Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/06/2018

Tương lai Trịnh Xuân Thanh, Bình Thuận kêu cứu, tiêu thụ bia

Tổng hợp

Dự kiến Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức vào thời gian sắp tới (CaliToday, 09/06/2018)

Hôm thứ Tư ngày 6/6/2018, Tòa thượng thẩm Berlin tiếp tục mở phiên xét xử mật vụ Nguyễn Hải Long liên quan đến cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Đã có nguồn tin cho dư luận biết là sắp tới Việt Nam sẽ đáp ứng yêu cầu từ phía Đức là giao trả Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức…

vn1

Trịnh Xuân Thanh trước tòa. Ảnh : Soha

Theo nhà báo Lê Trung Khoa-chủ trang Thoibao.de tường thuật phiên xử ngay tại trụ sở Tòa thượng thẩm Berlin cho biết, phiên xử hôm thứ Tư ngày 6/6/2018 tiếp tục xử mật vụ Nguyễn Hải Long liên quan đến cáo buộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Tòa thượng thẩm Berlin đã cho triệu tập những nhân chứng là những cảnh sát điều tra của Đức là các ông Weissmann, ông Adam… phụ trách chuyên án này đến tòa án.

Phiên xử buổi sáng, ông Weissmann chuyên về các vấn đề dẫn độ của tất cả thông tin từ Interpol, quốc tế, các nước… Theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Khoa thì tại tòa ông Weissmann cho biết cũng có tiếp nhận hồ sơ phía Việt Nam gửi cho phía Đức để phía Đức xem xét việc dẫn độ đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam. Ông Weissmann trả lời trước tòa là hồ sơ do Viện kiểm sát Việt Nam gửi sang xem xét và có trình báo bên công tố Đức, Tòa án Đức nhưng có sức thuyết phục rất là thấp. Bởi vì lệnh dẫn độ và bắt giữ ông Thanh được ký bởi Viện kiểm sát Việt Nam chứ không đến từ Tòa án nên phía Đức cho rằng điều này không đủ bằng chứng để đáp ứng yêu cầu của phía Viện Kiểm sát Việt Nam theo cơ sở Hiến pháp nước Đức.

Ông Weissmann còn xác nhận vào cuối tháng 11/2016, có phái đoàn cấp cao của Bộ Nội vụ Việt Nam sang Đức đặt vấn đề tìm và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Trong cuộc gặp này, phía Việt Nam cũng đưa ra nhiều văn bản yêu cầu mong phía Đức hỗ trợ.

Cũng từ lời khai của ông Weissman, trước tòa còn xác nhận là có một người công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là ông Nguyễn Đức Thoa đã gửi cho cơ quan điều tra Đức nói chung một Email có nói về chiếc xe hơi mà bà Nga vợ ông Thanh đang sử dụng và hy vọng phía Đức sẽ dựa trên cơ sở này để tìm ra nơi cư trú của ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, phía Đức cho rằng việc làm này của phía Việt Nam nói chung và cá nhân ông Thoa nói riêng đang mang tính hoạt động gián điệp trên nước Đức, một hành động phạm pháp.

Ông Weissmann khai tiếp, tại Hội nghị G20, Thủ tướng Đức là bà Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc có gặp nhau và Thủ tướng Phúc có đưa cho bà Merkel một văn bản nhờ hỗ trợ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Khi bà Merkel chuyển tiếp văn bản này cho bên tư pháp Đức để bên tư pháp Đức họ đảm trách, trong thời gian này phía Việt Nam có lẽ do sốt ruột, không thể đợi được cho nên chỉ sau khoảng hơn 2 tuần ông Thủ tướng Phúc về Việt Nam thì đã có đội đặc nhiệm Việt Nam cử đến Đức. Phía Đức đã phát hiện đội đặc nhiệm Việt Nam này có tên là đội C52, đây là đội đặc nhiệm chuyên đi lùng và bắt những người Việt Nam bị phía Việt Nam truy nã, thực hiện việc bằng mọi cách đưa Trịnh Xuân Thanh về nước và điều này đã xảy ra vào ngày 23/7/2017.

