Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/03/2018

Đinh La Thăng thêm án tù, bắt Đặng Thanh Bình, điều tra Lê Nam Trà

Tổng hợp

Ông Đinh La Thăng bị đề nghị thêm 18-19 năm tù (Người Việt, 22/03/2018)

Tại phiên tòa đang diễn ra tại Hà Nội, hôm 22 tháng Ba, Viện Kiểm Sát Hà Nội đề nghị ông Đinh La Thăng bản án 18 đến 19 năm tù vì tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165 Bộ Luật Hình Sự cộng sản Việt Nam.

dlt1

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc tội "Cố ý làm trái". (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Phiên xử sơ thẩm vụ án Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) thiệt hại 800 tỷ đồng (35 triệu USD) khi góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank) bước sang phần tranh tụng.

Ông Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam, bí thư Thành Ủy Sài Gòn, từng bị tuyên 13 năm tù trong phiên tòa diễn ra hồi tháng Giêng, năm 2018, liên quan đến trách nhiệm khi ông này là chủ tịch Hội Đồng Thành Viên PVN.

Báo điện tử VietnamNet trích lời ông Thăng tại phiên tòa hôm 22 tháng Ba rằng : "Bị cáo sợ là mình không có đủ thời gian để thi hành hết các bản án".

Báo điện tử VnExpress dẫn lời Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, một trong những người bào chữa cho ông Thăng, nói : "Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nguyên tắc suy đoán vô tội đã bị ‘quên’ ở vụ án này. Tất cả những xem xét đều mang tính buộc tội. Pháp luật quy định nghĩa vụ chứng minh bao gồm cả chứng minh bị can không phạm tội. Song tôi không tìm thấy bất kỳ chi tiết nào cho thấy cơ quan công tố đã thẩm tra chứng minh bị can không phạm tội. Thân chủ tôi bị cho là vi phạm trong việc quyết định đầu tư tiền vào Ocean Bank khi chưa họp Hội đồng quản trị trước khi ký thỏa thuận và chưa xin ý kiến thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] trước khi ký nghị quyết góp vốn. Nhưng chưa có văn bản nào quy định quy trình đúng là phải ký nghị quyết sau khi xin ý kiến thủ tướng".

Hôm 22 tháng Ba, trả lời nhật báo Người Việt từ Sài Gòn, Luật sư Phùng Thanh Sơn, giám đốc Công Ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói : "Mặc dù suy đoán vô tội được ghi nhận là một nguyên tắc cơ bản trong Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của Việt Nam từ lâu, tuy nhiên trên thực tế, nguyên tắc này rất hiếm khi được áp dụng, đặc biệt là các vụ án mà bị can, bị cáo bị tạm giam, tạm giữ".

"Trong trường hợp bị cáo có dấu hiệu oan sai thì tòa thường né trách nhiệm bằng cách miễn trách nhiệm hình sự hoặc ra một bản án mà thời hạn chấp hành án phạt tù bằng thời gian tạm giam. Do đó, theo tôi khả năng tòa áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội cho ông Đinh La Thăng trong vụ án này là không cao, đặc biệt khi vụ án này được xếp vào hàng ‘đại án.’"

"Theo quan điểm cá nhân của tôi thì việc truy tố ông Thăng với các lý do mà báo chí Việt Nam đăng tải trong thời gian vừa qua như vậy là quá ngô nghê. Nó cho thấy : hoặc là sự thiếu hiểu biết của những người tiến hành tố tụng về thực tiễn kinh doanh cũng như việc quản lý điều hành tại các doanh nghiệp ; hoặc là họ không coi pháp luật Việt Nam ra gì".

Do lần trước "thiệt hại" ít hơn lần này rất nhiều nên về mặt logic thì Viện Kiểm Sát phải đề xuất mức án cao hơn vụ án trước. Lần trước Viện Kiểm Sát Nhân Dân đề nghị mức án 14-15 năm, lần này ông Thăng bị đề nghị mức án 18-19 năm là logic với quan điểm là ông Thăng "phạm tội", Luật sư Phùng Thanh Sơn nói với báo Người Việt. (T.K.)

********************

Đinh La Thăng tràn đầy hy vọng… không bị chung thân (CaliToday, 22/03/2018)

Mặc dù bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18-19 năm tù giam trong phiên xử vụ "800 tỷ", nhưng cựu ủy viên bộ chính trị – đương kim ủy viên trung ương Đinh La Thăng lại tràn đầy hy vọng… không bị án chung thân.

dlt2

Đinh La Thăng trước tòa án - Ảnh minh họa (Dân Việt)

Bởi nếu cộng mức án lần này với mức án đã tuyên trong vụ "119 tỷ" xử vào tháng Hai năm 2018, ông Đinh La Thăng "chỉ" khoảng 30 năm tù.

