Mỹ trục xuất 71 người gốc Việt năm 2017 (VOA, 15/04/2018)
71 trong số hàng nghìn người gốc Việt mà phần lớn từng phạm tội ở Hoa Kỳ đã bị đưa trở lại Việt Nam năm ngoái.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu củaCơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), vốn thực hiện các vụ bắt giữ di dân, cho biết rằng 35 người gốc Việt được đưa trở lại quốc gia Đông Nam Á năm 2016 so với con số 32 năm 2015.
Ông Brendan Raedy, phát ngôn viên của ICE, được trích lời nói rằng cho tới tháng 12 năm ngoái, có 8.600 người gốc Việt ở Mỹ trong diện có thể bị trục xuất, trong đó "7.821 người phạm tội hình sự".
Reuters đưa tin rằng phần lớn những người này là thường trú nhân hợp pháp, nhưng chưa có quốc tịch Mỹ.
Vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước "nóng" trở lại sau khi cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, ông Ted Osius, cho biết ông "từ chức" vì bất đồng với chính sách của Tổng thống Trump, sau khi "bị ép" về kế hoạch trục xuất người gốc Việt mà ông nói "không có tổ quốc để trở về".
Trong bài viết có tựa đề "Lên tiếng" trên trang của Hiệp hội các Nhà ngoại giao Mỹ, ông Osius nói rằng nhiều người trong số họ là các di dân tị nạn sau Chiến tranh Việt Nam, "bị 'đưa trở lại' nhiều năm sau tới một quốc gia do chính quyền cộng sản nắm quyền mà họ chưa bao giờ hòa giải".
Trả lời hãng tin của Anh tuần trước, nhà ngoại giao kỳ cựu này nói rằng "một số ít" người gốc Việt, vốn được bảo vệ bởi một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008, "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995, ngày mà hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao", đã bị đưa trở lại quốc gia Đông Nam Á.
Chính quyền của Tổng thống Trump từng coi Việt Nam là một trong các nước "thiếu thái độ hợp tác" vì không muốn nhận lại các di dân bị trục xuất.
Theo ông Osius, chính quyền Mỹ hiện thời từng đe dọa sẽ xóa bỏ các đặc quyền dành cho các quan chức Việt Nam tới Hoa Kỳ và gắn chuyện trục xuất với mối quan hệ thương mại song phương.
Cựu đại sứ Mỹ nói rằng một số di dân từng phạm trọng tội. Nhưng ông nói thêm rằng "thỏa thuận năm 2008 nói không đụng đến các vụ xảy ra trong khoảng thời gian từ 1975 tới 1995".
VOA Việt Ngữ hôm 9/4 đã đặt nhiều câu hỏi về vụ trục xuất cho Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nhưng không nhận được hồi đáp.
Trả lời Reuters, bà Katina Adams, nữ phát ngôn viên cho vùng Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính phủ Mỹ và Việt Nam "tiếp tục thảo luận các quan điểm liên quan tới các công dân Việt từng rời Việt Nam tới Mỹ".
Ông Osius cho biết rằng phía Hà Nội không muốn nhận lại những người bị trục xuất vì lo ngại họ sẽ gây "bất ổn".
********************
Kỷ luật Thiếu tướng Trần Quốc Cường, nạn ô dù, bảo kê trong hàng ngũ tướng lĩnh cộng sản Việt Nam (CaliToday, 15/04/2018)
Trong hai ngày 11-12/04/2018 vừa qua, cùng với nội dung của cuộc họp nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật Phó Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Thiếu tướng tình báo Bộ Công an ông Trần Quốc Cường bằng hình thức cảnh cáo. Vụ kỷ luật này, một lần nữa cho thấy nạn ô dù, bảo kê trong hàng ngũ tướng lĩnh cộng sản Việt Nam đã vượt mức "báo động đỏ", đặc biệt nghiêm trọng…
Ông Trần Quốc Cường bị kỷ luật cảnh cáo (ảnh Báo NLĐO)
Báo đài trong nước cho biết, tại trụ sở Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào hai ngày 11-12/04/2018, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ chính trị đã có cuộc họp cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 khoá XII với nội dung : "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ" ; "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội" và "Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp". Đi kèm với nội dung cuộc họp, Bộ chính trị nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật Phó Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Chính trị Hậu Cần (B41), Tổng cục tình báo (Tổng cục V) Bộ Công an Thiếu tướng Trần Quốc Cường.
Trong giai đoạn từ năm 2009-2012, Thiếu tướng Cường với cương vị là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo, Trưởng ban Chỉ đạo dự án Đại Kim đã vi phạm quy chế làm việc trong quá trình thực hiện dự án, vi phạm Quy chế làm việc của Tổng cục và Quy chế của Đảng uỷ Cục B41 trong việc lựa chọn, uỷ quyền, cam kết cho Công ty Việt Thái tham gia thực hiện dự án với tư cách được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân cho dự án nhà ở Đại Kim, tạo sơ hở để Nguyễn Vũ Hùng (SN 1967, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là cán bộ cấp dưới trực tiếp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, Thiếu tướng Cường còn ký duyệt chi không đúng mục đích số tiền đóng góp mua nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Những vi phạm của Thiếu tướng Cường là nghiêm trọng nên Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ chính trị quyết định thi hành kỷ luật Thiếu tướng Cường bằng hình thức cảnh cáo.