Theo tường thuật của nhà báo Lê Trung Khoa, phiên xử buổi chiều là sự xuất hiện của một nhân chứng tên Hiếu. Tại tòa ông Hiếu với tư cách là người cho ông Nguyễn Hải Long thuê xe và khai là có biết mặt ông Long, cũng như đã gặp ông Đào Quốc Oai và ông Tú tài xế láy xe cho ông Oai là ba người bị cáo buộc có tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Tại tòa, ông Hiếu còn cho biết những chiếc xe thuê này đều đặt chường trình định vị GPS nên ghi rất rõ lịch trình khi xe vận hành. Ông Hiếu đã nộp toàn bộ lịch trình này cho cơ quan Cảnh sát điều tra Séc để phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra Đức đặng điều tra thủ phạm.

Trong khi đó, căn cứ từ nhiều nguồn thông tin khác nhau khoảng hai, ba ngày qua báo đài nước Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh sắp được phía nhà cầm quyền Việt Nam trả lại cho Đức. Tờ Frankfurter Allgemeine, một trong những tờ báo có uy tín lớn của nước Đức cho dư luận biết đây là thỏa thuận trao đổi giữa hai Chính phủ Việt Nam- Đức, ông Thanh sẽ trở lại Đức sau khi phiên xử mật vụ Nguyễn Hải Long kết thúc.

Tờ Frankfurter Allgemeine còn cho biết trao đổi giữa hai chính phủ Việt Nam- Đức lần này còn bao gồm cả việc nhà cầm quyền Việt Nam trục xuất luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà hoạt động nữ Lê Thu Hà sang Đức vào tối ngày 7/6/2018. Trong cuộc họp báo Chính phủ Đức vào ngày 8/6/2018, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói Đức coi đây là một bước đi nhân đạo đáng chú ý của Việt Nam và cũng là một tín hiệu tốt đối với cộng đồng quốc tế.

Về phía Việt Nam, chính phủ Việt Nam thừa biết Đức là một nước thành viên trong Hội đồng Châu Âu, lại là nước lớn cho nên Đức là "lá phiếu" rất quan trọng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam dự kiến là vào đầu 2019. Cho nên, không thể vì một nhân tố Trịnh Xuân Thanh mà kéo dài cơn khủng hoảng ngoại giao với Đức là điều không hề có lợi cho Việt Nam.

Quê Hương

******************

Bình Thuận kêu cứu lên Chính phủ vì bụi xỉ thải ra từ nhà máy điện than (CaliToday, 08/06/2018)

Chính quyền tỉnh Bình Thuận đã phải kêu cứu đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để tìm đường ra cho bãi xỉ than đang có nguy cơ quá tải, vượt quá sức chịu đựng ở nơi này. Theo chính quyền tỉnh Bình Thuận, các bãi chứa xỉ than đang đứng trước nguy cơ dẫn đến sự cố ô nhiễm môi trường vì đang vào mùa mưa gió.

vn2

Phối cảnh trung tâm điện lực Vĩnh Tân. Ảnh : PLO

Hiện nay, bãi xỉ than tại xã Vĩnh Tân đang chứa xỉ tro từ nhà máy điện than Vĩnh Tân 2. Sắp tới đây, nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 4 sẽ đi vào hoạt động thì lượng tro xỉ thải ra hàng ngày lên đến 3.000 tấn. Theo chính quyền tỉnh Bình Thuận, đã 3 năm kể từ khi nhà máy điện than Vĩnh Tân 2 hoạt động thì việc tiêu thụ, xử lý tro xỉ tại đây không có hiệu quả. Cho dù trước đó, nhà máy điện than Vĩnh Tân 2 bảo đảm rằng, lượng tro xỉ khi thải ra sẽ được dùng để làm gạch không nung phục vụ cho các công trình xây dựng. Tuy nhiên, từ đó đến nay bãi xỉ ngày càng phình to, trở thành mối đe dọa môi trường, an ninh trật tự tại khu vực này nhưng không hề thấy sản phẩm nào từ tro xỉ.