Có thể cho rằng mức án tổng cộng 30 năm hay chung thân tùy thuộc vào việc Nguyễn Phú Trọng "thương" Đinh La Thăng ra sao.

30 năm tù là con số bóc lịch quá nặng nề đối với giới quan chức và trong lịch sử đảng xử quan chức. Tuy nhiên con số này lại hé ra một tia sáng cuối đường hầm cho Đinh La Thăng để ông ta không hoàn toàn bị biến thành "Bạc Hy Lai Việt Nam".

Bạc Hy Lai từng là ủy viên bộ chính trị, bí thư tỉnh Trùng Khánh ở Trung Quốc. Vào năm 2012, nhân vật này đã bị Tập Cận Bình "đả hổ", bị cách chức, sau đó bị khởi tố và bắt giam, cuối cùng đã phải nhận án chung thân cho tội danh tham nhũng.

Khởi nguồn từ "đả hổ" Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình đã vươn được đến thành công lớn cùng uy quyền gần như tuyệt đối của ông ta trong chiến dịch vừa "đả hổ diệt ruồi" vừa tập quyền tối cao.

Khởi động chiến dịch "chống tham nhũng" sau Tập Cận Bình khoảng 5 năm, "đường đi" của Nguyễn Phú Trọng ngày càng rõ : ông Trọng đã dứt khoát làm theo "bài" của Tập Cận Bình, với "con hổ" đầu tiên là Đinh La Thăng.

Từ trước tết nguyên đán 2018, đã có tín hiệu Đinh La Thăng sẽ bị "xử nặng".

Vào buổi sáng ngày 7/2/2018, có một cuộc gặp mặt "chúc tết đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất 2018 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì". Trong cuộc gặp này, khi đề cập cuộc chiến chống tham nhũng, ông Trọng nói : "Chúng ta đã làm rất quyết liệt. Áp Tết rồi, toà vẫn vừa tuyên thêm một án tù chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Ở TP.HCM thì đại án Phạm Công Danh cũng làm tiếp.

Còn vụ 800 tỷ đồng tại Oceanbank thì để sau Tết, không để không khí nặng nề dịp vui Xuân. Sự nhân văn trong cuộc đấu tranh cũng là thế".

Hiểu theo khẩu ngữ chân phương của ông Trọng thì nếu xử Đinh La Thăng trước tết sẽ khiến "không khí nặng nề", tức mức án phải nặng thì mới gọi là "nặng nề".

Theo đó, nhiều khả năng Đinh La Thăng sẽ phải nhận mức án nặng tại phiên tòa xử sau tết. Tại phiên tòa đó, nếu chứng cứ vụ "800 tỷ đồng" được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trưng ra không yếu ớt như vụ "PVC" xử trước tết, Đinh La Thăng sẽ phải nhận thêm tội danh danh "chiếm đoạt tài sản…" cùng mức án có thể còn nặng nề hơn mức 13 năm vừa phải nhận. Để sau vụ "800 tỷ đồng", Đinh La Thăng có thể phải nhận tổng mức án lên đến 30 năm, nếu không nói là ngang bằng với mức án hiện tại của Trịnh Xuân Thanh – chung thân.

Có thể cho rằng mức án tổng cộng 30 năm hay chung thân tùy thuộc vào việc Nguyễn Phú Trọng "tình đồng chí" với Đinh La Thăng ra sao.

Nếu ông Trọng làm thẳng tay như Tập Cận Bình xử Bạc Hy Lai, số phận của Đinh La Thăng chắc chắn sẽ phải là án chung thân. Khi đó, những điều kiện để "phấn đấu trở thành người tử tế" sẽ ngặt nghèo hơn nhiều, đồng thời hy vọng để thoát khỏi nhà tù cũng héo hắt hơn hẳn.

Việc Viện Kiểm sát đề nghị mức án 18-19 năm tù giam đối với Đinh La Thăng trong phiên xử vụ "800 tỷ" bất chợt cho thấy Nguyễn Phú Trọng không đến mức "truy cùng diệt tận" như Tập Cận Bình. Dấu hiệu này không chỉ mở một đường sống riêng cho ông Thăng mà còn gợi ra niềm hy vọng cho hàng loạt quan chức khác đang nằm trong "lò" và sắp bị tống vào "lò".

