Dự luật Đặc Khu ‘hoàn toàn không phục vụ kinh tế’(VOA, 13/06/2018)
Các đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang dự tính xây dựng không có tác dụng thử nghiệm gì về thể chế mà chỉ giúp làm giàu cho những người đầu cơ bất động sản, một nhà kinh tế đồng thời là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội nói với VOA.
Đảo Phú Quốc được dự định trở thành đặc khu kinh tế thu hút các nhà đầu tư về du lịch
Ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển IDS, nói rằng Việt Nam không nên học tập kinh nghiệm ở một nơi khác ở một thời điểm khác vốn không thích hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, ông A cũng nêu lên quan ngại những đặc khu này có thể làm lợi cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật đặc khu, vốn được Quốc hội trì hoãn cho đến tháng 10 mới thông qua do sức ép từ dư luận, đã tạo nên làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước do lo ngại dự luật này sẽ mở đường cho những nhà đầu tư Trung Quốc chiếm giữ những vị trí trọng yếu của đất nước.
Trao đổi với VOA, ông A nêu ra ba lý do chính khiến ông ‘phản đối kịch liệt’ dự luật đặc khu này : không đem lợi ích gì về kinh tế, không có tác dụng thử nghiệm thể chế và quan ngại về an ninh.
Về kinh tế, ông A cho rằng ba đặc khu kinh tế được dự định mở ra ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là ‘nhắm vào ba địa điểm đã được giới kinh doanh bất động sản đã ào ào đổ vào đầu tư’ lâu nay.
Ông gọi việc thành lập các đặc khu này là "hợp thức hóa các ưu đãi cho các nhà đầu tư bất động sản" và so sánh với việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội trước kia.
"Khi nghe ngóng có ý định như thế, các quan chức đã cấu kết với các doanh nghiệp bất động sản đã mua hết số đất có thể phát triển bất động sản được. Sau đó họ ra luật hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội, điều đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất động sản kiếm những khoản lời khủng khiếp", ông giải thích và cho rằng do đó về mặt kinh tế thì các đặc khu này ‘không hiệu quả’.
Về việc thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao vào các đặc khu, ông A cho rằng "đó chỉ là mong mỏi hão huyền".
"Các nhà đầu tư công nghệ cao chỉ đầu tư vào những nơi thật sự có trí tuệ, có đông lao động có trí tuệ như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung lực lượng có thể thúc đẩy công nghệ cao như vậy", ông giải thích. "Ở Hà Nội, hơn hai mươi mấy năm nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc chình ình ra đấy mà không thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao nào vào".
"Tôi dám cá là khi luật này được thông qua thì sẽ không có nhà đầu tư công nghệ cao nào nhảy vào để đầu tư ngoài những chuyện như casino hay khách sạn này kia", ông khẳng định.
Nguyên do phản đối thứ hai mà ông A đưa ra là các đặc khu không có tác dụng thử nghiệm thể chế mới để có thể áp dụng cho toàn quốc vì "nền kinh tế Việt Nam hiện đã rất mở rồi".
Ông nói Việt Nam không nên học tập mô hình của Trung Quốc từ cách nay bốn thập niên vì khi ấy Trung Quốc hình thành các đặc khu vào lúc nền kinh tế của họ còn khép kín với bên ngoài nên các đặc khu của họ có tác dụng rất lớn trong việc thử nghiệm các chính sách cải cách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài mà sau đó được nhân rộng ra trên toàn quốc.
"Nền kinh tế Việt Nam có lẽ mở cửa nhất ở khu vực bây giờ. Đã có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài", ông nói. "Không cần mở cửa thêm nữa".
"Việt Nam đúng là còn rất nhiều rào cản về thể chế và việc tháo dỡ rào cản bằng luật là rất cần thiết. Lẽ ra Chính phủ nên làm và khơi dậy những nguồn trong nước nhưng họ lại không làm", ông nói.
Theo ông thì trong dự thảo luật đặc khu này "không có những quy định gì về thể chế vượt trội có thể mang ra áp dụng cho toàn quốc" cộng thêm việc quy mộ của các đặc khu này ở cấp rất nhỏ nên không có tác dụng về thử nghiệm thể chế như ở Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã bật đèn xanh để thành lập các đặc khu Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn để thử nghiệm những chính sách mới trong công cuộc cải cách khai phóng cũng như để thu hút đầu tư nước ngoài. Bốn đặc khu ban đầu này đã thành công để rồi sau đó được nhân rộng ra khắp cả nước.
