Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/03/2018

Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông : khả năng đối phó của Việt Nam : tự lực và tìm đồng minh

RFI tiếng Việt

Việt Nam chỉ đủ sức đánh 'dập mũi' Trung Quốc nếu xung đột (BBC, 29/03/2018)

Quân đội Việt Nam thoạt đầu có thể khiến Trung Quốc 'dập mũi' trong đụng độ ngắn trên Biển Đông, nhưng sẽ thất bại nếu lâm vào xung đột cường độ cao và kéo dài.

danh1

Hải quân Việt Nam diễu binh trong buổi lễ tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11/2017

Đó là nhận định của ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp của The Diplomat, tạp chí chuyên về an ninh và chính sách đối ngoại Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong email trả lời BBC hôm 28/3, ông Parameswaran cho rằng với tiềm lực quân sự quá khiêm tốn trước Trung Quốc, Việt Nam chỉ có thể cầm giữ trong cuộc đối đầu ngắn.

Thế nhưng, theo ông, xác suất một cuộc xung đột quân sự cường độ cao kéo dài là rất khó xảy ra giữa hai nước.

Thay vào đó, có thể chỉ là một cuộc đối đầu trên biển tương tự như hồi tháng 5/2014 sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu HD 981.

danh2

Liệu kịch bản đụng độ mùa hè 2014 có xảy ra vào mùa hè 2018 ?

Đồng tình với quan điểm này, Derek Grossman, nhà nghiên cứu quốc phòng của Rand Corporation, nói với BBC hôm 29/3 :

"Có lẽ kịch bản có khả năng xảy ra nhất là một sự đụng độ giữa thuyền đánh cá dẫn đến sự can thiệp của cảnh sát biển Trung Quốc và Việt Nam, và có thể leo thang từ đó",

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh quyết định tăng sức ép, Việt Nam sẽ gặp rắc rối khi phải tiến hành và duy trì tác chiến trên Biển Đông.

Lý do là Việt Nam có quá ít, thậm chí không có kinh nghiệm, hoạt động trong khu vực cả trên không và trên biển, ông Grossman, người từng phụ trách thông tin về an ninh Châu Á Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc, nhận định.

Quân đội Việt Nam có những đặc điểm gì ?

Trong bài viết với tiêu đề "Quân đội Việt Nam có thể chống chọi trước Trung Quốc trên Biển Đông ?" hồi 1/2018, ông Grossman phân tích cụ thể những điểm mạnh và yếu của Việt Nam, trước khả năng xung đột quân sự với Trung Quốc.

Đầu tiên, các tướng lĩnh Việt Nam vẫn muốn đem chiến lược chiến tranh du kích và khái niệm "cuộc chiến toàn dân" trên đất liền áp dụng vào chiến lược tác chiến trên không và trên biển, Grossman phân tích.

Tuy chiến lược này có một số điểm mạnh vì lợi thế địa lý bờ biển Việt Nam, chiến lược tác chiến trên không và ngoài biển khơi lại còn rất sơ sài, chưa có tiến bộ gì.

Thứ hai, nguồn quân lực của quân đội còn tập trung quá nhiều vào lục quân.

Hải quân Việt Nam chỉ có 40 nghìn quân, và binh chủng Phòng không và Không quân ở con số 30 nghìn, kể từ 2009.

danh3

Tân Hoa Xã tung ra các ảnh chụp đợt diễn tập gồm không quân và hải quân của Trung Quốc ở Biển Đông vào cuối tháng 3/2018 trong lúc có nhà quan sát sẽ diễn tập 'hàng tháng' tại vùng biển này

Trong khi đó, lục quân vẫn đông nhất, khoảng 400.000 người, theo một báo cáo năm 2017.

Cuối cùng là khả năng Nhận thức Vấn đề Vùng Biển (Maritime Domain Awareness) và tương tác giữa các hệ thống quân sự tương đối thấp. Khả năng tình báo và khai thác thông tin trên biển của Việt Nam vẫn còn kém.

Thêm vào đó, vì khoản ngân sách khiêm tốn, Việt Nam sở hữu một hệ thống vũ khí "đa chủng loại" từ nhiều quốc gia khác nhau, dẫn đến tương tác giữa các thiết bị không hiệu quả.

Tuy nhiên, Derek Grossman đánh giá Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể và đúng hướng trong việc hiện đại hóa quân sự trong nhiều năm qua.

Theo ông, việc Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng từ khoảng 4 tỷ đô la lên 6,2 tỷ đô la vào 2020, và đây là chỉ dấu họ nỗ lực tập trung hiện đại hóa quân sự.

