Từ Vinalines đến AVG, quyết tâm 'sẽ tạo địa chấn' ? (BBC, 20/03/2018)
Năm 2007, lãnh đạo Vinalines mua khống giá một 'ụ nổi sắt vụn' làm thất thoát 366 tỷ và nay, Thanh tra Chính phủ Việt Nam cũng nêu ra vấn đề về thương vụ Mobifone dùng tiền nhà nước mua AVG.
Trụ sở Mobifone tại Hà Nội - hình minh họa
Nhưng hai vụ việc có gì tương tự ?
Trả lời BBC hôm 20/3, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng so sánh vụ Mobifone-AVG với vụ đại án Vinalines mua ụ nổi 83M của Nga hồi 2007.
"Vụ Vinalines và vụ Mobifone AVG đều là rút rửa ngân sách nhà nước.
"Dương Chí Dũng liên quan đến quan chức nhưng ở một cấp trung, nhưng chưa phải đến mức cao cấp như Mobifone-AVG…".
Vào năm 2007, Tổng công ty Hàng Hải Vinalines mua ụ nổi 83M của Nga, vốn có giá gốc là 2,3 triệu đô la, nhưng đã được mua với giá 19 triệu đô la, bao gồm phí kéo về và sửa chữa, theo các cáo trạng nêu ra trong vụ xử sau đó.
Năm 2007, lãnh đạo Vinalines mua khống giá một 'ụ nổi sắt vụn' làm thất thoát 366 tỷ
Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam kiêm cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, Dương Chí Dũng bị cho là có dấu hiệu nâng giá vật tư, quyết toán khống, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 366 tỷ đồng.
Năm 2014, ông Dũng và cựu Tổng Giám đốc Vinalines, Mai Văn Phúc, bị kết án tử hình vì tội 'Tham ô' và 'Cố ý làm trái các quy định nhà nước', còn các đồng phạm khác bị kết án từ 4 đến 22 năm tù giam.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội, bình luận với BBC hôm 20/3 rằng :
"Theo bộ luật hình sự Việt Nam, nếu sai phạm lên đến 500 triệu trở lên thì đã có thể có mức án là 20 năm, chung thân, tử hình rồi".
"Còn tội này [vụ Mobifone-AVG] lên tới hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ thì mức án [tử hình] có nhiều khả năng xảy ra".
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, thì cho rằng dù hình thức giống nhau, nhưng các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý khác nhau.
"Tôi nghĩ nền tư pháp Việt Nam, người ta muốn nó thế nào thì nó ra thế ấy. Có người có thể vi phạm vài trăm tỷ thì tử hình, có người vi phạm vài ngàn tỷ thì chỉ kiểm điểm thôi".
'Quyết tâm có thể tạo ra địa chấn'
Ông Phạm Chí Dũng nhận xét thêm rằng, "Vinalines diễn ra trong bối cảnh khi chưa thực sự có một cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam, lúc đó còn có bưng bít bao che quá nhiều",
"Hiện nay thì tình hình khác hẳn. Ba tháng vừa qua cho thể hiện quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng. Không chỉ chống tham nhũng một phe, mà còn chống tham nhũng cả phe ta".
"Điều đó cho thấy, một khi bản thân ông Trọng đã quyết tâm rồi, thì mọi chuyện có thể thay đổi lớn lắm, có thể tạo ra những địa chấn và đảo lộn".
Ông Dũng cũng cho rằng tiến độ tố tụng hình sự của vụ Mobifone-AGV cũng đang được đẩy nhanh hơn.
Image caption"Việc tấn công vào nhóm lợi ích, bắt bớ, xử tù, thậm chí tử hình một số người chỉ là bước khởi đầu", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói.
"Tôi cho rằng trong 10 ngày cuối tháng Ba, hoặc tuần đầu tiên tháng Tư, Bộ Công an sẽ có thông tin chính thức khởi tố vụ án.
"Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ công bố một phần hoặc toàn bộ vụ điều tra Mobifone-AVG, lấy đó để làm cơ sở xử lý cán bộ đặc biệt là xử lý một vài ủy viên trung ương Đảng tại Hội nghị trung ương 7 trong thời gian tới".
Hôm 19/3, các báo Việt Nam đưa tin Thủ trướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận thanh tra về thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG với giá 8.900 tỷ đồng, theo truyền thông Việt Nam.
Hồ sơ vụ việc đã được chuyển giao cơ quan điều tra để xem xét khởi tố.
