Trần Đại Quang nói hớ ‘cần ban hành Luật Biểu Tình’ ? (Người Việt, 19/06/2018)
Ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước cộng sản Việt Nam "đồng tình" với kiến nghị của cử tri là cần có "Luật Biểu Tình", báo Tuổi Trẻ vừa đăng lên liền phải gỡ xuống, cắt bỏ khúc tin "nhạy cảm".
Phần đầu bản tin ông đại biểu Quốc Hội, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn nói "cần ban hành Luật Biểu Tình" trên tờ Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Sáu, 2018. (Hình : BBC cắt từ Internet)
Với tựa đề "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình", ngay câu mở đầu bản tin, báo Tuổi Trẻ online hôm 19 Tháng Sáu 2018, đưa tin : "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu Tình và hứa báo cáo Quốc Hội về nội dung này".
Không bao lâu sau khu vừa đưa lên mạng, tờ Tuổi Trẻ đã vội vã rút xuống và thay nội dung bản tin về cuộc tiếp xúc của ông "đại biểu Quốc Hội – chủ tịch nước" Trần Đại Quang với các chi tiết khác, không có cái câu nói trên. Còn tựa đề mới của bản tin Tuổi Trẻ về ông Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn được thay vào đó là "Chủ tịch nước : Vụ việc tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là do bị kích động".
Tờ Tuổi Trẻ cũng như các báo khác trong guồng máy tuyên truyền của chế độ Hà Nội thuật lời ông ta đả kích những người biểu tình khắp nơi chống dự luật "Ðặc Khu Kinh Tế" và luật "An Ninh Mạng" tuần trước là "do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo".
Quốc Hội cộng sản Việt Nam đã "nâng lên, đặt xuống" cái "Luật Biểu Tình" gần chục năm nay, không mấy năm không loan báo sẽ đưa ra biểu quyết nhưng rồi lại thấy dời lại khóa họp kế tiếp và không biết sẽ còn dời đến bao giờ.
Hiến Pháp của chế độ công nhận công dân có đủ mọi thứ quyền căn bản từ tự do thông tin báo chí, tự do hội họp, biểu tình, lập hội, nhưng nếu biểu tình chống đối chủ trương của nhà nước, coi đó đi ngược lại quyền của người dân thì đều bị gán cho các tội danh "Tuyên truyền chống nhà nước" hay "Gây rối trật tự công cộng" hoặc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…" hay tệ hại hơn, thì bị vu cho tội "Âm mưu lật đổ" chế độ.
Người ta không rõ tại sao lời cam kết của ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang với "cử tri" của ông ở Sài Gòn lại bị báo Tuổi Trẻ gỡ xuống. Chính ông thấy hớ nên yêu cầu gỡ bỏ hay cái "Luật Biểu Tình" vẫn sẽ còn bị treo và kẻ có quyền hành trùm lên nhà nước, tức ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, bắt phải gỡ bỏ ? Không ai biết.
Hàng chục ngàn người tại nhiều tỉnh thị cả nước tham dự cuộc biểu tình chống hai luật "Đặc Khu" và "An Ninh Mạng" ngày 10 Tháng Sáu, 2018, là cơ hội ít ỏi để nhà cầm quyền Việt Nam nhận ra người dân nghĩ gì, muốn gì. Nếu là một nhà nước pháp quyền và "của dân, do dân và vì dân" thật sự thì các ông phải "chấp hành" theo ý nguyện nhân dân.
Tuy nhiên, các ông đã tìm đủ cách vu vạ cho họ bị các thế lực "phản động" và "cơ hội chính trị" "kích động", coi như người dân bình thường tại Việt Nam khờ dại, dễ bị "lôi kéo".
Mấy ngày nay, từ ông Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trở xuống, các ông rập khuôn theo nhau đổ cái dại dột lên đầu người dân tại Việt Nam khi rêu rao các lời tuyên truyền quen thuộc "có bàn tay của phần tử phá hoại" và "không loại trừ có yếu tố nước ngoài".
Nhưng liệu cái "Luật Biểu Tình" nếu được đưa ra cái "Quốc Hội con dấu cao su" kia biểu quyết thì người dân sẽ được biểu tình thoải mái hay không ? Không ai tin sẽ có chuyện đó khi mà các quyền tự do căn bản của người dân như hiến pháp của chế độ nhìn nhận, các luật bên dưới sẽ cột lại với những điều khoản chặt chẽ để đẩy người ta vào tù.