"Độ mở của nền kinh tế Việt Nam bây giờ không phải như tình trạng 30, 40 năm trước đây của Trung Quốc", ông giải thích.
"Giả sử Việt Nam làm đặc khu kinh tế vào thời điểm 25, 30 năm trước thì lại khác".
"Chúng ta không thể mù quáng đi học tập kinh nghiệm của nước khác vào thời điểm khác", ông nói thêm và thừa nhận rằng việc thế giới mở đặc khu không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng bên cạnh sự thành công của Trung Quốc thì cũng có những đặc khu ở Nam Á, ở châu Phi ‘bị thất bại hoàn toàn’.
Về lý do an ninh, ông cho rằng ba địa điểm dự định mở đặc khu ‘rất nhạy cảm về an ninh quốc gia’.
Dù luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc và trên thực tế mở cửa cho bất kỳ nhà đầu tư nào đủ điều kiện và quan tâm, nhưng ông A cho biết những quan ngại về Trung Quốc ‘không phải không có cơ sở’.
Ông đưa ra dẫn chứng là nhà máy bô xít ở Tây Nguyên, mặc dù không phải đầu tư của Trung Quốc mà đứng ra đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, nhưng tiền vay là của Trung Quôc và công nghệ là mua của Trung Quốc.
"Khi người ta xây xong (nhà máy bô xít) thì người lao động Trung Quốc ở đó", ông cho biết.
"Với những điều không tường minh cho lắm trong dự thảo, người ta chỉ có thể nghĩ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc đến mà thôi", ông nói và nêu ra dẫn chứng trong dự thảo Luật đặc khu có đề cập đến ‘công dân của nước láng giềng’.
Nếu bỏ qua quan ngại về an ninh thì theo ông A, nếu không phải là nhà đầu tư Trung Quốc mà là các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản hay Tây Âu vào thì ông cũng phản đối vì ‘bản chất những quy định hiện thời trong dự thảo này hoàn toàn không phục vụ gì cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam cả".
Một điều nữa cũng làm cho ông A lo ngại là nếu tập trung nguồn lực vào các đặc khu này thì ‘sẽ làm mất nguồn lực, mất thời gian’ để phát triển những khu vực khác.
"Quốc hội, Chính phủ phải tập trung tháo dỡ những nút thắt kinh tế mà lại làm những chuyện vô bổ như thế", ông nói.
**********************
Giáo sư Tạ Văn Tài : ‘Đừng dồn dân vào chân tường’ (VOA, 13/06/2018)
Hai ngày sau khi bùng phát các cuộc biểu tình đông đảo chưa từng thấy để phản đối kế hoạch cho thuê đất 99 năm và thành lập các đặc khu kinh tế, tình hình tại nhiều thành phố Việt Nam đã bắt đầu tạm ổn tuy mọi sinh hoạt vẫn chưa bình thường trở lại. Tại điểm nóng Bình Thuận nơi từng xảy ra bạo động, người dân bị cấm tụ tập, cấm dừng lại tại những địa điểm "nhạy cảm".
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Nhìn về Việt Nam từ Hoa Kỳ, một nhà quan sát tình hình Việt Nam nói các cuộc biểu tình lần này có điểm rất khác biệt so với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây. Trong câu chuyện với VOA-Việt ngữ, Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Trường Luật, đại học Harvard nói các cuộc biểu tình tự phát là một dấu hiệu cho nhà cấm quyền, phải giải quyết những vấn đề gây bức xúc cho công chúng, đừng đẩy dân vào chân tường, dẫn tới tình trạng tức nước vỡ bờ.
Giáo sư Tạ Văn Tài :
"Tôi thấy các cuộc biểu tình là triệu chứng rất rõ rệt cho nhà cầm quyền phải tỉnh ngộ, đừng có nghĩ là con giun dẫm thì cứ dẫm mãi nó không quằn đâu. Nó sẽ quằn lên. ‘Chó cùng cắn càn’, tôi xin lỗi dùng cái danh từ đó. Con chó nó bị dồn đến đường cùng, nó sẽ cắn lại".
