Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/05/2018

Phế liệu, Đồ Sơn, rừng Campuchia, vàng nhàn rỗi, trốn thuế, dân Thủ Thiêm

Tổng hợp

Hàng nhập khẩu phế liệu gây ùn tắc tại các cảng biển tại Việt Nam (31/05/2018)

Gần 400 container hàng phế liệu vô chủ trong số hơn 6.800 lô hàng nhập khẩu đang khiến cho các cảng biển tại Việt Nam bị mắc kẹt và quá tải. 

phelieu1

Lô hàng phế liệu điện tử cấm nhập khẩu được đưa từ nước ngoài về Việt Nam Dantri

Nguyên nhân là do Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới ngưng nhập khẩu mặt hàng này từ EU, Mỹ và Nhật Bản trong năm nay và do đó, phế liệu được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Mạng báo Port News loan tin như vừa nêu ngày 31 tháng 5.

Theo thông tư của Bộ Tài chính Việt Nam, hàng hóa vô thừa nhận trên 90 ngày tại các cảng có thể bị tịch thu đem bán hoặc tiêu huỷ.

Một cuộc kiểm tra hàng vô chủ mới đây tại cảng Cát Lái đã phát hiện hơn 100 máy điều hòa, 270 xe đạp và phụ tùng xe đạp đã sử dụng bị cấm nhập khẩu. Theo thông tin ghi nhận, đây là lô hàng được gửi đến cho một công ty ở quận Tân Phú. 

Hiện tại, cảng Cát Lái đang phải lưu kho 307 container vô thừa nhận trong khi đó số lượng hàng nhập khẩu lưu kho quá 90 ngày có xu hướng ngày càng tăng tại các cảng biển kể từ đầu năm nay. 

Đại diện Cục Hải quan Việt Nam thì cho rằng những hạn chế về nhập khẩu vật liệu tái chế đã gây khó khăn cho quá trình xử lý nhập khẩu và dẫn đến việc hàng nhập khẩu bị ùn tắc tại các cảng biển trong thời gian vừa qua. Cục Hải quan cũng đề nghị các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan liên quan hợp tác cung cấp thông tin chi tiết về lô hàng để giúp xác định chủ hàng và đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa chưa được xác nhận.

Hiện Việt Nam đã tăng cường kiểm tra nhập khẩu phế liệu và có kế hoạch tạm dừng các chuyến hàng đến các cảng chính kể từ 25/6 đến 15/10/2018.

Tân Cảng Cát Lái, một trong những cảng lớn của Việt Nam hiện đang chứa hơn 8000 tấn trọng tải (TEU) nhựa phế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

hế liệu và giấy thải (1 TEU tương đương công ten nơ 39 m³ thể tích) trong khi đó tại Tân Cảng – Cái Mép, một cảng biển nhỏ hơn, lượng dự trữ phế liệu là 1.132 TEU và dẫn đến tình trạng quá tải phế liệu tại hai cụm cảng lớn nhất của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.

***************

Du khách xa lánh biển Đồ Sơn vì cảnh sát giao thông gài bẫy (Người Việt, 30/05/2018)

Hiệp Hội Du Lịch Hải Phòng, Hội Doanh Nghiệp Đồ Sơn đồng loạt phản ánh khách du lịch ngại đến chơi Đồ Sơn vì sợ cảnh sát giao thông gài bẫy.

phelieu2

Bãi biển Đồ Sơn vắng khách ngay trong mùa du lịch. (Hình : VietnamNet)

Báo VietNamNet ngày 29 tháng Năm, dẫn tin tại buổi "Giao ban hiệp hội trao đổi, chia sẻ chương trình, kế hoạch hỗ trợ DN năm 2018", do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng tổ chức mới đây đã phản ánh việc khu du lịch Đồ Sơn vắng khách do bị lực lượng cảnh sát giao thông "làm quá chặt, cứng nhắc", khiến người dân và du khách e ngại.

Ông Vũ Văn Thành, lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Doanh nhân quận Đồ Sơn và ông Bùi Quốc Việt, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Hải Phòng đều cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông quận Đồ Sơn và lực lượng cảnh sát giao thông, công an thành phố Hải Phòng "làm quá", khiến cho du khách phiền hà khi đến Đồ Sơn.

