Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ tại thủ đô Washington (VOA, 18/05/2018)
Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền lần thứ 22 tại thủ đô Washington hôm 17/5/2018.
Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State
Trong một thông cáo hôm 17/5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Đại sứ Hoa Kỳ Michael Kozak thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã dẫn đầu các phái đoàn hai nước dự đối thoại nhân quyền lần thứ 22.
Trong Đối thoại, hai bên trao đổi các vấn đề nhân quyền, bao gồm tầm quan trọng của những tiến bộ liên tục về cải cách pháp luật, thượng tôn pháp luật, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền lao động, quyền của người dễ bị tổn thương, hợp tác đa phương, cũng như các trường hợp cá nhân được quan tâm.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc thúc đẩy quyền con người là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đóng vai trò quan trọng cho cuộc đối thoại đang diễn ra trong mối quan hệ đối tác toàn diện của Hoa Kỳ-Việt Nam.
Cũng tại thủ đô Washington một tuần trước khi diễn ra buổi Đối thoại, Hoa Kỳ hôm 11/5 đã tổ chức Ngày Nhân quyền Việt Nam năm 2018. Trong dịp này, ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (DRL) nói Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân đang bị giam cầm vì lý do chính trị hay tôn giáo trong cuộc đối thoại nhân quyền.
Ngoài ra, ông Scott Busby, còn cho biết ông sẽ nêu các vấn đề tự do tôn giáo và chỉnh sửa các điều luật mà ông cho là ‘mơ hồ’ của Việt Nam tại cuộc Đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước.
Ông cho rằng mặc dù quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển tốt đẹp và Mỹ đang cùng Việt Nam thúc đẩy nhiều ưu tiên như thương mại, an ninh khu vực, giáo dục đào tạo, nhưng vấn đề nhân quyền ‘vẫn đang là thách thức’ cho quan hệ song phương bởi vì ‘vẫn đang tiếp tục có nhiều vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam’.
Vấn đề tù nhân chính trị ở Việt Nam cũng khiến ‘phía Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc’ và sẽ nêu lên trong cuộc Đối thoại. Ông Busby cho biết Mỹ ghi nhận ‘tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp những người thực thi hòa bình quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội’.
Phái đoàn Việt Nam tại Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, ngày 17/5/2018. Twitter EAP DOS.
Các nhà tranh đấu Việt Nam tỏ ra rất hoài nghi về hiệu quả các cuộc Đối thoại nhân quyền.
Ông Phạm Bá Hải, Điều hợp viên của Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam hôm 15/5 viết trên Facebook : "Liệu có nhà yêu nước nào được thả tự do trong số 96 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm sau Đối thoại nhân quyền ? Liệu chính quyền Việt Nam có thực tâm tôn trọng các quyền tự do căn bản như tự do bày tỏ ôn hòa chính kiến của mình, hay quyền tự do tôn giáo của các giáo hội không chịu sự khống chế của nhà nước ?"
Theo nhà tranh đấu này, Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ từng bị gián đoạn vì không có tiến triển nào sau những cuộc gặp mà Việt Nam "chỉ đưa ra các lời hứa".
Đến chiều ngày 18/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa ra thông cáo báo chí về cuộc Đối thoại ngày 17/5 tại thủ đô Washington.
Ngày 4/5/2018, khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói : "Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuy đã ghi nhận những thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam nhưng vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam".
Năm ngoái Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức đối thoại nhân quyền lần thứ 21 vào ngày 23/5 tại Hà Nội.
*****************
Việt Nam và Mỹ đối thoại nhân quyền lần thứ 22 (RFA, 18/05/2018)
Việt Nam và Hoa Kỳ có cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 tại Washington DC hôm 17 tháng 5.
Đối thoại nhân quyền Việt Nam và Hoa Kỳ lần thứ 22 tại Washington DC - State Department
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, trong cuộc đối thoại lần này, hai bên thảo luận một loạt các vấn đề về nhân quyền bao gồm cải cách tư pháp, pháp quyền, quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động và một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết cụ thể những trường hợp cụ thể này là những ai.
Phía Hoa Kỳ khẳng định vấn đề nhân quyền tiếp tục là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong các đối thoại với Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác toàn diện.
Tham gia đối thoại lần này, về phía Mỹ có Đại sứ Michael Kozak thuộc Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động là đại diện đứng đầu, phía Việt Nam là ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao.
Hôm 20/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố phúc trình về tình nhân quyền toàn cầu 2017, và chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Trong báo cáo này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu ra một loạt các vấn đề ở Việt Nam bao gồm tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiên, nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người, việc bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa, tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp, các hạn chế về quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại, tự do báo chí.
Phúc trình dẫn thống kê của Human Rights Watch cho biết có hơn 100 người tại Việt Nam đã bị kết án tù trong năm ngoái vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Các trường hợp đặc biệt được phúc trình nêu bao gồm blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án tù 10 năm, luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sư Lê Thu Hà bị giam giữ 2 năm mới đưa ra xét xử.
Hôm 25/4 Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo về tự do tôn giáo và đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).