Bà Minh Hằng được thả ngày 11/2, từ chối đi Mỹ (VOA, 08/02/2017)
Một nhà hoạt động cho biết bà Bùi Thị Minh Hằng sẽ được thả tự do vào ngày 11/2, sau 3 năm thụ án vì "gây rối trật tự công cộng". Bà đã từ chối đề nghị đi định cư tại Hoa Kỳ.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bắc Truyển, người vận động cho nhân quyền và tôn giáo Việt Nam cho VOA biết, dù được Bộ Công an Việt Nam khuyên nên đi Mỹ nhưng bà Bùi Thị Minh Hằng đã nhất mực từ chối :
"Chị Bùi Thị Minh Hằng là nhà tranh đấu cho quyền con người ở tại Việt Nam. Chính vì đấu tranh cho nhân quyền nên chị bị giam cầm, tù tội trong 3 năm vừa qua. Vừa rồi chị có nói với gia đình rằng là Bộ Công An có vào khuyên chị là nên đi định cư ở Hoa Kỳ thì họ sẽ thả chị sớm, nhưng chị Hằng đã từ chối. Chị Hằng nói là chị sẽ ở lại cho đến ngày cuối cùng của hạn tù, và sẽ tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam".
Theo ông Nguyễn Bắc Truyển, gia đình và bạn bè đã thu xếp để đi đón bà Hằng về từ trại giam Gia Trung vào ngày 11/2. Tuy nhiên ông Truyển không biết liệu bà Hằng có được thả từ trại giam hay không :
"Chị Hằng có nói với tôi qua điện thoại là chị không biết về bằng cách nào, nên chúng tôi sắp xếp cho tất cả các tình huống. Trại giam có hứa với chị là họ thu xếp thả chị theo một cách bình thường nhất. Hiện nay có nhiều anh em trong số 21 người bị đánh đập ở Lấp Vò, Đồng Tháp vào năm 2014 đang bị công an để ý, ngăn cản không cho họ lên Sài gòn để đi đón chị Hằng".
Các trang mạng xã hội cũng cho biết là một nhà hoạt động bị cầm tù khác, là Đoàn Huy Chương cũng sắp mãn hạn tù.
Từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ của ông Đoàn Huy Chương cho VOA biết chồng của bà sẽ được ra tù vào 7 giờ sáng ngày 13/2 :
"Hôm 29 Tết em có đi thăm ảnh. Ảnh kêu tới ngày ảnh ra (13/2) thì lên đón ảnh từ trai giam K2 Xuân Lộc, Đồng Nai. 7 giờ sáng là ảnh ra rồi".
Bà nói bà rất trông mong ngày chồng được phóng thích, về lại với gia đình :
"Em rất trông đến ngày ảnh ra. Em mừng lắm. Em trông ảnh ra để ảnh mần phụ nuôi hai đứa nhỏ, một mình em lo khổ lắm. Nhờ có ông bà ngoại đùm bọc. Thằng con trai của em học lớp 9, con gái em học lớp 7. Ở quê em làm mức lương thấp lắm, không đủ cho hai đứa con em đi học".
Những tin tức quốc tế xoay quanh các vụ bắt bớ các nhà hoạt động, đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam thường xuyên bị chính quyền chỉ trích là đưa thông tin sai lệch và "thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam".
Quá trình hoạt động
Vào năm 2008, Đoàn Huy Chương, sinh năm 1985, cùng Đỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng thành lập phong trào Lao động Việt, để hỗ trợ cho các công nhân tranh đấu cho quyền của người lao động tại Việt Nam.
Vào tháng 10, năm 2010, ông Chương, bà Hạnh và ông Hùng bị xét xử về tội danh ‘chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Cả 3 người được cho là đã phát tờ rơi và tham gia tổ chức cuộc đình công đòi tăng lương tại công ty giày da Mỹ Phong ở Trà Vinh. Ông Chương và bà Hạnh cùng bị tuyên án 7 năm tù giam, nhưng bà Hạnh được trả tự do vào tháng 4/2014. Hiện nay ông Hùng vẫn đang chịu án 9 năm tù.
