Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị quản thúc ? (CaliToday, 15/03/2018)
Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, từ ngày 14/3 cho đến nay, trung tướng Phan Văn Vĩnh-cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an bị làm việc với công an tỉnh Phú Thọ. Ông Phan Văn Vĩnh bị nghi ngờ là người bảo kê cho đường dây đánh bạc xuyên quốc gia.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, người từng là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lại bảo kê cho đường dây đánh bạc xuyên quốc gia. Ảnh : PLO
Nguồn tin còn cho biết rằng, cả hai ngày hôm nay ông Phan Văn Vĩnh phải làm việc liên tục và phải chịu cảnh bị quản thúc. Khi được hỏi về nội dung làm việc, nguồn tin không cho biết vì vụ án vẫn trong giai đoạn điều tra.
Cũng trong ngày 15/3, công an tỉnh Phú Thọ, đơn vị được Bộ Công an giao nhiệm vụ thụ lý vụ án rửa tiền, đánh bạc và lừa đảo đã phát lệnh truy nã đối với 9 nghi can liên quan đến vụ án. Những người này hiện nay đã bỏ trốn. Cho đến nay, có gần 80 nghi can đã bị khởi tố, trong số đó đã bắt giam đến 30 người. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa-cựu Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm Công nghệ cao (C50) cũng đã bị bắt giam, sau khi bị chủ tịch nước tước quân tịch.
Trong khi ông Nguyễn Thanh Hóa đứng ra ăn chia phần trăm huê lợi từ đường dây cờ bạc xuyên quốc gia thì dư luận đến nay vẫn chưa rõ vai trò của trung tướng Phan Văn Vĩnh trong vụ án. Tuy nhiên, từ hồi tháng 1/2018, những tin đồn trung tướng Phan Văn Vĩnh bị bắt giam vì liên quan đến đường dây cờ bạc đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù là những tin đồn thiếu chính xác nhưng không phải không có căn cứ.
Trong đường dây cờ bạc xuyên quốc gia còn có Phan Sào Nam, một người từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Online. Bên cạnh đó còn có Nguyễn Văn Dương, con rễ của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Mặc dù cả Nam và Dương đều bị bắt từ hồi tháng 9/2017 nhưng trên truyền thông, báo chí chỉ nêu tên mỗi Phan Sào Nam, chỉ khi tin thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt, dư luận mới biết thân phận của Nguyễn Văn Dương.
Từ trái sang : Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Sào Nam. Ảnh : Tuổi Trẻ
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết, công an tỉnh Phú Thọ hiện đã thu thập đủ tài liệu để chứng minh số tiền mà các nghi can tham gia đường dây cờ bạc xuyên quốc gia lên đến hơn 2,700 tỷ đồng. Trong số đó, khoảng 3,6 triệu Mỹ kim đã được chuyển ra nước ngoài nhưng không rõ mục đích.
Theo nguồn tin mà chúng tôi thu thập được, trong số 30 người bị bắt giam thì khoảng 2/3 trong số đó là công an.
Đây là một vụ án mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn sử dụng để thanh trừng nội bộ Bộ Công an. Bộ Công an từ xưa đến nay vẫn được coi là cơ quan siêu quyền lực, được ưu ái vì là "lá chắn, thanh kiếm" của đảng cộng sản Việt Nam. Do được hưởng quá nhiều quyền lực nên trở thành mất kiểm soát. Từ khi Nguyễn Phú Trọng đặt chân vào đảng ủy công an trung ương, Bộ trưởng Tô Lâm đã không còn mấy thực quyền. Mới đây, trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) cũng có dính líu đến trách nhiệm của ông Tô Lâm, lúc đó còn là thứ trưởng.
Chiều ngày 15/3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi thông báo cho hay, trong hai ngày họp từ 12 cho đến 13/3, cơ quan này dưới sự chủ trì của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực Ban Bí thư đã xem xét và đi đến kết luận kỷ luật một số lãnh đạo. Trong số này có ông Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, hiện là phó Bi thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Dù chỉ mới sinh năm 1969 nhưng ông Cường đã là thiếu tướng công an, từng làm việc ở Tổng cục V (Cục Tình báo Bộ Công an), ông cũng là cựu phó ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Ông Trần Quốc Cường được coi là nhân vật sáng giá cho chiếc ghế Ủy viên Bộ Chính trị. Với việc kỷ luật ông Cường, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang dần cho thấy muốn "thay máu" tại Bộ Công an. Loại dần những người thân cận, tay chân còn sót lại dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với đó là chặn con đường đi lên chiếc ghế Tổng bí thư của chủ tịch nước Trần Đại Quang. Trong một số vụ án gần đây, mặc dù báo chí không nêu tên ông Trần Đại Quang ra nhưng một số người nhận ra rằng đều có bàn tay của ông Quang trong đó.
