Việt Nam lên tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh sau khi bị tố ‘giữ im lặng’ (VOA, 18/05/2018)
Liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ ngoại giao Việt Nam ngày 17/5 lên tiếng nói Việt Nam "đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức" và "luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức". Phát biểu của người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong buổi họp báo hôm 17/5, một ngày sau khi truyền thông Slovakia đưa tin rằng cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước này "giữ im lặng" trước danh sách hàng loạt câu hỏi mà Bộ Ngoại giao Slovakia gửi liên quan đến vụ bắt cóc này.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam "đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức" và "luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức".
Báo chí Việt Nam cho biết tại cuộc họp báo chiều 17/5, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với trường hợp Nguyễn Hải Long, người bị xem là một mật vụ của Việt Nam, đang bị xét xử tại Đức trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định "công việc liên quan đến bảo hộ công dân sẽ được tiến hành đúng quy định của pháp luật", theo Người Lao Động.
Đối với yêu cầu cập nhật thông tin về vụ này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói :
"Chúng tôi đã phát biểu nhiều lần. Hiện Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước".
Hình ảnh Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức.
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bất ngờ biến mất khỏi Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn ở nước này. Chính phủ Đức nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin.
Ông Thanh xuất hiện trở lại vào ngày 3/8 trong các bản tin trên truyền hình Việt Nam nói rằng ông này tự ra đầu thú.
Hiện chính phủ Đức đang tiến hành xét xử những người liên quan đến vụ bắt cóc, trong đó có Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là gián điệp đã thuê chiếc xe để sử dụng trong vụ bắt cóc này.
Ngoài ra, chính phủ Slovakia cũng bị truy tố trách nhiệm khi đã cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các quan chức Việt Nam mượn một chiếc máy bay để phục vụ công việc, nhưng truyền thông Đức nói có thể Việt Nam đã sử dụng chiếc máy bay này để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh.
Một ngày trước khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ này, tờ Slovak Spectator cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã gửi các câu hỏi về vụ bắt cóc này cho Đại sứ Dương Trọng Minh, nhưng mãi đến ngày 16/5 vẫn chưa nhận được câu trả lời.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", tờ báo của Slovakia dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói, đồng thời cho biết thêm rằng Slovakia đã cảnh báo đại sứ Việt Nam rằng họ đã chờ đợi đủ rồi và vấn đề quá nghiêm trọng để mà kéo dài.
Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak.
Các giới chức Việt Nam bị cáo buộc đã sử dụng máy bay mượn của Slovakia để thực hiện hai chuyến bay. Đầu tiên là bay từ Prague đến Bratislava. Sau khi có cuộc họp với các đại diện người Slovakia, Việt Nam tiếp tục dùng máy bay này bay từ Bratislava tới thủ đô Moscow của Nga.
Theo tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, chiếc xe bị cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã đậu ngay trước khách sạn Borik của chính phủ Slovakia trong khoảng thời điểm diễn ra cuộc họp giữa hai bên.
Hôm 3/5, đích thân Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng yêu cầu Slovakia cung cấp thông tin về sự can dự của nước này trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bà nhấn mạnh rằng vụ này đã gây "ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ Đức-Việt".
Cho tới nay, Slovakia chỉ phủ nhận đã giúp Việt Nam trong vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay.
Sau khi cho biết đã triệu đại sứ Việt Nam tới để truyền đạt các chất vấn và quan ngại về vụ việc, Bộ Ngoại giao nước này nói :
"Nếu những cáo buộc này được xác nhận, chúng tôi sẽ xem đó là một vụ việc nghiêm trọng với một tác động tiêu cực đến quan hệ song phương của hai nước", Bộ cho biết trong một thông cáo. "Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ chuyện Slovakia có dính líu đến hành động đó."..
Sau khi trở về nước, Trịnh Xuân Thanh bị tuyên hai bản án tù : 14 năm tù và chung thân về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản.
**************************
Đại sứ Việt Nam khẳng định Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ tới Slovakia (VOA, 18/05/2018)
Thủ tướng Slovakia hôm 18/5 cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã nhận được trả lời từ Đại sứ Việt Nam tại Bratislava, ông Dương Trọng Minh, rằng Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia. Thông tin trên được Thủ tướng Peter Pellegrini đưa ra tại một hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Sofia hôm 18/5.
Đại sứ Dương Trọng Minh (phải) và Quốc vụ khanh Slovakia Lukas Parizek.
"Đại sứ Việt Nam có thể khẳng định chắc chắn rằng người bị bắt cóc ở Đức không ở trong phái đoàn khởi hành từ Bratislava", Slovak Spectator dẫn lời ông Pellegrini nói.
