Việt Nam lên tiếng về hoạt động của Trung Quốc, Đài Loan, Philippines ở Biển Đông (RFA, 31/05/2018)
Bộ ngoại giao Việt Nam phản đối các cuộc tập trận bắn đạn thật do Trung Quốc tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa ; Đài Loan tiến hành tại quần đảo Trường Sa, và Philippines nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ.
Một tàu bảo vệ bờ biển Đài Loan trong một lần diễn tập. AFP
Tại cuộc họp báo chiều 31/5, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, không có hoạt động gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở khu vực. Bà cũng kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không để tái diễn các hoạt động tương tự.
Trả lời báo chí về thông tin Philippines tiến hành sửa chữa nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa, bà Hằng nêu rõ "Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và bất hợp pháp. Lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Tin cho biết từ ngày 9/5/2018 đến ngày 12/5/2018, Trung Quốc tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa.
Từ ngày 23/5/2018 đến ngày 25/5/2018, Đài Loan tổ chức bắn đạn thật tại đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa.
Mỗi khi có động thái nào của Trung Quốc tại Biển Đông và bị báo giới chất vấn, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng đều lặp lại tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền và quyền tài phán không thể chối cãi tại khu vực Biển Đông.
*******************
Đối thoại Shangri-La : Việt Nam 'khó phát biểu chung chung' (BBC, 30/05/2018)
Ý kiến nói đại diện Việt Nam tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La "sẽ rất khó phát biểu chung chung" trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường gây sức ép ở Biển Đông.
An ninh được thắt chặt trước giờ diễn ra Đối thoại Shangri-La
Tin cho hay đại tướng Ngô Xuân Lịch, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore từ ngày 31/5 đến 3/6.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch "sẽ có bài phát biểu quan trọng" và "các cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước", theo báo Thanh Niên.
Trung Quốc 'không coi trọng'
Hôm 30/5, trả lời Ben Ngô BBC Bangkok, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói : "Thứ nhất là Đối thoại Shangri-La là đối thoại an ninh Track-1 (đối thoại kênh 1), cho nên mang tính nghiêm túc và thường hay bàn về những chủ đề mang tầm chiến lược ở cấp cao. Trung Quốc đã cố gắng gây ảnh hưởng lên Shangri-La nhưng không thành công".
"Dĩ nhiên vì do Track-1 nên các nước "tấn công" chính sách Biển Đông của Trung Quốc khá nhiều, vì thế Trung Quốc dần dần đang muốn tổ chức một Đối thoại an ninh đối trọng khác ở Trung Quốc mà ở đó họ có thể kiểm soát được chương trình nghị sự như Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh (đây là một đối thoại an ninh Track-1.5).
"Trung Quốc có khả năng sẽ không cử các quan chức cấp cao nhất tới Shangri-La. Đây là điều có thể dự đoán trước được và thực sự là nếu vắng mặt các quan chức an ninh cấp cao nhất của Trung Quốc thì tầm bao phủ về mặt chính sách của Shangri-La có thể giảm sút. Suy cho cùng thì nếu muốn "đối thoại" thì cũng cần phải có đầy đủ các bên liên quan".
"Biển Đông chỉ là một trong những vấn đề nóng của Shangri-La thôi. Đối với Việt Nam thì Biển Đông quan trọng nhưng sẽ có những vấn đề khác được nêu lên và nóng không kém là vấn đề Triều Tiên, vấn đề Myanmar và các loại an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh lại là Shangri-La là diễn đàn đa phương được đánh giá là quan trọng để Việt Nam có thể thảo luận chính sách an ninh ở cấp cao với các đối tác.
"Nói tóm lại, Trung Quốc không coi trọng Shangri-La lắm trong thời điểm hiện tại, các chính sách của Trung Quốc thì mọi người ai cũng có thể hiểu được. Shangri-La giờ là nơi để Mỹ và đối tác làm rõ hơn chính sách an ninh trong giai đoạn mới".
Tàu tuần dương mang tên lửa USS Antietam (CG-54) đi vào vùng biển bên trong 12 hải lý gần Hoàng Sa
Cùng thời điểm, cây bút tự do Nguyễn An Dân ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với Ben Ngô BBC : "Đối thoại Shangri-La năm nay rất quan trọng vì nó thể hiện chính thức lập trường mỗi nước có liên quan đến tranh chấp và tự do, an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhưng đa phần các nước sẽ chỉ tham gia ở cấp bộ trưởng, vì sách lược lớn thì hầu như đã quyết từ lâu rồi".
"Từ phát biểu của các đoàn tham dự, chúng ta sẽ thấy rõ lập trường trung lập hay đứng về phía nào của các nước nhỏ giữa hai bên Trung-Mỹ. Các nước nhỏ không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông có quyền giữ "tế nhị ngoại giao", nhưng các nước liên quan trực tiếp như Việt Nam sẽ rất khó phát biểu chung chung nữa".
"Năm 2014, sự kiện giàn khoan HD 981 trực tiếp phá vỡ chủ quyền lãnh hải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ an ninh quốc phòng, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở thế "không thể lùi" đã buộc phải tuyên bố cứng rắn về lập trường để tranh thủ sự ủng hộ khi Việt Nam thực sự cần đến".
"Năm nay, với việc quân sự hóa hải quân, không quân ở khu vực tranh chấp, các điều kiện cần cho Bắc Kinh tuyên bố ADIZ đã có. Nó nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ giàn khoan. Vậy phái đoàn Việt Nam cần thể hiện lập trường cứng rắn bằng hoặc hơn bối cảnh Shangri-La 2014".
"Nếu năm nay phái đoàn Việt Nam tuyên bố chung chung thì trong tương lai khi xảy ra xung đột, các nước ủng hộ Việt Nam sẽ khó có lý do hợp lý để ủng hộ Việt Nam".
********************
Đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi Việt - Trung hợp tác chặt chẽ hơn nữa (VOA, 30/05/2018)
Ông Trần Hy, quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 29/5 kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam tăng cường đoàn kết và hợp tác.
Ông Trần Hy (phải), Đảng Cộng sản Trung Quốc, tiếp ông Nguyễn Xuân Thắng (trái), Đảng cộng sản Việt Nam, hôm 29/5/2018
Ông Trần, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, và là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương ĐCS, phát biểu như vậy trong cuộc họp với đoàn của Đảng cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương, dẫn đầu.
Ông Trần nói Trung Quốc và Việt Nam đã tăng cường hợp tác song phương toàn diện, hữu nghị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Ông kêu gọi cả hai đảng cộng sản thực hiện những điểm đồng thuận quan trọng mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được, tăng cường tình đoàn kết và hợp tác, và cùng nhau đối phó với những thách thức.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nói Việt Nam hy vọng sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc trong việc quản trị đảng và đất nước để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
(Tân Hoa Xã)