Một trong những "ứng cử viên" đầy tiềm năng sắp được cho vào "lò" là Ủy viên trung ương đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Với "thành tích" ký văn bản vượt quyền thủ tướng để phê duyệt vụ "Mobifone mua AVG" mà đã khiến thất thoát ít nhất 7 ngàn tỷ dồng, ông Tuấn thậm chí còn bị một số dư luận dự đoán là "sẽ nhận án tử hình". Nhưng với "kinh nghiệm" của quan chức đi trước là Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn có lẽ cũng đang ấp ủ hy vọng "chừng hai ba chục năm".

Cho tới thời điểm này, vụ "Mobifone mua AVG" đã hoàn thành giai đoạn công bố kết luận thanh tra và đang tiến tới giai đoạn chuyển hồ sơ từ cơ quan thanh tra sang cơ quan điều tra, đồng thời chuyển kết luận thanh tra này cho Ủy ban Kiểm tra trung ương để "xử lý trước", phục vụ Hội nghị trung ương 7.

Tuy vậy, tương lai của Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn vẫn chỉ mang tính giả định. Sau vụ "800 tỷ", một dấu hỏi lớn khác tiếp tục nảy sinh là liệu Đinh La Thăng còn "dính" những vụ "cố ý làm trái" nào khác, và nếu có thì những vụ sau có nghiêm trọng hơn những vụ đã xử ?

Bởi nếu Đinh La Thăng tiếp tục phải ra tòa và phải nhận mức án cao hơn 30 năm – tức đến chung thân, đó sẽ là một tiền lệ kinh hoàng mà những quan chức tiếp bước Thăng đổ gục trước hầm mộ đào sẵn.

Thiền Lâm

**********************

Cấp phó bị truy tố nhưng cựu Thống đốc Ngân hàng ‘vô sự’ (Người Việt, 22/03/2018)

Hôm 22 tháng Ba, công luận tiếp tục đặt dấu hỏi về cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi có tin cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình và các "đồng phạm" bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" khi để xảy ra sai phạm tại Ngân Hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân Hàng Xây Dựng – VNCB).

dlt3

Ông Nguyễn Văn Bình. (Hình : Báo InfoNet)

Ông cựu phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm" khi để tổng giám đốc Ngân Hàng Xây Dựng và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.

Báo Tuổi Trẻ loan tin, ngày 22 tháng Ba, Viện Kiểm Sát Tối Cao đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đồng phạm.

Tại Ngân hàng Nhà nước, ông Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Vụ Pháp Chế, giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Kết quả điều tra xác định, vào tháng Tám, 2012 ông Bình đã ký tờ trình chính phủ về "phương án tái cơ cấu Ngân Hàng Xây Dựng"và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương. Và ông Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh, do ông Phạm Công Danh làm đại diện, thì VNCB được xếp loại "ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt".

Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Bình đã "không thực hiện đúng phương án do chính Ngân hàng Nhà nước đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội".

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỷ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỷ đồng. Vụ án "Phạm Công Danh và đồng phạm" đã xác định thiệt hại là hơn 9.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, dù có nhiều đồn đoán từ nhiều tháng qua, chưa có chỉ dấu nào cho thấy nhân vật cộm cán nhất trong các vụ bê bối của ngành ngân hàng là cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình (tại vị từ năm 2011-2016) cũng sẽ dính vòng lao lý như thuộc cấp.

dlt4

Ông Đặng Thanh Bình vừa bị truy tố. (Hình : Báo Tuổi Trẻ)

Thực tế, ông Đặng Thanh Bình được cho là "cánh tay mặt" của ông Nguyễn Văn Bình vì theo quyết định phân công công tác của ban lãnh đạo Ngân Hàng Nhà Nước, Phó Thống đốc Bình "giúp thống đốc giải quyết các công việc được ủy nhiệm".

Cụ thể là : Phụ trách công tác thanh tra, giám sát ngân hàng ; Phòng chống rửa tiền ; Thông tin tín dụng ; Công tác pháp chế ; Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của các hiệp hội trong ngành ngân hàng ; Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị gồm Cơ Quan Thanh Tra, Giám Sát Ngân Hàng, Vụ Pháp Chế, Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng. Cho nên, nếu phó thống đốc "bị xử" mà thống đốc lại "vô can" thì giống như Đặng Thanh Bình đang làm "Lê Lai cứu chúa".

