‘Điệp vụ Biển Đỏ’ lọt lưới kiểm duyệt Hà Nội (RFA, 28/03/2018)
Bộ phim ‘Điệp vụ Biển Đỏ" do Trung Quốc sản xuất và được công chiếu ở các rạp tại Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền vừa qua vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những khán giả Việt.
Poster phim Điệp vụ Biển Đỏ. Screen capture of Google
Lý do được nói là trong 36 giây cuối của bộ phim, tàu tuần tra hải quân Trung Quốc ở biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) trục xuất tàu lạ nước ngoài khỏi vùng biển xung quanh "quần đảo Nam Sa" mà Việt Nam gọi là Trường Sa. Giới quan sát trong nước nhìn nhận thế nào về vấn đề này ?
Chống chế của Hội Đồng Duyệt Phim
Trước phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 26 tháng 3 nói với truyền thông trong nước rằng bộ phim được kiểm duyệt đúng quy trình, đồng thời cũng phản bác những ý kiến cho rằng bộ phim nói Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định đây là hoàn toàn suy diễn chứ không hề có trong phim.
Tuy nhiên, cụm rạp CGV sau đó đã bỏ suất chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ với lý do không bán được vé chứ không phải do lệnh cấm chiếu.
Nhận xét về hành động này, ông Đỗ Thái Bình, kỹ sư đóng tàu, thành viên Hội Khoa Học Biển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng :
"Cấm chiếu là việc rút lại cái sai của người ta vì đã cho chiếu. Mọi người đã góp ý sai lầm rồi, nhưng đến giờ họ mới cấm, nhưng vẫn chống chế rằng họ duyệt đúng quy trình".
Hội đồng kiểm duyệt
Trước khi một bộ phim được công chiếu tại các rạp đòi hỏi phải trải qua những quy trình kiểm duyệt gắt gao. Trong buổi duyệt phim Điệp vụ Biển Đỏ có sự tham gia của 7 thành viên, trong đó có nhà thơ – nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục Điện ảnh, ông Nguyễn Danh Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia…
Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Huy, họa sĩ tham gia dựng bối cảnh "Kong : Skull Island", thì Hội đồng kiểm duyệt bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ gồm những người có rất nhiều kinh nghiệm vì nhiều người trong số họ là đồng nghiệp của ông, nên xảy ra sơ xuất lần này cũng khiến ông khá bất ngờ.
Về phía ông Đỗ Thái Bình lại cho rằng xưa nay Cục kiểm duyệt vẫn khá thận trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế :
"Trình độ nhận thức, trình độ văn hóa hơi thấp, bởi vì trước đây có những cái họ để lọt lưới rất vô ích và không thể tưởng tượng được. Ví dụ như họ cho phát hành bài ca ngợi tướng Hứa Thế Hữu, là người chỉ huy trận Hoàng Sa. Như vậy chứng tỏ họ không có nhận thức, bản thân họ không có trình độ để phân tích sự thật".
Ông cũng cho rằng vai trò của Cục Kiểm Duyệt rất quan trọng, vì với những thông tin không chính xác hoặc sai lệch, những người hiểu biết có thể phân tích được, còn đại đa số quần chúng có vẻ thiếu thông tin thì sẽ có ảnh hưởng lớn.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, không chỉ riêng Hội đồng kiểm duyệt phải chịu trách nhiệm trong việc thông qua cho phim Điệp vụ Biển Đỏ được ra rạp, mà cả Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cũng có phần liên quan :
"Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đương chức, ông đã bỏ ra từ ngân sách 180 tỷ để tuyên truyền biển đảo. Mà hội đồng duyệt phim và ngay cả Thứ trưởng của Bộ Văn – Thể – Du (Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cũng không hiểu thế nào là lãnh hải, nội dung khái niệm lãnh hải và các vấn đề liên quan đến lãnh hải.
Bộ phim được trang mạng của Hoàn Cầu Thời báo, tức là phụ bản của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc và trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc quảng bá bộ phim này và chỉ rõ ra lãnh hải trong bộ phim đề cập đến và quyền chiếm đóng của Trung Quốc ở cái gọi là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc – tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chúng tôi không thể chấp nhận cách trả lời của các ông bà trong Bộ phận duyệt phim và Thứ trưởng Bộ Văn – Thể – Du".
