Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

22/06/2018

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, kết hôn giả, lao động xuất khẩu bỏ trốn

Tổng hợp

Lại khởi động dự án Đường sắt cao tốc Bắc-Nam (RFA, 20/06/2018)

Chính phủ Việt Nam mới đây chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải và các bộ ngành liên quan tái khởi động các nghiên cứu tiền khả thi nhằm tiến tới triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, một dự án đã từng bị Quốc hội bác bỏ do thiểu tính khả thi và không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế. Việc tiếp tục xây dựng và triển khai một siêu dự án lên tới 56 tỷ đô la Mỹ liệu có thể triển khai trong bối cảnh ngân sách nhà nước liên tục thâm hụt như hiện nay ?

sat1

Dự án siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với mức vốn đầu tư ước tính 56 tỷ USD - Minh hoạ - VOV

Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam bác bỏ chủ trương thực hiện một dự án lớn do Chính phủ đề xuất : đó là xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với số vốn đầu tư ước tính 56 tỷ đô la Mỹ. Vào thời điểm đó, siêu dự án nối liền trục Bắc-Nam này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận và ngay cả chính trên diễn đàn Quốc hội.

Tiến sĩ Trần Đình Bá, Hội Kinh tế vận tải Đường sắt Việt Nam cho biết :

"Đường sắt cao tốc Bắc – Nam hồi năm 2011 là một trận tơi bời khói lửa đấy, 56 tỷ đô la, tôi đã chiến đấu quyết liệt với cái đó và cuối cùng Quốc hội không thông qua. Tôi đã lấy được báo cáo của Chính phủ trình cho Quốc hội và tôi phân tích có đến 8-9 cái sai lầm và tôi đã có kiến nghị rất nghiêm túc cho nhà nước".

Tiến sĩ Bá chỉ ra rằng Luật cho phép đường sắt quốc gia sẽ được mở rộng , xây dựng khổ 1.435m có tốc độ thường 100-140 km/h và tiến tới tốc độ cao 150-200 km/h chứ chưa cho phép đường sắt cao tốc, siêu tốc 300-350 km/h. Hơn nữa, đây là loại đường sắt hạng nhẹ, chỉ chở được hành khách mà không chở được hàng hóa, công nghệ phức tạp và đắt tiền, dễ gây ra thảm họa. Trong khi đó, ngay cả các quốc gia văn minh cũng vẫn lựa chọn loại đường sắt phố biến hiện nay là đường sắt tiêu chuẩn 1.435m tốc độ cao 150-200 km/h (chiếm 60% tổng chiều dài đường sắt thế giới) với công nghệ hiện đại nhưng đơn giản dễ làm, dễ điều hành và giá rẻ chỉ bằng 20% đường sắt cao tốc 300 km/h để phát triển bền vững.

Ngoài vấn đề kỹ thuật thì nguồn vốn đầu tư cho dự án này cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế. Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, người đã từng thiết tha đề nghị ngừng dự án này giải thích :

"Vốn ngân sách thì chắc chắn là không có, mà vốn huy động vay nước ngoài thì rõ ràng hiện nay Việt Nam có thu nhập trung bình nên rất khó có thể được cho vay với lãi suất ưu đãi được nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Nhiều chuyên gia và các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng việc tập trung vốn xây dựng dự án này đồng nghĩa với việc phải giảm đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác quan trọng và cấp bách hơn như tăng cường an ninh quốc phòng, phát triển khoa học công nghệ hay xây dựng nâng cấp trường học, bệnh viện cho người dân… Tuy nhiên, việc ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải khẩn trương lập báo cáo để trình Quốc hội thông qua dự án này vào đầu năm 2019 dường như báo trước một kịch bản đã từng xảy ra với các dự án Boxit Tây nguyên, quy hoạch mở rộng Hà Nội hay như dự luật An ninh mạng mới được thông qua hồi ngày 12 tháng 06 vừa qua. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về điều này :