Từ hồi tháng Tám, năm 2017, khi các "đại án ngân hàng" được công bố đồng loạt, công luận cho rằng tất cả các vụ này đều liên quan đến chủ trương, quyết định vốn của ông Nguyễn Văn Bình hồi còn đương chức. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Bình, người bị tạp chí Global Finance liệt vào danh sách "20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất trên thế giới năm 2012", vẫn không bị truy cứu trách nhiệm về nợ xấu cũng như các bê bối của ngành ngân hàng.

Trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng về cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng (35 triệu USD) góp vốn vào Ngân Hàng Đại Dương (Ocean Bank đang diễn ra tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội, Luật sư Phan Trung Hoài, người bào chữa cho ông Thăng, lập luận : "Ocean Bank bị Ngân Hàng Nhà Nước mua lại với giá zero đồng vào tháng Tư, 2015, tức là bốn năm sau khi ông Thăng chuyển công tác. Phải chăng PVN bị mất 800 tỷ đồng là do Ngân Hàng Nhà Nước mua Ocean Bank với giá không đồng ? Trước thực trạng hoạt động yếu kém của Ocean Bank, lẽ ra Ngân Hàng Nhà Nước cần tái cơ cấu, áp dụng thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá Sản thay vì biện pháp cưỡng chế mua bắt buộc".

Sau khi rời ghế thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình hiện vẫn là ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Đảng đồng thời kiêm chức danh trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương. Người ta không rõ nhiệm vụ thật sự của ban này là gì khi các hoạt động của ông Bình được truyền thông ghi nhận gần đây là phát biểu khai mạc lễ hội hoa ban Tây Bắc hôm 18 tháng Ba, 2018, tiếp đoàn đại biểu Cộng Sản Liên Bang Nga thăm Việt Nam hôm 13 tháng Ba,…

Hồi năm 2016, báo điện tử Dân Trí ghi nhận ông Bình có phát ngôn "bất hủ" khi "xin nhận nửa giải Nobel Kinh Tế nếu giải quyết được một nửa bộ ba bất khả thi là tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá". (T.K-Tr.N)

*********************

Truy tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (RFA, 23/03/2018)

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ngày 22 tháng 3 đã tống đạt cáo trạng truy tố nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Đặng Thanh Bình và các đồng phạm với cáo buộc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân Hàng Đại Tín, mà sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng VNCB.

dlt5

Ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Courtesy of Ngân hàng Nhà nước

Theo cáo trạng, vào năm 2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về biện pháp tái cơ cấu Ngân Hàng Xây dựng và được chính phủ chấp thuận. Sau đó ông Bình đã ký quyết định thành lập tổ giám sát hoạt động của VNCB nhằm cơ cấu lại ngân hàng này.

Quá trình tái cơ cấu có bao gồm việc chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh làm đại diện.

Tuy nhiên cáo trạng cho biết ông Bình đã không thực hiện việc kiểm tra nặng lực tài chính của nhóm Thiên Thanh này, tạo điều kiện cho họ điều hành ngân hàng và sử dụng ngân hàng Xây dựng như một phương tiện phạm tội.

Kể từ khi nhóm Thiên Thanh lên điều hành, Ngân Hàng Xây Dựng liên tục làm ăn thua lỗ và đến thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh năm 2014 thì Ngân hàng Xây dựng đã âm hơn 18.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, gấp 4 lần lúc chưa tái cơ cấu. Ngoài ra, nợ phải trả lên đến 38.000 tỷ đồng.

Ngoài ông Bình, một nhóm đồng phạm cũng trong tổ giám sát do ông Bình thành lập cũng được xác định có hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng này. Trong đó có ông Hà Phước Tấn- nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Long An, ông Phạm Thế Tuân-nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM, ông Lê Văn Thanh- nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An và ông Ngô Văn Thanh, nguyên Phó phòng kiểm tra giám sát tuân thủ Vietcombank Long An.