Một số facebooker cũng đồng quan điểm đó khi ví von "cuộc bạo loạn hôm nay chỉ là cái lò xo bị nén lâu ngày, hôm nay nó bung ra".
Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng trong những vấn đề gây bức xúc nhất có vấn đề về chủ quyền quốc gia và vấn đề mất đất đai. Ông cảnh giác chính quyền cần hành động để giải quyết những nỗi bức xúc đó.
"Mất đất đai của người ta mà không giải quyết cho người ta suốt 20 năm, để cho họ phải chịu đựng 20 năm trời thì đó là dồn họ vào đường cùng. Tất cả những cái đó là những ngòi nổ, những thùng thuốc súng có thể nổ bất cứ lúc nào, bây giờ trừ khi là dám bắn vào quấn chúng giống như người Tàu bắn vào sinh viên ở Thiên An Môn, trừ khi dám làm cái đó, còn rất có thể có sự bùng nổ".
Trang mạng báo Pháp Luật cho biết vào đêm Chủ nhật 10/6, hàng ngàn người đã xông vào trụ sở UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Thuận để đập phá, gây thương tích một số cán bộ viên chức. Tin lan truyền trên mạng nói có hai ca tử vong. Nhưng trong một cuộc họp báo chiều 11/6, Phó Trưởng Ban Thông tin Tỉnh Bình Thuận cải chính tin này. Ông Huỳnh Thái Dương khẳng định là không có cảnh sát hay người dân nào thiệt mạng trong các cuộc biểu tình "gây rối". Ông tuyên bố những phấn tử kích động phá hoại sẽ bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Báo chí địa phương cho biết tại Bình Thuận, hơn 60 xe cộ, mô tô bị đập phá, thiêu rụi, một số trụ sở cũng bị phóng hỏa, gây thiệt hại đến nhiều tỉ đồng.
Đêm 11 rạng sáng 12-6, khoảng 100 thanh thiếu niên bị bắt giữ vì có hành vi dùng đá, bom xăng ném vào trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận.
Một người biểu tình ở Đà Nẵng bị bắt đưa lên xe.
Hình ảnh video cho thấy cảnh sát cơ động đã tăng cường sự hiện diện tại Bình Thuận. Dân địa phương cho biết họ được phép ra đường, nhưng bị cấm tụ tập.
Hôm 12/6/18, một cư dân ở Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận yêu cầu giữ kín danh tính cho Đài VOA biết tình hình đã tạm ổn định so với ngày hôm trước, tuy nhiên người dân bị cấm tụ tập và cấm dừng lại tại những địa điểm được cho là "nhạy cảm".
"Giờ thì ổn định hết rồi, nhưng nói chung là người ta không cho ra đường nữa. Người ta hạn chế ra đường rồi người ta đưa lực lượng bảo vệ, cho ra đường nhưng không cho tụ tập, cấm dừng lại ở các khu vực mà nhạy cảm đó".
Giáo sư Tạ Văn Tài cho rằng không nên dồn dân tới đường cùng, mà phải để cho họ bày tỏ chính kiến qua các cuộc biểu tình được hiến pháp cho phép. Ông nói không cần phải có luật biểu tình mới được đi biểu tình, mà biểu tình là một phần của tự do phát biểu, đã được ghi trong hiến pháp. Từ quan điểm của một Giáo sư luật, ông giải thích về quyền biểu tình của người dân Việt Nam :
" Tôi thấy cái cách Việt Nam hay nói là cái gì phải làm luật thì mới được làm, là trái hẳn cái tinh thần pháp trị. Pháp trị trên khắp thế giới là, cái gì mà luật không cấm là làm được. Hiến pháp đã nói là được quyền phát biểu, mà trong đó có quyền phát biểu bằng các cuộc biểu tình thì bây giờ không phải có luật mới được đi biểu tình. Vấn đề chính là cứ đi biểu tình theo hiến pháp đi. Nếu mà người biểu tình phá hoại tài sản thì có những luật khác về phá hoại tài sản, làm mất trật tự công cộng, thì trong luật hiến pháp cũng như các công ước về các quyền tự do, có những hạn định cho các quyền tự do biểu tình, tự do phát biểu, bằng yếu tố gọi là an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Nhà cầm quyền có thể sử dụng các biệt lệ đó để mà nói rằng những người biểu tình đã đi quá quyền tự do của mình, phá hoại tài sản làm mất trật tự công cộng. Chứ còn chẳng cần phải đợi cái luật biểu tình thì mới được đi biểu tình".