Kiểm duyệt phim tuyên truyền
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, để tránh trường hợp kiểm duyệt sót như vụ việc phim Điệp vụ Biển Đỏ, cần có một tổ kiểm định có nhận thức chuyên môn sâu sắc hơn :
"Yêu cầu Hội đồng duyệt phim tập hợp được những người có đầy đủ trình độ về luật, công pháp quốc tế, về tất cả vấn đề để nhận rõ bản chất Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh mềm về kinh tế, văn hóa để hợp thức hóa quá trình chiếm biển, chiếm đảo trên Biển Đông".
Hiện tại, dù bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ không còn được chiếu ở các rạp chiếu phim ở Việt Nam, nhưng cách trả lời truyền thông trong nước của những đại diện từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa khiến giới quan tâm chấp nhận vì chưa đưa ra được cách giải quyết cụ thể và không bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm cho sai phạm này.
Do đó, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đề ra giải pháp :
"Sau bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ quảng bá cho quyền bất hợp pháp trên Biển Đông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có hình thức kiểm điểm".
Giới quan sát cho rằng trong những năm gần đây, Bắc Kinh bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư vào thị trường phim ảnh nhằm quảng bá sức mạnh của Hải quân Trung Quốc với những tàu chiến và vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, không phải bộ phim tuyên truyền nào cũng được đón nhận rộng rãi, điển hình là hai bộ phim Kim Lăng Thập Tam Hoa và Vạn lý Trường Thành của đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Nhưng đến khi công chiếu phim Chiến Lang 2, Điệp vụ Tam giác vàng (Điệp vụ Mekong), Điệp vụ Biển Đỏ với nhiều yếu tố giải trí, Trung Quốc dường như đạt được ý đồ tuyên tuyền của họ.
*********************
Việt Nam bác bỏ thông tin về phim Điệp vụ Biển Đỏ (RFA, 26/03/2018)
Đại diện Cục Điện ảnh Việt Nam, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 26 tháng 3, lên tiếng bác bỏ các thông tin trên mạng xã hội cho rằng bộ phim Điệp Vụ Biển Đỏ tuyên truyền Biển Đông là của Trung Quốc.
Một cảnh trong phim Điệp vụ Biển Đỏ của Trung Quốc gây tranh cãi ở Việt Nam vì nói đến Biển Đông
Thông cáo chiều 26/3 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói "không có căn cứ" để kết luận phim Điệp vụ Biển Đỏ "có vấn đề" về nội dung, tư tưởng.
Theo tường thuật trên nhiều trang tin Việt Nam hồi cuối tuần qua, cuối bộ phim có một cảnh ngắn chiếu hình ảnh một vùng biển được gọi là South China Sea (thường được Việt Nam dịch là Biển Đông), ở đó các tàu chấp pháp Trung Quốc bao vây một con tàu không rõ quốc tịch. Tàu Trung Quốc dùng loa thông báo rằng nơi đó là hải phận của Trung Quốc và yêu cầu con tàu kia phải lập tức rút khỏi vùng biển.
Các báo cho rằng đoạn phim hoàn toàn "lạc lõng", "dư thừa", "không liên quan" tới nội dung chính trong hơn 130 phút đầu.
Tin tức về đoạn phim gây tranh cãi loan đi trên truyền thông Việt Nam đã dẫn đến nhiều lời bình luận tiêu cực hay chỉ trích bộ phim xuất hiện trên mạng xã hội trong suốt hai ngày cuối tuần.
Ngày 24/3, hãng CGV sở hữu các rạp lớn ở Việt Nam nói họ chấm dứt chiếu phim Điệp vụ Biển Đỏ "vì không có khán giả" sau khi đã chiếu được 10 ngày.
Trong thông cáo mới đây, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khẳng định Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, trong đó có cả lãnh đạo cấp vụ của Ban Tuyên giáo trung ương, đã thẩm định phim "đúng quy trình hiện hành".
Về đoạn phim gây xôn xao dư luận, bộ nói "Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo".
Trước đó, sáng 26/3, trong một phát biểu với báo chí, bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc bộ, nói việc nhiều người cho rằng phim có cảnh thể hiện Biển Đông thuộc Trung Quốc là "hoàn toàn suy diễn". Theo bà Dung, người cũng là ủy viên Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện, cảnh như vậy "không có trong phim".