Phản ánh với báo VietNamNet, ông Nguyễn Ánh Duy, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, nói : "Từ khi có cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhóm bạn chúng tôi thường hay đi Đồ Sơn chơi vào cuối tuần. Tuy nhiên, gần đây việc thường xuyên bị cảnh sát giao thông Đồ Sơn bắt những lỗi giao thông nhỏ như không bật xi nhan, đi không đúng làn đường,… thay vì nhắc nhở, đặc biệt là thu giữ bằng lái xe hẹn cả tuần mới giải quyết khiến mọi người mất thời gian nên chúng tôi không đến Đồ Sơn nữa".

Ông Hoàng Văn Thiềng, tổng giám đốc công ty Du Lịch Quốc Tế Hòn Dáu cho biết : "Rất nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại khu du lịch Đồ Sơn tức giận về việc bị cảnh sát giao thông ‘xử lý’. Họ là người nơi khác đến không biết các khúc cua và các chốt của cảnh sát giao thông nên chủ quan và thế là dính bẫy".

Cụ thể, ở điểm đầu vào khu du lịch Đồ Sơn không cắm biển thông báo tốc độ được phép chạy của các loại xe, trong khi đường lại một chiều, vắng người nên du khách chủ quan chạy nhanh.

"Việc xử phạt tốc độ du khách trong khi mình không cắm biển báo tốc độ quy định khiến khách có cảm giác như bị gài bẫy", ông Thiềng nói.

Phản hồi về việc khách du lịch không đến Đồ Sơn vì sợ cảnh sát giao thông, ông Phạm Văn Thắng, đội trường Đội Cảnh Sát Giao Thông, công an quận Đồ Sơn thừa nhận : "Đơn vị có nghe được thông tin phản ánh của khách du lịch và doanh nghiệp. Họ nói như vậy thì khả năng chúng tôi phải nới lỏng. Chúng tôi sẽ chuyển sang nhắc nhở, cấm cán bộ truy đuổi người vi phạm, không bắt lỗi xi nhan. Còn phương án cụ thể thế nào thì đang chờ ý kiến của lãnh đạo công an Hải Phòng", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ông Thắng biện minh lý giải, việc đầu điểm vào khu du lịch Đồ Sơn không cắm biển báo tốc độ cho phép xe chạy là "do đã có biển báo khu dân cư đông dân". Còn việc doanh nghiệp nói khách du lịch sợ đến Đồ Sơn vì cảnh sát giao thông là "chưa chuẩn". Các đơn vị đó làm ăn kinh doanh khó khăn nên cứ đổ vấy cho cảnh sát giao thông". (Tr.N)

****************

Việt Nam tiếp tục phá rừng Campuchia (RFA, 31/05/2018)

Các viên chức Nhà nước và Quân đội Việt Nam vẫn đang đồng lõa trong hoạt động buôn lậu trái phép số lượng gỗ lớn từ Campuchia, dù tình trạng này đã được tổ chức có tên Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) công bố một năm trước đây.

phelieu3

Xe tải chở gỗ trên một con đường nông thôn ở tỉnh Preah Vihear, phía bắc Phnom Penh, Campuchia. AP

Đây là nội dung trong phúc trình mới của EIA có tên Serial Offender, tạm dịch ‘Kẻ Vi Phạm Hằng Loạt’, nhằm phơi bày các hoạt động trộm cắp và buôn lậu gỗ đang diễn ra tại Campuchia và Việt Nam.

Theo EIA, một lượng lớn gỗ được buôn lậu trái phép vào Việt Nam trên hàng trăm xe tải. Các xe này tránh những cửa khẩu và hải quan của Campuchia mặc dù chính phủ Campuchia ban hành nhiều lệnh cấm xuất khẩu gỗ, bao gồm cả lệnh cấm buôn bán gỗ với Việt Nam từ năm 2016.

Ông Jago Wadley, người vận động lâu năm của EIA cho biết Việt Nam có một lịch sử lâu dài về buôn gỗ lậu từ các nước láng giềng. Ở Campuchia, các công ty Việt Nam đã khởi xướng hoạt động khai thác bất hợp pháp tại một công viên quốc gia, đồng thời hối lộ cảnh sát biên phòng và kiểm lâm để các hoạt động này không bị dòm ngó.