Ngày 12-6, một nguồn tin cho biết Công an tỉnh Bình Thuận vẫn đang lấy lời khai, trích xuất camera để xác định vai trò của các phần tử gây rối, ném đá, ném bom xăng của gần 100 thanh thiếu niên xảy ra vào đêm 11 rạng sáng 12-6.
Bình Thuận là nơi mà người dân trong nhiều năm qua đã bị dồn nén vì nhiều vấn đề bức xúc lâu ngày không được chính quyền quan tâm giải quyết. Trong các vấn đề nổi cộm có vấn đề đất đai và những tác hại về môi trường,do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và thép Cà Ná thải khí thải độc hại và thải bùn xuống biển, gây ra.
********************
Tu sĩ Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đi biểu tình bị bắt vừa được trả tự do (RFA, 13/06/2018)
Sư thầy Thích Đồng Long thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, vừa được trả tự do từ công an huyện Củ Chi sau một ngày bị giam giữ vì tham gia biểu tình phản đối luật Đặc khu ở Sài Gòn hôm 10/6, nhưng vẫn bị xử phạt hành chính.
Sư thầy Thích Đồng Long (giữa) tại cuộc biểu tình trước Đại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 Photo : RFA
Trả lời đài Á Châu Tư Do qua điện thoại vào ngày 12/6, sư thầy Thích Đồng Long cho biết : "Tôi được trả tự do vào khoảng 4 giờ chiều ngày 11 tháng 6 năm 2018".
Sư thầy Thích Đồng Long cùng mẹ là bà Trần Thị Rươi bị bắt vào khoảng 11 giờ đêm hôm 10/6 ở Sài Gòn và được đưa về công an phường Tân Định, Quận 1 trước khi được chuyển về công an huyện Củ Chi, nơi ông cư trú, vào 3 giờ sáng ngày hôm sau. Sư thấy Thích Đông Long cho biết ông và mẹ mình bị phạt tiền vì tụ tập đông người, điều mà ông phản đối.
"Chúng tôi bị nhóm người lạ mặt bắt và được đưa đến công an phường tân định thì họ có lập biên bản vi phạm hành chính. Họ nói là về tội mất trật tự công cộng, tụ tập đông người. Nhưng văn bản này thì đề là công an phường Bến Nghé. Chúng tôi không biết công an phường Bến Nghé có qua Tân Định hay không thì không rõ. Biên bản của chúng tôi là quyết định xử phạt chúng tôi là 450.000 đồng. Hiện tại chúng tôi chưa trả số tiền này vì chúng tôi bản thân là tu sĩ cũng không có tiền. Họ đưa quyết định thì tôi có ghi là tôi không đồng ý, chúng tôi ký tên mục đích là xác nhận họ lập biên bản còn ý kiến là tôi ghi là không đồng ý".
Sư thầy Thích Đồng Long cho biết ông và mẹ chỉ bày tỏ nguyện vọng một cách ôn hòa chứ không có ý tụ tập đông người như cáo buộc của công an.
"Họ nói chúng tôi tụ tập khi chúng tôi ngồi trước tòa lãnh sự Hoa Kỳ, chúng tôi ngồi ở đó để biểu ngữ vậy thôi còn những người xung quanh họ làm gì chúng tôi không biết việc của họ. Chúng tôi chỉ có 2 người nên không thể ghi tụ tập được. Tôi không gây rối, ồn ào nên chúng tôi không đồng ý cái điều công an họ buộc tội".
Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng ngàn người dân đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam trong ngày 10/6 để phản đối hai dự luật Đặc khu và an ninh mạng mà chính phủ trình quốc hội trong kỳ họp đang diễn ra ở Hà Nội. Đã có hàng chục người bị bắt ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà nội. Chính quyền đã huy động công an, an ninh mặc thường phục bắt giữ người biểu tình. Đã có những người biểu tình bị đánh, bị kéo lên trên đường và tống lên xe buýt đưa đi. Hiện tại đài Á Châu Tự Do vẫn chưa thể xác định được con số chính xác số người bị bắt ở cả hai thành phố, nhưng có thông tin một số người bị bắt ở Sài Gòn hôm 10/6 đến nay vẫn chưa được trả tự do.