Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/06/2018

Thú nhận bất lực, ông Trọng bà Ngân bắt đầu nói lung tung

Tổng hợp

‘Rất khó, nhạy cảm’ : Tin vui cho quan chức tham nhũng ! (CaliToday, 19/06/2018)

Giới quan chức tham nhũng ở Việt Nam có thể nhảy dựng lên mà reo hò sau phát ngôn ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’ của đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào chiều ngày 17/6/2018.

npt1

Ông Trọng gián tiếp thừa nhận thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ ? Ảnh : VT

Kể từ tháng Năm năm 2018, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên ông Trọng gián tiếp thừa nhận thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Bằng chứng rõ nhất là đã hơn một năm trôi qua mà vẫn không có bất kỳ động tác được hứa hẹn nào được thực hiện. Trong khi đó, các tỉnh thành ủy và khối chính quyền vẫn đều đặn và thản nhiên báo cáo về trung ương ‘không phát hiện trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực’, hoặc cả nước chỉ phát hiện 5 hay 6 trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực trong tổng số… gần 1 triệu cán bộ.

Vào ngày 23 Tháng Năm năm 2017, Bộ Chính Trị của ông Nguyễn Phú Trọng đã ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp, tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa "chống tham nhũng" vừa kiểm soát quyền lực – hành động tương tự như "cuộc cách mạng long trời lở đất" mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.

Quy định trên đã được Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí nhà nước tuyên truyền ồn ào và không kém khoa trương. Theo đó, có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức như :

– Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.

– Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực ; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.

– Sau khi "làm" xong, cơ quan kiểm tra trung ương "sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân".

Từ năm 2017, mục tiêu của ông Trọng không còn đơn thuần là "chống tham nhũng", mà kể cả kiểm soát quyền lực, đặc biệt sau "bài học Nguyễn Tấn Dũng".

Kiểm soát quyền lực lại là một đề tài được phe đảng khơi mào từ trước đại hội 12 và ngày càng dồn dập cho đến nay. Những gì thuộc về cái "dây cũ" cần phải bị thanh loại. Một cuộc "thay máu nhân sự" để phục vụ cho sự nghiệp chỉnh đảng đã bắt đầu.

Nếu giấc mơ "nhốt quyền lực vào lồng" biến thành hiện thực, đoạn cuối sự nghiệp chính trị của ông Trọng sẽ có một nét gì đó có thể bằng vai với chiến dịch "những việc cần làm ngay" của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh giai đoạn 1986-1989.

Muốn kiểm soát quyền lực, việc đầu tiên cần làm là kiểm soát tài sản quan chức.

Nhưng chính một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam đã nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức : tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc "ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra".

Mặc dù không thiếu tham vọng để làm một cuộc cách mạng long trời lở đất như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng lại quá thiếu chân đứng cho chiến dịch tìm ra núi tài sản bất minh của giới quan chức Việt Nam. Sự hỗng hụt chân đứng ấy nằm ngay trong hệ thống cơ quan kiểm tra đảng, nội chính đảng của ông Trọng, nếu chưa nói tới các cơ quan khối chính quyền mà vẫn đang ‘mắt trước mắt sau’ khi nghe lệnh cấp trên.

Trong thực tế, ông Trọng chẳng thể mong mỏi gì vào ‘trình độ nghiệp vụ’ của các cơ quan đảng từ trung ương xuống địa phương để có thể lần mò phát hiện được tài sản nổi chìm của giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’. Mà chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức : Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.

Nhưng làm thế nào để hai cơ quan trên tự nguyện ‘vạch áo cho người xem lưng’ khi cả hai ngành này đều nổi tiếng không chỉ bởi ‘dịch lạm phát tướng’ trên 200 cho Bộ Công an và trên 400 cho Bộ Quốc phòng, mà còn mang nhiều tai tiếng bởi các vụ bê bối tham nhũng và làm ăn phi pháp ?