*********************

Ông Lê Nam Trà nói gì về kết luận thanh tra MobiFone mua AVG ? (Thanh Niên, 23/03/2018)

Ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone, đồng tình với kết luận của Thanh tra chính phủ và mong muốn được xem xét "nguyên nhân bối cảnh" thời điểm MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

dlt6

Ông Lê Nam Trà nêu ý kiến tại buổi công bố kết luật thanh tra sáng nay, 23/3 - ẢNH THÁI SƠN

Sáng 23/3, tại trụ sở Thanh tra chính phủ diễn ra buổi công bố toàn văn kết luận thanh tra dự án MobiFone mua cổ phần AVG. Buổi công bố kết luận thanh tra do ông Bùi Ngọc Lam, Phó tổng Thanh tra chính phủ, chủ trì cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, MobiFone, AVG,…

Đại diện Thanh tra chính phủ đã trình bày 32 trang kết luận thanh tra và 25 trang phụ lục về kết luận vụ việc MobiFone mua cổ phần AVG. Ngay sau khi kết thúc phần công bố, ông Bùi Ngọc Lam cũng công bố văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý với kết luận của Thanh tra chính phủ, đồng thời, ông Lam mong muốn được nghe ý kiến của các đơn vị có liên quan.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên tham dự buổi công bố này. Ông Lê Nam Trà được xác định là một trong những người có trách nhiệm lớn trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Hồi tháng 6/2017, Bộ Thông tin - Truyền thông công bố quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Lê Nam Trà về công tác tại Văn phòng Bộ này từ ngày 6/6/2017.

Nêu ý kiến tại buổi công bố, ông Lê Nam Trà cho biết sẽ nghiêm túc chấp hành các kiến nghị theo kết luận thanh tra, và cho biết kết luận thanh tra đã có nhiều thay đổi so với các dự thảo sau khi Thanh tra chính phủ nhận được những văn bản giải trình từ phía MobiFone.

"Về việc mua AVG, chúng tôi thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Đây là nhiệm vụ chính trị và kinh tế, thực hiện theo phê duyệt về chiến lược của MobiFone đã được Bộ Thông tin - Truyền thông phê duyệt. Chúng tôi mong muốn được xem xét kỹ về nguyên nhân và bối cảnh thực hiện việc đó", ông Trà nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone Nguyễn Mạnh Thắng nêu ý kiến ngắn gọn, đề nghị Thanh tra chính phủ hướng dẫn quy trình để thực hiện kết luận thanh tra nhanh nhất, những vấn đề khác sẽ thực hiện theo quy định nói chung để MobiFone yên tâm sản xuất.

Kết luận số 355 của Thanh tra chính phủ công bố ngày 14/3 cho biết, MobiFone và một số bộ, ngành liên quan đã thiếu trách nhiệm, có những vi phạm, làm trái quy định, dẫn tới nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng ; đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa MobiFone.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ Bộ Thông tin - Truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án ; ban hành Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Do có những sai phạm nghiệm trong, Thanh tra chính phủ đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Bộ Công an điều tra theo thẩm quyền.

Theo văn bản số 2398/VPCP-VI của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý với kết luận thanh tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG của Thanh tra chính phủ, trong đó bao gồm kiến nghị chuyển giao cơ quan điều tra có thẩm quyền của Bộ Công an xem xét khởi tố điều tra, xử lý đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.

Thái Sơn

**********************

Vụ MobiFone mua AVG : 'Làm xiếc' bằng tiền nhà nước (Thanh Niên, 19/03/2018)

Trong thương vụ MobiFone mua AVG, dù AVG thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nhưng MobiFone vẫn thổi giá công ty này lên gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước hơn 7.000 tỉ đồng.

dlt7

Sau khi về sở hữu nhà nước, AVG tiếp tục được phù phép biến lỗ thành lãi để che mắt cơ quan thanh, kiểm tra.

AVG sau khi về MobiFone tiếp tục thua lỗ, gặp khó khăn tứ bề, kéo cả MobiFone xuống dốc. Để che giấu các khoản thua lỗ, sự yếu kém này MobiFone lại tìm mọi cách nhào nặn số liệu, phù phép báo cáo tài chính để biến AVG trở nên hồng hào. Theo số liệu của Thanh tra chính phủ, các khoản lỗ của AVG như sau : năm 2010 lỗ 81,05 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 196,127 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 471,648 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 473,270 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 323,129 tỉ đồng và quý 1/2015 lỗ 87,6 tỉ đồng.

Rất bất ngờ, chỉ 1 năm sau MobiFone hồ hởi báo tin AVG do mình quản lý đã lãi 54 tỉ đồng. Về con số này kết luận của Thanh tra chính phủ chỉ rõ, lợi nhuận không phải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ truyền hình mà chủ yếu do AVG được hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Cụ thể, Công ty cổ phần An Viên B.P cho miễn lãi suất gần 50 tỉ đồng các khoản vay với tổng số nợ 950 tỉ đồng (gồm nợ năm trước chuyển sang 600 tỉ đồng, được miễn lãi suất từ 10,5% về 0% ; cho vay thêm 350 tỉ đồng với lãi suất 0%). Nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên của AVG là ông Phạm Nhật Vũ thực hiện cam kết đưa về cho AVG một hợp đồng quảng cáo ký với Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh bất động sản Vinhomes 1 với doanh thu 25 tỉ đồng ; MobiFone ký với AVG hợp đồng quảng cáo có doanh thu 21,6 tỉ đồng và phân chia cho AVG doanh thu dịch vụ 62,7 tỉ đồng…

