Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/03/2018

Bất đồng chính kiến : Một người bị bắt cả nhà vạ lây

CaliToday

Bắt giữ thân nhân người bất đồng : Công an Việt Nam ‘học tập’ Trung Quốc ? (CaliToday, 02/03/2018)

Sau hàng loạt "chuyến làm việc và trao đổi giữa hai bên" của Bộ Công an Việt Nam với Bộ Công an Trung Quốc ở Bắc Kinh trong những năm qua, giới công an trị Việt Nam không chỉ thi hành nhiều trận đàn áp khốc liệt đối với những người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến, mà còn đang lao vào hành vi mới mới và vô pháp chưa từng có : bắt giữ thân nhân người bất đồng không theo bất cứ một thủ tục tố tụng hình sự nào.

bat1

Ông Đoàn Huy Chương (bìa trái) là một nhà hoạt động công đoàn độc lập cùng với hai nhà hoạt động khác là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đỗ Thị Minh Hạnh.

Báo Cali Today ngày 28/2/2018 dẫn nguồn từ tờ Washington Post của Mỹ cho biết một hiện tượng đàn áp đáng chú ý ở Trung Quốc : Trung Quốc bắt giữ thân nhân của các ký giả đài Á Châu Tự Do.

Theo đó, Bắc Kinh đã tiến hành bắt giam nhiều thân nhân của 4 ký giả làm việc cho một cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ là đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), trong một chiến dịch có vẻ để trừng phạt về cách đưa tin của họ về vùng tự trị Tân Cương, nơi có nhiều cư dân Hồi giáo sinh sống.

Các ký giả có thân nhân bị bắt giam là Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma và Kurban Niyaz. Ký giả Hoshur cho hay các ‘anh em của tôi cứ bị bắt rồi được thả và lại bị bắt trở lại, có nguồn tin cho tôi hay khoảng 3,000 người Uighurs bị bắt giam tại thành phố Horgos’…

Không hiểu vô tình hay hữu ý, những vụ việc công an Trung Quốc bắt thân nhân ký giả RFA lại khá trùng hợp với thời gian xảy ra vụ Công an Đồng Nai ở Việt Nam bắt giữ ông Đoàn Văn Diên – một cựu tù nhân lương tâm và là cha của một nhà hoạt động nhân quyền và công đoàn độc lập là Đoàn Huy Chương.

Theo cáo buộc của ông Đoàn Huy Chương và xác nhận của gia đình ông trên mạng xã hội, nhà cầm quyền Đồng Nai bắt ông Đoàn Văn Diên vào cuối năm 2017, giam hàng tháng trời mà không trưng ra bất kỳ lệnh khởi tố, lệnh bắt, giấy tạm giữ hay tạm giam nào. Công an Đồng Nai còn nói thẳng với người nhà là bắt ông Diên để buộc người con là Đoàn Huy Chương – đang có những hoạt động phản kháng bất công xã hội, bị công an truy đuổi và do đó buộc phải trốn tránh – phải ra trình diện.

Cũng "sao y bản chính" của công an Trung Quốc, Công an Đồng Nai đã thả Đoàn Văn Diên sau một thời gian giam hãm, nhưng rồi bắt lại.

Thủ đoạn "dùng cha ép con" và "bắt – thả – bắt lại" như trên khá thường tồn tại vào thời phong kiến và và những thời kỳ chiến tranh khốc liệt, biểu hiện một trạng thái đối phó cực đoan và dã man. Giờ đây, công an Việt Nam, mà cụ thể là Công an Đồng Nai, đang tái hiện những hình ảnh ti tiện và dã man ấy.

Thế nhưng bất chấp tính chất vô pháp và dã man như tế, hành vi bắt giam người trái phép của Công an Đồng Nai vẫn không bị bất kỳ một cấp hành chính nào trong chính quyền Việt Nam xử lý. Vụ việc này được dự đoán sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ xấu xa, khiến thúc đẩy nhanh hơn phong trào công an tự tung tự tác và sử dụng "luật rừng" ở nhiều địa phương khác, không chỉ đối với người bất đồng chính kiến mà chắc chắn sẽ áp dụng với nhiều người dân lành.

