'Xô xát' trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolo (BBC, 09/05/2018)
Sáng 8/5, một nhóm người đưa máy xúc và một số thiết bị vào khu đất 5A-5B Quang Trung, Hoàn Kiếm, thuộc Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, để thi công.
Đã có xô xát xảy ra giữa một nhóm người được mô tả là 'cầm dùi cui' tấn công khiến một số nữ tu ngất xỉu, theo nguồn tin từ Truyền thông Thái Hà.
Chiều cùng ngày, các nữ tu Dòng Thánh Phaolo đã tới trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm để gửi đơn và yêu cầu can thiệp, buộc bên chủ đầu tư ngừng thi công trên mảnh đất số 5A-5B của Hội Dòng.
Theo các nữ tu, họ chỉ được tiếp 'qua loa' và không được đưa ra hướng giải quyết nào.
Trong sáng 9/5, các nữ tu Dòng Thánh Phaolo ở số 5 Quang Trung, Hà Nội tiếp tục xuống đường với băng rôn, biểu ngữ phản đối việc thi công trên đất mà họ tuyên bố 'có bằng chứng sở hữu hợp pháp'.
Tranh chấp nhiều năm
Dòng Thánh Phaolô khẳng định họ có giấy từ sở hữu hợp pháp mảnh đất hơn 200m2 tại số 5 phố Quang Trung từ khoảng năm 1883.
Đến năm 2016, một chủ đầu tư, được cho có tên là Trần Hương Ly, được cấp phép xây dựng trên mảnh đất này và bắt đầu khởi công xây dựng. Tuy nhiên sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nhà Dòng, giới chức phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra quyết định buộc chủ đầu tư dừng thi công vào giữa năm 2016.
Tuy nhiên theo cáo buộc, chủ đầu tư cho người và máy móc tới khởi công lại vào ngày 8/5, với giấy phép thi công do UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cấp và ký cùng ngày.
Soeur Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh, Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội cho biết trên trang Truyền thông Thái Hà rằng Nhà Dòng không hề nhận được thông báo nào của giới chức.
"Nếu có thì cấp lãnh đạo phường không phải là nơi đủ thẩm quyền để đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến việc này", soeur Trần Thị Anh nói.
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 9/5, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, giáo xứ Thái Hà cho biết các vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo đã diễn ra nhiều năm nay.
Linh mục Phong nói Dòng Thánh Phaolo, có trụ sở ở Roma, không trực thuộc Giáo hội Hà Nội, vốn đã 'mất rất nhiều đất' cho chính quyền. Nguyên do là hàng chục năm trước, nhà nước từng 'mượn' đất của giáo xứ này sử dụng cho một số mục đích, ví dụ như xây bệnh viện, nhưng sau này không trả lại.
Dù các soeur trong giáo xứ vẫn có đầy đủ giấy tờ sờ hữu, nhưng nhà nước lại không công nhận những giấy tờ này.
Cũng theo linh mục Phong, nhiều phần đất đã được nhà nước phân lô và chia cho tư nhân.
BBC gọi điện thoại nhiều lần trong ngày 9/5 cho ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực, đại diện phát ngôn của UBND quận Hoàn Kiếm, theo số điện thoại công khai trên website của quận, nhưng ông Phong không nhấc máy.
Nan giải tranh chấp
Nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo và các bất đồng, tranh chấp có thể nảy sinh liên quan tới nhà đất thuộc diện này là vấn đề khó giải quyết cho các cấp chính quyền.
Riêng trong lĩnh vực đất đai, chính quyền đã cụ thể hóa quyền sử dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo bằng Luật Đất đai được Quốc hội thông qua năm 2013.
Theo đó, "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
*******************
Nữ tu biểu tình đòi ngưng thi công trên đất Nhà Dòng (RFA, 09/05/2018)
Các nữ tu Dòng Thánh Phao Lồ Hà Nội vào hôm 9 tháng 5 năm 2018 tiến hành diễu hành mang theo biểu ngữ đến trước trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo Hà Nội để yêu cầu ngưng thi công trên khu đất của Nhà Dòng bị giao cho đơn vị tư nhân.