Hiển nhiên là trong giấc mơ kéo dài được hơn một năm qua, chiến dịch kiểm tra tài sản 1.000 quan chức của ông Trọng đã bị "đụng tường" – một bức tường lớn, rất cao và còn "khó nhằn" hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.

Thiền Lâm

****************

Ông Nguyễn Phú Trọng đặt quyền lợi của đảng trước dân tộc (RFA, 19/06/2018)

Vào ngày 17/6/2018 Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với cử tri Hà Nội rằng Luật an ninh mạng giúp bảo vệ chế độ của ông, sau đó mới nhắc đến việc bảo vệ an ninh quốc gia.

npt2

Hàng ngàn người dân Sài Gòn biểu tình chống luật đặc khu vào ngày 10/6/2018, trước khi luật an ninh mạng được thông qua ngày 12/6/2018. AFP

Tại sao lại như vậy ?

Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra những phát biểu mà trong đó ông đặt tầm quan trọng của Đảng cộng sản Việt Nam lên trên dân tộc Việt Nam. Vào năm 2013, cũng trong một dịp tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, ông đã nói rằng Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của Đảng cộng sản.

Phát biểu này gặp nhiều chỉ trích của các nhân sĩ trí thức lúc đấy đang vận động cho một bảng hiến pháp đa nguyên cho Việt Nam. Một trong 72 nhân sĩ ký tên cho cuộc vận động lúc đó là nhà văn Phạm Đình Trọng.

"Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.

Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật".

Ngay sau khi báo chí trong nước loan tải về phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi tìm cách liên lạc với Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, để tìm kiếm lời giải thích nhưng không liên lạc được. Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng cộng sản nhưng cũng là đại biểu Quốc hội, cơ quan gồm gần 500 thành viên với tuyệt đại đa số đảng viên cộng sản, đã thông qua luật an ninh mạng ngày 12/6.

Trong bản tin của báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn ngày 17/6/2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như sau :

Có những thành phần sử dụng Internet kích động biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.

Ông cũng cho rằng chống chế độ thì mất nước, mất chế độ, không thể chấp nhận được, và phải có luật để bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ quyền công dân.

Tuy nhiên đã có nhiều chỉ trích cho rằng luật an ninh mạng lại xâm phạm đến quyền công dân khi trao cho cơ quan công an quá nhiều quyền hành, kiểm soát lời ăn tiếng nói của người dân trên mạng, thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet mà không cần lệnh của tòa án.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải, hiện sống ở Vũng Tàu nhận xét khái niệm an ninh quốc gia của những người cộng sản như sau :

Trong những nội dung an ninh quốc gia mà họ quan niệm thì có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia.

Nhà báo Phạm Chí Dũng, một người hoạt động bất đồng chính kiến ở Sài Gòn, từng là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, giải thích với RFA rằng những phát biểu của ông Trọng, và có thể là một vài lãnh đạo cộng sản khác nữa có nguồn gốc từ ý thức hệ của họ :

"Trong ý thức hệ cộng sản thì ý thức hệ là trên hết, sau đó mới là dân tộc, và suy ra đảng là trên hết, sau đó mới đến dân tộc và nhân dân. Lý do thứ hai là nếu như hồi năm 2011 nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, ông Trọng đã phải nhận định về sự tồn vong của chế độ, lo lắng về sự tồn vong của chế độ, ông dùng cái cụm từ đó. Bây giờ ông ta hoảng sợ, chỉ nghĩ đến chế độ thôi. Bảo vệ chế độ và an ninh quốc gia, trong não trạng của những người cầm quyền thì hai cái đó là một, lấy cái này hổ trợ cái kia, lấy cái này làm cái cớ để thực hiện cái kia".

Ngay trước khi luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6, liên tục trong các ngày 10,11, tháng sáu những cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn người dân Việt Nam đã nổ ra trên cả nước chống dự luật ba đặc khu, vì lo ngại đến an ninh quốc gia.

