Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/06/2018

Phim blogger Mẹ Nấm, ép Facebook và Google, chuẩn bị đặc khu Vân Đồn

BBC tiếng Việt

Phim blogger Mẹ Nấm 'gây sốc' tại Bangkok (BBC, 28/06/2018)

Trong lúc sinh mạng của blogger Mẹ Nấm được gia đình cho là đang 'bị đe dọa', cuốn phim tài liệu về gia đình blogger này trình chiếu tại Bangkok gây sốc cho nhiều khán giả.

menam1

Mẹ Nấm cùng hai con trước khi bị bắt và xử

"Mẹ phải thăm con hàng tháng để biết con còn sống hay đã chết", bà Tuyết Lan thuật lại với BBC lời dặn mới nhất của blogger Mẹ Nấm với bà tại nhà tù tại Thanh Hóa.

Vừa trở về từ chuyến thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), bà Tuyết Lan chưa hết xúc động trong cuộc trao đổi với BBC hôm 28/6.

Bà nói cách đây gần một tháng đã đi thăm blogger Mẹ Nấm, nhưng cuối tuần qua linh tính chẳng lành nên bà lại vượt hơn 1.000 cây số từ Khánh Hòa đi Thanh Hóa thăm con.

"Đúng như linh tính, lần này sắc mặt Quỳnh xanh sao, không ổn. Mới đó mà Quỳnh suy sụp nhanh quá".

"Quỳnh nói không muốn làm tôi lo lắng, nhưng lần này nó không chịu đựng được nữa vì cảm thấy tính mạng bị đe dọa thực sự. Quỳnh mong tôi cố gắng mỗi tháng thăm Quỳnh một lần để biết con còn sống hay chết".

"Có thể sau cuộc gặp này con không còn được gọi điện về nữa", Quỳnh đã khóc nói với tôi như vậy", bà Tuyết Lan nghẹn ngào.

menam2

Bà Tuyết Lan, mẹ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cùng hai con nhỏ của Quỳnh

Theo bà Lan, trong câu chuyện giữa hai mẹ con, blogger Mẹ Nấm nhắc đến việc phải sống chung phòng với một phụ nữ luôn gây sự, chửi bới mình bằng những lời thô tục.

"Quỳnh không nói lại được. Quỳnh có trình bày với giám thị trại giam, đề nghị được chuyển phòng, nhưng họ không thực hiện. Họ lập biên bản với nội dung Quỳnh gây gổ nhưng Quỳnh không đồng ý".

"Quỳnh còn cho biết trong trại còn có một phạm nhân nữ được gọi là Liên Híp. Người này thường xuyên xuất hiện cùng một cán bộ trại giam tên Vũ Thị Mai và thường tỏ thái tộ hung hăng, đe dọa khi thấy Quỳnh".

"Rồi còn những chuyện khác như ổ khoá phòng Quỳnh không mở được. Giám thị tới kiểm tra nói bị bỏ cát và xà phòng vào, nhưng không gọi được thợ khóa đến sửa ngay do thợ ở tận thành phố… Rồi cúp điện bất thường nhiều đêm. Quỳnh đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo trại giam giải quyết nhưng không được", bà Tuyết Lan nói.

Sự việc này xảy ra sau khi blogger Mẹ Nấm tuyệt thực, từ chối thức ăn trại giam cấp vì gặp phải những triệu chứng lạ sau khi ăn.

Bà Tuyết Lan cũng nói blogger Mẹ Nấm vẫn kiên quyết với con đường đấu tranh của mình và khẳng định không làm gì sai, 'nhưng chỉ sợ Quỳnh sẽ quỵ vì những áp lực tinh thần hiện nay trong tù.'

"Quỳnh nói đã từng sống trong phòng giam không lỗ thông hơi suốt hai tháng mà vẫn chịu đựng được. Nhưng lần này Quỳnh có lẽ đã chạm tới giới hạn rồi", bà Lan nghẹn ngào.

