Việt Nam tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ (VOA, 14/06/2018)
Việt Nam sẽ tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii và Nam California, bắt đầu vào cuối tháng 6 này.
Hôm 14/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink ra thông báo trên Facebook : "Tôi rất vui khi Việt Nam lần đầu tiên sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới trong năm nay - một chỉ dấu quan trọng khác nữa về vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế".
Hải quân Mỹ hôm 30/5 công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8. Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC, theo trang mạng Stars & Strips dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu Biển Đông, nói với VOA rằng ông rất vui mừng trước tin này :
"Đó là một tin vui cho Việt Nam. Một cuộc tận trận với hai mươi mấy quốc gia thì mang tính đa phương rất lớn. Điều này rất thuận lợi cho Việt Nam. Như tôi đã từng nói : Việt Nam không cô đơn và không dễ gì bị bắt nạt".
VOA cố gắng liên lạc với Bộ Ngoại giao và Bộ quốc phòng Việt Nam để xác nhận tin này nhưng chưa được phản hồi.
VnExpress trích lời Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề quân sự - chính trị Tina Kaidanow nói : "Tập trận RIMPAC là cơ hội tuyệt vời và rất quan trọng đối với quan hệ song phương Việt - Mỹ. Đây chỉ là một trong những sự kiện đầu tiên giữa hai nước trong thời gian gần đây, sau chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay USS Carl Vinson và việc Tuần duyên Mỹ chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam".
Việc Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, Stars & Stripes nhận định.
Về mục đích cuộc tập trận, Hải quân Mỹ tuyên bố RIMPAC 2018 nhằm đến việc nâng cao độ linh hoạt của lực lượng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức quân sự ở một điểm nóng có quy mô toàn cầu, cũng như tăng cường năng lực tác chiến hàng hải nói chung.
RIMPAC 2018 sẽ có sự tham gia của 47 tàu mặt nước, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 người. Theo trang PACOM.mil., các lực lượng đến từ 18 nước sẽ tham gia các hoạt động diễn tập trên bộ.
Trước đó, vào ngày 23/5, Ngũ Giác Đài hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận, nói rằng việc Bắc Kinh tiếp tục các động thái quân sự hóa ở Biển Đông "không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích cuộc tập trận". Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài nói những hành vi gây bất ổn của Bắc Kinh ở Biển Đông không phù hợp với các tiêu chí của cuộc diễn tập do Mỹ dẫn đầu.
Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận RIMPAC năm 2014 và 2016, sự kiện được tổ chức hai năm một lần tại Hawaii.
Nhận định về việc Việt Nam tham gia sự kiện tập trận RIMPAC năm nay, tiến sĩ Nguyễn Nhã nói :
"Khi bị các nước lớn như Trung Quốc bắt nạt thì tôi nghĩ rằng mọi người sẽ không chấp nhận khi Việt Nam bị bắt nạt, vì vậy khi Việt Nam được mời để tham gia tập trận thì tôi rất mừng cho Việt Nam".
Việt Nam từng được mời làm quan sát viên tại RIMPAC 2012. Bên cạnh Việt Nam, 6 đại diện còn lại của khu vực Đông Nam Á tham gia RIMPAC 2018 gồm có Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Báo An ninh Thủ đô nói các quốc gia được mời sẽ đưa những chiến hạm tối tân nhất của mình sang tham gia RIMPAC, và Việt Nam có thể cử tàu hộ vệ tên lửa 2.000 tấn lớp Gepard 3.9 mua từ Nga, được coi là "ứng viên sáng giá nhất, hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam vào thời điểm hiện tại".
*******************
AMTI : Việt Nam mở rộng tiền đồn ở Trường Sa (VOA, 14/06/2018)
Việt Nam tiếp tục mở rộng các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa, gần đây nhất là tại Đảo Đá Lát, theo tường trình của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á AMTI ngày 13/6/18.
Đảo Đá Lát do Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.
Tổ chức này cho biết hình ảnh vệ tinh từ tháng 3 tới tháng 6 cho thấy Hà Nội đã nạo vét một con kênh mới mà những bức ảnh cũ không thấy, và đang mở rộng một trong hai cơ sở tại đây.