Hiện tại Thiếu tướng Cường vẫn giữ chức vụ Phó Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk nhưng với việc dính kỷ luật cảnh cáo không rõ có còn cơ hội cho tướng Cường thăng tiến trong sự nghiệp chính trị hoặc thời gian tồn tại cương vị hiện tại là bao lâu ?
Còn thuộc cấp của Thiếu tướng Cường là ông Nguyễn Vũ Hùng thì vào ngày 17/12/2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Vũ Hùng với cáo buộc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 140 Bộ luật hỉnh sự 1999.
Tuy nhiên vào tháng 12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát tối cao đề nghị truy tố ông Hùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999.
Cáo trạng điều tra cho biết, năm 2015 chính quyền Hà Nội cho phép chuyển đổi dự án khu nhà bán cho cán bộ, chiến sĩ Tổng cục tình báo Bộ công an ở quận Hoàng Mai sang nhà xã hội.
Không có chức năng huy động vốn nhưng ông Hùng lấy danh nghĩa cán bộ công an và Tổng giám đốc Công ty Việt Thái đã lợi dụng các sai phạm của Thiếu tường Cường đã thỏa thuận với chủ đầu tư để mời gọi, huy động vốn của người có nhu cầu mua nhà nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 28 tỷ đồng, số nạn nhân tạm thời là 65 người. Với số tiền có được từ hành vi phi pháp, ông Hùng đã dùng vào việc trả nợ cá nhân cũng như kinh doanh nhưng bị thua lỗ.
Như vậy sau Trung tướng Phan Văn Vĩnh và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa thì Thiếu tướng Trần Quốc Cường là tướng công an thứ ba bị "chiếc lò" chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng thiêu đốt trong vòng mấy tháng đầu năm 2018.
Mặc dù vậy, vụ kỷ luật Thiếu tướng Cường lại cho dư luận thêm một minh chứng rõ ràng là nạn ô dù, bảo kê trong hàng ngũ tướng lĩnh đã vượt mức "báo động đỏ", đặc biệt nghiêm trọng.
Ít ai ngờ những tướng lĩnh cấp cao trong cơ quan chống bài bạc, rữa tiển như Trung tướng Vĩnh, Thiếu tướng Hóa lại ô dù, bảo kê cho bọn tội phạm tổ chức bài bạc, rữa tiền xuyên quốc gia.
Một Vũ "nhôm" tức Phan Văn Anh Vũ nghe thông tin chưa được xác thực chỉ là thượng tá tình báo công an lại có thể thâu tóm nhà, đất công sản ở Đà Nẵng, nắm trong hàng chục ngàn tỷ đồng, đe dọa Chủ tịch thành phố là Huỳnh Đức Thơ… nếu Vũ không có ô dù, bảo kê từ kẻ quan quyền cấp cao nào đó thì liệu Vũ có dám làm những việc xem thường pháp luật như vậy hay không ?
Quê Hương
***************
Cựu phó Tổng cục Tình báo Bộ công an Việt Nam bị kỷ luật cảnh cáo (Người Việt, 12/04/2018)
Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vừa thi hành kỷ luật một phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk vì những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian làm ở Bộ công an.
Ông Trần Quốc Cường, phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo báo Tuổi Trẻ, trong hai ngày 11 và 12 tháng Tư, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị đã "họp để cho ý kiến về các đề án chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 khóa 12".
Cũng tại cuộc họp này, Bộ chính trị đã nghe Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Trần Quốc Cường, ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Sau khi xem xét đề nghị của ủy ban này, Bộ chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Cường vì các vi phạm khi giữ cương vị bí thư đảng ủy, cục trưởng Cục Chính trị-Hậu cần (B41), Tổng cục Tình báo, Bộ công an Việt Nam (giai đoạn 2009-2012).
Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam cho biết trong thời gian giữ cương vị bí thư đảng ủy, cục trưởng Cục B41, phó tổng cục trưởng Tổng Cục 5, trưởng Ban chỉ đạo dự án Đại Kim, Bộ công an, ông Trần Quốc Cường đã "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, không phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm, phát sinh trong quá trình thực hiện dự án Đại Kim ; vi phạm quy chế làm việc của Tổng cục và quy chế của đảng ủy Cục B41 trong việc lựa chọn, ủy quyền, cam kết cho công ty Việt Thái tham gia thực hiện dự án".
"Ông Cường đã ký giấy ủy quyền, bản cam kết cho công ty Việt Thái được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân cho dự án nhà ở Đại Kim là không đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cục B41, vi phạm các quy định của Luật Nhà Ở. Việc ủy quyền không đúng pháp luật đã tạo sơ hở để Nguyễn Vũ Hùng là cán bộ cấp dưới trực tiếp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả rất nghiêm trọng", theo ủy ban.
"Ông Cường cũng đã ký duyệt chi không đúng mục đích số tiền đóng góp mua nhà của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Trần Quốc Cường là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của ngành công an và cá nhân ông Cường. Căn cứ quy định số 102-QĐ/TW của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Quốc Cường bằng hình thức cảnh cáo", ủy ban này cho biết. (Tr.N)