Thêm vào đó, việc mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và một phi cơ chiến đấu đa năng Sukhoi và xây dựng hệ thống tên lửa đối hạm (ASCM), và nhiều thiết bị phòng thủ khác, Việt Nam cho thấy có thể gây ra thiệt hại không nhỏ cho Trung quốc nếu xảy ra đụng độ.

danh4

Hàng chục tàu chiến cùng một hàng không mẫu hạm Trung Quốc bắt đầu vào tập trận ở Biển Đông, theo Tân Hoa Xã hôm 26/3. Hình tàu Liêu Ninh chỉ có tính minh họa

"Tôi thực sự nghĩ rằng Việt Nam đang có tất cả các bước đi đúng đắn trong việc hiện đại hóa quân sự", Derek Grossman nói với BBC Tiếng Việt.

"Thực tế khắc nghiệt là Việt Nam không thể làm được nhiều, một quyền lực hạng trung, so với nguồn lực khổng lồ của Trung Quốc. Và Việt Nam tất nhiên hiểu rất rõ điều này".

Ngân sách quốc phòng của Việt Nam, ước tính khoảng 5-6 tỷ đôla, chỉ là "chú lùn" so với ngân sách ước tính 175 tỷ đôla của Trung Quốc, theo ông Grossman.

Còn ông Prashanth Parameswaran thì cho rằng :

"Thách thức chính đối với Việt Nam bây giờ là sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nỗ lực xây dựng năng lực phòng thủ bằng quân sự của các nước còn lại".

Cả Grossman và Parameswaran cho rằng phương án tốt nhất mà Việt Nam vẫn đang nỗ lực làm là xây dựng các mối quan hệ đối tác quốc phòng với các quốc gia có thể hỗ trợ Việt Nam.

Có thể không nhất thiết phải hỗ trợ về mặt quân sự nhưng ít nhất về mặt ngoại giao, tạo vị thế cho Việt Nam thuyết phục Trung Quốc thoái trào.

Việt Nam cũng tìm cách gia tăng mối quan hệ đối tác với các nước thành viên thuộc nhóm Tứ Cường (Quad), bao gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Derek Grossman cũng đưa ra một số đề nghị mà Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam tuy nhiên, cảnh báo Việt Nam sẽ không sẵn sàng tiếp nhận, vì Hà Nội vẫn còn thái độ ngờ vực đối với Hoa Kỳ và luôn lưỡng lự không muốn có những hành động khiêu khích Trung Quốc.

Trung Quốc tung ra các ảnh chụp đợt diễn tập gồm không quân và hải quân ở Biển Đông vào cuối tháng 3/2018, khiến có nhà quan sát bình luận rằng Trung Quốc sẽ diễn tập 'hàng tháng' tại vùng biển này, chứ không chỉ hàng năm như trước.

Báo Anh cũng đưa tin về 'cuộc diễn tập lớn chưa từng có' của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Bộ trưởng Gavin Williamson tuyên bố chiến hạm HMS Sutherland của Anh có kế hoạch tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải ở vùng biển này.

Các sự kiện này xảy ra sau khi Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson vào thăm Đà Nẵng đầu tháng 3 năm nay như một dấu hiệu quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt tiến triển hơn trước.

********************

Tháng Ba 2018 : Việt Nam nỗ lực tìm đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông (RFI, 28/03/2018)

Đối với một quốc gia mà theo truyền thống không muốn khoa trương trên mặt ngoại giao để khỏi phải đối đầu một cách không cần thiết với người láng giềng phương Bắc to lớn hơn nhiều, thì Việt Nam trong tháng 3 này đã có một loạt hoạt động nhằm củng cố sức răn đe đối với Trung Quốc ở Biển Đông.

doitrong1

Lễ đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại phủ tổng thống Ấn Độ, New Delhi, ngày 03/03/2018 - Prakash SINGH / AFP

Trong bài viết mang tựa đề rất dài "Vì sao tháng Ba năm 2018 đã trở thành một tháng năng động đối với Việt Nam trong nỗ lực tìm đối trọng chống Trung Quốc ở Biển Đông", tờ báo Nhật Bản The Diplomat đã điểm lại một số sự kiện nổi bật liên quan đến Việt Nam để cho rằng những hoạt động đó đã phần nào cho thấy sự chuyển biến trong chiến lược phòng thủ của Việt Nam mà mục tiêu là chống lại đà bành trướng quân sự và thái độ quyết đoán của Trung Quốc trong vùng, đang càng lúc càng khiến Việt Nam lo ngại.

