay các hội ở trong nước có xu hướng phát triển đa dạng, tính đến hết 2017 có khoảng 68 ngàn hội.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Hà Nội và Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ, tại Hà Nội, ngày 21/11/2017.
Luật về Hội đáng lẽ đã được thông qua vào cuối năm 2016, nhưng bị hoãn lại vì còn nhiều ý kiến khác nhau, đa số cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Vào tháng trước, tại trụ sở Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA) đã tổ chức phiên họp xem xét tình hình tiến triển của Hiệp định EVFTA.
Tháng rồi, trang Borderlex cho biết Việt Nam và EU đổ lỗi cho nhau về việc trì hoãn phê chuẩn EVFTA. EU cương quyết yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước về Tổ chức Lao động Quốc tế về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức.
Công nhân Việt Nam đình công
Đại sứ Việt Nam tại EU Vương Thừa Phong đáp lại rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước này vào năm 2019 và 2020 và nói thêm rằng : "Chúng tôi tôn trọng cam kết của chúng tôi".
Thông báo của Tòa đại sứ Việt Nam tại Brussels viết : Dự kiến Ủy ban Châu Âu sẽ phối hợp với Việt Nam hoàn thiện văn bản EVFTA trước cuối tháng 3 năm nay để chính thức trình Hội đồng Châu Âu thông qua, sau đó Hiệp định sẽ được đưa ra Nghị viện Châu Âu xem xét phê chuẩn trong 6 tháng cuối năm 2018.
********************
ClientEarth kêu gọi phóng thích các nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam (VNTB, 03/03/2018)
ClientEarth (một tổ chức của các luật sư Châu Âu hoạt động môi trường) đã cùng các chuyên gia Liên Hiệp Quốc tham gia ký tên vào bản kêu gọi phóng thích các cá nhân bị bỏ tù vì phản đối việc thải các hóa chất công nghiệp độc hại ở vùng ven biển Việt Nam.
Ngày 6 tháng 2 năm 2018, Hoàng Đức và Nguyễn Nam Phong bị kết án 14 năm tù vì đã viết những bài phản đối về thảm họa động vật biển Formosa và 2 năm bị buộc tội không tuân theo lệnh của các quan chức trong khi lái xe đi biểu. Năm ngoái, hai blogger khác là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Nguyễn Văn Hóa cũng bị kết án tù vì các bài viết về việc xả chất thải.
Luật sư của ClientEarth Laurens Ankersmit cho biết : "Các nạn nhân của thảm họa biển vào năm 2016 cần phải có sự tiếp cận hợp lý chống lại Formosa và chính phủ Việt Nam. Thay vào đó, chính phủ Việt Nam đã bắt giam những người nói về tai họa đó. "
Vào tháng 4 năm 2016, công ty sản xuất thép của nhà đầu tư Đài Loan Formosa đã thải cố ý và bất hợp pháp một lượng đáng kể nước thải chứa các chất nguy hại xuống biển để tiết kiệm chi phí.
Chính phủ Việt Nam đã không xử lý được thảm họa và hậu quả của nó. Việc xả thải độc hại đã làm ô nhiễm hơn 200 km bờ biển, làm chết một số lượng lớn cá và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân. Điều này đã dẫn đến một số cuộc biểu tình phản đối của người dân Việt Nam tại một số thành phố vào ngày 1 tháng 5 năm 2016, yêu cầu một môi trường sạch hơn và đòi hỏi sự minh bạch trong quá trình điều tra.
Thay vì đảm bảo tôn trọng nhân quyền và tôn trọng các nguyên tắc và luật cơ bản về môi trường, Liên Hiệp Châu Âu đang tìm cách phê chuẩn một hiệp định thương mại với Việt Nam và đã cho phép Việt nam tiếp cận thị trường Châu Âu một cách đặc quyền thông qua Quy chế Thuế quan Ưu đãi Phổ cập GSP.
Thay vì đảm bảo rằng các nhà đầu tư nước ngoài có nghĩa vụ về môi trường, hiệp định thương mại đem lại cho họ những quyền đặc biệt mà họ có thể thi hành trước tòa án đầu tư, hay Hệ thống Tòa án Đầu tư. Điều này sẽ có tác động hiệu ứng răn đe đối với luật môi trường bằng cách cho phép các nhà đầu tư kiện các chính phủ về các luật được đề ra để bảo vệ con người và hành tinh.