Việt Nam hiện đang chuẩn bị ký và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA), Điều hành và Thương mại Rừng (FLEGT) với Liên minh Châu Âu. Thỏa thuận này nhằm mở đường cho hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam phải tuân thủ luật pháp của EU.

Trong khi Việt Nam đang soạn thảo luật cho lĩnh vực nhập khẩu gỗ bất hợp pháp, thì hàng trăm ngàn mét khối gỗ trái phép vẫn tiếp tục được đưa vào Việt Nam qua biên giới.

Mặc dù có bằng chứng rõ ràng về gỗ được khai thác và xuất khẩu trái phép, nhưng phần lớn số gỗ này vẫn được hải quan Việt Nam thông qua khi kiểm tra và được "hợp thức hóa" tại thị trường Việt Nam.

Phúc trình ‘Serial Offender’ mà EIA công bố nêu lên quan ngại về khả năng và quyết tâm của các cơ quan liên quan tại Việt Nam trong việc đáp ứng các cam kết được đề ra trong hiệp định vừa nêu với EU.

*********************

Việt Nam cố gắng huy động vàng nhàn rỗi trong dân (RFA, 30/05/2018)

Chừng 500 tấn vàng nhàn rỗi trong dân trị giá hằng tỷ đô la Mỹ sẽ rất hữu dụng khi được chuyển đổi để đầu tư cho nền kinh tế. Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin vào ngày 30 tháng 5.

phelieu4

Một cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội. AFP

Tin cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc chuyển đổi vàng nhàn rỗi trong dân thành tiền và các tài sản khác có thể giúp giảm sự phụ thuộc của người dân vào vàng, thay đổi thói quen và nhu cầu của người dân về quyền sở hữu vàng. Ngăn cản mọi sự đầu tư phát triển kinh tế bị chi phối bởi vàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn cho biết đã nghiên cứu và phối hợp với các bộ ngành khác để xây dựng và lập kế hoạch ngăn chặn mọi hoạt động chi phối bởi vàng và biến vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội Việt Nam vào năm 2020.

Bản tin của Tân Hoa Xã khi loan lại tin của Thông Tấn Xã Việt Nam cho rằng kể từ năm 2014, vàng trở nên kém hấp dẫn và cung- cầu về vàng trên thị trường Việt Nam trở nên khá quân bằng. Giao dịch vàng đi xuống và các công ty chủ yếu mua vàng từ khách hàng cá nhân.

***********************

Thanh toán di động của Trung Quốc tại Việt Nam nhằm trốn thuế (RFA, 30/05/2018)

Hình thức thanh toán qua điện thoại di động của Trung Quốc tại Việt Nam nhằm trốn thuế.

phelieu5

Cổng thanh toán điện tử Wechat Pay của Trung Quốc. AFP

Mạng báo Jing Travel loan tin hôm 30 tháng 5 dẫn phát biểu của ông Đỗ Công Diễn, Giám đốc Điều hành Công ty VIMO tại Việt Nam rằng gần đây nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng hình thức thanh toán qua di động hoặc ‘ví điện tử’ được phát hành tại Hoa Lục để nhận thanh khoản cho khách du lịch Trung Quốc khi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong thực tế việc thanh khoản bằng các phương tiện này đã giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam tránh trả tiền cho các đối tác của các công ty điện thoại Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam mà trả trực tiếp về Trung Quốc. Như vậy dòng tiền do du khách Trung Quốc vào Việt Nam du lịch không hề chảy vào Việt Nam. Cơ quan chức năng Việt Nam không thể kiểm soát những giao dịch đó và nguồn thu thuế bị thất thoát.

Ông Đặng Công Diễn cho rằng như thế là vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam.

Hình thức thanh toán qua điện thoại di động bị cho là một phần của vấn nạn ‘tua 0 đồng’ và liên quan đến hoạt động tội phạm mà nhiều quốc gia Đông Nam Á gần với Trung Quốc đang phải chống chọi.