Hình ảnh từ ngày 18/3 cho thấy một con kênh vừa được nạo vét thông qua rìa phía Nam của đảo đá này, cùng với một sà lan và hai tàu lớn. Ít nhất có khoảng 21 tàu cá nhỏ hiện diện bên trong đầm phá này.
Nhìn kỹ hình ảnh vệ tinh, AMTI nói, thấy trên sà lan có hai thiết bị xây dựng dường như để chất trầm tích lên một con tàu chờ sẵn sau khi nạo vét từ đáy biển.
Hình ảnh ghi nhận trong tháng 3 cũng cho thấy một ít lượng trầm tích nạo vét đó dường như được đổ lên địa điểm gần tiền đồn nhỏ của Việt Nam tại mũi Bắc của Đảo Đá Lát.
Hình ảnh gần đây hôm 3/6 cho thấy Việt Nam đang mở rộng tiền đồn phía Bắc. Sà lan đậu sát địa điểm xây dựng, hai tàu lớn hiện diện tại mũi Bắc con kênh mới đào, và gần 80 tàu nhỏ được nhìn thấy bên trong lẫn bên ngoài đầm phá này. Đa số dường như là tàu cá Việt Nam.
Với công trình mới tại Đảo Đá Lát, Việt Nam đã nâng cấp 21 trong số 49 tiền đồn ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây. Theo AMTI, quyết định mở rộng sự hiện diện ở Đảo Đá Lát, trong đó có việc nạo vét kênh để hỗ trợ tiếp ứng và cho phép tàu lớn vào đầm phá này, là điều đặc biệt đáng quan tâm.
Đảo Đá Lát nằm ở cực Tây của các đảo đá và bãi đá ở Trường Sa.
***********************
Việt Nam mở rộng một tiền đồn tại Trường Sa (RFA, 14/06/2018)
Việt Nam tiếp tục công tác mở rộng khiêm tốn tại những tiền đồn ở quần đảo Trường Sa mà gần nhất là công việc tại Đá Lát.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy xà lan và thiết bị xây dựng ở Đá Lát, Trường Sa vào tháng 3/2018 Courtesy AMTI (CSIS)
Nhóm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu & Chiến Lược Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC Hoa Kỳ loan tin vào ngày 13 tháng 6.
Theo AMTI, các hình ảnh vệ tinh chụp được hồi tháng Ba và tháng Sáu cho thấy Hà Nội tiến hành nạo vét một con kênh mới mà trong những ảnh cũ không thấy có.
Một ảnh vệ tinh chụp vào ngày 18 tháng Ba cho thấy ở rìa mạn nam của Đá Lát một con kênh vừa được nạo vét. Tại cửa ra ngay phía bắc của kênh có một sà lan và hai tàu lớn. Ngoài ra còn có ít nhất 21 tàu nhỏ hơn, tất cả dường như là tàu đánh cá của Việt Nam, hiện diện tại vùng đầm nước của Đá Lát.
Nhìn kỹ hơn trên sà lan có hai thiết bị xây dựng được đoán là để dùng cho việc chuyển vật chất nạo vét lên một tàu khác.
Phương pháp nạo vét được cho là tiêu biểu mà Hà Nội sử dụng lâu nay tại một số thực thể khác hiện do Việt Nam quản lý tại Trường Sa.
AMTI cho rằng phương tiện dùng để mở rộng tiền đồn của Trung Quốc tại Trường Sa hoàn toàn khác hẳn đó là loại tàu được gọi ‘tàu cuốc hút cắt’. Loại tàu này có thể chuyển vật chất nạo vét nhanh hơn nhiều ; tuy nhiên tác hại về môi trường vô cùng lớn.
Theo AMTI, với việc mở rộng mới ở Đá Lát vào lúc này, Việt Nam hiện đã nâng cấp được 21 trong tổng số 49 tiền đồn ở Trường Sa trong những năm gần đây. Mặc dù được nâng cấp nhưng AMTI đánh giá rằng những cơ sở này vẫn rất dễ bị đe dọa bởi Trung Quốc, nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển.
***********************
Nhiều tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc tấn công (RFA, 14/06/2018)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi vừa ra báo cáo hôm 14 tháng 6 cho biết 20 tàu cá của tỉnh này bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa trong vòng 6 tháng đầu năm 2018.
