Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc quan ngại về luật An ninh mạng của Việt Nam (VOA, 15/06/2018)
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chuyên trách Đông Nam Á mới đây tuyên bố họ "quan ngại" về việc quốc hội Việt Nam hôm 12/6 thông qua Luật An ninh mạng gây tranh cãi.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chuyên trách Đông Nam Á hôm 14/6 ra tuyên bố về luật an ninh mạng của Việt Nam
Tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng được đăng tải trên trang Facebook và Twitter chính thức của họ hôm 14/6.
Văn phòng này cho rằng một số điều khoản trong luật mới thông qua "trái với các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị".
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá rằng luật này trao cho chính quyền "nhiều quyền hạn mới", cho phép họ "ép buộc" các công ty công nghệ và nhà cung cấp dịch vụ phải chia sẻ dữ liệu máy tính, bao gồm thông tin cá nhân, hoặc phải từ chối dịch vụ và kiểm duyệt bài đăng của người sử dụng mà không cần có sự xem xét của nhánh tư pháp.
"Ngoài ra, chúng tôi còn quan ngại rằng luật này có thể được sử dụng để trấn áp tiếng nói bất đồng ở Việt Nam, và chúng tôi muốn khuyến khích Chính phủ Việt Nam mang lại một môi trường thuận lợi, ở đó tự do ngôn luận, cả trực tuyến và ngoài đời thực, đều được bảo vệ", tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc viết.
Luật an ninh mạng đã được thông qua trong bối cảnh một số đại biểu quốc hội, chuyên gia công nghệ thông tin, luật sư, nhà báo và các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội cùng nhiều người dân chỉ ra rằng luật có nhiều điều khoản mang tính chất làm giảm tự do internet và tăng khả năng lạm quyền của công an ở Việt Nam.
Những người không ủng hộ dự luật đã kêu gọi quốc hội không thông qua, nhưng ý kiến của họ đã không có tác dụng.
Cơ quan của Liên Hiệp Quốc nói trong tuyên bố mới đây rằng họ lấy làm tiếc về việc "dường như đã thiếu sự tham vấn" với công chúng cũng như các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi luật mới, trước khi thông qua luật. Văn phòng này kêu gọi chính phủ Việt Nam cần phải đưa công dân và xã hội dân sự tham gia vào việc xây dựng luật pháp và làm chính sách.
Giáo sư Đặng Hữu và các chuyên gia kêu gọi quốc hội Việt Nam sửa một số điều trước khi thông qua dự luật an ninh mạng, 5/6/2018
Tuyên bố của Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chuyên trách Đông Nam Á được đưa ra sau khi có một số phản ứng quốc tế về luật mới của Việt Nam.
Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố "bày tỏ sự thất vọng" về việc quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng.
Một thông cáo báo chí của tổ chức Ân xá Quốc tế nói luật này "có nguy cơ gây hậu quả tàn hại cho tự do ngôn luận ở Việt Nam" và đồng nghĩa là "hiện nay ở Việt Nam không còn chỗ an toàn nào để mọi người tự do nói chuyện".
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF có trụ sở tại Pháp nhận xét luật Việt Nam vừa thông qua "là bản sao từ luật an ninh mạng có hiệu lực tại Trung Quốc từ tháng 6/2017". Một đại diện của RSF đưa ra yêu cầu rằng các nhà lập pháp Việt Nam cần "thu hồi luật mới khắc nghiệt này".
Trên mạng xã hội, nhiều người sử dụng Việt Nam trong những ngày này đang kêu gọi công chúng tham gia ký tên vào một kiến nghị trên trang change.org nhắm mục đích đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang không ký ban hành luật an ninh mạng.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nói trong tuyên bố hôm 14/6 rằng dự kiến các vấn đề liên quan đến quyền tự do đưa ra ý kiến, biểu đạt và hội họp sẽ được thảo luận chi tiết vào đầu năm 2019 trong các cuộc kiểm điểm về Việt Nam theo cơ chế Đánh giá Định kỳ Toàn cầu và của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc Việt Nam thực hiện các cam kết của mình theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
******************
Thấy gì qua chương trình phát trực tiếp chất vấn đại biểu đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội (RFA, 15/06/2018)
Trưa hôm 15/6/2018, trên mạng xã hội facebook có chương trình phát trực tiếp chất vấn các Đại biểu quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội. Thực hiện chương trình là chị Nguyễn Thị Tâm, dân oan Dương Nội (quận Hà Đông) và cộng sự.
Ngày 12/6/2018, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật an ninh mạng, đại biểu bấm nút chấp thuận hay phản đối ?
Đây là một chương trình rất đặc biệt, một hình thức thực hiện quyền giám sát của cử tri đối với các đại biểu quốc hội rất độc đáo. Trong thời gian phát có tới 7.000 người theo dõi. Cho đến lúc này, tức 7 giờ sau, chương trình đã có 7.057 chia sẻ, 5.000 like.
Câu hỏi đặt ra cho các đại biểu quốc hội rất đơn giản : Ngày 12/6/2018, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu thông qua Luật an ninh mạng, đại biểu bấm nút chấp thuận hay phản đối ?