**********************

Dân Thủ Thiêm bám trụ trong cảnh cùng cực (RFA, 29/05/2018)

Tại vùng đất ‘nóng’ Thủ Thiêm hiện vẫn còn một số hộ dân bám trụ sống trên mảnh đất bị thành phố giải tỏa với chiêu bài xây dựng khu đô thị mới. Họ không đồng ý chuyển đến cư ngụ tại khu vực tạm cư. Thực tế cuộc sống của họ ra sao ?

phelieu6

Chỗ tạm cư của người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà. RFA

Hoàn cảnh

Gia đình anh Hoàng và chị Nhã Khánh là một trong số rất ít nhà còn sót lại sau những đợt giải tỏa thu hồi đất ở Thủ Thiêm. Số này quyết bám trụ khi mà cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các dịch vụ công cộng không còn. Hai anh chị cho biết :

"Trước khi có thông báo cưỡng chế thì không có người đi đổ rác, quét đường quét xá, cưỡng chế người dân đi nhiều rồi thì không còn ai làm nữa.

Hồi xưa có đèn đường giờ thiếu không có đèn đường, không có chỗ đổ rác, không có internet, ngập lụt, muỗi".

Mặc dù thiếu thốn nhiều thứ khi sống trong khu hoang tàn, điều kiện an ninh không có ; nhưng anh chị vẫn phải bám trụ với lý do được nêu ra :

"Mình đi thì đâu có ai bảo vệ giữ gìn nhà cửa của mình đâu. Giờ cũng chưa có gì rõ ràng hết, đi ra thì cũng phải thuê nhà, thuê cửa. Công việc làm ăn của mình bấy lâu nay cũng đâu có được đâu. Thì cũng chị làm thôi còn anh thì cũng cứ đi đấu tranh nhà, còn chị cũng làm kiếm tiền chợ vậy thôi.

Sống như vầy, từ lúc cưỡng chế từ năm 2012. Lúc đó chị cũng rất hoang mang và lo lắng, mong là mình được ở lại, để chờ giải quyết xong chứ bây giờ xuống tạm cư : ở đây đã tệ xuống tạm cư còn tệ hơn nữa, diện tích nó quá nhỏ".

Chị Nhã Khánh có nhắc đến khu tạm cư, đây là nơi mà các gia đình đã bị chính quyền cưỡng chế rồi yêu cầu họ đến đó sinh sống.

Ông Truyền ngày trước có nhà nằm trên đường Lương Đình Của, phường Bình An, quận 2 bị cưỡng chế, nay cũng không còn lựa chọn nào khác phải sống ở khu tạm bợ. Ông cho biết về cuộc sống hiện tại :

"Cưỡng chế nhà tui cuối cùng ngày 32/12/2015 là xuống đây ở tới hôm nay. Tui với tất cả những người ở đây đều bị cưỡng chế đưa xuống đây, có người ở cả 10 năm ở đây rồi mà chưa ai đá động giải quyết gì hết. Hổng nói năng gì tới cái cuộc sống của người dân, tui là người đương làm chủ một đại lý gas kinh doanh buôn bán nuôi sống cả gia đình cha mẹ già, vợ con mà giờ vừa mất nhà mất công ăn việc làm vừa mất tất cả".

Chỗ ở nơi tạm cư bị cho chật hẹp, nóng bức khi trời nắng, ẩm thấp và dột khắp nơi khi trời mưa. Phía ngoài đủ để chứa cây phơi đồ và vài vật dụng. Căn phòng ngủ cũng chừng 3 mét vuông.

phelieu7

Người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế nhà, hiện đang sống ở khu tạm cư. RFA

Ông Truyền ở độ tuổi 50 lại bị chấn thương nặng ở đầu gối nên khó kiếm được việc làm. Ông kể lại và cho chúng tôi xem những hình ảnh lúc bị chính quyền cưỡng chế và đánh đập đến thương tích :

"Chấn thương tràn dịch khớp gối phải mổ. Nó vô cưỡng chế xong nó bắt ra đè đánh, đánh tui nói "bớ người ta công an đánh người", nó nói đánh cho mày chết luôn, che lại đi. Đánh trước nhà mình luôn. Có dân chúng đó mà còn đánh, tống lên xe cứu thương đánh tiếp. 7,8 người có mình tui trói lại đánh tiếp, còn nói đánh vô chỗ huyệt chứ đừng đánh vô mặt là để lại thương tích dễ thấy.

