Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

23/03/2018

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quốc hữu hóa đồng vốn tư nhân ?

VNTB

Chuyện quốc hữu hóa này, trong trường hợp cụ thể ở OceanBank, dường như có sự "tiếp tay" của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ?.

800 tỷ đồng của PVN đã bị quốc hữu hóa ?

Phiên tòa xét xử vụ PVN mất 800 tỷ khi đầu tư vào OceanBank với bị cáo đầu vụ là ông Đinh La Thăng đã đột ngột chuyển hướng từ trách nhiệm được dư luận đồn đoán là của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sang Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Ông Bình hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

ngan1

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quốc hữu hóa đồng vốn tư nhân ?

Ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) cho biết ngày 22/4/2014, một công ty cổ phần có văn bản số 39 chào mua 15% cổ phần của PVN. Ông Thắm sau đó đã ký văn bản gửi PVN và Công ty chứng khoán Dầu khí đề nghị thực hiện điều chỉnh phần vốn góp.

Ngày 7/5/2014, PVN đã có văn bản gửi lên Chính phủ, báo cáo về việc chuyển nhượng vốn của PVN sang cho tổ chức khác. Ngày 12/6/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4327 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho phép PVN thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần nhưng dưới hình thức đấu giá. Nếu đấu giá không thành thì chuyển Ngân hàng Nhà nước đại diện nguồn vốn và báo cáo cho Thủ tướng biết.

ngan2

800 tỷ đồng của PVN đã bị quốc hữu hóa ?

Tuy nhiên, sau đó đúng hai tuần, ngày 26/5/2014, Văn phòng Chính phủ lại có công văn theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng chỉ đạo PVN ngừng thoái vốn và giao cho Ngân hàng Nhà nước giải quyết.

Đến ngày 6/5/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định mua bắt buộc 100% cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng/cổ phần. Với quyết định mua bắt buộc này, coi như 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank đã mất trắng.

"Vì xuất phát từ Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ lại sau đó Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngừng lại. Nhưng sau đó chính Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua 0 đồng. Điều này không đúng pháp luật và hoàn toàn gây thiệt cho cổ đông trong đó có PVN là 20%", ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Thời điểm bị ép bán với giá 0 đồng, OceanBank đang sở hữu một lượng rất lớn bất động sản. Ngân hàng Nhà nước định giá OceanBank chỉ có 0 đồng, nhưng không chịu trả lại các tài sản đó cho cổ đông để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, trong đó có PVN.

Trên thực tế, giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ có thể âm, song giá bán có thể bằng 0 đồng, hoặc cao hơn 0 đồng, giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định dựa trên sự đánh giá, xác thực về tài chính của tổ chức kiểm toán độc lập xác định, chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chánh như cách mà Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã làm.

Chuyện cố tình quốc hữu hóa một ngân hàng tư nhân với giá 0 đồng, là gây thiệt hại cho cổ đông, vì dẫu ngân hàng có âm vốn, nhưng ít nhất vẫn còn giá trị thương hiệu, là tài sản hữu hình cần phải được định giá để từ đó đưa ra giá bán.

Ngân hàng Nhà nước có đi đêm với ai không ?

Theo các tài liệu trong hồ sơ, hành vi làm trái ở OceanBank chỉ là việc chi lãi vượt trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và có chế độ "chăm sóc khách hàng". Theo luật sư Nguyễn Trọng Tỵ – Nguyên Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, việc làm trái này xét về bản chất là việc lôi kéo khách hàng để duy trì cho OceanBank không bị đổ vỡ, không có ý đồ làm hại đến quyền lợi của Nhà nước. Đối với khách hàng vay tiền của OceanBank, họ chấp nhận việc trả lãi vượt trần, nếu họ không đồng ý, OceanBank không thể bắt buộc họ. Đối với khách gửi vào, họ được hưởng thêm ngoài hợp đồng gọi là "chăm sóc khách hàng" chắc rằng không ai phản đối.

Như vậy, cần xem xét đến vai trò kiểm tra, giám sát của Ngân hàng nhà nước Việt Nam khi đó. Tại sao Ngân hàng Nhà nước được cho rằng đã ba lần kiểm tra, mà việc làm bị cáo buộc là sai trái của OceanBank vẫn tồn tại ? Từ đó dư luận có quyền đặt câu hỏi rằng, Ngân hàng Nhà nước có được hưởng lợi gì từ việc làm trái của OceanBank hay không ? 

ngan3

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Sở dĩ đặt vấn đề cần truy cứu trách nhiệm của Nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình vì vào ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng, nhưng lại không dựa trên cơ sở pháp lý nào ? Không thấy có văn bản pháp luật nào, kể cả Luật Ngân hàng cũng không quy định Ngân hàng Nhà nước có quyền ấy. 

OceanBank có một hội sở chính, 16 khối nghiệp vụ, 21 chi nhánh, 74 phòng giao dịch, 6 quỹ tiết kiệm đặt rải rác toàn quốc. Đến ngày 31/3/2014 vốn điều lệ của OceanBank có 4.000 tỷ đồng của 1.137 cổ đông, trong đó ông Hà Văn Thắm là Chủ tịch Hội đồng quản trị có trên 62% vốn điều lệ và có 4 cổ đông góp trên 5%, PVN có 20% vốn điều lệ. Với một tài sản như thế mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình quyết định mua với giá 0 đồng là không bình thường.

Vì sao lại là Vũ Văn Ninh ?

Tất cả thông tin liên quan đến ông Vũ Văn Ninh như đã nói ở trên, thực ra không hề mới. Tất cả đều thể hiện chi tiết trong các bút lục. Hầu tòa năm ngoái, ông Hà Văn Thắm cũng từng nhắc đến vị Phó Thủ tướng từng là Bộ trưởng Bộ Tài chính này, song trên báo chí và cả truyền thông mạng xã hội đều không nêu cụ thể tên của ông Vũ Văn Ninh.

Ông Vũ Văn Ninh từng là tay phải của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Chính phủ, nắm tay hòm chìa khóa. Trong tổ công tác thúc đẩy TPP, ông Ninh được cho là nhân vật then chốt nhưng ít xuất hiện trên báo chí so với ông Vũ Huy Hoàng. Ông Ninh cũng là nhân vật được coi là có tư duy cải cách, câu phát biểu của ông với hàm ý "TPP sẽ thúc đẩy sự thay đổi tư duy từ bên trong Đảng" đến nay nhiều nhà quan sát chính trị Việt Nam chắc vẫn còn nhớ.

Việc ngân sách Đảng được lộ ra cho quần chúng biết qua website của Bộ Tài Chính khi ông Ninh còn là Phó Thủ tướng phụ trách ngân sách, cũng làm dư luận xôn xao bàn tán một thời gian. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì văn phòng Trung ương Đảng xài tiền "hơi nhiều" so với các ban tương đương khác. Đã có thời khi uy thế chính trị của ông Dũng lên cao nhất, có những đồn đoán ngay trong Đảng là ông Ninh sẽ được cơ cấu vào Bộ Chính Trị…

Cuối cùng tất cả qua đi, ông Ninh về hưu trong lặng lẽ, và hôm nay bỗng nhiên tên của ông lại xuất hiện trên các mặt báo với hàm ý đe dọa…

Phải chăng câu nói thường nghe trong phim kiếm hiệp trên truyền hình là "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn" lại ứng vào số mệnh chính trị của ông Vũ Văn Ninh ?

Thảo Vy - Nguyễn Phúc

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)