Trước đó, ông Chương bị kết tội là thành lập "Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam" năm 2006, và rồi bị bắt tháng 11, 2006 và bị xử 18 tháng tù. Ông được thả năm 2008.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến từ năm 2011, khi bà tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa - Trường Sa. Kể từ đó, bà trở thành mục tiêu thường xuyên bị hành hung, bắt bớ và giam cầm.
Vào tháng 8 năm 2014, tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên án bà Hằng 3 năm tù giam với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự. Bà Hằng bị đưa ra xét xử cùng với hai người khác là ông Nguyễn Văn Minh và bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, cả hai bị tuyên án theo thứ tự là 2,5 năm tù và 2 năm tù. Ông Minh và bà Quỳnh đã mãn án tù. Cả 3 bị bắt vào ngày 11/2/2014 vì bị quy tội "gây cản trở giao thông nghiêm trọng".
Ngay sau phiên xét xử bà Hằng, bà Quỳnh và ông Minh, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về vụ án này, nói rằng "việc chính quyền Việt Nam sử dụng luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là ‘đáng báo động’".
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói "Chính quyền Việt Nam giờ còn dùng cả lỗi giao thông ngụy tạo để truy tố hình sự các nhà hoạt động. Lẽ ra chính quyền Việt Nam nên nhận thức rằng cách hành xử này không đáng để phải chịu sự chỉ trích của quốc tế, và tức thời hủy bỏ những cáo buộc đó".
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Bill Cassidy và các nhà lập pháp Mỹ từng thúc giục Hà Nội phóng thích cho nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng, lúc đó nhắc nhở chính phủ Việt Nam rằng "sẽ bất lợi cho chính họ khi họ bịt miệng những tiếng nói bất đồng như tiếng nói của bà Hằng".
Trong bức thư đề ngày 9/9/2015 gửi đến trại giam Gia Trung, Gia Lai, nơi bà Hằng bị giam cầm, thượng nghị sĩ Cassidy viết : "Dù bị tước quyền tự do và bị buộc phải sống trong điều kiện giam cầm tệ hại, bà vẫn tìm cách động viên những người cùng hoạt động xã hội với mình. Tôi xin vinh danh lòng can đảm và sự mạnh mẽ của bà".
Nhà chức trách Việt Nam từng ra lệnh quản chế không cần xét xử và đưa bà Hằng tới Cơ sở Giáo dục Thanh Hà ở tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2011, chỉ vì bà tham gia biểu tình ôn hòa chống chính sách bá quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bà được trả tự do vào tháng 4 năm sau, do làn sóng phản đối dữ dội từ trong nước và của quốc tế.
Viễn Đông
****************
Thêm một năm trắng tay của các chủ nhà hàng Hà Tĩnh (VOA, 09/02/2017)
Vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường tiếp tục đưa đến hàng loạt hệ lụy khôn lường trong đời sống cộng đồng.
Hàng loạt nhà hàng ven biển Hà Tĩnh không còn một bóng khách
Từ ngày Formosa xả thải làm cá biển chết hàng loạt cho đến nay, hàng loạt nhà hàng ven biển Hà Tĩnh không còn một bóng khách. Sáng ngày 8 tháng 2 năm 2017, có tin Bộ tài chính vừa cấp thêm 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại của Formosa. Tuy nhiên, trong số nhận bồi thường đó không có chủ của những nhà hàng đã phá sản vì Formosa.
Bà Nguyễn Thị Thương, chủ nhà hàng nơi đây than rằng coi như lại thêm một năm nữa sẽ trắng tay : "Cuộc sống của cô hiện tại bây giờ là sang cái năm nay, từ đợt xảy ra sự cố đến giờ là rất khó khăn, khó khăn từ vật chất, từ tinh thần, khó khăn từ mọi điều kiện làm ăn. Thế còn bây giờ, muốn khắc phục trở lại đây để mà làm ăn, lấy hàng chất lượng, lấy hàng của hồ mình nuôi, hoặc lấy hàng của hồ lòng bè mình làm, họ cũng không ai tin tưởng đến mà ăn. Là vì chưa được 100% người là tin tưởng về an toàn hải sản".