Cuốn phim 'gây sốc'

menam3

Bé Nấm, con Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Một cảnh trong phim tài liệu 'Khi mẹ vắng nhà'

Tối 26/7 khi bà Tuyết Lan còn trên chuyến tàu từ Thanh Hóa về Khánh Hòa, mang theo những lo âu về sinh mạng của con gái, phim tài liệu về gia đình blogger nổi tiếng này được chiếu tại Bangkok, Thái Lan.

Phim 'Khi mẹ vắng nhà' dài khoảng 40 phút nói về cuộc sống của bà, mẹ, và hai con nhỏ của blogger Mẹ Nấm sau khi blogger này đi tù đã khiến nhiều nhà khán gỉa, trong đó có báo giới tỏ ra bị 'gây sốc'.

Trong phim, bà Tuyết Lan vừa chăm sóc mẹ già ngồi xe lăn, vừa nuôi hai cháu ngoại là hai con nhỏ của Quỳnh, vừa tháng tháng đi thăm nuôi con trong tù. Hàng ngày bà nhận trông xe cho học sinh để kiếm thêm thu nhập. Những cảnh bà ngoại tất bật lo cơm nước, tắm rửa cho hai đứa cháu, cảnh cháu rớm nước mắt khi bị bà răn dậy, và bà cũng ứa nước mắt theo làm nhiều người nén tiếng thở dài.

Mặc dù có ý kiến cho rằng phim cần có thêm nhiều thông tin về quá trình hoạt động của blogger Mẹ Nấm, để người xem hiểu được vì sao blogger này bị chính quyền bỏ tù, hầu hết khán gỉa có mặt thừa nhận 'không thể cầm lòng' trước những cảnh phim ghi lại đời sống hàng ngày của hai đứa con thiếu mẹ.

Nhiều nhà báo quốc tế đặt câu hỏi về tình trạng chính phủ Việt Nam kìm kẹp tự do ngôn luận và đàn áp người bất đồng chính kiến từ câu chuyện của Mẹ Nấm.

Tình trạng nguy cấp cho sinh mạng của mẹ Nấm cũng được cập nhật tới các nhà báo quốc tế có mặt trong sự kiện chiếu phim.

Ông Trịnh Hội, đại diện tổ chức VOICE, người mang cuốn phim đến chiếu tại trụ sở Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Thái Lan (FCCT) khẳng định việc Mẹ Nấm lần đầu tiên phải lên tiếng về mối nguy cho tính mạng của mình cho thấy tính nghiêm trọng và bức thiết của sự việc.

Được biết, Clay Phạm, người quay và đạo diễn phim, từng gặp nguy hiểm trong quá trình làm phim, sau đó bị cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Trong thư gửi ban tổ chức và khán giả tham gia buổi chiếu phim tại Bangkok đêm 27/6, Clay Phạm nói đây là phim đầu tay, cũng là cũng là phim tài liệu đầu tay về tù nhân lương tâm của ông.

menam4

Mẹ Nấm trong một phiên tòa

Clay Phạm nói có ba lý do khiến ông thực hiện phim này :

"Mong muốn phim mang cái nhìn chân thực nhất về gia đình của tù nhân lương tâm, những khó khăn gặp phải trên con đường đi tìm chân lý của họ. Họ chỉ là những còn người hết sức bình thường, có chăng tình cảm họ dành cho quê hương rất nhiều".

"Tìm thêm sự đồng cảm với hoàn cảnh của blogger Mẹ Nấm để chị được trả tự do về với gia đình nhỏ của chị".

"Cảm nhận rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà hoạt động xã hội, miễn là họ có tấm lòng cho con người VIệt Nam".

Nói với BBC từ Khánh Hòa, bà Tuyết Lan cho hay chưa xem phim, nhưng bà mong mỏi cuốn phim, cùng với tiếng nói quốc tế sẽ "nhem nhúm thêm một tia hi vọng" để blogger Mẹ Nấm sớm được tự do.