Bà Laurens Ankersmit nói thêm : "EU phải xem xét lại việc ký kết hiệp định thương mại với Việt Nam và đặc quyền đặc lợi của Việt Nam theo Quy chế GSP trong khi những người này đang bị giam cầm".
Phương Thảo dịch
***********************
Blogger Phạm Đoan Trang phải ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn (BBC, 02/03/2018)
Tác giả cuốn ''Chính Trị Bình Dân,'' bà Phạm Đoan Trang nói rằng bà bị quản thúc tại gia và phải tìm nơi ẩn trốn sau khi bị thẩm vấn về cuốn sách bị cấm phát hành, theo bản tin của hãng AFP từ Hà Nội.
Blogger Phạm Đoan Trang
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cho biết bà bị nhân viên an ninh câu lưu và thẩm vấn trong nhiều giờ vào thứ Bảy về ''Chính Trị Bình Dân'', cuốn sách gần đây nhất của bà, bị cấm phát hành tại Việt Nam. Cuốn sách này bao gồm nhiều phần về ý niệm dân chủ và tư tưởng chính trị.
Bà cho biết hôm thứ Năm là sẽ tiếp tục thúc đẩy dân chủ trong một chính quyền độc đảng.
Cảnh sát mặc thường phục bao vây nhà bà ở Hà Nội sau khi bà thả trả tự do cho bà trễ hôm Thứ Bảy, cựu nhà báo này nói với hãng thông tấn AFP.
"Tôi đã trốn thoát... đó là một phép lạ", bà nói từ một nơi ẩn náu không được tiết lộ tại Việt Nam, và thêm rằng bà đã trở thành mục tiêu vì cuốn sách phát hành năm 2017, mà bà gọi là sách giáo khoa, khoa học chính trị.
"Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đơn giản là không thích ai cố ý làm điều gì tỏ ra hợp pháp hơn họ, xứng đáng hơn họ để nắm giữ quyền lực", bà nói.
Cựu nhà báo Phạm Đoan Trang trước đây từng bị giam ở Việt Nam, nơi thường xuyên giam giữ các blogger, luật sư và những người bất đồng chính kiến, hay chỉ trích chính quyền.
Chính quyền bảo thủ Việt Nam, từ năm 2016, đã bị buộc tội siết chặt, bắt giữ và kết án hàng chục các nhà hoạt động.
Bà Phạm Đoan Trang, 39 tuổi, người theo hãng thông tấn AFP, từ lâu đã là một cái gai nhọn trong mắt của chính quyền, vì những điều bà viết về dân chủ và việc làm về thảm họa môi trường ở trung phần Việt Nam năm 2016, một thảm họa đã gây ra nhiều cuộc biểu tình hiếm hoi trên khắp đất nước,
Tổ chức nhân quyền People in Need ở Prague, tháng trước cho biết sẽ trao giải cho Phạm Đoan Trang về hoạt động của bà.
'Bị lùng bắt như săn thú'
Tối hôm 1/3, nhà hoạt động đã đăng lên trang cá nhân của mình nói rằng bà 'cảm động, cảm ơn và... bối rối khi được nhiều bà con cô bác khen là "anh hùng, anh thư".
Và đặt câu hỏi :
"Vì sao một nhà nước luôn tự nhận là 'của dân, do dân, vì dân', mà thấy một cuốn sách có tên 'Chính trị bình dân' thì vội vàng tịch thu nó và lùng bắt tác giả chẳng khác gì săn thú vậy ?"
Trang đã bị giam giữ hơn một tuần lễ trong năm 2009 sau khi bà bị cáo buộc là lên kế hoạch in áo thun với những thông điệp gây tranh cãi, điều bà phủ nhận.
Mặc cho nhiều nguy cơ bị bắt giữ, bà Phạm Đoan Trang vẫn thề sẽ tiếp tục lên tiếng.
"Tôi cảm thấy ý muốn viết nhiều thêm mãnh liệt hơn, tôi không thể im lặng", bà nói, và thêm rằng sẽ nhất định ở lại quê hương.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết năm ngoái ít nhất 24 nhà hoạt động đã bị kết án tại Việt Nam, và 28 người khác bị bắt, biến 2017 thành một trong những năm khắc nghiệt nhất của những người bất đồng chính kiến.