Sau khi luật an ninh mạng được thông qua, hai chuyên gia kinh tế mà đài RFA tiếp xúc tỏ ra rất lo ngại rằng an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì dưới sức ép của luật an ninh mạng các công ty phương Tây có thể rút đi, nhường chổ cho các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho biết rằng hiện người dùng Việt Nam đã bắt đầu sử dụng các điện thoại do Trung Quốc sản xuất như Hoa Vi, ZTE, trong khi đó các điện thoại này đã bị Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cấm bán trong khuôn viên của cơ quan này vào đầu tháng 5/2018 vì lo ngại là Bắc Kinh có thể thiết kế những chi tiết kỹ thuật để nghe lén.

Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long từ Hoa Kỳ cho rằng Luật An ninh mạng sẽ làm mất tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam bởi vì thay vì lắng nghe tiếng nói của người dân, lại đi bịt miệng họ bằng đạo luật này.

Kính Hòa

************************

Thấy gì qua ‘chưa đưa vụ Thủ Thiêm vào chương trình giám sát Quốc hội năm 2019’ ? (CaliToday, 18/06/2018)

Kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ : ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như : AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều… chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.

npt3

Tuyệt đại đa số thành viên quốc hội đã biểu quyết ‘chưa đưa vụ Thủ Thiêm vào chương trình giám sát Quốc hội năm 2019’ (!?) Ảnh : Cafef

Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM : Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.

Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 140 ha đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD !

Vụ giải tỏa Thủ Thiêm diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2006-2015).

Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.

Nhưng vụ việc Thủ Thiêm – với nhiều dấu hiệu tham nhũng và cố ý làm trái còn lớn hơn nhiều vụ AVG – lại đang được ‘kiến tạo’ để chìm xuồng.

Trước kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.

Như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, cùng thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát ra báo cáo trên, vào trung tuần tháng Năm năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu độ thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và một quyết định bị xem là ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.

Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…

Trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, cũng như bà Ngân, ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.

Một giả thiết đáng sợ được đặt ra từ khi vụ Thủ Thiêm bùng phát nhưng dường như đang lao nhanh đến hiện thực : phải chăng đã có sự thỏa hiệp, hay nói trắng ra là ‘đi đêm’ giữa các nhóm quyền lực – lợi ích mới với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để ‘chuyển giao lợi ích’ và đương nhiên cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng biển nước mắt của dân oan ?

Thiền Lâm

******************

Vì sao bà Ngân ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’ ? (CaliToday, 17/06/2018)

Dù chưa bao giờ có được một nghị quyết hay thậm chí hé môi một tiếng nói để lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt, Quốc hội Việt Nam lại vừa ghi thành tích với Bộ Chính trị đảng bằng tuyên bố ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.

npt4

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng. Ảnh : Dân Trí

Tại phiên bế mạc Quốc hội vào buổi sáng 15/6/2018, tuyên bố trên được dõng dạc phát ra bởi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi quan chức này "khẳng định Quốc hội nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, không hiểu sao bà Ngân lại không nói rõ về những tổ chức hay cá nhân nào đã ‘lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.

Phát biểu của bà Ngân diễn ra trong bầu không khí ‘toàn quốc xuống đường’ : cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘Luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với Dự Luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn và lan rộng đến hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, trở thành một sự kiện chưa từng có từ thời điểm 1975. Cuộc tổng biểu tình này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.

Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘Luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt đối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.

Ngay sau khi ‘Luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.

Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này ; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng ; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi !’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ Dự Luật Đặc khu.

Người dân có đầy đủ lý do để phẫn nộ và căm phẫn.

Sau rất nhiều lần, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp Châu đầu vào ‘Luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.

Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.

‘Suy giảm niềm tin’ vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lại.

Vụ Dự Luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán.

Quốc hội Việt Nam là của ai ?

Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.

Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.

Thiền Lâm

Quay lại trang chủ
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)