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, hình ảnh được chụp hôm 4 tháng 6 năm 2014. (Ảnh minh họa) AFP
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, 20 tàu cá với 138 ngư dân của tỉnh bị tàu Trung Quốc ngăn cản, không chế cướp tài sản khi đang khai thác thủy sản tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, vốn là ngư trường truyền thống của ngư dân tỉnh.
Truyền thông trong nước loan tin vào hôm 25 tháng 5 cho biết, tàu cá của ngư dân Lê Hơn tại đảo Lý Sơn, bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc số hiệu 31102 đâm chìm khi đang khai thác rong biển tại khu vực đảo Bạch Quy.
Quần đảo Hoàng Sa là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Những năm qua, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt cá tại vùng biển này đã bị các tàu chấp pháp và tàu cá của Trung Quốc tấn công, có ngư dân bị Trung Quốc bắt, đánh đập và đòi tiền chuộc.
Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam vào hôm 14 tháng 6 lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao Việt Nam, phát ngôn nhân Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà Hằng nói thêm việc Trung Quốc triển khai tên lửa ở đảo Phú lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Làm gia tăng căng thẳng, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực.
Trước đó, theo phân tích được tổ chức ImageSat International (ISI) công bố hôm 11 tháng 6, các tên lửa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm đã xuất hiện trở lại sau khi biến mất một cách bí ẩn. Theo ISI, có thể hệ thống tên này được triển khai sang các đảo khác hoặc có khả năng các tên lửa này được chuyển về đất liền để bảo dưỡng định kỳ.
*********************
Đảo Nam Du ngập tràn rác thải (RFA, 13/06/2018)
Nam Du là quần đảo xa nhất của huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, cách Rạch Giá hơn 80 km đường biển, còn rất hoang sơ. Nơi đông dân cư nhất là Hòn Lớn. Khách du lịch đến quần đảo Nam Du sẽ cập bến Hòn Lớn, nơi đây tập trung dân cư đông đúc nhất. Nhưng cũng chính nơi đây, lượng rác được thải ra cũng nhiều nhất. Cách bến tàu không xa, một bãi rác lớn sát bờ biển.
Rác thải tràn ngập không chỗ chứa tại đảo Nam Du RFA
Người dân trên đảo cho biết, bãi rác nổi sát bến tàu phần lớn là do rác trôi nổi từ các nơi tấp về.
Bên hòn bển nó cũng trôi qua, chỗ nào mướp hay này kia nọ người ta dục ra ngoài tuốt ngoài cầu cảng nó cũng trôi vô nữa. Ở đây cũng có chỗ đem ra bãi bên kia đổ mà cái chỗ đó cũng chưa được xử lý. Đề nghị có một chỗ nào mình xử lý, tiêu hủy nó được không thôi đổ đống bên đó cũng bẩn một khúc đường.
Và có ý kiến cho rằng rác thải còn do ý thức của người du lịch còn kém, bỏ rác bừa bãi.
Dân ở đây người ta không có quăng đâu, không ai cho đổ đâu. Ở đây mà người ta đổ người ta thấy la chết luôn. Bị phạt á ! Ai dục xuống là bị phạt 500. Còn này du lịch nó ăn đồ nó muốn quăng đâu nó quăng chứ dân đây người ta không có đâu.
Nè, người ta gom rác như vầy nè người ta xách đi đẳng rồi dục vô chứ đâu có ai mà quăng xuống đó đâu.
Bà còn phàn nàn rất nhiều về ý thức của khách du lịch, bà kể :
Ăn cái gì cầm cái gì là dục đại xuống, chời ơi có lúc đứng đây đái nữa nè. Đi te te lại đây đái, người ta ở đây nhóc hết trơn. Du lịch á nghen. Lại đái rồi tui la lên tui nói ổng đái cái nín thinh zậy á, nín thinh đi.
Có ý thức cũng một số, người dân thành phố người ta có ý thức lắm nghe. Còn dân du lịch khách đoàn ra đây, dân trong quê không có ý thức đâu.