Thanh tra chính phủ công bố kết luận điều tra hôm 14/3 cho thấy sự thiếu trách nhiệm của Mobifone và Bộ Thông tin và truyền thông, trong thương vụ mua cổ phần của AVG.
Thanh tra chính phủ kết luận AVG liên tục thua lỗ, với giá trị vốn sở hữu chỉ khoảng 1.900 tỷ đồng nhưng được Bộ Thông tin và truyền thông chấp thuận cho Mobifone mua với giá 8.900 tỷ đồng, làm thất thoát ngân sách nhà nước 7.006 tỷ đồng, chưa tính thêm khoản lỗ lũy kế của AVG là 1.982,7 tỷ tính tới thời điểm 31/12/2017.
Kết luận thanh tra chỉ ra một loạt sai phạm của các bộ ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công an.
Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Trần Quốc Thuận kết luận :
"Việc tấn công vào nhóm lợi ích, bắt bớ, xử tù, thậm chí tử hình một số người chỉ là bước khởi đầu",
"Khi tội phạm xảy ra ở tầm cao như thế thì phải làm rõ nét việc mà Bộ Chính trị gọi là cải cách thể chế thì may ra mới ngăn chặn các sai phạm như thế này được".
Cũng liên quan đến các vụ việc gần đây, Phó GS, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Hà Nội có viết trên BBC Tiếng Việt :
"Đảng Cộng sản Việt Nam quyết liệt chống tham nhũng để lấy lại niềm tin dân chúng, nhưng quá trình này nay đã dần sang giai đoạn khó khăn".
******************
Vụ đánh bạc triệu đô : Ngân hàng Singapore lên tiếng (VOA, 21/03/2018)
Ngân hàng Singapore (Bank of Singapore) mới trả lời VOA Việt Ngữ, sau khi chính quyền Việt Nam tiết lộ rằng ông Phan Sào Nam, một trong các nghi can chủ mưu "đường dây đánh bạc nghìn tỷ", "rửa tiền" và "gửi 3,5 triệu đôla" vào ngân hàng này.
Ông Phan Sào Nam bị cáo buộc là một trong những người chủ mưu vụ đánh bạc nghìn tỷ.
Bộ Công an cuối tuần trước đã chính thức công bố các thông tin liên quan tới vụ án sử dụng mạng Internet để "chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành khác.
Theo Bộ này, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng, và nhóm của ông Nam được hưởng gần 1.900 tỷ đồng.
Các nghi can được cho là đã hợp thức hóa các khoản tiền này bằng cách đầu tư vào các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, và chuyển tiền ra nước ngoài.
Bộ Công an cho biết rằng ông Nam đã "gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng Bank of Singapore".
Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 20/3, đại diện ngân hàng tư nhân này, ông Adriel Loh, người đứng đầu Bộ phận chuyên trách về Tuân thủ luật lệ Toàn cầu, không phủ nhận hay bác bỏ thông tin của Bộ Công an Việt Nam.
Ông Loh chỉ cho biết rằng Ngân hàng Singapore "luôn theo dõi các tài khoản của khách hàng để xem có các giao dịch đáng ngờ hay không".
Ông nói thêm rằng ngân hàng này "luôn cảnh giác" và nếu phát hiện thấy điều gì bất thường thì "sẽ thông báo với cơ quan chức năng liên quan và làm việc chặt chẽ với họ về các hành động thích hợp".
Trên trang web của mình, Bank of Singapore, hiện chưa có chi nhánh ở Việt Nam, nói rằng "các khách hàng của chúng tôi được bảo đảm về độ ổn định và an toàn không ai sánh được".
Thông báo của Bộ Công an về vụ bắt giữ ông Nguyễn Thanh Hóa.
Theo Bộ Công an Việt Nam, tới nay, cơ quan điều tra "đã khởi tố 83 bị can, tạm giam 31 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 42 bị can, cho bảo lãnh 2 bị can, và hiện truy nã 8 bị can đang bỏ trốn".
Vụ việc gây chấn động dư luận Việt Nam vì dính líu tới cả các cựu quan chức trong Bộ Công an.
Ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao, hôm 11/3 bị "khởi tố và bắt tạm giam" vì tội "Tổ chức đánh bạc".
Ít ngày sau đó, cơ quan điều tra cũng "đã làm việc" với trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát để "làm rõ thông tin trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng".
Hồi đầu năm nay, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Vĩnh và ông Hóa bị bắt nhưng chính quyền Việt Nam nhanh chóng bác bỏ thông tin này.
Viễn Đông