Các nữ tu Dòng Thánh Phao Lồ Hà Nội vào hôm 9 tháng 5 năm 2018 tiến hành diễu hành mang theo biểu ngữ đến trước trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Trần Hưng Đạo Hà Nội để yêu cầu ngưng thi công trên khu đất của Nhà Dòng bị giao cho đơn vị tư nhân. Courtesy FB Hà Vân
Biểu ngữ mang theo nêu rõ "Đề nghị dừng thi công trên mảnh đất Nhà Dòng - số 5 Quang Trung".
Vào giữa năm 2016, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định buộc chủ đầu tư dừng thi công Nhà Dòng - số 5 Quang Trung do có tranh chấp. Tuy nhiên ngày 08 tháng 5 năm 2018, phường Trần Hưng Đạo lại ra một văn bản không thuộc quyền của mình cho phép chủ đầu tư thi công trên khu đất của Nhà Dòng.
Cùng ngày, các nữ tu ra ngăn cản nhóm người cố đưa máy xúc, các thiết bị vào khu đất 5A-5B Quang Trung để thi công. Tin cho biết, các nữ tu bị một nhóm “côn đồ” nhục mạ, cầm dùi cui tấn công, một nữ tu bị đánh ngất xỉu.
Khi vụ việc xảy ra, lực lượng công an có mặt nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Các nữ tu đã đến trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu buộc chủ đầu tư dừng việc thi công nhưng không được giải quyết, do đó sáng ngày 9 tháng 5, các Sơ phải tiếp tục xuống đường biểu tình kêu cứu.
**********************
Dòng Thánh Phaolô phản đối công trình ở 5 Quang Trung, Hà Nội (VOA, 08/05/2018)
Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô hôm 8/5 phản đối việc một chủ đầu tư khởi động lại công trình xây dựng tại một khu đất ở trung tâm Hà Nội. Hội Dòng khẳng định họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh khu đất thuộc về họ.
Các nữ tu và giáo dân phản đối việc xậy dựng ở số 5 Quang Trung, Hà Nội, hôm 8/5/2018
Vào chiều tối 8/5, nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết một nhóm người đã đưa máy móc vào khu đất tại địa chỉ 5A-5B phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm vào sáng cùng ngày. Các nữ tu của hội dòng cùng với giáo dân đã phản đối hành động này. Đáp lại, nhóm người kia đã có hành vi "côn đồ", quấy nhiễu, và thậm chí, hành hung các nữ tu và giáo dân.
Soeur Theresa cáo buộc rằng trong nhóm người, có một số "dân đầu gấu", "dân xã hội đen" được thuê. Nữ tu cho biết thêm rằng công an có mặt tại vụ việc nhưng "không làm gì" :
"Công an chỉ đẩy các soeur ra, và còn văng tục, chửi các người dân cảm thấy bức xúc nâng đỡ các soeur, và bảo kê cho xã hội đen và chủ đầu tư mang dụng cụ vào đấy. Sau khi chủ đầu tư đã mang hết dụng cụ vào mảnh đất thì công an lên xe đi hết".
Tranh chấp quanh khu đất rộng chừng 200m2 đã kéo dài nhiều năm nay. Một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly hiện là chủ sở hữu mảnh đất với giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là "sổ đỏ", và cả giấy phép xây dựng.
Cách đây gần 2 năm, hồi cuối tháng 7/2016, khi bà Ly chuẩn bị xây dựng nhà trên khu đất, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phản đối bằng cách cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm đó.
Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Ly "tạm dừng thi công".
UBND quận Hoàn Kiếm đã đình chỉ xây dựng ở số 5 Quang Trung hồi tháng 7/2016 (Ảnh : Truyền Thông Thái Hà)
Dòng Thánh Phaolô nói mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung thuộc sở hữu của họ từ khoảng năm 1883.
Do những biến cố lịch sử, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này không được trả lại cho chủ cũ.
Hội Dòng cho VOA biết họ vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.
Việc công trình của bà Ly được nối lại hiện nay, theo soeur Theresa, là "sai trái pháp luật" với sự tiếp tay không minh bạch của chính quyền địa phương. Bà nói :
"UBND quận Hoàn Kiếm đã âm thầm cho phường Trần Hưng Đạo ra một thông báo để chủ đầu tư làm mà chúng tôi không hề nhận được. Còn khi chúng tôi đi đến gặp thì không bao giờ tiếp chúng tôi cả, mà còn cho người ra cản trở, đánh, rình rập để các tu sĩ, nữ tu và giáo dân không thể đi ra khỏi nhà được".