Luật báo chí đâu có cho người dân quyền tự do báo chí đâu ! Luật Luật Sư có cho giới luật sư hành nghề tự do đâu ! Luật Tôn Giáo Tín Ngưỡng có cho các tôn giáo quyền tự do hành đạo đâu ! Tất cả đều bị cột vào cái "cơ chế xin cho" do đảng và nhà nước độc tài ban phát nếu người ta chấp nhận cúi đầu làm công cụ cho chế độ. Làm ngược lại thì bỏ tù.
Mới đây nhất, luật "An Ninh Mạng" vừa mới được "Quốc Hội" thông qua, nó là cái thòng lọng treo sẵn trên cổ người dân để người ta đừng phát biểu, đưa thông tin ngược với cái mà chế độ muốn.
Ông Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang sau mấy tháng vắng mặt, gần đây, người ta thấy ông xuất hiện có vẻ nhiều hơn. Tình trạng sức khỏe của ông mà nhiều lời đồn đoán ông phải chạy sang Nhật chữa trị một thứ bệnh nghiêm trọng, rất có thể là ung thư, bây giờ ra sao, không ai được biết vì đó là một thứ "bí mật nhà nước". (TN)
**********************
Chủ tịch nước nói về luật biểu tình cũng bị kiểm duyệt ? (VOA, 19/06/2018)
Báo chí Việt Nam sửa lại tít và xóa các câu chữ đề cập đến việc Chủ tịch Trần Đại Quang nói "cần luật biểu tình", chỉ một thời gian ngắn sau khi bài được đăng.
Chủ tịch Trần Đại Quang gặp cử tri ở thành phố HCM, tháng 6/2018
Các bản tin gốc, được đăng trên các trang web chính thức của các báo sáng 19/6, cho hay ông Quang "đồng ý rằng cần luật biểu tình", khi ông gặp gỡ các cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh và nhận được kiến nghị của họ về sự cần thiết phải có luật này.
Chủ tịch nước nói thêm ông "sẽ báo cáo quốc hội về nội dung này", theo nội dung ban đầu của các bài báo. Lời phát biểu của ông Quang đã được nhiều báo sử dụng làm tít bài. Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ tin này.
Trên thực tế, phần thông tin về Chủ tịch Quang đề cập đến luật biểu tình chỉ gồm khoảng ba chục chữ trong các bài báo dài từ 400 đến trên 600 chữ.
Nội dung chính của các bài báo nói về cuộc trao đổi ý kiến của ông Quang với cử tri xoay quanh các vấn đề gồm Luật an ninh mạng, Luật đặc khu ; các cuộc "tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự", chống tham nhũng hay các sai phạm đất đai ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, không lâu sau khi đăng tin, các báo đã thay đổi tít và xóa các câu nói về luật biểu tình. Một số người sử dụng mạng xã hội đã bình luận mang tính châm biếm về diễn biến này, với những từ ngữ hàm ý rằng đến các phát ngôn của chủ tịch nước mà cũng bị kiểm duyệt, xóa bỏ.
Nhà báo kỳ cựu Võ Văn Tạo nói với VOA rằng khó có thể biết rõ liệu ông Quang ‘tự kiểm duyệt’ hay có một người hoặc một tập thể ở cấp cao hơn đã kiểm duyệt.
Trong cơ cấu chính trị Việt Nam, Bộ Chính trị, với Tổng Bí thư Đảng cộng sản đứng đầu, có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước, kể cả về nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước.
Ông Tạo nhận định về thế lực nào đã ra tay trong sự việc sửa tít, xóa lời Chủ tịch nước vừa xảy ra :
"Thông thường theo tôi biết, lực lượng bên tuyên giáo [của đảng] hay can thiệp sang cái đó, sang báo chí.Cái này tôi không ngạc nhiên vì cái này nói đến biểu tình. Ở một chế độ độc tài, việc biểu tình có thể coi đấy là một chuyện nhạy cảm".
Nhà báo vẫn thường lên tiếng ủng hộ tiến bộ xã hội ở Việt Nam giải thích thêm rằng đất nước do đảng cộng sản duy nhất cầm quyền không muốn người dân thực hiện các cuộc biểu tình để bày tỏ ý kiến ngược lại với chính quyền.
Quốc hội Việt Nam lần đầu đề cập đến việc soạn thảo luật biểu tình vào năm 2011. Từ đó đến nay, dù nhiều lần đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ, chưa bao giờ một dự luật như vậy được giới thiệu và bàn thảo các điều khoản.