Sự kiện nổi bật đầu tiên được chuyên gia kỳ cựu về an ninh quốc phòng Derek Grossman, thuộc cơ quan nghiên cứu Mỹ Rand Corporation, tác giả của bài phân tích ghi nhận là chuyến thăm Ấn Độ vào đầu tháng Ba của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Ngày 02/03, ông Trần Đại Quang viếng thăm Ấn Độ, gặp thủ tướng Narendra Modi. Ngày mùng 3, hai lãnh đạo ra thông cáo chung, tiếp tục công cuộc hợp tác về quốc phòng, bao gồm cả đối thoại cấp cao, cung cấp vũ khí, lẫn kế hoạch cho tàu chiến và tàu tuần duyên ghé thăm cảng của nhau và các đề án xây dựng năng lực quốc phòng. Hai ông Modi và Trần Đại Quang cũng khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở vùng Biển Đông cũng như giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Việt Nam chấp nhận khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương

Nhưng điều đập mắt nhất chính là quyết định của Việt Nam đi thêm một bước, xác nhận sự cần thiết đối với Việt Nam và Ấn Độ là phải hợp sức tạo nên một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng. Đây có lẽ là lần đầu tiên mà một lãnh đạo Việt Nam có tuyên bố như vậy về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Điểm chắc chắn là chủ tịch Việt Nam muốn đáp ứng mối quan tâm và lợi ích địa chiến lược của Ấn Độ, vì New Delhi từ mấy năm qua nói rõ quan điểm của họ về Biển Đông. Việc ông Quang sử dụng từ ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương hay Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, như trong phát biểu ngày 04/03, cho thấy là Hà Nội đã sẵn sàng chấp nhận khái niệm mà Hoa Kỳ đã cố thúc đẩy, theo đó các đối tác trong vùng cùng làm việc với nhau để làm đối trọng và tạo sức răn đe đối với các hoạt động của Trung Quốc.

Đối với ông Grossman, sự kiện Việt Nam công nhận khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương đã đưa Việt Nam xích lại gần hơn với mục tiêu của nhóm Quad - tức nhóm đối tác chiến lược giữa bộ tứ : Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc – nhằm đối phó với đà vươn lên của Trung Quốc. Việc lên tiếng công nhận rất có ý nghĩa, nhưng không hoàn toàn gây ngạc nhiên vì Việt Nam đã nhanh chóng thắt chặt quan hệ quốc phòng với tất cả các thành viên của bộ tứ Quad.

Đón tàu sân bay USS Carl Winson, ý muốn răn đe Trung Quốc ?

Sự kiện nổi bật thứ hai được nêu lên, diễn ra ngày 05/03, khi Việt Nam đón chiếc USS Carl Winson, hàng không mẫu hạm Mỹ đầu tiên ghé cảng Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc.

Quyết định đón tàu sân bay biểu tượng của sức mạnh Mỹ là một dấu hiệu rõ ràng về ý muốn răn đe Trung Quốc. Chuyến ghé cảng đó đã thu hút sự chú ý của thế giới trên quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, đã tiến triễn mạnh từ tháng 5/2016, khi tổng thống Obama đến Hà Nội và tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Trong chuyến đi Việt Nam để thảo luận chi tiết về chuyến ghé cảng của tàu sân bay Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã nói về quan hệ Việt-Mỹ như là một quan hệ giữa các "đối tác cùng ý hướng", gợi lên khả năng là quan hệ quốc phòng song phương sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai.

Tập trận Milan

Rồi từ ngày 06 đến 13/03, Việt Nam là một trong 16 nước tham gia cuộc tập trận Hải Quân Milan, tổ chức hai năm một lần. Do Ấn Độ bảo trợ, phiên bản 2018 đã diễn ra ở phía đông Ấn Độ Dương, ở Port Blair, trong vùng quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là lần đầu tiên Việt Nam công khai xác nhân việc tham gia cuộc diễn tập Milan, trái với phiên bản 2012, khi đã có những thông báo trái ngược nhau về sự có mặt của Việt Nam.

Thêm vào đó, cuộc tập trận Milan lại diễn ra trong lúc đảo Maldives bị khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho tổng thống đương nhiệm, Abdulla Yameen, điều mà Ấn Độ rất quan ngại vì ông Yameen có thể bảo đảm cho Trung Quốc sử dụng Maldives về mặt quân sự.

Maldives rất quan trọng về địa chiến lược, vì có thể được dùng làm bàn đạp để từ đấy triển khai lực lượng giành lợi thế ở khu vực trung tâm Ấn Độ Dương và dọc con đường nối liền Vịnh Aden với eo biển Malacca. Và Việt Nam đã tham gia cuộc diễn tập Milan vào lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong lãnh vực hàng hải đang lên cao.

Việc Việt Nam hợp sức với Ấn Độ trong cuộc tập trận chung vào thời điểm tế nhị nói trên là viên thuốc đắng mà Trung Quốc phải nuốt trôi, nhưng một số phản ứng của Trung Quốc lại nhắm vào Ấn Độ. Hoàn Cầu Thời Báo đã nhận định : "Việt Nam là các bàn đạp để Hải Quân Ấn Độ vươn ảnh hưởng từ Ấn Độ Dương sang Tây Thái Bình Dương". Tác giả bài nhận định còn giải thích là Ấn Độ đang hoàn tất điều này, một phần bằng cách lôi kéo Việt Nam vào Milan.