Không quá lời khi nói rằng giờ đây xứ biển Hà Tĩnh đang là vùng đất chết đối với giới kinh doanh nhà hàng hải sản. Không có khách ngay từ sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, những ông bà chủ nhà hàng nơi đây ráng cầm cự, nhưng rồi cứ mãi kéo dài chuyện ô nhiễm khiến nhiều nhà hàng đã giở bỏ cơ ngơi, kiếm kế sinh nhai khác.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thương, trước đây mỗi năm bà tiêu thụ hàng chục tấn hải sản, và có thể giúp cả họ cùng làm giàu : "Cô ra đây được 7, 8 năm rồi. Buôn bán của cô thuận tiện. Trừ trường hợp bão gió thì mình tu sửa lại một vài ba ngày gì đó thôi, chứ buôn bán thuận tiện. Gia đình cô, cả con cái sinh sống đây cả đó. Mình làm ăn được. Bây giờ thì một năm nay là mình trắng tay. Một năm nay là đóng quán, giữ quán, coi quán và dọn vệ sinh. Có ai quen biết đến hỗ trợ thì mình được một vài mâm, còn hổng có thì mình chấp nhận".
Giờ đây, những người như bà Thương đang cố níu giữ cơ ngơi đầu tư bạc tỷ này để mong ngày biển miền Trung thật sự hồi sinh, để hàng quán nơi đây có lại cảnh tấp nập như trước khi xảy ra vụ xả thải hủy diệt của Formosa. Tuy nhiên, niềm tin này ngày càng cạn dần, khi mà còn nhiều nơi khác cũng bị thiệt hại từ chuyện xả thải của Formosa. Họ đã phải xuống đường đòi đền bù nhưng rồi chỉ nhận được những lời hứa hẹn từ nhà chức trách.
Sẽ là một năm Đinh Dậu thật dài đối với những ông bà chủ nhà hàng ở ven biển Hà Tĩnh.
*******************
Trung Quốc sẽ dùng ‘chiêu bài’ mới với Việt Nam ?
Khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam năm 2016 "đông chưa từng có" trong bối cảnh có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này làm "lá bài", "công cụ chính trị", để "gây sức ép" lên Hà Nội.
Du khách tới Việt Nam từ quốc gia láng giềng phương Bắc năm ngoái đạt con số kỷ lục là gần 2,7 triệu người, đứng đầu số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số trên chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 10 triệu du khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm ngoái.
Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng một trong các nguyên nhân khiến du khách Trung Quốc tới Việt Nam nhiều đó là "quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến rất là tốt đẹp trong năm vừa qua".
Chị Hà Lê, một nhân viên tiếp thị tại một nhà hàng nhiều du khách Trung Quốc hay lui tới ở Nha Trang, cho biết rằng theo quan sát của chị, khách du lịch Trung Quốc áp đảo các du khách từ những nước khác.
Chị ví von rằng "nếu cùng người nhà đi lên một cái đảo [ở Nha Trang], người nhà mà bị lạc thì không thể tìm thấy vì nó quá đông [du khách Trung Quốc]".
Chị nói thêm :
"Khách Trung Quốc mà, họ đi đến nước nào cũng thế, đi đến địa phương nào cũng thế, đều không nhận được sự chào đón của người dân. Cái cách hành xử, ăn uống thì nói chung không có ai chấp nhận được, nhưng mà chẳng qua nó đang mang tiền đến cho mình và mình là người kinh doanh. Ở đây, lúc trước Trung Quốc nó không có tới thì lượng khách Nga, đại khái là khách nước ngoài, thì họ cư xử văn minh hơn một chút".
Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh năm ngoái đã đề xuất "việc có thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt thật nặng với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam", sau khi xảy ra tình trạng khách du lịch từ nước láng giềng "đốt tiền Việt" tại Đà Nẵng hay hành hung nhân viên hàng không Việt Nam.