Theo chính quyền tỉnh Bình Thuận, khối lượng tro xỉ chứa tại bãi đã ngày càng phình to dẫn đến quá tải. Nguy cơ bụi xỉ bay mù trời, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân như hồi 2015 là điều rất dễ xảy ra. Hơn nữa, khi có mưa lũ, lượng tro xỉ tràn xuống khu dân cư, đổ ra Quốc lộ 1A, phát tán ra môi trường xung quanh là điều rất dễ xảy ra.

Trước những mối nguy hiểm đó, tỉnh Bình Thuận đã kêu cứu lên ông Nguyễn Xuân Phúc-Thủ tướng Chính phủ cộng sản Việt Nam để xin có ý kiến chỉ thị các bộ Xây dựng, Tài nguyên và môi trường tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mong muốn Bộ Tài nguyên và môi trường phải công bố rộng rãi cho dân được biết tro xỉ là chất độc hại hay không độc hại khi dùng nó làm nguyên liệu trong các công trình xây dựng.

Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận còn muốn Bộ Công thương phải nhanh chóng đánh giá lại sức chịu đựng của các bãi tro xỉ ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tìm các phương án xử lý, giải quyết, tiêu thụ lượng tro xỉ đang tồn đọng ngày càng lớn ở nơi này.

Trước lời kêu cứu của tỉnh Bình Thuận, Văn phòng Chính phủ cộng sản Việt Nam đã có văn bản đề nghị các bộ liên quan cùng nhau giải quyết những vấn đề đang xảy ra tại Vĩnh Tân.

vn3

Một nhà máy điện than ở Vĩnh Tân. Ảnh : Vietnamnet

Trước đó, dù chưa đi vào hoạt động nhưng nhà máy điện than Vĩnh Tân 3 đã có văn bản đề nghị chính quyền cộng sản Việt Nam cho họ đổ 1 triệu m3 chất thải xuống biển. Theo chủ đầu tư nhà máy điện than Vĩnh Tân 3, khối lượng chất thải sẽ được nhận chìm trong diện tích 300ha và cách khu bảo tồn sinh thái Hòn Cau 6km.

Đây là lần thứ 2 các chủ đầu tư nhà máy điện than ở Vĩnh Tân đề nghị được nhận chìm 1 triệu m3 chất thải xuống biển. Lần trước là chủ đầu tư nhà máy điện than Vĩnh Tân 1 cũng muốn nhận chìm 1 triệu m3 chất thải xuống biển. Tuy nhiên, việc làm này đã không được chính quyền tỉnh Bình Thuận thông qua vì gặp phải sự phản đối của người dân, báo chí và các chuyên gia.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân gồm nhà máy điện than Vĩnh Tân 2 đã hoạt động từ năm 2015. Đến tháng 4 cùng năm, do để bụi xỉ phát tán làm ảnh hưởng đến môi sinh nên bị người dân xã Vĩnh Tân phản đối. Từ đó dẫn đến cuộc bạo loạn kinh hoàng. Sắp tới đây, nhà máy điện than Vĩnh Tân 1,3 sẽ đi vào hoạt động và Vĩnh Tân 4 đang được hình thành khiến nơi này đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường vô cùng kinh hoàng. Phía chủ đầu tư đã có ý định bồi thường, di dời người dân sống trong khu vực đi nơi khác, nhưng số tiền mà chủ đầu tư bỏ ra quá ít, không đủ cho cư dân tại đó có thể tái lập đời sống ở nơi khác.

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân tọa lạc tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hoàn toàn do các chủ đầu tư Trung Quốc. Các nhà máy điện than ở đây sừ dụng công nghệ, chuyên gia từ Trung Quốc nhập sang. Đây toàn bộ là công nghệ lạc hậu, mà ngay cả ở Trung Quốc cũng bị chính quyền kiên quyết cấm đoán không cho sử dụng vì gây ô nhiễm môi trường. Vậy nhưng, chính quyền cộng sản Việt Nam lại nhập công nghệ lạc hậu, khiến cho những rắc rối nối tiếp sau đó không tìm ra được phương hướng xử lý.

Người Quan Sát

*******************

Bất nhất về việc nhận chìm bùn thải xuống biển (RFA, 08/06/2018)

Hai Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Môi trường bất nhất về việc nhận chìm bùn thải xuống biển

vn4

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. RFA

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vào hôm 8 tháng 6 vừa có văn bản trả lời Bộ Tài nguyên và môi trường về việc phản đối nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển.