Với việc tước mọi chức danh của cựu Thường trực Bí thư Đinh Thế Huynh và giao cho Trần Quốc Vượng, ông Nguyễn Phú Trọng ngấm ngầm cho mọi người thấy yếu nhân mà ông sẽ chọn để thay thế mình.
*******************
Thanh tra chính phủ ‘sai kiến thức chuyên môn, áp đặt, suy diễn’ (VOA, 15/03/2018)
Bộ Thông tin Truyền thông hôm 15/3 mạnh mẽ phản bác kết luận của Thanh tra chính phủ về thương vụ Mobifone mua Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), nói rằng cơ quan này đã đưa ra các nhận định "không có căn cứ pháp lý", "sai về chuyên môn", "sai về thẩm quyền", "suy diễn", "có tính dẫn dắt để hiểu sai mục đích".
Bộ Thông tin và truyền thông nói "cho tới nay, chưa có bất cứ căn cứ nào cho thấy Dự án [Mobifone mua cổ phần AVG] gây thiệt hại về kinh tế đối với Mobifone và với Nhà nước"
Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đăng tin về báo cáo phản bác này, các trang tin trong nước đã đồng loạt gỡ bài.
"Giãy chết"
Trước những phản ứng qua lại "gay cấn" xung quanh thương vụ liên quan đến cơ quan quản lý truyền thông-báo chí, một số nhà quan sát thời sự cho đây là phản ứng "giãy chết" và "không còn đường lùi" của các quan chức liên quan.
Từ Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với VOA :
"Tôi cho đây là một trong những nỗ lực cuối cùng, vớt vát được gì thì vớt vát. Hình dung nôm na giống như con gà bị cắt tiết, nó giãy rất mạnh trước khi chết. Nhưng tôi chắc chắn rằng công chúng Việt Nam, những người có hiểu biết về luật pháp, sẽ không ai công nhận điều đó cả".
Theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà kinh tế và nhà báo độc lập ở Việt Nam, kết luận của Thanh tra chính phủ lần này "thuyết phục" và "khó phản bác". Ông nói :
"Tôi cho rằng kết luận thanh tra kỳ này có cơ sở, có vẻ thuyết phục và khó phản bác, nếu không muốn nói là vẫn còn hơn nhẹ, ví dụ như phần nhận xét về trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông hay Bộ Công an, đặc biệt là không nêu tên một quan chức nào cả".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng phản bác của Bộ Thông tin và truyền thông là một phản ứng "không còn đường lùi".
"Được ăn cả, ngã về không. Bây giờ không còn là 5 ăn, 5 thua nữa mà gần như thua rồi nên họ chỉ còn cách phản ứng mạnh, không còn đường lùi. Trước đây cũng có những vụ mà phía bị tố cáo phản ứng mạnh mẽ nhưng cuối cùng vẫn thua vì bên nguyên đưa ra những chứng cứ không thể phủ nhận".
Theo chuyên gia kinh tế này, con số thất thoát hơn 7.000 tỷ đồng trong thương vụ này là khá rõ ràng.
Thương vụ "nghìn tỷ"
Vụ Mobifone mua AVG bị dư luận chú ý sau khi doanh nghiệp nhà nước này bất ngờ công bố đã hoàn tất mua lại 95% cổ phần của AVG vào tháng 1/2016, nhưng lại không tiết lộ giá trị hợp đồng mua bán. Con số 8.898,3 tỷ đồng (gần 400 triệu USD) mua AVG chỉ được tiết lộ vào tháng 11/2016, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng về việc thanh tra toàn diện vụ việc.
Trước áp lực từ dư luận cho rằng mức giá chuyển nhượng trên đã bị đội lên gấp nhiều lần so với giá trị thực của thương vụ để "ăn chia", "lại quả", tháng 7 năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng phải "khẩn trương" thanh tra vụ việc và ra hạn 50 ngày để báo cáo kết quả. Tuy nhiên, thời hạn này đã bị kéo dài cho tới hôm 8/3 vừa qua, khi ông Trọng một lần nữa lặp lại và nhấn mạnh đến mức độ "nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm" của vụ việc.
4 ngày sau, Bộ Thông tin và truyền thông ra thông báo Mobifone và AVG đồng ý hủy bỏ hợp đồng mua bán. Nhưng động thái bất ngờ này tiếp tục bị công luận phản ứng mạnh và yêu cầu phải truy rõ trách nhiệm của các quan chức liên quan.
Ngày 14/3, Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận thanh tra và đề nghị khởi tố sau khi chỉ ra nhiều sai phạm "đặc biệt nghiêm trọng" của thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG và đề nghị khởi tố điều tra.
Theo kết luận này, có rất nhiều khuyết điểm, vi phạm xảy ra ngay từ việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG, trong lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá trị, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ; việc lập dự án đầu tư, trình Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt ; trong ký kết thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và trong việc thanh toán chi phí dự án.