Tui phải vay mượn gia đình để sống, bạn bè này kia sống chứ còn xin việc làm đâu có ai cho đâu. Đi đứng còn khó khăn chứ đừng nói là mình đi làm việc gì nặng".

Khó khăn

Một người khác tên Thiện và gia đình cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, hiện tại vợ ông phải kinh doanh bán bánh tráng ở trước nhà. Còn ông thì ngày đêm lo việc lấy lại hơn ngàn mét vuông bị chính quyền cưỡng chế thu hồi.

"Đất này là ông bà ở trước năm 80, thì theo quy định pháp luật trước năm 80 rồi là toàn bộ đất ông bà để lại là đất thổ cư hết. Tại vì tui là người thừa kế quyền sử dụng đất của gia tộc mà".

Hơn 2.000 mét vuông đất trong đó có 1.000 mét vuông đất thổ cư của gia tộc mà ông Thiện được thừa kế, ông đóng đầy đủ thuế đất thổ cư qua hàng năm. Nhưng khi chính quyền bồi thường chỉ tính hơn 200 mét vuông đất thổ cư, còn lại được bồi thường theo đất nông nghiệp.

"Ngày 16 tháng 11 năm 2012 thì mới cho một lực lượng hơn 200 người đến để đập phá căn nhà của mình, cưỡng chế mình rồi thì đồ đạc của mình mới gom vô một cái xe tải xong xuôi rồi đẩy mình lên cái tạm cư đây, rồi dục vô trong cái căn tạm cư 17 mét vuông vậy nè, mình muốn sống sao sống. Rồi mình ở cho tới bây giờ luôn, không ngó ngàng gì tới, không biết tới nữa. Coi như là xong rồi đó".

Những đứa trẻ đang sống yên ổn nay phải chịu cảnh khổ cùng cha mẹ, ái ngại với bạn bè khi bị hỏi về cuộc sống, con gái ông Thiện nói :

"Nhà tui có nhà sao bạn không có. Hơi buồn thôi, vì mình có nhà mà giờ mình mất nhà, không còn nhà ở nữa".

Và em cũng đồng cảm với cha mẹ về hoàn cảnh của gia đình mình :

"Tại vì đây không phải là lỗi của cha mẹ con, là lỗi của người ta, lỗi của chính quyền".

Đã trải qua quá nhiều năm sống trong cảnh thiếu thốn cơ cực cũng do chính quyền cưỡng chế di dời, bỏ mặc người dân sống lay lắt đòi công lý cho mảnh đất ngôi nhà của mình. Họ không mong gì hơn là được lấy lại những gì thuộc về họ, muốn chính quyền phải giải quyết nhanh chóng vấn đề này.

"Cũng chỉ muốn có một nơi để vợ con sống yên ổn thôi, anh chị không có mong tiền. Chỉ mong nhà nước giải quyết cho mình ổn thỏa. Ở đây đất của tụi chị như thế nào thì trả lời cho rõ ràng.

Còn lại cỡ khoảng một trăm mấy chục hộ còn bám trụ lại để đòi quyền lợi, công lý.

Trả lại cái cuộc sống trước đây của mình, trả lại cái tài sản của mình dành dụm cả đời mới có được chứ đâu phải là đơn giản.

Mình đi ra tới trung ương để mình đòi cái quyền lợi nhưng mà họ vẫn không nói gì tới mình, coi như đất đai mình cứ lấy hết rồi nhét mình vô đây mình ở sống sao thì mặc kệ mà không nói gì tới giải quyết đất đai cho mình như thế nào".

Tại cuộc đối thoại với đoàn đại biểu quốc hội quận 2 vào chiều ngày 9 tháng 5 vừa qua, tất cả những người dân Thủ Thiêm bị cưỡng chế, thu hồi đất nêu lên tất cả những gian truân của họ suốt 20 năm qua. Tuy nhiên họ chỉ mới nhận được lời động viên ; chứ cách thức giải quyết cụ thể ra sao vẫn còn bỏ ngõ.

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)