Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/04/2018

Hội nghị trung ương 7 sẽ bàn luận chuyện gì ?

RFA tiếng Việt

Hội nghị trung ương 7 khóa XII là hội nghị đầu tiên trong năm 2018 của trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Năm ngoái, Hội nghị 6 diễn ra vào tháng 10/2017 đã đưa ra nhiều quyết định trong đó nổi bật nhất là việc cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

hoinghi1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đọc bài phát biểu tại Đại Hội Đảng XII vào 1/2016. AFP

Nhà quan sát chính trị Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nói với RFA rằng có khả năng hội nghị năm nay sẽ được tổ chức vào tháng 4, tức là sớm hơn so với dự kiến.

Về những nội dung có thể được đưa ra bàn bạc tại Hội nghị, ông Phạm Chí Dũng dự đoán :

Có một điều chắc chắn là Hội nghị này sẽ bàn về vấn đề cơ chế, thứ nhất là tinh gọn bộ máy bên Đảng và bên chính quyền. thứ hai là tiếp tục triển khai nhất thể hóa và có lẽ sẽ đặt vấn đề không chỉ nhất thể hóa ở cấp quận huyện mà có thể cả cấp tỉnh thành. thứ ba là tiếp tục tinh giản biên chế cho bộ máy chính quyền để có thể đạt mục tiêu giảm khoảng 250.000 công chức từ nay cho đến năm 2021.

Vừa rồi Việt Nam đã thực hiện nhất thể hóa một số cơ quan của Đảng và chính quyền Nội vụ, thanh tra chính quyền với ủy ban kiểm tra của bên Đảng và ở một số địa phương đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh.

Về vấn đề tinh giản biên chế, cuối tháng 3 vừa rồi Bộ Nội vụ cho biết đã giảm được 34.663 công viên chức trong bộ máy Nhà nước, tính từ năm 2015 đến ngày 28/2/2018. Đồng thời, mới hôm 2/4 vừa qua, Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết sắp xếp lại Bộ công an. Theo đó, Bộ này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục.

Theo ông Phạm Chí Dũng, những người quan tâm đến nhân quyền cũng đang trông đợi Hội nghị trung ương 7 và sau đó là kỳ họp Quốc hội giữa năm 2018 sẽ nhắc đến vấn đề nhân quyền liên quan đến Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - Liên Hiệp Châu Âu (EU) :

Trong cuộc gặp giữa Việt Nam và EU vào tháng 2 vừa qua thì Việt Nam đã chịu cam kết một số điều về nhân quyền trong đó có việc ban hành luật về hội và hứa hẹn đến năm 2020 có thể sẽ cho phép thành lập công đoàn độc lập. Thế thì, muốn có công đoàn độc lập thì phải có luật về hội, thì vừa qua Việt Nam đã bắt đầu khơi lại các hội thảo về luật về hội.

Giới quan sát cho rằng Việt Nam hiện nay đang gấp rút thúc đẩy EU ký kết Hiệp định Tự do Thương mại, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng cường bảo hộ mậu dịch qua việc tăng thuế rất nhiều sản phẩm nhập khẩu vào nước Mỹ trong đó có mặt hàng thép, nhôm, và cá basa của Việt Nam. EU có vẻ muốn nhân cơ hội thông qua Hiệp định này để thúc giục Việt Nam phải cải thiện tình hình nhân quyền trong nước.

Bên cạnh những nội dung vừa nêu, ông Dũng còn cho rằng rất có khả năng Hội nghị 7 sẽ xem xét đưa ông Đinh La Thăng ra khỏi trung ương Đảng. Ông Đinh La Thăng nguyên là một quan chức cấp cao ngành dầu khí, một ủy viên Bộ chính trị, và Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh nhưng đã bị cách chức vì dính líu đến một số đại án tham nhũng và hiện đang thụ án tù chung thân.

Từ Pháp, nhà báo - cựu đại tá Bùi Tín lại dự đoán hai nội dung chính sẽ được đưa vào nghị trình của Hội nghị trung ương năm nay đó là chống tham nhũng và quy hoạch cán bộ chiến lược cao cấp :

Họ sẽ tổng hợp lại chiến dịch chống tham nhũng, sẽ kể lể khoe rằng vừa rồi chống tham nhũng được khá đấy. Đến tháng 5 mới họp, thì còn ba bốn vụ sắp sửa xử tiếp.

Nhưng chủ đề lớn nhất đó là bàn về cán bộ, tức là quy hoạch cán bộ chiến lược để chuẩn bị hai năm rưỡi nữa quy hoạch vào bộ chính trị mới và ban chấp hành trung ương mới, cũng như khung Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy mới bởi vì các vị đó có đến một nửa đã lên đến 60-65 tuổi rồi mà quá 55 tuổi là không được vào trung ương nữa.

Theo truyền thông trong nước, Ban tổ chức trung ương sẽ sẽ trình ra tại Hội nghị 7 Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Bản dự thảo của đề án này đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải hoàn thành nghiên cứu và bồi dưỡng nhân sự để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức trung ương cũng từng nói năm 2018 là năm bản lề, cần phải chuẩn bị cán bộ cho nhiệm kỳ tới.

Về chiến dịch chống tham nhũng, năm 2017 được nói là một năm chống tham nhũng quyết liệt của Đảng cộng sản VN, nổi tiếng với tên gọi chiến dịch lò nóng- củi tươi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, hàng loạt các vụ đại án bị phanh phui liên quan đến các ngành ngân hàng, dầu khí, và gần đây ngành công an cũng được nói đã bị "sờ gáy". Ngoài ra, hiện Bộ công an cũng đang điều tra vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG trong đó có dính líu đến 4 bộ ngành. Bên cạnh đó, dư luận thời gian vừa qua cũng rất quan tâm đến vụ án đánh bạc qua mạng hàng ngàn tỷ đồng mà một trong những người cầm đầu là ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cũng cho rằng vấn đề nhân sự sẽ là trọng tâm của Hội nghị trung ương 7. Theo ông, họ sẽ chuẩn bị nhân sự cho nửa cuối của Khóa XII tức đến năm 2021 và cho cả khóa XIII sau đó :

Trong sự chuẩn bị đó, Hội nghị trung ương 7 chắc là người ta sẽ bầu thêm hai hoặc ba Ủy viên Bộ chính trị cho số thiếu trong thời gian vừa qua. Và sẽ chuyển đổi một số người từ vị trí này sang vị trí kia và đưa ra danh sách nhân sự cho khóa XIII, đặc biệt là nhân sự ở cấp tỉnh.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng khẳng định rằng sau Hội nghị trung ương 7 chắc chắn nhiều nhân vật của Bộ công an sẽ bị thay đổi. Tuy nhiên cả ba nhà nghiên cứu chính trị đều nói rằng họ không kỳ vọng một biến chuyển lớn trong thể chế, đường lối chính trị của Việt Nam sau Hội nghị năm nay.

Nguồn : RFA, 03/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 768 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)