Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/02/2017

Công ty du lịch Sapa O’Chau giúp trẻ vùng cao

RFA tiếng Việt

Sapa O’Chau là tên một công ty du lịch trên thị xã Sapa tỉnh Lào Cai, vùng cao đẹp nhất nước với những người dân tộc hiền hòa, những thửa ruộng bậc thang xanh ngời dưới nắng, những dải mây sương huyền hoặc kéo nhau về khi chiều chưa đi hết.

sapa1

Giáo viên tình nguyện trong lớp Anh ngữ của Sapa O’Chau. Hình do Sapa O’Chau cung cấp

Thế rồi Sapa O’Chau trở thành doanh nghiệp xã hội với một website trên mạng, khi người sáng lập là một cô gái H’mong, mang tất cả lợi nhuận từ công ty để nuôi nấng và biến ước mơ của trẻ H’mong, Dao, Nùng, Tày, Thái ở Sapa bay cao bay xa thành những câu chuyện đời thật.

Em tên Tần Thị Su, dân tộc H’mong. Em sinh ra và lớn lên tại xã Lao Trại, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Sapa O’Chau là chỗ để cho các em người dân tộc đi học cũng như tiếp tục cơ hội và con đường học tập của họ.

Khi còn nhỏ thì em cũng được đến trường nhưng gia đình em rất khó khăn, ba em đau nặng, em phải đi chăn trâu và trông em cho mẹ đi làm, như vậy thì em không có cơ hội để đi học. Hơn 10 tuổi thì em đi theo các anh chị đi bán hàng rong ở Sapa, kiếm tiền để giúp đỡ gia đình, nhưng mà ước mơ của em là đi học.

Trẻ thèm được đi học

Những ngày lang thang bán hàng lưu niệm, cũng như những người khác ở Sapa, Tần Thị Su học nói tiếng Anh khi tiếp xúc với những người cô gọi là khách Tây. Ước mơ đi học vẫn là điều nung nấu tâm trí cô trên con đường 8 cây số từ xã xuống thị trấn.

Có những ngày không bán được hàng, Tần Thị Su kể, cô không lội bộ về nhà vì về cũng không có gì ăn, đành tìm một chỗ ngã lưng qua đêm để ngày mai lại đi bán tiếp :

Ở lại thị trấn thì ngủ nhà trọ khoảng một hai nghìn thôi, đấy là cách đây cũng hơn 17, 18 năm rồi. Lúc đó cũng chỉ nhà hiên hoặc chỗ nào không ẩm ướt thì ngủ ở đó. Một hai ngày không bán được thì cũng rất là đói, nhưng dần dần khi mình biết nói tiếng Anh thì lúc đó cũng có thể bán được một chút, mình mua gạo mang về hỗ trợ cho gia đình.

Cuộc sống như thế làm mình cảm thấy rất buồn và mình rất ao ước được đi học nhưng nếu đi học thì bố mẹ không ai giúp đỡ, mình phải bỏ ước mơ đấy. Cũng có nhiều người hỏi tại sao mình không đi học, tại sao mình phải đi bán hàng rong như thế. Mình cũng chia sẻ là mình mong muốn được tiếp tục đi học, mình mong muốn được học đại học nhưng mình không biết phải làm thế nào, không biết phải đi về đâu.

Sau ba năm đi bán hàng rong, Tần Thị Su trở thành nhân viên trong một khách sạn ở Sapa. Công việc của cô vừa là hướng dẫn viên, vừa là người dọn dẹp, nấu nướng, chạy bàn, dọn phòng trong khách sạn :

Đến năm 2010 thì mình nghĩ mình đã làm hướng dẫn viên cũng như đi bán hàng đủ rồi, Su nghĩ có lẽ cuộc đời của mình cũng không ổn và Su mong muốn làm một cái gì đó, làm kinh doanh thật tốt để giúp đỡ những người cũng cơ nhở như Su. Khi nhìn thấy hình ảnh những người đi bán hàng rong thì mình cũng thấy đó là hình ảnh của mình. Su mong muốn họ có thể đi học cao hơn và có nhiều cơ hội tốt hơn cho họ.

Ý nghĩ thành lập công ty du lịch Sapa O’Chau đến với Tần Thị Su ngay khi cô thôi không làm hướng dẫn viên du lịch nữa :

Su phải làm một doanh nghiệp xã hội nhưng nếu không có học thức, không biết đọc biết viết thì chắc chắn sẽ không làm việc tốt. Lúc đấy Su bắt đầu mở một lớp gọi là Lớp Tình Thương cho các em và các em đã đến học. Từng bước một Su đã cố gắng dần dần thành lập một doanh nghiệp xã hội để hỗ trợ các em.