Trong nhiều năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, tình trạng người dân "tự chết" trong đồn công an ở Việt Nam đã tăng theo cấp số nhân. Tổng kết sơ bộ của vài năm qua đã cho thấy con số người dân "tự chết", trong đó có không ít trường hợp có bằng chứng rõ ràng về công an đánh người dân đến chết, lên đến hàng trăm hoặc hơn.

Thậm chí, tình trạng người dân "tự chết" trong đồn công an ở Việt Nam còn vượt hơn cả thực trạng xã hội Trung Quốc.

Hẳn là "các đồng chí Việt nam" đã không chỉ "trao đổi học tập kinh nghiệm" mà còn đang làm rập khuôn và "đạt thành tích cao hơn" những gì mà "các đồng chí Trung Quốc" đã làm.

Song trùng với chiến dịch đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc mà có đến hàng trăm luật sư nhân quyền đã bị bắt, từ giữa năm 2016 đến tháng 10/2017 đã xảy ra một chiến dịch đàn áp và bắt bớ khốc liệt của nhà cầm quyền Việt Nam đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền. Có đến khoảng 50 người bất đồng bị bắt giam trong giai đoạn này.

Dấu hỏi còn lại là đến khi nào thì nhiều vụ công an đánh chết người và công an bắt giam người trái phép ở Việt Nam sẽ được cộng đồng quốc tế chính thức đưa vào khung chế tài.

Vào tháng Hai năm 2018, Hoa Kỳ đã chính thức cắt hoàn toàn viện trợ đối với chính quyền Campuchia do "thành tích" của chính quyền này đàn áp phe đối lập và đàn áp quyền con người ở Campuchia. Không chỉ thế, ngay cả thủ tướng Hun Sen và nhiều quan chức cấp cao đã bị Mỹ cấm nhập cảnh vào Mỹ.

Thiền Lâm

*****************

Trung Quốc bắt giữ thân nhân của các ký giả đài Á Châu Tự Do (CaliToday, 28/02/2018)

Bắc Kinh đã tiến hành bắt giam nhiều thân nhân của 4 ký giả làm việc cho một cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ là đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA), trong một chiến dịch có vẻ để trừng phạt về cách đưa tin của họ về vùng tự trị Tân Cương, nơi có nhiều cư dân Hồi giáo sinh sống.

Trong nhiều tháng qua, có hàng chục ngàn người Hồi giáo thuộc sắc tộc Uighurs đang bị giam cầm trong các ‘trung tâm cải huấn chính trị ‘ở Tân Cương, theo tin từ Human Rights Watch cho biết.

Vụ đàn áp được chính phủ Trung Quốc ngụy trang là ‘chiến dịch tảo thanh nhắm vào thành phần khủng bố trong vùng’, nhưng Human Rights Watch cho hay thực chất là đàn áp khốc liệt những cư dân nào dám bày tỏ thái độ về văn hóa hay tôn giáo riêng của họ.

bat2

Một cảnh sát Trung Quốc đang kiểm tra một chiếc xe đi qua khu vực an ninh. Photo Credit : WP

Rohit Mahajan, Giám Đốc đài Á Châu Tự Do về công chúng, có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho hay : "Tôi rất lo lắng về sự an toàn của thân nhân các ký giả làm việc cho chúng tôi, đặc biệt là những người đau yếu cần phải có thuốc thang".

Ông Mahajan cũng bày tỏ lo ngại về "chiến thuật bắt giam như thế của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm trấn áp và đe dọa ngành truyền thông độc lập và cấm đoán những cơ quan này làm việc hầu loan tải tin tức trong các xã hội khép kín như Trung Quốc".

Các ký giả có thân nhân bị bắt giam là Shohret Hoshur, Gulchehra Hoja, Mamatjan Juma và Kurban Niyaz. Ba người đầu là các công dân Hoa Kỳ còn Niyaz đang có thẻ xanh.

Ký giả Hoshur cho hay các ‘anh em của tôi cứ bị bắt rồi được thả và lại bị bắt trở lại, có nguồn tin cho tôi hay khoảng 3.000 người Uighurs bị bắt giam tại thành phố Horgos’.

Đào Nguyên

Quay lại trang chủ
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)