Blogger Mẹ Nấm bị tuyên án 10 năm tù năm 2017 theo Điều 88, tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước". Trước đó, blogger này tham gia vào các hoạt động biểu tình phản đối Formosa, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam.

Trong tháng 6/2018, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Tự do Báo chí Quốc tế của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả và được đề cử giải Nobel Hòa Bình.

Năm 2010, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Hellman / Hammett của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Năm 2015, blogger Mẹ Nấm đoạt giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự của tổ chức Civil Rights Defenders.

Năm 2017 blogger Mẹ Nấm được giải Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

*****************

Việt Nam ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng (BBC, 28/06/2018)

Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể sẽ buộc tập đoàn Google và Facebook phải chọn giữa thâm nhập nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Châu Á hoặc bảo vệ quyền riêng tư người dùng.

menam5

Mark Zuckerberg và bạn gái đi cùng với 1 đoàn khách du lịch tham quan Việt Nam từ hôm qua - 22/12/2011. (Ảnh minh họa)

Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào 1/1/2019 sau khi Quốc Hội thông qua vào tháng 6/2018, yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng tại Việt Nam, theo Bloomberg.

Nếu vậy, các công ty này sẽ buộc phải nộp các dữ liệu của người dùng bị nghi ngờ có các hoạt động chống phá chính quyền, bao gồm truyền bá các tin tức làm ảnh hưởng đến Hà Nội hoặc gây tổn hại kinh tế.

"Nếu họ tuân thủ luật này, họ sẽ vi phạm các điều khoản về cung cấp dịch vụ của chính mình trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng", Tim Bajarin, Giám đốc Creative Strategies Inc được Bloomberg trích lời.

Động thái của Việt Nam càng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của các công ty công nghệ đang dựa vào các nước vốn cảnh giác về sự phát triển của mạng xã hội.

Apple đã phải mở trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và chặn hàng loạt ứng dụng nhằm tuân thủ luật nước này. Indonesia cũng đe dọa sẽ cấm các nhà cung cấp mạng xã hội nếu họ không tuân thủ yêu cầu lọc các nội dung được cho là tục tĩu.

Việt Nam với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi đang là sự thèm muốn của các công ty công nghệ số. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6.3% trong khoảng 2005-2017, nhưng thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần từ năm 2000, theo số liệu của chính phủ.

Nhưng luật An ninh mạng có thể làm sứt mẻ sự phát triển kinh tế số của đất nước bằng cách làm cho chi phí khởi nghiệp tăng cao và đẩy các doanh nghiệp chạy sang thị trường khác, Eddie Thai, một đối tác tại TP Hồ Chí Minh với 500 dự án khởi nghiệp, cho hay.

Không giống Trung Quốc, Việt Nam không chặn Facebook hay Twitter, nhưng lại tăng cường bắt giữ các nhà hoạt động từ năm 2016.

Năm ngoái, chính phủ tuyên bố đã triển khai 10.000 nhân viên an ninh không gian mạng để chống lại cái mà chính phủ cho rằng sự gia tăng của các 'quan điểm lệch lạc'.

Facebook và Google từ chối bình luận về việc họ có tuân thủ luật của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Hoàng Phước Thuận, Giám đốc Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an nói với truyền thông trong nước rằng không công ty nào phản đối.

Các công ty thuộc thung lũng Silicon tuân thủ theo luật này có thể đồng lõa một cách không trực tiếp với chính phủ trong các cuộc đàn áp các nhà hoạt động, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Á, cho hay trên Bloomberg.

Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ làm gì với những công ty không tuân thủ Luật An ninh mạng. Các quan chức chính phủ, người nỗ lực tìm kiếm đầu tư nước ngoài và ủng hộ phát triển kinh tế số, chỉ ra rằng họ sẽ không chặn các dịch vụ, ông Vũ Tú Thanh, đại diện cao cấp của Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Châu Á nhận định. Thành viên của hội đồng này bao gồm cả Google và Facebook.