"Tôi nhớ rằng mức độ phản đối dự án đường cao tốc Bắc Nam ý thì nó cũng dữ dội nhưng so với Boxit thì nó không dữ dội bằng. Boxit thì đã có hơn 200 nhà khoa học và chuyên gia người ta đã phản bác, đồng thời có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời còn viết thư can ngăn phân tích về sự lỗ lã, nguy hiểm với môi trường đồng thời tính nhạy cảm của địa bàn Tây Nguyên về mặt quân sự, an ninh quốc gia, thế nhưng mà đấy họ vẫn bất chấp, vẫn cứ làm, nên bây giờ thì nó lỗ… cho nên cái việc này là ý của mấy ông ở Đảng cứ đè Quốc hội ra… Thực ra nói Quốc hội Việt Nam là bù nhìn thì cũng đúng, chả sai chút nào, cứ Đảng quyết sao thì Quốc hội gật theo như vậy thôi".

Đối với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong trường hợp "bất khả kháng" mà dự án này vẫn được thông qua thì cách tốt nhất nên chia làm nhiều giai đoạn và thực hiện từng bước một, đồng thời triển khai trước những phân đoạn có hiệu quả kinh tế khả thi nhất rồi tiếp tục huy động vốn và dần dần hoàn chỉnh cả dự án. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra một số yêu cầu quan trọng trong quá trình thực hiện nhằm tránh những bức xúc gay gắt từ phía công luận tương tự như đối với những dự án đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông hay dự án metro Thành phố Hồ Chí Minh đội vốn và chậm tiến độ như hiện nay :

"Để mà làm thì tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch, phải có đấu thầu và đảm bảo có sự giám sát độc lập để tránh có lợi ích nhóm và có những công ty sân sau lạm dụng việc xây dựng dự án này để thu thêm lợi nhuận".

Kế hoạch vạch ra thuộc nhiệm kỳ quốc hội này đến khi thực hiện lại thuộc nhiệm kỳ khác và tình trạng đổ lỗi cho những người tiền nhiệm từng xảy ra. Đến nay, thực tế tại Việt Nam cho thấy vẫn chưa có những dự án, kế hoạch cấp nhà nước mang tính khoa học, khả thi, không bị lỗi thời trong tương lai gần 10, 20 năm ; chứ chưa nói đến 50 năm hay lâu hơn nữa.

**************

Cảnh sát Singapore phá đường dây kết hôn giả với phụ nữ Việt (RFA, 20/06/2018)

Một đường dây kết hôn giả giữa phụ nữ Việt và người Singapore bị lực lượng chức năng nước này phá vỡ. Có 17 nghi phạm liên can.

sat2

Hình minh họa. Ảnh cưới của một cô gái Việt Nam ở Cần Thơ, Việt Nam với chồng nước ngoài hôm 7/5/2008. AP

Mạng báo Strait Times của tiểu quốc Singapore loan tin này vào ngày 19 tháng 6. Theo đó Cơ Quan Cửa Khẩu & Nhập Cư Singapore bắt đầu tiến hành điều tra về đường dây vừa nêu từ tháng 3 năm ngoái sau khi nhận được tin báo về một cặp kết hôn giả.

Viên chức điều tra chính có tên Ong Teck Wee cho Strait Times biết qua thú nhận của một cặp đầu tiên, sau đó nhóm điều tra phát hiện thêm những cặp kết hôn giả khác.

Theo viên chức Ong Teck Wee thì động cơ chung của những người đàn ông Singapore tham gia đường dây là vì cần tiền.

Nhóm những người đàn ông liên can trong đường dây được cho biết có độ tuổi từ 23 đến 45. Họ nhận được khoản tiền từ 800 đến 4.500 đô la để tham gia. Một người trong nhóm này được viên chức điều tra Singapore tiết lộ là nhân viên khách sạn ở độ tuổi 45 tham gia vì đang bị nợ chừng 10 ngàn đô la.