Cho dù vậy, khi tham gia cuộc tập trận hỗn hợp Milan 2018, Việt Nam đã gởi thông điệp rất rõ ràng đến Trung Quốc là Việt Nam sẽ thắt chắt quan hệ với các đối tác có thể giúp giữ nguyên trạng ở Biển Đông nếu Trung Quốc tiếp tục thách thức.

Quan hệ ‘chiến lược’ với Úc và New Zealand

Sự kiện nổi bật thứ ba là chuyến thăm New Zealand và Úc từ ngày 12 đến 18/03 của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Tại New Zealand, ông Phúc và thủ tướng Jacinda Ardern cam kết nâng quan hệ song phương lên cấp "chiến lược" vào 2019. Và khi đến Canberra thì ông Phúc và thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nâng quan hệ lên cấp đối tác chiến lược.

Mặc dù không đặc biệt đề cập đến khái niệm "Ấn Độ-Thái Bình Dương", bản tuyên bố chung của Việt Nam với New Zealand và Úc đã nhấn mạnh trên những nguyên tắc được áp dụng cho vùng này, bao gồm nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như tôn trọng pháp luật và các thủ tục ngoại giao để giải quyết tranh chấp.

Chỉ riêng điều đó thôi cũng đã chứng minh cho Bắc Kinh thấy rằng Việt Nam có các đối tác sẵn sàng ủng hộ lập trường của mình trong các diễn đàn khu vực.

Khi tăng cường quan hệ song phương với Úc, và lên kế hoạch tương tự với New Zealand, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc giao lưu quốc phòng với các nước phương Tây sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyên nghiệp hóa lực lượng Hải Quân và Cảnh Sát Biển.

Việt Nam cẩn trọng

Câu hỏi mà chuyên gia trên tờ The Diplomat đặt ra là rút tỉa được gì từ các hoạt động tích cực của Việt Nam vào tháng Ba này ?

Đối với Derek Grossman, hoàn toàn có thể cho rằng tháng Ba bận rộn của Việt Nam nhằm mục đích cải thiện vị thế quốc phòng của đất nước trước mùa đánh cá ở Biển Đông, bắt đầu vào tháng 5, một giai đoạn thường làm tăng căng thẳng Trung Quốc-Việt Nam với việc ngư dân và lực lượng tuần duyên của hai bên chạm trán nhau thường xuyên hơn.

Grossman còn nhắc lại sự cố vào tháng 5 năm 2014, Bắc Kinh đơn phương cắm một giàn khoan dầu vào vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam, gây nên một cuộc đọ sức trên biển kéo dài hàng tháng, với việc lực lượng hải giám Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam. Đó là một thảm hoạ cho Hà Nội, và cũng có thể dịp để Việt Nam thấy là cần phải tăng cường ngoại giao quốc phòng với các đối tác có thể trợ giúp - thậm chí chỉ bằng lời nói – buộc Trung Quốc xuống thang trong trường hợp có sự cố mới nẩy sinh.

Trên bình diện khu vực, chắc chắn là cuộc bầu cử vào tháng 6 năm 2016 ở Philippines đưa Rodrigo Duterte lên cầm quyền đã thúc đẩy Việt Nam cân nhắc lại cách tiếp cận của mình. Tổng thống Duterte đã tìm cách hòa hoãn với Bắc Kinh về các tranh chấp và gác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye. Quyết định hòa dịu với Trung Quốc đó đã biến Việt Nam thành nước duy nhất phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kết hợp của hai nhân tố nói trên có lẽ đã thúc đẩy Hà Nội tiếp tục củng cố vị trí của mình trong khu vực bằng nền ngoại giao quốc phòng.

Tuy nhiên, chuyên gia Grossman cũng đánh giá là điều quan trọng cần thừa nhận là việc Hà Nội tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia có thể giúp Việt Nam trên vấn đề Biển Đông sẽ không nhất thiết thúc đẩy các nước đó bạo dạn hơn đối với Trung Quốc. Hà Nội chẳng hạn, trước áp lực của Trung Quốc, một lần nữa lại quyết định hủy bỏ hoạt động khoan dầu của tập đoàn năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) trong vùng biển đang tranh chấp lần thứ hai trong năm. Điều này cho thấy Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên và quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh ở Biển Đông, ngay cả khi cùng lúc Việt Nam vẫn cố gắng giành lợi thế bằng cách thu hút các đối tác khác để kháng lại sự phát triển của Trung Quốc.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)