VOA chưa thể liên lạc được với nhà chức trách địa phương để làm rõ các cáo buộc nêu trên.
Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.
Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12/2008 sau các sự cố tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, cả hai đều ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.
Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại ; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.
Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Tú cho VOA biết Dòng Thánh Phaolô đang cân nhắc làm việc với các luật sư Việt Nam và quốc tế để đưa tranh chấp về khu đất số 5 Quang Trung, Hà Nội, ra tòa.
***********************
Thánh đường và nghĩa trang Hồi Giáo bị cưỡng chế (RFA, 08/05/2018)
Cưỡng chế với lý do phát triển
Một video chiếu trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và Youtube vào hôm Chủ Nhật, ngày 8 tháng 4 năm 2018 cho thấy hình ảnh rất đông công an sắc phục lẫn thường phục tiến hành cưa cổng sắt để đột nhập vào một ngôi nhà trước sự la hét của các phụ nữ và những tín đồ Hồi giáo mặc áo trắng phía bên trong. Tiếp theo đó là tình trạng xô xát và lớn tiếng giữa nhóm người này và đội ngũ công an. Đây được cho rằng là vụ chính quyền địa phương quận 3 cưỡng chế ngôi Thánh đường của Cộng đồng Hồi giáo Hòa Hưng.
Khu đất Thánh đường Hồi giáo Niamatul Islamiyah đã bị san ủi sau khi bị cưỡng chế. Courtesy of Citizen
Thánh đường Hồi giáo có tên Niamatul Islamiyah ngụ tại số 360C, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 có diện tích khoảng 3.490 mét vuông. Khu đất sinh hoạt tôn giáo này bao gồm một ngôi Thánh đường nhỏ và hàng trăm ngôi mộ của tín đồ quá cố. Các nguồn tin cho biết khu đất này do một người Ấn Độ hảo tâm tặng cho Thánh Đường Hồi Giáo Sài Gòn vào năm 1916. Trên phương diện pháp lý, khu đất này thuộc quyền quản lý của Ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman, số 66 Đông Du, quận 1 từ năm 1935.
Thời gian gần đây, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch xây dựng tuyến xe điện ngầm Metro Bến Thành – Tham Lương đồng thời xây dựng trường học nên có lệnh thu hồi toàn bộ khu đất cùng với ngôi Thánh đường đã tồn tại gần sáu thập niên.
Chúng tôi trò chuyện với ông Qasim Từ, một tín đồ Hồi giáo ở California và cũng là người làm việc bảo trợ cho Cộng đồng Hồi giáo và Lịch sử của người Chăm Pa tại Việt Nam, và được ông cho biết tình hình hiện nay.
Sau ngày cưỡng bức thì thánh đường bị ủi sập hoàn toàn, coi như là bị san bằng. Theo chúng tôi được biết thì hiện giờ bà con ở đó vẫn còn hoang mang, vì thánh đường là nơi tập trung sinh lễ hằng ngày của bà con bên đó. Tôn giáo Hồi Giáo phải cầu nguyện một ngày 5 lần cho nên thánh đường là nơi sinh hoạt rất khắng khít. Cho nên hiện giờ bà con vẫn còn chưa biết phải đi đâu để cầu nguyện. Trong thành phố thì cũng có nơi nhưng hơi xa nên vấn đề đi lại cũng bất tiện cho bà con.
Ban Đại Diện thuận theo chính quyền
Hai hôm sau khi vụ việc xảy ra, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/4/2018 đăng tải trên website chính thức của tổ chức này lên tiếng về vụ việc. Nguyên văn được nói nhằm ‘tổ chức bàn giao mặt bằng Nghĩa trang 360C, Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3 giữa Ban quản trị Thánh đường Musulman Đông Du cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 3’.
Ông Qasim nhấn mạnh, tín đồ Hồi giáo địa phương xưa nay đều biết mọi vấn đề sinh hoạt tôn giáo tại thánh đường Niamatul Islamiyah trực thuộc Ban đại diện. Nhưng nay, Ban đại diện lại tuyên bố khu đất là nghĩa trang, đồng thời chối bỏ danh nghĩa của thánh đường Niamatul Islamiyah mà cho rằng đó chỉ là một ngôi ‘nhà quàn’. Theo ông Qasim, đây là một trong những lý do chính khiến tín đồ Hồi giáo địa phương bất bình.