Kết luận cho biết tình trạng tài chính của AVG rất xấu tại thời điểm Mobifone mua 95% cổ phần, nhưng công ty viễn thông lớn thứ hai của Việt Nam đã không những không nêu lên tình trạng này trong báo cáo đầu tư, mà còn "đánh giá khả quan" về tình hình tài chính, kinh doanh của công ty này.
Kết luận thanh tra nói vi phạm của Mobifone đã gây "nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước" khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó có khoản thiệt hại do mua lại nợ của AVG là 1.134 tỷ đồng.
"Sai chuyên môn, phỏng đoán, suy diễn"
Phản bác nhận định trên, Bộ Thông tin và truyền thông nói "cho tới nay, chưa có bất cứ căn cứ nào cho thấy Dự án gây thiệt hại về kinh tế đối với Mobifone và với Nhà nước". Trong văn bản công bố ngày 15/3, Bộ này nói "Thanh tra là một việc làm đòi hỏi tính chính xác, cụ thể, có căn cứ rõ ràng. Do đó, việc sử dụng khái niệm ‘nguy cơ’, một khái niệm mang tính chất phỏng đoán, diễn tả một sự việc chưa chắc đã xảy ra là không phù hợp".
Văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng phương pháp xác định thiệt hại vốn Nhà nước mà Thanh tra chính phủ thực hiện bằng cách sử dụng giá mua cổ phần trừ đi giá trị vốn chủ sở hữu của AVG tại thời điểm 31/3/2015 là "sai kiến thức chuyên môn".
Tương tự, với việc Mobifone mua số nợ phải trả của AVG, Bộ này nói "Pháp luật về tài chính không quy định khi mua cổ phần của doanh nghiệp thì phải loại trừ (không thừa nhận) các khoản nợ phải trả". Cơ quan này còn đưa ra các ví dụ của Vietcombank, Vietttinbank, là những ngân hàng có số nợ phải trả cao hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, và nói rằng "nếu theo cách hiểu của Thông báo Kết luận thanh tra là phải loại trừ các khoản nợ phải trả thì giá mua cổ phần các ngân hàng này là dưới 0 đồng".
Đối với việc thẩm định giá mua cổ phần AVG, phản bác lại kết quả thanh tra cho rằng Bộ Thông tin và truyền thông đã "thiếu trách nhiệm" khi sử dụng mức định giá mà AVG báo cáo lên mà không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực của báo cáo này, Bộ Thông tin và truyền thông nói "việc xác minh thông tin AVG đưa ra là không cần thiết" vì theo Bộ này, mức giá 8.898,3 tỷ đồng Mobifone đề xuất thấp hơn khoảng 7.000 tỷ đồng so với mức giá thấp nhất mà các tổ chức thẩm định giá đưa ra là 16.565 tỷ đồng (AMAX). Từ đó, Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng kết luận của Thanh tra chính phủ "không đầy đủ, có tính chất dẫn dắt để hiểu sai mục đích".
Riêng về kết luận cho rằng Bộ Thông tin và truyền thông đã tự đưa ra quyết định phê duyệt dự án khi chưa được Thủ tướng phê duyệt, Bộ này viện dẫn Luật Đầu tư nói Luật "không quy định Bộ Thông tin và truyền thông phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hay chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án. Mặc dù vậy, Bộ Thông tin và truyền thông vẫn thận trọng báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Mobifone đầu tư mua cổ phần AVG".
Ngoài ra, văn bản của Bộ Thông tin và truyền thông nói việc Thanh tra chính phủ kết luận Bộ này "thể hiện cố ý làm trái" khi có các khoản đầu tư bên ngoài truyền hình trong cổ phần mua lại của AVG là một sự "suy diễn theo hướng có lỗi", vì "không có khái niệm mua cổ phần ‘một bộ phận’" trong việc mua lại doanh nghiệp.
Động thái phản bác của Bộ Thông tin và truyền thông sau khi được một vài tờ báo đăng tin đã đồng loạt bị gỡ xuống chỉ trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Các nhà quan sát cho rằng đây là một hành động "can thiệp" rõ ràng phải ở cấp cao hơn cả Bộ Thông tin và truyền thông, là cơ quan 'nắm' báo chí Nhà nước.
"Nếu quả thực báo chí phải gỡ bài vì chuyện này thì chắc chắn là có ý kiến chỉ đạo ít nhất là từ Ban Tuyên giáo Trung ương, nếu không muốn nói là từ Ban Bí thư", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói.
Theo nhận định của nhà quan sát này, phản ứng mạnh của Bộ Thông tin và truyền thông còn cho thấy việc "dàn xếp" hủy bỏ hợp đồng theo kiểu "nhả ra để thoát tội" không phải là "kịch bản được đạo diễn bởi Ban Bí thư".
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, phản bác theo kiểu tập thể của Bộ Thông tin và truyền thông là không hợp lý, vì không phải quan chức nào trong Bộ Thông tin và truyền thông cũng bị quy trách nhiệm trong vụ này.
Khánh An