"Chỉ có các thành viên chính thức của phái đoàn Việt Nam lên máy bay. Người được hỏi thậm chí còn chưa từng tới Slovakia. Đây là thông tin chính thức do Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cung cấp cho Bộ trưởng của chúng tôi", tờ Slovensko dẫn lời Thủ tướng Pellegrini cho biết thêm.
Với thông tin mới được cung cấp này, Thủ tướng Slovakia nói ông "vui mừng vì những lời này khẳng định rằng Slovakia không hề liên quan gì đến việc bắt cóc công dân này bên ngoài biên giới khu vực Schengen".
Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini.
Thủ tướng Pellegrini nói thêm đây là thông tin mới và ông cần phải xem xét.
"Tôi tin chắc rằng thông tin này đã làm rõ toàn bộ vụ việc và Slovakia có thể ngừng giải thích rằng mình không nằm trong một âm mưu hay hành động có tổ chức", ông Pellegrini nói.
Thông tin từ Thủ tướng Slovakia được đưa ra 2 ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này cảnh cáo đã "chờ đợi đủ rồi" trước tình trạng Đại sứ Việt Nam "giữ im lặng" quá lâu trước hàng loạt câu hỏi Slovakia gửi đến liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua chuyện này mà không có một câu trả lời nào", Slovak Spectator dẫn lời Bộ trưởng ngoại giao Miroslav Lajcak nói hôm 16/4.
Trước đó, truyền thông Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin trong thời điểm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có mặt ở Slovakia vào cuối tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, Hà Nội khẳng định ông này tự ra đầu thú.
Báo chí Đức nói một số nghi phạm trong vụ bắt cóc đã được nhìn thấy cùng với ông Tô Lâm tại Bratislava, và chiếc máy bay mà Bộ Nội vụ Slovakia cho phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam mượn sau khi phái đoàn này bất ngờ thay đổi lịch trình đã được sử dụng để vận chuyển Trịnh Xuân Thanh.
Chính phủ Slovakia ngay từ đầu phủ nhận giúp đỡ Việt Nam trong vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy Trịnh Xuân Thanh có mặt trên máy bay. Bộ Ngoại giao Slovakia sau đó đã triệu đại sứ Việt Nam tới để truyền đạt các chất vấn và quan ngại về vụ việc.
Hiện chính phủ Đức đang tiến hành xét xử những người có liên quan đến vụ bắt cóc, mà theo lời Thủ tướng Angela Merkel, đã gây "ảnh hưởng nặng nề đến mối quan hệ Đức-Việt".
*********************
Vợ Trịnh Xuân Thanh biết tại sao chồng mình rút kháng cáo (CaliToday, 17/05/2018)
Vì lý do an ninh cũng như vì sự an nguy của ông Trịnh Xuân Thanh trong nhà tù ở Việt Nam, đó là lý do mà Tòa thượng thẩm Berlin tại phiên xử thứ 5 của vụ án xét xử nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long đi đến quyết định lấy lời khai kín của bà Trần Dương Nga và những lời khai này phải giữ bí mật…
Phía Đức hiện đang làm căng vụ án bắt cóc, đây là vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên tính nghiêm trọng và nghiêm túc được đặt lên hàng đầu
Theo nhà báo Lê Trung Khoa- chủ trang Thoibao.de, tại phiên xử thứ 5 diễn ra vào ngày 15/5/2018, của Tòa thượng thẩm Berlin xét xử nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long với cáo buộc có liên can đến vụ bắt cóc Trịnh XuânThanh tại vườn thú Berlin vào ngày 23/7/2017, bà Trần Dương Nga tức là vợ của ông Trịnh Xuân Thanh cho Hội đồng xét xử biết ông Vũ Đình Duy, người có họ hàng với ông Trịnh Xuân Thanh có nói với bà rằng ông Đào Quốc Oai có cổ phần rất lớn tại một khu chợ người Việt ở Praha (thủ đô Cộng hòa Séc), từ đó nghi can-mật vụ Nguyễn Hải Long là chủ một cửa hàng chuyển tiền ở đây đã thuê xe cho những người thực hiện vụ bắt cóc.
Cũng tại phiên xử, bà Nga cho biết là bà cũng biết lý do tại sao ông Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo ở hai bản án sơ thẩm kinh tế được xét xử tại Tòa án Hà Nội (Việt Nam) nhưng bà Nga xin từ chối tiết lộ thông tin. Luật sư của Trịnh Xuân Thanh thuê tại Đức là bà Luật sư Schalagenhauf cho biết, ông Thanh hiện đang ở trong nhà giam Công an Việt Nam nếu bà Nga với tư cách người vợ tại phiên xử này có những lời khai bất lợi cho ông Thanh thì ông Thanh rất dễ phải đón nhận hậu quả không lường trước được. Hội đồng xét xử Tòa thượng thẩm Berlin quyết định sẽ lấy lời khai kín đối với bà Nga và tiếp nữa là mọi thông tin trong lời khai này sẽ được bảo mật, không được tiết lộ ra ngoài vì có những lý do an ninh.