Đó cũng là thời gian Tần Thị Su trở lại chương trình học bổ túc cùng những học sinh mà cô mang về trong Lớp Tình Thương. Hàng ngày, ngoài việc đi học tại các trường công của nhà nước, những học sinh được hỗ trợ trong Lớp Tình Thương còn phải học thêm ở nhà :

Su muốn hỗ trợ và phụ đạo các em về tiếng Anh và tiếng Việt cho các em để các em mạnh dạn hơn, vừa là vận động các em vừa là chia sẻ kinh nghiệm sống cho các em.

Những thiện nguyện viên

Đối với anh Michael Finelli, một cư dân California, giáo viên Anh ngữ tại Hà Nội, Chapa O’Chau là môi trường đào tạo lý tưởng trên vùng đất mà anh yêu thích ngay từ đầu :

I’m a volunteer teacher for Sapa

Tôi là giáo viên tình nguyện cho Sapa O’Chau 5 tháng qua. Tôi nghĩ nhiều người biết đến Sapa O’Chau bằng cách online, còn tôi thì được các thiện nguyện viên của Sapa O’Chau giới thiệu khi tôi đến Sapa trong một dịp nghỉ lễ. Tôi quyết định trở thành giáo viên thiện nguyện cho Sapa O’Chau từ lúc đó.

Yeah I mean it’s great

Tôi muốn nói Sapa O’Chau là cơ may duy nhất cho trẻ Sapa. Tôi đã có dịp đi thăm một số gia đình người dân tộc trong những bản làng cách xa trường học từ 35 đến 40 kilômét. Rõ ra chuyện học hành của con cái đã không quan trọng mà hơn nữa họ cũng không có tiền để cho con đi học, đến 14 tuổi chúng phải bỏ học đi làm. Chính vì thế Sapa O’Chau là cơ hội duy nhất để trẻ con ở đây có thể trở thành cái gì hay hơn và khác hơn là nông dân.

Một lý do nữa khiến tôi ở lại với Sapa O’Chau là vì các em học sinh rất ham học và rất chăm chỉ. Tôi cảm ơn mình đã khám phá ra Sapa O’Chau và trở thành người hữu ích cho tổ chức.

sapa2

Học sinh người dân tộc trong Lớp Tình Thương của Sapa O’Chau. Hình do Sapa O’Chau cung cấp

Hầu hết giáo viên trong Chapa O’Chau đều tình nguyện viên lúc đầu, sau trở thành nhân viên chính thức như cô giáo Phương Thảo đến từ Sài Gòn :

Em dạy ôn Văn, Sử Địa cho học sinh đi thi đại học vào khối C, trước khi trở thành nhân viên chính thức của Sapa O’Chau thì em đã có một quãng thời gian dài làm tình nguyện viên ở đây rồi. Khi làm xong tình nguyện viên của Sapa O’Chau và quay trở lại Sài Gòn thì em thấy nhố các em học sinh và muốn trở lại đây để tiếp tục công việc dạy học. Em quyết định quay trở lại. Các em ở đây khác hẳn với học sinh thành thị, có cái gì đó hồn nhiên vô cùng, cách thể hiện của các em khá là rụt rè. Em sẽ là ngườiquản lý tất cả các em ở đây, đón tiếp tất cả những tình nguyện viên đến với Sapa O’Chau cũng như tiếp tục công việc dạy học.Trong trái tim em thì chị Su như một người chị mà em rất thần tượng và yêu thương.

Người thứ hai, cô Hà Dung, sắp xong khoa Quản Trị Kinh Doanh tại Đại Học Hà Nội, hiện là đại diện văn phòng Sapa O’Chau ở Hà Nội. Hà Dung nói cô gắn bó với Sapa O’Chau vì những nét độc đáo và hiệu quả thực sự của nó :

Vì ngày xưa em học sư phạm ra mà, em thấy cách làm việc của Sapa O’Chau rất thú vị thì em về làm với Su từ năm 2013. Su và Sapa O’Chau đã hỗ trợ rất nhiều học sinh thiểu số.

Em thấy trẻ con của mình ở dưới xuôi, được đi học đầy đủ, bố mẹ chu cấp không thiếu một cái gì cả, nhưng khả năng nói và khả năng đọc tiếng Anh của các bạn không được tốt như các bạn nhỏ ở trên Sapa. Các bạn chỉ đi theo khách hàng thôi nhưng em thấy tố chất đầu tiên của các bạn là thông minh và chăm chỉ học. Làm việc với các bạn hướng dẫn viên thì em thấy có những bạn khi mới đến Sapa O’Chau thì tiếng Anh bình thường và giao tiếp rất cơ bản thôi. Nhưng mà đến bây giờ, sau 3 năm, các bạn ấy trở thành chuyên nghiệp rồi, các bạn nói tốt lắm và có thể đi hướng dẫn dài ngày luôn chứ không chỉ một hai ngày. Bên cạnh đó thì từ xếp đến nhân viên tất cả mọi người ai cũng đang đi học để nâng cao trình độ dần dần. Hiện tại công việc của Su và Sapa O’Chau đang làm rất tốt.