Ông Phạm Viết Đào, người từng công tác tại Vụ Điện ảnh của Bộ Văn hóa và từng là thanh tra ở bộ, không đồng tình với các lập luận của bộ. Ông nêu quan điểm với VOA :
"Đậy gọi là việc lấp liếm, cãi cùn, chối tội. Cái việc bây giờ là đã rồi thì tìm mọi cách để không bị kỷ luật. [Ở] Việt Nam quan chức có bao giờ nhận lỗi dễ dàng đâu. Theo tôi là phải nhận khuyết điểm, phải nhận thiếu sót. Cấp trên thì phải có hình thức kỷ luật".
Nhà văn Phạm Viết Đào, cũng là một cựu tù nhân lương tâm vì đã đăng các bài công kích chính quyền, khẳng định việc để lọt bộ phim Trung Quốc có đoạn gây tranh cãi nói lên "sự tắc trách" và "thiếu nhạy cảm chính trị" của nhiều quan chức thuộc Bộ Văn hóa lẫn Ban Tuyên giáo.
Ông Đào cũng đưa ra chất vấn vì sao chính quyền hăm dọa, thậm chí bỏ tù một số nhà hoạt động chỉ vì họ nói ra vấn đề chủ quyền, biển đảo, trong khi lại để lọt cả một bộ phim của Trung Quốc có thông tin "nhạy cảm" về chủ đề này.
Phim Điệp vụ Biển Đỏ dựa trên một sự kiện có thật xảy ra năm 2015, khi quân đội Trung Quốc sơ tán gần 600 công dân nước họ và hơn 200 người nước ngoài ra khỏi Yemen do nội chiến ở quốc gia đó.
Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Việt Nam đã xem phim hồi đầu tháng này và cấp phép hôm 15/3 với điều kiện cấm khán giả dưới 18 tuổi do trong phim có nhiều cảnh bạo lực. Bộ phim được công chiếu hôm 16/3.
*********************
Việt Nam cho công chiếu phim nói Biển Đông là của Trung Quốc (CaliToday, 27/03/2018)
Đúng 30 năm sau ngày Việt Nam mất đảo Gạc Ma và một số đảo khác vào tay giặc Tàu, chính quyền cộng sản Việt Nam đã cho công chiếu bộ phim "Điệp vụ Biển đỏ" do Trung Quốc sản xuất. Điều đáng nói là bộ phim cho Biển Đông là của Trung Quốc nhưng vẫn được bộ máy kiểm duyệt cho công chiếu.
Một cảnh trong phim Điệp vụ Biển đỏ. Ảnh : Internet
Sự kiện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho công chiếu bộ phim do Trung Quốc sản xuất nói Biển Đông là của họ đã gây phẫn nộ trong công chúng. Nhiều người cho rằng, đúng 30 năm ngày Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc, 64 tử sĩ chết ở Biển Đông vẫn chưa được tìm thấy xác mà nhà cầm quyền lại cho công chiếu bộ phim trên là tiếp tay cho việc thừa nhận đường Lưỡi Bò mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sở hữu từ lâu nay. Không những thế, việc cho công chiếu bộ phim trên làm tổn thương người dân Việt, khi mà chỉ vì đi tưởng niệm 30 năm ngày 64 tử sĩ vì gìn giữ biển đảo mà bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xua công an, quân đội và các lực lượng có trách nhiệm khác đến đàn áp. Trong khi chính quyền lại cho thoải mái trình chiếu bộ phim Điệp vụ Biển đỏ.
Trước những áp lực của dư luận, chiều ngày 26/3/2018, Bộ Văn hóa đã chính thức lên tiếng. Trong thông cáo báo chí, Bộ Văn hóa khẳng định rằng, Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại truyền hình gồm nhiều thành viên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương, ủy ban văn hóa, giáo dục ; phó cục trưởng Cục điện ảnh ; phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam cùng các chuyên gia có uy tín khác đã đồng ý cho bộ phim Điệp vụ Biển đỏ được trình chiếu ở Việt Nam, chỉ với điều kiện là cấm khán giả dưới 18 tuổi.
