Cựu chiến binh từ cả 2 chiến tuyến của cuộc chiến tranh Việt Nam gặp mặt tại thành phố Hồ Chí Minh để mở màn một cuộc triển lãm chống chiến tranh trưng bày những hiện vật từ thập niên 1960 và 1970.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch Tết Mậu Thân, những người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam, gồm cả những người từng chiến đấu trên chiến trường, đã gặp những người từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến.
Hôm 20/3, các cựu quân nhân của hai nước cựu thù, cả nam và nữ, tụ tập về thành phố Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi trưng bày những hiện vật và các câu chuyện về chiến tranh Việt Nam nhìn từ quan điểm của chính quyền cộng sản.
Có nhiều sự kiện kỷ niệm cuộc chiến trong tuần lễ các chiến binh Mỹ và Việt Nam gặp nhau tại đây. Một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ trận Tết Mậu Thân, một chiến dịch với những trận đánh bất ngờ nhắm vào các khu chỉ huy quân sự và dân sự trên toàn miền nam. Và cũng đã nửa thế kỷ kể từ vụ thảm sát Mỹ Lai trong đó hàng trăm thường dân bị thiệt mạng dưới làn đạn của một đợn vị quân đội Mỹ.
Nhiều người Mỹ tham dự hôm 20/3 đã từng phản đối cuộc chiến bằng nhiều cách, từ từ chối nhập ngũ tới đào ngũ sau khi đã được đưa sang Việt Nam.
Nhiều thập kỷ sau, một số người lần đầu tiên tới đất nước cộng sản này kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Họ tham gia một tour gọi là chuyến đi hòa bình, với một chặng dừng chân tại làng Mỹ Lai để dự một buổi lễ tưởng niệm. Trên khắp Việt Nam, người ta thấy những tấm áp phích trên các đường phố và những quầy trưng bày sách nói về chiến dịch Tết Mậu Thân, và một buổi công chiếu phim và thảo luận với nhà làm bộ phim "Người thức tỉnh Mỹ Lai", nói về một phi công người Mỹ, Chuẩn úy Hugh Thompson, là người đầu tiên đã phơi bày trước ánh sáng thảm họa Mỹ Lai.
Trước khi dùng bữa trưa với món lẩu Việt Nam, những người khách đến từ Mỹ mô tả những cuộc đấu tranh của riêng họ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Mike Southerland đã được điều sang Việt Nam nhưng cuối cùng bỏ trốn sang Thụy Điển. Judy Olasov lập ra những quán cà phê chui cho những người từ chối nhập ngũ vì cho rằng cuộc chiến trái với đạo lý, đây là nơi tụ tập của những binh sĩ, da đen, da trắng, và cả sinh viên. JJ Johnson ghi tên nhập ngũ nhưng bị bỏ tù vì từ chối sang Việt Nam.
"Sự can đảm và tiên phong của người Việt đã truyền cảm hứng cho những người trong chúng tôi ở cả trong và ngoài quân ngũ", ông Johnson, người được truyền cảm hứng từ lập trường phản chiến của mục sư Martin Luther King và võ sĩ quyền Anh Muhammad Ali, nói : "Chúng tôi cảm thấy nếu một đất nước khá nhỏ bé, không có công nghệ, hỏa lực, và các nguồn lực của một quốc gia hùng mạnh trên toàn cầu có thể vượt qua được thì có lẽ chúng tôi cũng làm được".
Phan Thị Ngọc Tươi, cựu đại tá thuộc các lực lượng đặc biệt của quân đội Bắc Việt nói : "Chiến tranh đã kết thúc 40 năm rồi nhưng vết thương vẫn rỉ máu".
Bà Tươi kể về nỗi đau khi mất đi người thân trong gia đình trong cuộc chiến đẫm máu và về lòng tin của bà lúc đó rằng đánh nhau là lựa chọn duy nhất để kết thúc cuộc chiến bạo lực.
"Tôi yêu hòa bình, nên tôi cầm súng đánh Mỹ ở tuổi 13", bà nói tại một buổi đàm luận trước bữa ăn trưa với hơn 20 cựu chiến binh Mỹ.
Cuộc hội thảo bàn tròn này là hoạt động mở màn cho một cuộc triển lãm tại bảo tàng Chứng tích Chiến tranh có tên gọi "Đấu tranh vì hòa bình – Quân nhân Mỹ và cựu binh phản đối ‘Chiến tranh của Mỹ’ ở Việt Nam". Triển lãm mở cửa tới ngày 15/4.
"Đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chúng tôi phải chống lại một đội quân nhà nghề từ nửa vòng trái đất mang đến thì càng phi lý", ông Đông Anh Kiệt, thành viên của Hiệp hội Cựu chiến binh địa phương nói.
Nhưng ông thừa nhận rằng cả hai bên đều phải chịu nhiều tổn thất, ông nói các bà mẹ người Mỹ có thể thông cảm với những sự mất mát mà các bà mẹ Việt Nam cũng đã trải qua.
Chuck Searcy, người đứng đầu một chi nhánh của Nhóm Cựu chiến binh vì Hòa bình có cơ sở tại Hà Nội, là người đồng tổ chức cuộc gặp mặt với bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà cựu ngoại giao Việt Nam và Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển tp Hồ Chí Minh.
Ha Nguyên