Trong thời gian hơn 7 năm qua, đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra ở Việt Nam, thậm chí đã trở thành những cuộc bạo loạn, khi người dân phản đối Trung Quốc xâm phạm biển Việt Nam năm 2014 hay chống lại hai dự luật đặc khu và an ninh mạng mới đây, đầu tháng 6/2018.
Nhà chức trách và báo chí Việt Nam thường tránh dùng từ "biểu tình" khi nói về các sự kiện này. Thay vào đó, họ gọi là "tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng".
Sau những diễn biến như vậy, luôn nổi lên tiếng nói từ người dân và đại biểu quốc hội đòi hỏi phải có luật biểu tình.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đưa ra ý kiến với VOA :
"Cần có luật biểu tình để luật hóa cách thức tổ chức biểu tình, làm sao cho đảm bảo nguyện vọng người dân bày tỏ ý kiến, đồng thời cũng đảm bảo trật tự an ninh, tránh những trường hợp tự phát, có tính chất bạo động".
Lưu ý đến thực tế giới công an, quân đội chiếm số ghế đông đảo trong Bộ Chính trị sau đại hội đảng lần thứ 12, nhà báo Võ Văn Tạo đánh giá rằng tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam không khả quan, và cũng ảnh hưởng tất yếu đến số phận của luật biểu tình. Ông dự báo :
"Giả sử như bị sức ép của đại biểu quốc hội, áp lực trong xã hội, có thể người ta cũng vẫn phải làm luật biểu tình. Nhưng tôi e rằng người ta sẽ ra luật biểu tình mà không thể biểu tình được, ví dụ như muốn biểu tình phải đăng kí trước 3 tháng, rồi thì số lượng không quá 20 người. Quyền trong tay họ, họ ban hành kiểu gì chả được. Đã như thế thì coi như chẳng có biểu tình nữa".
Từ góc nhìn của người bám sát công tác làm luật ở Việt Nam, tiến sĩ Giao nói về các khả năng có thể xảy ra :
"Nếu luật biểu tình làm đúng theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015, và lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, cũng như các nhà nghiên cứu và chuyên gia, thì hy vọng nó sẽ tốt. Còn nếu giả sử không lấy ý kiến rộng rãi giống luật đặc khu, rất có thể nó sẽ không bảo đảm quyền bày tỏ ý kiến, quyền biểu tình của nhân dân, mà có thể nó chặt chẽ đến mức nó hạn chế các quyền đó".
Trong khi các báo rút lại nội dung cho hay Chủ tịch Trần Đại Quang nói "cần luật biểu tình", các tin khác của họ cùng ngày 19/6 cho biết một đoàn đại biểu quốc hội khác cũng đã gặp cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhắc đến luật biểu tình.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, người cũng là một luật sư, được báo chí trích lời khẳng định với cử tri : "Hiện nay chưa có dự luật biểu tình vì các kỳ họp vừa rồi bị ngưng lại. Bây giờ chúng tôi đề nghị đưa trở lại để làm trong nhiệm kỳ này".
*******************
Ngăn biểu tình, CA ‘bắt hàng trăm người’ ở Thành phố Hồ Chí Minh (VOA, 19/06/2018)
Công an tại thành phố lớn nhất Việt Nam hôm 17/6 đưa 140 người "có dấu hiệu, hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng" về trụ sở "để làm việc", theo báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.
Cảnh sát phong tỏa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh để ngăn cản biểu tình, 17/6/2018
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động tại địa phương viết trên mạng xã hội Facebook rằng số người bị nhà chức trách thành phố bắt "lên đến gần 200 người".
Một tuần trước, các cuộc biểu tình có hàng ngàn người tham gia ngày 10 và 11/6 đã nổ ra ở một loạt tỉnh, thành để phản đối hai Dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Báo chí trong nước dẫn thông tin từ công an cho hay, có 300 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình này.
Nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội kèm với lời cáo buộc là cảnh sát và nhân viên an ninh nhà nước đã đánh đập, kéo lê, bắt bớ người biểu tình.
Riêng tại Bình Thuận, biểu tình đã leo thang thành bạo loạn với kết cục là một số xe cộ và tòa nhà thuộc chính quyền địa phương bị đốt phá.
Sau đó, đã xuất hiện trên mạng xã hội lời kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình vào ngày 17/6. Theo Reuters, vào ngày này, ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra các cuộc "tuần hành ôn hòa" của các giáo dân bày tỏ phản đối Dự luật Đặc khu đang bị hoãn và Luật An ninh mạng mới được thông qua.
Không có tin tức nào cho biết người biểu tình có xuống đường ở các địa phương khác của Việt Nam hay không.
Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh tố cáo qua các tài khoản Facebook cá nhân rằng các nhân viên công an, an ninh thành phố hôm 17/6 buộc họ phải ở nhà, hoặc bắt giữ họ để ngăn chặn biểu tình nổ ra.
Các nhà hoạt động và người dân nói trên Facebook rằng nhà chức trách Thành phố Hồ Chí Minh đã "tùy tiện bắt người". Theo lời họ, tại trung tâm thành phố từ sáng cho đến chiều ngày 17/6, công an có lúc "xô vào bắt "những người đang ngồi trong quán café", lúc khác công an "vây quanh" người đang đi bộ "rồi đẩy lên xe đưa về đồn".
Anh Lý Bình bị công an Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ gần 1 ngày hôm 17/6/2018
Anh Lý Bình, 32 tuổi, một trong những người rơi vào hoàn cảnh như vậy, cho VOA biết, anh và một số người khác bị bắt ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, khi "chỉ uống cà phê và ra chụp hình". Công an các cấp khác nhau đã "câu lưu" anh trong hơn 20 tiếng, anh cho hay.
Người đàn ông trẻ lâu nay tích cực lên tiếng về các vấn đề quan trọng của đất nước bày tỏ suy nghĩ về hành xử của phía chính quyền :
"Tôi vô cùng bức xúc và cảm thấy không hợp lý với một nhà nước mà gọi là bảo vệ cho dân. Tôi cũng muốn đồng hành cùng đồng bào, cất lên tiếng nói yêu nước, nhưng mà không nghĩ là khi mình thể hiện tiếng nói yêu nước của một công dân thì lại bị đàn áp, bắt bớ như vậy".
Cá nhân anh không bị đánh đập, nhưng anh chứng kiến những người khác không được may mắn như vậy. Anh tường thuật thêm với VOA :
"Vào đó, tôi thấy có những người bị họ [công an] đánh, còng tay, các thứ".
Trong số những người bị công an Thành phố Hồ Chí Minh "đưa về trụ sở để làm việc", có những người bị bắt trước ngày 17/6 tới cả hai ngày.
Anh Nguyễn Tín, 28 tuổi, người tham gia các hoạt động thúc đẩy tự do, dân chủ trong 2 năm qua, cho VOA biết anh bị công an một phường của quận Tân Bình cưỡng chế về đồn hồi 10h tối ngày 15/6. Bị tra hỏi về việc tham gia như thế nào vào cuộc biểu tình trước đó 5 ngày, song anh "từ chối hợp tác".
Anh kể lại :
"Tôi không có thừa nhận do là mình bị bắt cóc. Lúc đó thì bị tra tấn của những tên an ninh. Lúc đó, tôi quyết định tuyệt thực, không nói lời nào nữa, quyết định giữ quyền im lặng của bản thân. Không có làm việc với những tên an ninh nữa, thì bị những cú đấm, những cùi chỏ vào đầu".
Trên Facebook hôm 18/6, nhà hoạt động này đăng ảnh chụp nội dung toa thuốc sau khi khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, trong đó bác sĩ chẩn đoán "chấn thương phần mềm đầu khai do bị đánh".
Bên cạnh lời tự thuật của hai anh Nguyễn Tín và Lý Bình, giới hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những hình ảnh trên mạng xã hội về các trường hợp mà theo lời họ "bị công an bắt và đánh đập tàn tệ", trong đó có các anh Đặng Minh Ty và Trịnh Toàn bị đánh đến mức phải đi bệnh viện.
Có cáo buộc là nhà hoạt động Trịnh Toàn bị công an Thành phố Hồ Chí Minh đánh trọng thương hôm 17/6/2018
VOA cố gắng liên lạc với công an thành phố để xác minh các thông tin nêu trên qua các số điện thoại nóng đăng trên trang web chính thức của họ, song không kết nối được.
Trên trang cá nhân, luật sư Lê Luân viết : "Bắt bớ người dân không cần (trát) lệnh của tòa án hay viện kiểm sát trong một vụ án hình sự đã là một sự vô pháp nghiêm trọng và phải bị trừng trị nghiêm minh theo pháp luật".