Chính phủ Việt Nam, dù vậy, trước đó đã gây sức ép để các công ty trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và các trang khác có video chống chính phủ.

*******************

Quảng Ninh đã chuẩn bị 'đặc khu Vân Đồn' ra sao (BBC, 27/08/2018)

Dư luận Việt Nam vốn xôn xao nghi vấn dự luật đặc khu đe dọa chủ quyền đất nước, giờ e ngại hơn trước thông tin cho thấy Trung Quốc đã có một ảnh hưởng không nhỏ đến đề án đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh.

menam6

Ông Phạm Minh Chính tại cuộc hội Quốc hội lần thứ hai hồi tháng 10/2017

Cuối tháng Giêng 2018, truyền thông trong nước đưa tin ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam thăm tỉnh Quảng Đông.

Mô tả chuyến đi này, Thông Tấn Xã Việt Nam viết : "Trong chuyến thăm, Đoàn cũng đã có các cuộc làm việc với Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Đông Trâu Minh, khảo sát về công tác xây dựng Đảng ở tỉnh Quảng Đông, trong đó có đặc khu kinh tế Thâm Quyến".

Tin trên không gây nhiều chú ý, cho mãi đến tháng Sáu, khi xảy ra tranh cãi lớn về dự án Luật Đặc khu, cư dân mạng Việt Nam mới "tìm lại" một bản tin tiếng Anh đăng ngày 6/2 của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc - CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến, Quảng Đông.

Bản tin này tường thuật chuyến thăm của phái đoàn ông Phạm Minh Chính đến Trung tâm ngày 27/1.

Theo bản tin tiếng Anh này, ông Phạm Minh Chính nói với Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (CCSEZR), người gọi ông Chính là "một người bạn cũ", rằng việc thăm lại Đại học Thâm Quyến lần nữa là "một trải nghiệm rất ấm cúng" giống như "trở về nhà, gặp lại các anh chị em".

Phải nói thêm rằng bà Đào Nhất Đào hiện là chủ tịch Viện nghiên cứu Một vành đai Một con đường ở Thâm Quyến, theo tờ The Star.

Con đường dẫn tới 'đặc khu Vân Đồn'

Dự luật đặc khu tuy gần đây mới được quần chúng chú ý, nhưng cần biết rằng đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ủng hộ về chủ trương qua việc ban hành Thông báo số 108-TB/TW ngày 01/10/2012 về Đề án phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, và thí điểm xây dựng 2 đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái.

Trước khi có thông báo này của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh, khi đó do ông Phạm Minh Chính lãnh đạo với tư cách Bí thư Tỉnh ủy từ 2011, đã xây dựng Đề án "Phát triển KT-XH nhanh, bền vững ; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái".

menam7

Đề án đặc khu Vân Đồn dự tính sẽ tập trung vào phát triển ngành du lịch và công nghệ cao

Một bài báo của ông Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia Dự án Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt, làm rõ hơn vai trò của ông Phạm Minh Chính khi còn là Bí thư Quảng Ninh.

Theo ông Phúc, ông Chính đã "chỉ đạo và cùng các cơ quan của tỉnh quyết liệt xây dựng Đề án thành lập Đặc khu kinh tế Vân Đồn và Đặc khu kinh tế Móng Cái".

"Anh đã cùng các đồng chí ở Quảng Ninh lên làm việc, trực tiếp thuyết trình, thuyết phục các cơ quan Trung ương, trong đó có các cơ quan của Quốc hội".

"Đây có thể nói là bước đi đột phá tiên phong của Quảng Ninh vì lần đầu tiên sau 20 năm, kể từ khi Hiến pháp năm 1992 được ban hành mới có một địa phương chính thức đề xuất áp dụng quy định của Hiến pháp để thành lập đặc khu kinh tế", ông Nguyễn Văn Phúc viết trên trang Đại Biểu Nhân Dân.