Khi được hỏi về trường hợp của bà hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, bất cứ ai vi phạm luật pháp cũng sẽ bị "trừng phạt theo pháp luật Việt Nam ".
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm đúng nghĩa vụ của mình", bà nói với báo giới.
********************
‘Chính Trị Bình Dân’ và nhận thức chính trị của người trẻ Việt Nam (RFA, 02/03/2018)
Mạng xã hội Facebook những ngày qua lan truyền bản điện tử cuốn sách Chính Trị Bình Dân của blogger Phạm Đoan Trang viết và hoàn thành vào năm 2017.
Bìa sách 'Chính trị bình dân' của blogger Phạm Đoan Trang. Courtesy of luatkhoa.org
Những người tìm đọc và chia sẻ cho nhau thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều bạn trẻ. Liệu điều đó có cho thấy nhận thức về tương quan chính trị với đời sống xã hội đã đi vào cuộc sống người trẻ ở Việt Nam ?
Từ thực tiễn và trực diện
Hệ thống giáo dục Việt Nam đã dành hẳn một môn học được gọi là môn Chính trị và Lý luận chính trị ở chương trình đại học. Và chính tác giả Phạm Đoan Trang cũng dành hẳn một chương để mô tả về "Chính trị là gì ?" Trong đó, có một đoạn tác giả định nghĩa : "Chính trị có mặt trong tất cả các hoạt động xã hội, tương tác xã hội. Chính trị hiện diện ngay trong gia đình, trong mọi nhóm người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia".
Những người quan tâm đến các diễn biến trong xã hội, sau khi chia sẻ thường hay có câu bình luận rằng "Cứ thờ ơ với chính trị đi, chính trị sẽ ‘quan tâm’ đến bạn rất chu đáo".
Có một nhóm bạn trẻ ở Việt Nam hiện tại, họ tìm đến và hiểu về chính trị không phải bằng những bài giảng của môn Chính trị học, mà chính từ những trải nghiệm thực tiễn trong cuộc sống".
Bạn trẻ Huy Jos, người có tiếng nói mạnh mẽ cùng với người dân miền Trung phản đối Formosa là một trong những bạn trẻ ấy. Anh cho biết với suy nghĩ của anh, chính trị là ‘bộ máy chính quyền’. Và người dân thì rất ít cơ hội để hiểu về nó. Chính bản thân anh cũng thế.
"Em chỉ trải qua cuộc sống thì mới biết về chính trị là nhiều, còn sách thì đọc qua ít. Mình thấy những bất công, mà trước tiên mình cũng không nhận thức được chính trị qua những bất công đó, nhưng dần dần tham gia vào những hoạt động, tìm hiểu thêm rồi mình mới biết nó như thế nào. Lúc nhỏ, đâu biết gì là chính trị đâu".
Va chạm thực tiễn, rồi sau đó kết nối, truyền đạt cho nhau. Đó là cách mà người trẻ trong nước đang sử dụng để học và hiểu về chính trị.
Cô Nguyễn Xoan, con dâu của nhà hoạt động Lê Đình Lượng, tức facebooker Lỗ Ngọc, người hiện đang bị giam giữ với cáo buộc là có hành vi ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", cho biết cô nhận thấy ngày càng có nhiều người trẻ dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ khi họ nhận ra những bất công trong xã hội.
"Họ nhận thức được, họ biết được và họ dám đứng lên đòi hỏi quyền lợi của mình và của mọi người. Nhìn 1 người nào đó, mình nói với họ. Ví dụ người chạy taxi chẳng hạn, mình có thể giải thích với họ là giá xăng tăng như thế, quyền lợi của họ sẽ bị thiệt thòi như thế nào. Ít nhiều họ cũng hiểu".
Bên cạnh những người tìm đến chính trị vì chính những va chạm thực tiễn, hoặc những lần chứng kiến tận mắt sự bất công trong đời sống xã hội, hoặc chính quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng, thì có một nhóm người khác nhận thức chính trị thông qua tin tức trên mạng xã hội.