Theo văn bản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra cho biết lý do không đồng tình là vì vị trí nhận chìm bùn thải quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau cách khoảng 9 km và có thể gây tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái biển tại khu vực này.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra quan điểm rằng, không chỉ riêng nhà máy Vĩnh Tân mà bất kể nhà máy nào trên cả nước muốn đổ thải phải làm theo đúng quy định, tìm khu vực xa để đổ vì theo bộ này, vùng ven bở tập trung rất nhiều thủy sản và hệ sinh thái nằm hết khu vực gần bờ nên đổ như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thì nhận định rằng, chất thải đó về mặt nguyên tắc được phép nhận chìm nhưng quan trọng là khu vực nào chứ không phải ở đâu cũng có thể nhận chìm được.

Vùng nhận chìm thải theo đề xuất của chủ dự án đưa ra không phải nhỏ lên tới 10 km diện tích mặt biển vì vậy chất thải lan tỏa rất lớn.

Đề cập đến phương án nhận chìm chất thải, Vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cho rằng phía doanh nghiệp phải tính toán, tìm vị trí và trình Bộ Tài nguyên và môi trường còn Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ có ý kiến.

Tuy nhiên nếu Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến không đồng ý thì doanh nghiệp cũng không thể làm được.

************************

Một người Việt Nam uống gần 170 lít bia mỗi năm (Người Việt, 08/06/2018)

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), trung bình một người ở Việt Nam từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất, tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia mỗi năm, tiêu tốn hơn 63.000 tỷ đồng (hơn 2,7 tỷ USD)/năm chi cho bia và hơn 16.000 tỷ đồng (hơn 702 triệu USD)/năm cho rượu.

vn5

Quán nhậu mọc như "nấm" ở Việt Nam. (Hình : VTC)

Theo báo VnExpress, chỉ trong một thập kỷ, mức tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng 118%, hiện đứng thứ 64 thế giới, xếp thứ ba Châu Á cùng với Thái Lan, sau Nam Hàn, Lào và cao hơn nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… theo WHO công bố tại hội thảo về dự thảo luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia sáng 8 tháng Sáu, ở Hà Nội.

"Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các nước dùng nhiều rượu bia. Đến năm 2016, đã tiến lên vị trí 64. Việt Nam đã tiến rất nhanh trong danh sách này", ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên viên của WHO tại Việt Nam, cho biết.

vn6

Mức tiêu thụ đồ uống có cồn đang tăng nhanh tại Việt Nam. (Hình : Thanh Niên)

Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên viên văn phòng WHO tại Việt Nam, phân tích năm 2005 trung bình một người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ 3,8 lít cồn nguyên chất mỗi năm. Năm năm sau, con số này tăng lên 6,6 lít và đến năm 2017 thì tăng đến 8,3 lít/năm. Dự đoán, con số này sẽ còn tiếp tục tăng thêm.

Theo các chuyên gia, một lít cồn nguyên chất tương đương 2,5 lít rượu hoặc 20 lít bia. Như vậy, một người Việt uống 8,5 lít cồn, tức khoảng 21 lít rượu hoặc 170 lít bia. Song, không phải người trên 15 tuổi nào cũng uống bia rượu. Do đó mức cồn trung bình trên người uống bia rượu thực tế cao hơn con số 8,5 lít.

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Y Tế, cho rằng ở Việt Nam chủ yếu đàn ông uống rượu bia, còn nữ giới có sử dụng nhưng rất ít. Đặc biệt, có đến hơn một nửa nam giới uống nhiều bia rượu ở mức nguy hại, trung bình sáu cốc bia hơi cho một lần ngồi uống.

Văn phòng WHO cảnh báo, rượu bia là đồ uống có khả năng gây nghiện nếu sử dụng thường xuyên. Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tùy thuộc vào giới, tuổi, đặc điểm sinh học, mức độ, cách uống… Dù chỉ uống dưới một lon bia 330 ml mỗi ngày vẫn có thể liên quan đến bảy loại ung thư phổ biến hiện nay là vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng… Rượu bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 580 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)