Người thường xuyên phân tích, bình luận về các sự kiện ở Việt Nam viết thêm : "Nếu đám người nào đó đánh người đi biểu tình đến bất tỉnh và chấn thương sọ não, tràn máu não thì đó là hành vi man rợ và là tội phạm có dấu hiệu của tội giết người, dù bất kể kẻ đó là ai, nhân danh bất cứ điều gì và vì bất kỳ mục đích (an ninh) nào đi nữa". Đi cùng bài viết là hình anh Trịnh Toàn đang nằm trên giường bệnh.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, người cũng là một nhà văn có nhiều ảnh hưởng, viết trên Facebook rằng ông "cực lực phản đối cách dùng nhục hình, ép cung" của công an Thành phố Hồ Chí Minh. Ông gọi đó là "vô pháp, lạm quyền thô bỉ và tàn nhẫn".
Đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng bày tỏ sự ủng hộ những quan điểm này và đưa ra các ý kiến tương tự.
Sau các cuộc biểu tình hôm 10 và 11/6, báo chí Công An Nhân Dân hôm 13/6 nói, một số người biểu tình ở Bình Thuận "nhận 300.000 đồng từ một kẻ kích động là phụ nữ". Các nhà hoạt động và nhiều người dân bày tỏ rằng họ không thấy có bằng chứng thuyết phục trong bài báo.
Bản thân là người đi biểu tình, anh Nguyễn Tín bác bỏ thông tin trên báo nhà nước, đồng thời chia sẻ về động lực của anh :
"Những điều đó là hoàn toàn sai sự thật và nó hoàn toàn chỉ mang tính chất tuyên truyền của nhà chức trách thôi. Tôi là một người dân có tình yêu với quê hương đất nước và luôn đòi hỏi tự do dân chủ cho một Việt Nam tốt đẹp. Thì những sự bắt bớ, đánh đập, tra tấn cũng như là tù đày sẽ không làm ý chí và hành động của tôi bị ngăn lại".
Trong các tuyên bố riêng rẽ hôm 15 và 18/6, tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW và Ân xá Quốc tế lần lượt kêu gọi Việt Nam "chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp" và "sử dụng vũ lực" chống lại những người biểu tình, cũng như cần phải "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện" những người biểu tình bị giam, bên cạnh đó là "tiến hành điều tra ngay, toàn diện và hiệu quả" đối với những cáo buộc về việc có những người biểu tình bị tra tấn trong khi bắt giữ.
**********************
Đắk Lắk : Nữ thư ký tòa đánh người ngay nơi xử án (Người Việt, 19/06/2018)
Khi đang góp ý với nữ thư ký của tòa án thành phố Buôn Ma Thuột, người đã lớn tiếng quát nạt mình ngay trước mặt thẩm phán, một bà ở phường Tân Lợi đã bị "bà quan tòa" tát thẳng vào mặt trước sự chứng kiến của nhiều người.
Tòa án thành phố Buôn Ma Thuột, nơi nữ thư ký tòa bị tố đánh người. (Hình : Dân Trí)
Ngày 19 Tháng Sáu, xác nhận với báo Dân Trí, ông Nguyễn Minh Hoàng, chánh án tòa án thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã nhận lá đơn tố cáo bà Nguyễn Thị Hạnh, là thư ký tòa án đã "Có hành vi đánh người" và ông Hoàng cũng đã yêu cầu bà Hạnh làm bản tường trình về vụ việc.
"Chúng tôi sẽ xác minh việc này. Nếu đúng như đơn tố cáo sẽ giải quyết theo quy định và sẽ thông tin với báo chí", ông Hoàng cho hay.
Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hồng Dung (23 tuổi, ngụ phường Tân Lợi, Buôn Ma Thuột), đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, trong một vụ án mà tòa án thành phố Buôn Ma Thuột nhận giải quyết.
Ngày 11 Tháng Sáu, bà Dung đến tòa án theo giấy triệu tập. Tại phòng xử án, có sự chứng kiến của hai thẩm phán, bà Hạnh đã to tiếng với bà Dung rồi bỏ ra ngoài.
Bà Dung liền đi theo để yêu cầu bà Hạnh phải cư xử đúng mực, khi thấy bà Hạnh vẫn tiếp tục quát mắng, bà Dung bèn rút điện thoại ra để ghi âm làm bằng chứng.
"Lúc này tôi đang đứng ở hành lang tòa thì bà Hạnh xông tới, tát thẳng vào mặt tôi trước sự chứng kiến của rất nhiều người", bà Dung bất bình nói.
Cho rằng hành động của bà Hạnh đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, cũng như sức khỏe, bà Dung đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan công quyền để được giải quyết.
Chiều cùng ngày nhiều tờ báo Việt Nam đã liên tục gọi điện thoại, nhắn tin tới bà Hạnh nhưng không nhận được phản hồi nào. (Tr.N)