Các tín đồ Hồi giáo Hòa Hưng đang cầu nguyện tại Thánh đường Niamatul Islamiyah trước khi xảy ra vụ cưỡng chế. Courtesy of Citizen
Nếu Ban đại diện tuyên bố đó là thánh đường thì chuyện đã khác đi. Vấn đề là khi Ban đại diện tuyên bố đó là nhà quàn thì có chuyện tranh chấp giữa tín đồ tôn giáo địa phương và Ban đại diện.
Hơn thế, Ông Qasim Từ khẳng định với chúng tôi rằng tôn giáo Hồi giáo không hề có ‘nhà quàn’. Ông giải thích thêm như sau :
Thường thường khi một người Hồi giáo chết đi thì họ sẽ đem đến thánh đường và tiểu thánh đường để họ tắm rửa tử thi rồi liệm những tấm vải trắng. Trong ngày hôm đó họ phải tức tốc đem đi chôn càng sớm chừng nào càng tốt chừng ấy, trong khoảng 24 giờ thôi. Cho nên định nghĩa nhà quàn đối với tôn giáo Hồi giáo là không có.
Thu hồi ngoài phạm vi dự án
Ngoài những mâu thuẫn về danh nghĩa của ngôi thánh đường, nhiều tín đồ Hồi giáo còn thắc mắc về phần đất bị thu hồi khu với thông báo để làm tuyến tàu điện ngầm Thành phố Hồ Chí Minh. Theo họ, tuyến tàu điện ngầm băng qua chỉ ảnh hưởng diện tích khoảng 230 m2 diện tích khu đất, thế nhưng chính quyền lại quyết định san bằng toàn bộ. Ông Qasim nói :
Đó là vấn đề mà người dân rất phẫn nộ là tại vì cái đường băng qua ảnh hưởng chỉ có 230m trong khu vực đất đai đó thôi mà tại sao lại phải san bằng lấy hết toàn bộ khu đất để làm metro. Đó cũng là một cái uẩn khúc, một câu hỏi lớn mà dân địa phương họ đang tranh đấu bấy lâu nay.
Còn văn bản thu hồi đất chính thức của Ủy Ban Nhân Dân quận 3 đề ngày 18 tháng 12 năm 2017 thì chính quyền địa phương quyết định thu hồi 725 m2 đất tại Nghĩa trang số 360C đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10, Quận 3, do Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman (số 66 Đông Du, phường Bến Nghé, Quận 1) quản lý, để thực hiện dự án đầu tư xây dưng Tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh (tuyến Bến Thành – Tham Lương). Ngoài ra, chính quyền và thu hồi thêm 2.227 m2 tại khu đất này để xây dựng trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh – Cơ sở 2.
Ngoài ra, văn bản chính thức của Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh đăng tải trên website của tổ chức này khẳng định các chi phí tổ chức di dời mộ phần đã được chính quyền đảm bảo chi trả theo pháp luật. Đồng thời, ban quản trị Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman đã đồng ý trích một phần kinh phí hỗ trợ cho gia đình quản trang là ông HJ Musa Hamit sau khi nghĩa trang chấm dứt hoạt động.
Tổ chức này cũng nói đã đề xuất Thánh đường Hồi giáo Ấn Độ Musulman xem xét hiến tặng khoản tiền bồi thường đối với phần diện tích nhà quàn cho cộng đồng Hồi giáo Phường 10 Quận 3 để có điều kiện tìm kiếm một vị trí khác làm nơi tập trung sinh hoạt tôn giáo cho cộng đồng tín đồ tại đây.
Chúng tôi liên hệ với ông Lý Du Sô, Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh để có thêm thông tin thì ông này từ chối trả lời.
Chiều nay tôi có việc tiếp cơ quan nhà nước nên chưa có điều kiện tiếp anh đâu. Tôi chưa biết nữa anh. Chúng tôi đang có vấn đề là chuẩn bị tháng Ramadan.
Phúc trình năm 2018 của Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đề cập đến việc chính quyền Việt Nam lấy đất đai và phá hủy tài sản tôn giáo. Các hành động này được nhận định rằng có thể sách nhiễu hoặc can thiệp vào việc thực hành tôn giáo của người dân.