Đơn giản vậy nhưng xem ra lại là câu hỏi rất khó đối với các đại biểu quốc hội. Chương trình gọi điện thoại tới 20/30 đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội. Có 10 đại biểu chưa tìm ra số điện thoại.
Kết quả nhận được như sau :
1. Đại biểu Nguyễn Doãn Anh : máy bận. Cuối chương trình gọi lại thì trả lời muốn hỏi thì đến cơ quan tôi làm việc để tôi trả lời. Nhưng hỏi địa chỉ cơ quan ở đâu thì... tắt máy.
2. Đại biểu Dương Minh Ánh : Nghe xong câu hỏi thì tắt gọi lại không được.
3. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình : không liên lạc được.
4. Đại biểu Nguyễn Chiến (trưởng đoàn Luật sư Hà Nội) : tìm được 2 số. Số máy thứ nhất không liên lạc được. Gọi số thứ 2 có bắt máy nhưng nghe câu hỏi thì tắt máy.
5. Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (chánh án tòa án HN) : Có chuông nhưng không bắt máy.
6. Đại biểu Nguyễn Văn Cường : nói không muốn trả lời qua điện thoại, mời đến gặp trực tiếp.
7. Đại biểu Nguyễn Văn Được : không liên lạc được.
8. Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà : sau khi nghe câu hỏi thì để nguyên máy. Chờ 2’30" không trả lời.
9. Đại biểu Đào Thanh Hải : không liên lạc được.
10. Đại biểu Ngô Duy Hiếu : nói hôm 12/6 đi công tác.
11 Đại biểu Trần Thị Phương Hoa : vặn lại : "Tại sao chị được quyền hỏi hỏi tôi về việc ấy" rồi tắt máy.
Sau đó đại biểu này gọi lại, nói tôi theo số đông, khi bị hỏi riết thì thừa nhận bỏ phiếu thuận
(câu chuyện với đại biểu này có riêng 1 video, mời bạn đọc xem video thứ 2)
12. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh : trả lời lòng vòng. Khi chương trình yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi thì nói tôi không thể trả lời câu hỏi này.
13. Đại biểu Nguyễn Thị Lan : nghe xong câu hỏi thì tắt máy.
14. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai : trả lời không đồng ý (tức bỏ phiếu chống).
15. Đại biểu Bùi Huyền Mai : nghe xong câu hỏi, nói tôi đang họp rồi tắt máy.
16. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc : nghe xong câu hỏi đột ngột tắt máy.
17. Đại biểu Lê Quân không bắt máy. Cuối chương trình gọi lại vào số thứ 2, nói không tiện trả lời, tắt máy.
18. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng : nói nhầm số.
19. Đại biểu Dương Quang Thành : không bắt máy.
20. Đại biểu Nguyễn Anh Chí : không bắt máy. Gọi lại thì nói giọng rất gay gắt
Như vậy, trừ đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói bỏ phiếu chống, 1 người vắng mặt hôm bỏ phiếu, 3 người không liên lạc được, 1 người nhầm số, còn lại 15 người (75%) hoặc là tỏ ra khó chịu, hoặc là lẩn tránh, thái độ coi thường cử tri.
Qua buổi chất vấn này, cho thấy các đại biểu quốc hội không nhận thấy trách nhiệm của mình là đại diện cho dân, vào được quốc hội rồi tự coi mình là tầng lớp khác, trên dân, coi thường dân.
Đã có nhiều nhận xét không thiện cảm về quốc hội Việt nam, gọi những đại biểu quốc hội Việt Nam là nghị gật.
Buổi phát trực tiếp này cho thấy, những lời nhận xét về quốc hội Việt Nam chẳng còn là lời đồn, không ưa thì nói xấu nữa. Nó phản ảnh đúng tư cách, nhân cách, tri thức, trình độ văn hóa, tâm huyết của mỗi đại biểu. Đó là một sự thật cay đắng và đau xót cho cử tri Việt Nam. Đất nước rồi sẽ còn đi đến đâu khi vận mệnh được trao cho những đại biểu quốc hội như thế này ?
Chương trình trực tiếp hôm nay, nhiều người nhận xét là chương trình Livestream hay nhất. Chương trình không chỉ đơn thuần là chuyện chất vấn 20 đại biểu quốc hội xem ai bỏ phiếu thuận, ai bỏ phiếu chống một đạo luật. Ý nghĩa của nó là người dân, cử tri phải biết quyền của mình và sử dụng nó ra sao. Đại biểu quốc hội hay những lãnh đạo không phải là cái gì cao siêu, cấu tạo khác thường mà người dân không dám động đến. Chỉ khi nào lãnh đạo, nghị sĩ biết sợ dân như ở các nước dân chủ thì lúc ấy xã hội mới bình thường. Khi đó, những lời rêu rao dân chủ, tự do, hạnh phúc là những điều mặc nhiên, chứ không cần trương lên trên các khẩu hiệu hay ra rả phát ở các đài phát thanh, nhan nhản trên báo chí.
Nguyễn Tường Thụy