Đặc biệt là Facebook trở thành công cụ truyền tin có sức lan toả bật nhất, thì hầu như bất kỳ những sự việc xấu, tốt nào diễn ra trong đời sống hàng ngày đều được truyền đến người dân một cách chi tiết và thẳng thắn nhất. Từ giá xăng dầu, giá điện, giá vé qua trạm BOT, giá bán hoa trái dịp Tết… cho đến những tấm bằng giáo sư nặng ký, hay thảm họa ô nhiễm môi trường, tất cả đều được cập nhật nhanh chóng đến người dân trong nước.
Bạn trẻ Nguyễn Xung Lâm, một giáo dân ở Cồn Sẻ chia sẻ ý kiến rằng Facebook chính là một tác động vô cùng rộng lớn. Từ facebook của những nhà hoạt động, nhà đấu tranh, lần lượt có nhiều người tò mò tìm hiểu và biết được thế nào là ‘quyền lợi của người công dân’.
"Chứ thật sự ra để quan tâm chính trị trực diện, nghĩa là họ chủ động tìm đến chính trị khi họ biết vai trò của họ là có quyền quan tâm đến chính trị thì hầu như không có. Cái điều tác động đến các bạn trẻ trực diện nhất hiện tại chính là facebook, tiếng nói của các nhà hoạt động, những người đấu tranh".
Chính trị bình dân – ngòi nổ ban đầu
Theo nhận xét của Nguyễn Xung Lâm, tuy mỗi ngày, số người bị bắt bớ, giam cầm chỉ vì cất lên tiếng nói ngày càng nhiều, nhưng trên thực tế, số người quan tâm đến chính trị, đặc biệt là những người trẻ, chưa phải là nhiều. Qua cái nhìn của anh, những người ấy vẫn còn bị đóng khung trong một đời sống cá nhân quá chặt. Họ chỉ tìm đến và chủ động tìm hiểu chính trị khi họ biết mình có quyền, có vai trò, có trách nhiệm với quốc gia.
Với Huy Jos, anh cũng nhận thấy vẫn còn rất nhiều người thờ ơ trong nhận thức về chính trị :
"Đa số những người công nhân, học sinh chỉ đi làm rồi đi học, đi chơi làm gì biết đến chính trị như thế nào. Nhắc đến còn sợ. Không khéo nghe mình nói người ta còn chạy".
Do đó, để trả lời cho câu hỏi về vai trò của những cuốn sách như "Chính Trị Bình Dân" trong việc nâng cao nhận thức và tương quan chính trị của mỗi người dân là như thế nào ? Huy Jos nói rằng :
"Nếu nói về chính trị, nếu người dân đọc được quyển sách này thì người dân sẽ nhận thức ra được".
Nguyễn Xung Lâm bày tỏ rằng tuy chưa nhiều, nhưng các bạn trẻ trong nước đã bước đầu hiểu về chính trị bằng sách vở, bài viết trên mạng xã hội.
Và trong những hiệu ứng ấy, ‘Chính trị bình dân’ của blogger Phạm Đoan Trang là một cơ sở, giữa nhiều những tài liệu về chính trị khác.
"Giới trẻ Việt Nam, cái tương quan của họ với chính trị không được thoải mái và nhạy bén. 'Chính trị bình dân' là 1 cơ sở. Không phải nói là ít, mà là cũng có nhiều cuốn về chính trị, những bài giảng về chính trị nhưng những tài liệu ấy họ ít tiếp cận. Chỉ có những bạn trẻ họ hoạt động trong xã hội công giáo thì không quan ngại".
Anh gọi cuốn sách "Chính Trị Bình Dân" như một "ngòi nổ ban đầu" để châm lên ngọn lửa soi đường dẫn các bạn trẻ tìm đến những định nghĩa về quyền công dân, quyền con người, quyền sống… Tất cả đều được gom góp trong hai từ "chính trị".
Rất nhiều những hình thức có vai trò dẫn nhập nhận thức và tương quan chính trị đến với người dân, như mạng xã hội, thực tiễn, sách vở, môi trường sống…
Nhưng qua những người bạn trẻ chúng tôi tiếp xúc, họ đều có chung một nhận định, đó là cho dù mạng xã hội là công cụ mạnh nhất, nhưng chính thực tiễn va chạm mới chính là động lực bộc phát mạnh nhất và rõ ràng nhất về tương quan chính trị trong nhận thức của người trẻ hiện nay.