Thông cáo còn cáo buộc giới truyền thông, báo chí đã quan trọng hóa vấn đề "Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim tập trung vào 2 nội dung như quy kết. Đây là những thông tin có tính suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội".
Các thành viên Hội đồng duyệt phim Điệp vụ Biển đỏ. Từ trên xuống, từ trái sang : Ông Đỗ Duy Anh, phó cục trưởng cục Điện ảnh ; bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, biên kịch ; ông Vũ Xuân Hưng, nghệ sĩ ưu tú, nhà biên kịch, đạo diễn ; bà Lý Phương Dung, phó cục trưởng cục Điện ảnh ; bà Ngô Phương An, cục trưởng cục Điện ảnh ; ông Nguyễn Hữu Thức- vụ trưởng Vụ Văn hóa-văn nghệ Ban Tuyên giáo trung ương ; ông Nguyễn Danh Dương, giám đốc trung tâm chiếu phim quốc gia.
Thông cáo của Bộ văn hóa chẳng khác gì tạt gáo nước lạnh vào mặt công chúng, xem họ như những người vô tri không biết mục đích, dã tâm của chính quyền Trung Quốc. Hơn nữa, công chúng cũng phần nào hiểu được âm mưu của Bộ Văn hóa trước những tâm địa của bọn bành trướng Bắc Kinh.
Ông Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về Biển Đông khi được báo Thanh Niên hỏi, liệu Điệp vụ Biển đỏ có mang thông điệp Biển Đông là của Trung Quốc không, ông đã không ngần ngại mà nói "Chắc chắn là có".
Ông Việt còn cho biết, hiện nay, chính quyền Bắc Kinh đang sử dụng một cuộc chiến phi quân sự để cốt làm sao chiếm được ưu thế trong vấn đề Biển Đông, đó là cuộc chiến về truyền thông, tâm lý và pháp lý. Do đó, nếu tách rời ra thì tưởng chừng như vô hại nhưng nó lại nằm trong chiến lược của Trung Quốc.
Với việc Bộ Văn hóa khẳng định bộ phim được trình chiếu "đúng quy trình" đã cho thấy cơ quan này rất vô trách nhiệm và thiếu nhạy cảm về chính trị.
Trong những năm gần đây, ngoài việc tung ra những bộ phim nâng cao tinh thần dân tộc, chủ nghĩa Đại Hán, chính quyền Trung Quốc còn làm rất nhiều cách để khẳng định tính pháp lý của đường Lưỡi Bò. Họ sản xuất rất nhiều bản đồ có đường Lưỡi Bò, rồi tung sang Việt Nam và các nước trên thế giới ; các nhà khoa học Trung Quốc quảng bá đường Lưỡi Bò trên các tạp chí chuyên ngành trên thế giới ; các công dân của họ khi sang Việt Nam du hý cũng mang theo hộ chiếu có đường Lưỡi Bò…Nói tóm lại, Trung Quốc không từ mọi thủ đoạn để khẳng định họ sở hữu 80% diện tích trên Biển Đông.
Việc cho trình chiếu bộ phim Điệp vụ Biển đỏ còn diễn ra trong bối cảnh khi mới đây, dưới áp lực của chính quyền Trung Quốc, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã phải dừng dự án khai thác dầu khí mỏ Cá Rồng Đỏ với tập đoàn Repsol Tây Ban Nha. Với việc ngừng khai thác này đã phần nào cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra hèn hạ, chấp nhận nhượng cả phần lãnh hải nằm trong quyền tài phán cho Trung Quốc.
Chưa hết, hàng năm, cứ vào thời gian này là cao điểm mà các tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi, bao vây các tàu cá của ngư dân Việt Nam. Đã có rất nhiều tàu cá bị hải quân Trung Quốc cướp bóc, thậm chí có người còn bị chết dưới súng của hải quân Trung Quốc. Vậy nhưng, bỏ qua tất cả những điều đó, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn cho công chiếu bộ phim nói Biển Đông là của Trung Quốc. Việc cho công chiếu bộ phim nói trên phần nào cho thấy rằng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thừa nhận phần lãnh hải của Việt Nam thuộc về Trung Quốc, thừa nhận đường Lưỡi Bò phi lý.
Người Quan Sát