Ông Daniel Meesak, một chuyên gia về du lịch Trung Quốc hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA Việt Ngữ rằng, do ngành du lịch đóng vai trò lớn ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, nên nếu Bắc Kinh ngưng số du khách này tới một nước nào đó thì nó sẽ gây ra nhiều xáo trộn.
Ông nói thêm :
"Trung Quốc hiện là thị trường du khách lớn nhất thế giới nên dĩ nhiên họ sẽ dùng lợi thế này để làm công cụ chính trị trong quan hệ với các nước láng giềng".
Khi được hỏi rằng liệu ngành du lịch trong nước sẽ chịu tác động ra sao nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, dẫn tới việc Trung Quốc kêu gọi người dân nước này rút khỏi Việt Nam, hay ra khuyến cáo không tới nước này du lịch như từng làm sau các biến cố quanh giàn khoan dầu Hải Dương 981 xảy ra năm 2014, ông Nam nói :
"Tôi nghĩ rằng cũng không ảnh hưởng lớn. Tất nhiên là, khi một thị trường nào đó sụt giảm, không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Tây Âu, khi mà có sự sụt giảm, hoặc vì lý do nào đó về bệnh dịch gây ra sự sụt giảm, nó có ảnh hưởng tới sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một thị trường không thể ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi luôn có các giải pháp cân bằng [thị trường]".
Theo chuyên gia Meesak, một số nước ở Châu Á như Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa ngành du lịch, thay vì để cho du khách Trung Quốc thống lĩnh thị trường, nhằm tránh những hệ quả không hay trong những tình huống xấu.
Ông Frederick Burke từ tập đoàn luật đa quốc gia Baker & McKenzie ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng Bắc Kinh dường như vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này đẩy mạnh du lịch tới Việt Nam nhằm mưu tìm lợi thế chiến lược về mặt chính trị.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc từng được biết đã sử dụng luồng du khách ra nước ngoài làm công cụ chính trị. "Nhưng chính phủ Việt Nam hiểu rằng nguy cơ như vậy chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng như các quyền lợi chính trị và ngoại giao lớn hơn", ông Burke nói.
Viễn Đông
*******************
Trung Quốc giải cứu 32 cô dâu Việt (VOA, 09/02/2017)
Nhiều đàn ông Trung Quốc cưới vợ Việt Nam vì tình trạng mất cân bằng giới tính.
Trung Quốc đã giải cứu 32 phụ nữ Việt Nam bị bán sang nước này để làm vợ cho các nông dân địa phương, AFP dẫn lời cảnh sát cho biết hôm 9/2.
Chính quyền cũng bắt 75 nghi can được coi thuộc một đường dây buôn người, dụ dỗ các phụ nữ Việt Nam tới tỉnh Vân Nam làm việc.
Hãng truyền hình nhà nước CCTV đưa tin rằng các nạn nhân bị giữ tại các khu vực núi non, hẻo lánh, gần biên giới Việt Nam, trước khi được bán cho người mua ở 6 tỉnh miền đông và miền trung Trung Quốc.
Một nạn nhân cho biết bà đã bị "đánh bằng ống thép" khi tìm cách bỏ trốn, cũng như bị đe dọa khi từ chối làm vợ người mua.
Đây không phải là lần đầu tiên các phụ nữ Việt Nam được giải cứu sau khi bị bán sang Trung Quốc.
Tình trạng mua bán phụ nữ để làm vợ là một vấn nạn lớn ở Trung Quốc do sự mất cân bằng giới tính. Tội buôn người ở quốc gia đông dân nhất thế giới có thể đối mặt với án tử hình.
Nhiều thập kỷ qua, chính sách một con của nước này đã khiến nhiều gia đình chuộng con trai hơn con gái.
Mới đây, hồi cuối tháng trước, báo chí trong nước đưa tin rằng Việt Nam triệt phá đường dây lừa hàng chục phụ nữ ở nhiều tỉnh, thành bán sang Trung Quốc.
Có 16 nạn nhân trú tại 3 tỉnh Bình Định, Bình Thuận và Kiên Giang đã bị lừa bán sang Trung Quốc để lấy chồng hoặc bị ép bán dâm. Mỗi cô gái bị lừa bán với giá trên 300 triệu đồng/người.