Kể từ khi quần đảo Nam Du được khách du lịch đến nhiều, đời sống buôn bán của người dân trở nên nhộn nhịp hơn ; các hoạt động du lịch tạo điều kiện cho người dân có thêm việc làm nhờ đó thu nhập của người dân nhìn chung cũng tăng thêm được chút ít. Nhưng ngược lại ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nặng nề.
Có khách du lịch thì nó cũng thay đổi hơn về kinh tế, mọi mặt.
Mỗi người ra là mang theo một ít rác ra, nhưng mà cái môi trường ở đây đổ rác không có chỗ nào để mà đổ cả. Bây giờ người ta mang xuống dưới kia đổ cũng đâu có xử lý được đâu. Nó loay quay loay quay cũng rớt xuống biển. Đổ lên rừng cũng không thể nào đổ được. Đổ lên rừng trời mưa nó xuống nhà dân cũng chết.
Hiện nay, trên đảo cũng có đặt nhiều thùng rác tại những nơi như bến tàu – là nơi khách du lịch thường qua lại và tập trung đông đúc.
Chúng tôi vẫn thấy có nhiều rác thải nhựa bên cạnh thùng rác như thế này. Hoặc như chai nước sau khi sử dụng xong thì khách du lịch vẫn không bỏ vào thùng rác. Và nhiều thùng rác trống nhưng rác thải vẫn bị vứt ra ngoài một cách vô ý thức như thế này.
Sau một ngày dạo vòng quanh trên đảo, đồng ý rằng vẫn có nhiều người ý thức rất tốt nhưng bên cạnh đó còn nhiều nơi trên đảo người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường.
Rác vẫn bị đổ thẳng xuống biển tại một số khu dân cư.
Ở trên đảo, có một xe rác hoạt động thu gom vào các ngày thứ Hai,Tư và thứ Sáu. Một công nhân vệ sinh môi trường trên đảo cho chúng tôi biết các vấn đề khó khăn hiện tại trong công việc : Vì ngại mùi hôi thối cho nên một số nơi người dân không đồng ý cho đặt thùng rác trước nhà.
Mình năn nỉ để thùng mà người ta không cho để. Người ta nói để quá trời thúi hôi. Bây giờ không cho nuôi heo, cặn cơm cặn cá đổ ụp vô đó hết trơn. Bởi vậy nó thúi quá người ta không cho. Chứ không phải như rác môi trường lá cây lá cối đồ này nọ cũng được.
Sau khi thu gom, rác được tập trung lại ở một đoạn đường trên đảo cách Bãi Ngự 2km. Tại đây, đội vệ sinh môi trường của đảo chỉ có cách xử lý duy nhất là thu gom và đốt. Ngoài ra chưa có cách nào khác để xử lý. Và cũng chưa có chuyện thu gom rác thải đưa vào đất liền để xử lý. Do vậy, có thể thấy vấn đề thu gom và xử lý rác thải là vấn đề nóng nhất trong giai đoạn hiện nay của đảo Nam Du. Nếu không có hướng giải quyết tốt, e rằng chỉ thêm vài năm nữa, vẻ đẹp hoang sơ sẽ biến mất và thay vào đó là hình ảnh rác tràn ngập trên đảo.
Thì người ta cũng tìm cách xử lý nhưng chỉ mới có cách đó chứ chưa có cách nào cả. Ở ngoài hòn này nó cũng khó khăn lắm.
Cái đó thì tụi em cũng nhờ lên cấp trên giải quyết cho tụi em ổn thỏa, rác giờ không có chỗ đổ. Nhưng mà tụi em đốt quài nó không cháy hết tại trời nắng nó cháy trời mưa nó không cháy cho nên em cứ xin ý kiến về trỏng quài, anh em xin ý kiến về trỏng ra giải quyết cái bãi rác nhưng mà ở trỏng người ta hứa lần hứa lượt.
Vấn đề rác thải tại đảo Nam Du ngày càng trở nên cấp bách ; thực tế được ghi nhận như vừa nêu thế nhưng chưa thấy có động tĩnh gì nhằm giải quyết nhừng tồn tại đó.
Thực trạng cũng như biện pháp giải quyết cho bài toán ô nhiễm tại đảo du lịch Nam Du, Kiên Giang giống hệt nhiều nơi khác tại Việt Nam lâu nay.