Ước mơ thành sự thật

Tháng Bảy năm 2016, Tần Thị Su tốt nghiệp lớp Mười Hai, 20 bạn trong Lớp Tình Thương của Sapa O’Chau, gồm các em dân tộc H’mong, Tày, Dao, Thái và Xa Phố, cũng tốt nghiệp lớp Mười Hai cùng với Su. Sùng Thị Chùa và Phàn Láo Sử là hai trong số 20 em vừa nói. :

Em tên là Sùng Thị Chùa, em là người H’mong, em được như ngày hôm nay cũng là một phần của Sapa O’Chau và em cũng có một phần nỗ lực, nghĩa là em có điều kiện và may mắn hơn các bạn là đã được vào Sapa O’Chau. Thường người H’mong vẫn theo phong tục ngày xưa là không cho con gái đi học, không hiểu tầm quan trọng của việc học tập, người ta tảo hôn và bắt lấy chồng cưới vợ rất sớm.

Khi em đỗ tốt nghiệp rồi thì em bị bắt đi lấy chồng sớm chứ không cho đi học đại học. Chị Su có giúp em, động viên em nói chuyện với bố mẹ là con cần phải đi học và vẫn quyết tâm đi học dù không có nguồn trợ cấp từ bố mẹ.

Bây giờ Sùng Thị Chùa là sinh viên năm đầu khoa Luật Quốc Tế tại Đại Học Mở Hà Nội. Còn Phàn Láo Sử thì sao :

Em tên là Phàn Láo Sử, người dân tộc Dao. Em biết Chapa O’Chau và họ nuôi em 3 năm học ở trên đấy. Bây giờ em là sinh viên năm thứ nhất Đại Học Sài Gòn, ngành Quản Lý Văn Hóa, Chapa O’Chau hỗ trợ một phần cho em đi học.

Ngoài em ra thì con hai đứa con gái, hai bạn đó người dân tộc H’mong, họ học cùng trường em, ngành Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Việt Nam. Nói chung là em cũng tự hào vì những bạn dân tộc như em muốn đỗ vào đại gọc thì cũng rất khó khăn, Chapa O’Chau và chị Su cũng đã giúp đỡ em rất nhiều. Lúc đầu thì bố mẹ cũng không cho em đi học, em vẫn tự làm hồ sơ, tự nộp lên để đi học.

Tần Thị Su cũng trở thành sinh viên năm thứ nhất khoa Quản Trị Kinh Doanh, Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội. Vì bận bịu với công việc trong Chapa O’Chau, Tần Thị Su lấy chương trình học từ xa. Những gì đạt được hôm nay, Su tâm sự, là mồ hôi và nước mắt nhọc nhằn đồ xuống bao nhiêu ngày tháng qua :

Hiện tại Lớp Tình Thương của Chapa O’Chau đang có hơn 40 bạn, trong đó có người H’mong, người Dao, người Tày, người Thái, người Xa Phố. Mỗi dân tộc có tiếng khác nhau của họ, tuy nhiên khi đến đây họ đều nói tiếng Kinh để làm thế nào nói chuyện được với nhau vì khi học trường công thì phải giao tiếp bằng tiếng Việt

Và nếu có ai hỏi về ý nghĩa của cái tên Sapa O’Chau thì Tần Thị Su không do dự mà hãnh diện trả lời rằng :

Sapa O’Chau có nghĩa là cảm ơn Sapa, tất cả nguồn thu từ du lịch thì hỗ trợ cho các em ăn ở cũng như cho các em đi học. Sapa O’Chau mang lại cho Su rất nhiều hanh phúc cũng như rất nhiều đau khổ, tuy nhiên Su cảm thấy mình yêu nơi này, mình muốn được chia sẻ, muốn được các em ở đây đón nhận và tự hào về mãnh đát mình đang sống.

Và ước mơ thì lúc nào cũng đầy ắp trong tim, nhưng đó là những giấc mơ không phải cho bản thân mình :

Mong ước của em trong tương lai là mình không phải đi thuê nhà nữa để mình yên tâm về chỗ ăn ở cho các em, để các em có được một đại gia đình thực sự hạnh phúc, biết yêu thương nhau, hỗ trợ cho nhau cũng như hỗ trợ chia sẻ cho người nghèo để họ vươn lên và thoát ra khỏi sự đói nghèo của họ.

Su nghĩ có lẽ Sapa sẽ thay đổi rất là nhanh, nhưng Su mong muốn người dân tộc ở đây giữ được văn hóa bản địa thật tốt. Mất đi tiếng nói và mất đi bản sắc dân tộccủa mình là điều rất nuối tiếc trong cuộc sống.

Đó là câu chuyện về Tần Thị Su, cô gái người dân tộc H’mong và Chapa O’Chau mà cô bỏ công gầy dựng với mục đích nâng dỡ, hỗ trợ, dẫn dắt, khuyến khích học sinh nghèo người dân tộc như cô hoàn tất con đường học vấn để vươn lên và thoát cảnh nghèo túng, thất học.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 780 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)