Trong khi đó vào ngày 7/5/2018 vừa qua, tại Tòa án Hà Nội ông Trịnh Xuân Thanh đồng loạt rút kháng cáo hai bản án sơ thẩm liên quan đến những sai phạm của ông xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) và công ty PVPLand. Ở hai bản án sơ thẩm của hai vụ án này, ông Thanh đều bị Hội đồng xét xử tuyên tù chung thân.
Động thái rút kháng cáo chấp nhận hai bản án sơ thẩm của Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận Việt Nam cho đến nay vẫn đang còn tranh luận sôi nổi, nó đã làm "giảm nhiệt" rất nhiều về sự quan tâm của dư luận nhắm vào phiên xử phúc thẩm vụ án Cựu ủy viên Bộ Chính Trị ông Đinh La Thăng và đồng bọn cũng có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh.
Ban đầu động thái rút kháng cáo của Trịnh Xuân Thanh, dư luận đặt nhiều nghi vấn ; liệu có sự thỏa thuận ngầm nào ở đây bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là người kém kiến thức khi đưa ra một quyết định chấp nhận sống chung thân trong nhà tù Việt Nam ? Phía Đức hiện đang làm căng vụ án bắt cóc, đây là vụ án liên quan đến an ninh quốc gia nên tính nghiêm trọng và nghiêm túc được đặt lên hàng đầu, yêu cầu phía Việt Nam trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức. Trong khi đó, nếu đặt lên cán cân thì chắc chắn Việt Nam cần Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EVFTA) hơn là cần Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, cũng có khả năng nhỏ xảy ra là Việt Nam kiên quyết giữ Trịnh Xuân Thanh, không cần chọn EVFTA vì sự thể diện.
Ngoài ra, cũng có quan điểm cá nhân cho rằng, động thái nói trên của Trinh Xuân Thanh là một ngầm ý của ông Thanh muốn cho Chính phủ Đức và quốc tế quan tâm hiểu là ông không thừa nhận bản án ở Việt Nam vì ông từng kháng cáo kêu oan và sự kháng cáo có lẽ cũng vô nghĩa.
Thông tin từ bà Luật sư Schalagenhauf cho báo đài biết là vào cuối năm 2017 ông Thanh đã được chấp nhận cho tị nạn chính trị tại Đức, như vậy ông Thanh bây giờ được coi là người của pháp luật Đức và nước Đức có nhiệm vụ bảo hộ.
Dư luận Việt Nam dự đoán trong những ngày sắp tới, có thể Việt Nam sẽ đi đến quyết định trao trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, hòng trả lời yêu cầu của Đức vào mấy tháng trước khi vụ bắt cóc mới diễn ra.
Tuy nhiên, hiện tại phía Đức đang đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ra xét xử với nghi can là mật vụ Nguyễn Hải Long. Chính phủ Đức đang cho Việt Nam và quốc tế thấy họ sẽ đi đến cùng của vụ bắt cóc để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật và sự tôn nghiêm của một quốc gia, dân tộc có chủ quyền là nước Đức. Thời điểm này có lẽ không có gì thích hợp hơn cho Việt Nam là quyết định giữ im lặng và theo dõi động thái từ nước Đức.
"Đường nào cũng về La Mã" và "Đường nào Trịnh Xuân Thanh cũng về Đức" nhưng Việt Nam sẽ phải chọn thời điểm thích hợp và lý do chính đáng để làm xoa dịu "cơn giận" của Đức và làm hài lòng phần nào dư luận quốc tế.
Vẫn phải nói rằng, việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức cho đến nay vẫn chỉ một phía cáo buộc đến từ nước Đức còn phía Việt Nam vẫn giữ im lặng. Dư luận Việt Nam do bị hạn chế việc truy cập thông tin vụ bắt cóc cũng như vụ án xét xử Nguyễ Hải Long nên đến nay phần nhiều vẫn chưa biết cáo buộc của Đức có đúng hay không ? Việt Nam nói Trịnh Xuân Thanh về đầu thú đúng hay là sai ? Tuy nhiên, con số dư luận ở Việt Nam cho rằng đây đích thị là một vụ bắt cóc đang ngày một tăng.
Quê Hương