Do không thể dùng tiền bù lỗ mãi, và hết cách "phù phép", AVG của MobiFone lỗ lại hoàn lỗ. Năm 2017, theo báo cáo tài chính (chưa kiểm toán) AVG lỗ 73,6 tỉ đồng (kế hoạch do MobiFone lập, năm 2017 AVG lãi 156 tỉ đồng). Tổng lỗ lũy kế AVG đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỉ đồng.

Nghiêm trọng hơn, các khoản lỗ của AVG khiến MobiFone bị ảnh hưởng tiêu cực. Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ MobiFone cho thấy, thương vụ mua AVG không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn làm giảm lợi nhuận hoạt động tài chính của MobiFone so với năm 2015 là 321,7 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889,8 tỉ đồng không những làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone mà còn làm giảm lợi nhuận hợp nhất của MobiFone, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính trong giai đoạn đang tiến hành thực hiện cổ phần hóa ; dẫn đến giảm sức mua của các nhà đầu tư khi bán đấu giá cổ phần, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích nhà nước.

Như vậy có thể thấy, bản chất "lãi" của AVG sau khi về MobiFone thực ra chỉ là lãi giả. Thực tế các thuê bao truyền hình AVG, sau đổi tên sang MobiTV còn liên tiếp được MobiFone đẩy ra theo hình thức biếu, tặng để nhằm tăng con số thuê bao ảo. Theo nguồn tin của Thanh Niên, việc phù phép AVG từ lỗ thành lãi không chỉ xuất phát từ phía MobiFone. Hành vi này hiện đang được các cơ quan thanh, kiểm tra tiếp tục làm rõ xem có sự chỉ đạo từ phía những cán bộ có quyền lực hay không nhằm che giấu vi phạm.

Trong nhiều hồ sơ tài liệu Thanh Niên thu thập được còn thể hiện : cuối năm 2017, sau khi Ban bí thư, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra chính phủ vào cuộc, ông Trương Minh Tuấn có dấu hiệu chỉ đạo MobiFone phải tìm mọi cách để thoát lỗ, kể cả ngoài các phương án đã thống nhất giữa Bộ Thông tin và truyền thông và MobiFone sau khi mua AVG về. Có lúc, lãnh đạo MobiFone phải chịu áp lực "nếu không làm được thì nghỉ".

Theo Thanh tra chính phủ, khoản tiền đầu tư mua cổ phần AVG về bản chất là tiền nhà nước đã được Bộ Thông tin và truyền thông và MobiFone "nhập nhèm" tại nhiều khâu, đoạn. Cụ thể, khi báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Thông tin và truyền thông đều nêu việc sử dụng vốn chủ sở hữu 30% tổng mức đầu tư, vay vốn tín dụng 70% còn lại. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án do ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ký đã không xác định cụ thể nguồn vốn để đầu tư. Trên thực tế, MobiFone đã sử dụng 100% vốn chủ sở hữu để thanh toán. Trong số này có một khoản vay thể hiện từ ngân hàng nhưng Thanh tra chính phủ chỉ rõ MobiFone đã đi "vay nóng" một ngân hàng khoản tiền 3.428 tỉ đồng, đến cuối tháng 3/2016 đã trả hết khoản nợ này. Mặt khác, trong thỏa thuận hai bên thể hiện MobiFone cam kết hỗ trợ tài chính cho AVG để trả nợ khoản vay hơn 1.000 tỉ đồng đối với một số ngân hàng và pháp nhân. Tuy nhiên, nội dung thỏa thuận này không được thể hiện trong nội dung dự án đã được Bộ Thông tin và truyền thông phê duyệt.

Chưa hết, trong các chi phí liên quan đến dự án mua AVG, MobiFone đã thanh toán và hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp với tổng số tiền 6,5 tỉ đồng, gồm cả việc thuê tư vấn thẩm định giá, kiểm toán AVG mà không tính vào chi phí của dự án là sai quy định, đồng thời né được khoản thuế thu nhập phải nộp là hơn 1,3 tỉ đồng trong thanh toán.

Quay lại trang chủ
Read 574 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)