Phía các phụ nữ Việt bị đường dây phát hiện có độ tuổi từ 22 đến 28. Họ chi cho người cầm đầu đường dây, ông Jeremy Tan Chin Hock, và những tay môi giới từ 6 ngàn đến 16 ngàn đô la để có thể tiếp tục sống ở Singapore.

Đường dây được hình thành cách đây 4 năm.

Vào tháng giêng năm nay, Jeremy Tan Chin Hock, bị kết án 24 tháng tù giam và phạt 42 ngàn đô la do vi phạm Luật Nhập cư của Singapore.

Bản án được đánh giá là nặng nhất sau khi Luật Nhập Cư của Singapore có sửa đổi vào năm 2012 ; theo đó hình thức ‘hôn nhân vụ lợi’ tức không cưới nhau vì tình bị hình sự hóa theo luật.

Ngoài ra còn 11 người khác gồm 6 người Singapore và 5 phụ nữ Việt Nam bị kết án từ 6 đến 18 tháng tù giam.

******************

Dân Việt đi xuất cảng lao động bỏ trốn ngày càng nhiều (Người Việt, 20/06/2018)

Tổng số tiền mà những người đi xuất cảng lao động làm việc ở ngoại quốc gửi về Việt Nam hàng năm khoảng 3 tỷ USD, tương đương hơn 76.000 tỷ đồng. Nhưng theo nhà cầm quyền Việt Nam, số người đi xuất cảng lao động bỏ trốn ở lại các nước sở tại ngày càng tăng.

sat3

Lao động Việt Nam đi xuất cảng lao động bỏ trốn ở lại nước sở tại ngày càng đông. (Hình : Báo Tài Chính)

Báo Người Lao Động ngày 20 tháng Sáu, dẫn thông tin từ Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho hay tính đến nay, có khoảng nửa triệu người Việt Nam đang "lao động hợp tác" làm việc tại nước ngoài. Số người này gần đây có tăng lên, đặc biệt năm 2017 đã có hơn 134.000 người đi làm việc ở nhiều nước khác nhau "bằng 128% chỉ tiêu đặt ra".

Mỗi năm, tổng số ngoại tệ mà các lao động ở ngoại quốc gửi về cho gia đình ở Việt Nam khá lớn và đã giúp chính quyền cộng sản Việt Nam tăng thêm nguồn thu đáng kể.

Tờ Người Lao Động trích lời ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội nói tại phiên chất vấn ngày 5 tháng Sáu tại Quốc hội cho hay, việc xuất cảng lao động "đã đem lại lợi ích lớn, trong một năm giải quyết hơn 100.000 lao động và bình quân thu về khoảng hơn 76.000 tỷ đồng xấp xỉ 3 tỷ USD".

Ông Dung cho biết thêm, "Tỉnh có số lao động gửi về nhiều nhất hiện nay là 250 triệu USD/năm, tương đương 5.000 tỷ đồng đó là tỉnh Nghệ An".

Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài đã khiến cho nhà chức tránh "đau đầu".

Bộ Lao động, thương binh và xã hội, thừa nhận rằng, tỷ lệ người lao động bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước, ở lại lao động bất hợp pháp vẫn xảy ra ở một số quốc gia. "Đặc biệt là Hàn Quốc có lúc tỉ lệ bỏ trốn lên đến 50% khiến việc ký kết tiếp nhận lao động giữa hai nước gặp nhiều khó khăn".

Tin cho hay, tình trạng cò mồi, môi giới, thu phí, trốn tránh trách nhiệm… của một số doanh nghiệp xuất cảng lao động cũng xảy ra khá phức tạp.

"Trước khi tham gia xuất khẩu lao động, phía chủ sử dụng chi 4.000 USD, nhưng người lao động chỉ nhận 2.000 và doanh nghiệp đưa đi tự cắt $2.000", ông Dung cho biết. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)