Là tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, cộng với quan hệ truyền thống của hai đảng cầm quyền, không ngạc nhiên khi Quảng Ninh đã tìm hiểu mô hình Đặc khu Thâm Quyến, được xem là đặc khu kinh tế thành công nhất của Trung Quốc.

Đến tháng 8/2012, một đoàn tỉnh Quảng Ninh lần đầu tiên thăm Đại học Thâm Quyến hai ngày để học kinh nghiệm về đặc khu, bản tin của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc - CCSEZR cho hay.

Tháng 10/2012, Bộ Chính trị ủng hộ Đề án đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Móng Cái.

Đoàn Trung Quốc từng nhiều lần sang Quảng Ninh

Kể từ đó, từ 2013 đến 2014, các đoàn cố vấn Trung Quốc và đoàn Việt Nam thường qua lại giữa hai nước để tham vấn và thảo luận tư vấn xây dựng khung pháp lý, và kế hoạch thiết lập đề án đặc khu.

Đoàn cố vấn Trung Quốc đưa ra tư vấn về các vấn đề như điều kiện cơ bản, thiết kế chức năng, lựa chọn vị trí địa lý, định vị ngành, chính sách ưu đãi, quản lý kinh tế xã hội, vốn nước ngoài và quản lý nhân tài cho các khu kinh tế đặc biệt của Việt Nam.

Phạm Minh Chính

- Sinh 1958, Hoa Lộc, Thanh Hóa

- Tháng 8/2010, ông làm Thứ trưởng Bộ Công an

- Năm 2011-15, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

- Tháng 2/2016, ông giữ chức Trưởng ban Tổ chức trung ương

Vào 19/3/2014, khi Hạ Long đăng cai Diễn đàn Phát triển Đặc Khu Kinh tế Thế giới, một đoàn chuyên gia CCSEZR thậm chí đã tiến hành điều tra thực địa để "hỗ trợ tư vấn cho tỉnh Quảng Ninh về các chính sách chiến lược", theo CCSEZR.

Cũng vào thời điểm này, dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắt đầu được soạn thảo.

Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Việt Nam khi đó Nguyễn Tấn Dũng ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn.

Tính đến hết năm 2015, thông tin chính thức của Quảng Ninh cho hay tỉnh này đã tập trung chỉ đạo thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục pháp lý liên quan, đồng thời hỗ trợ các nhà thầu về điều kiện thi công cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Bản tin tháng 1/2016 của báo Quảng Ninh mô tả Vân Đồn đang được ví như "đại công trường" của tỉnh với hơn 70 dự án, công trình đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch đang được triển khai.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã tháng 9/2016 , khi đó tỉnh Quảng Ninh cần 12 tỷ USD để đầu tư phát triển đặc khu Vân Đồn, và tự tỉnh đã vận động được 1,8 tỷ - một con số lớn, gần 1% GDP Việt Nam.

Đến ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị ra kết luận số 21-TB/TW về các đề án xây dựng Khu hành chính-kinh tế đặc biệt, đồng ý thành lập đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Ngày 10/10/2017, dựa trên kết luận 21 của Bộ Chính trị, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được chuẩn bị từ năm 2014, mới chính thức được Chính phủ trình ra Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Việt Nam.

Cuối tháng 10/2017, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

menam8

Thâm Quyến nhanh chóng trở thành một thành phố sầm uất sau khi thiết lập đặc khu kinh tế đặc biệt dưới thời Đặng Tiểu bình vào 1979

Chuyến thăm CCSEZR của ông Phạm Minh Chính tháng 1/2018 diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam dự kiến dự luật sẽ được thông qua tại kỳ họp tháng 5/2018 của Quốc hội.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia xây dựng đặc khu kinh tế do chính ông làm trưởng ban, và ông Phạm Minh Chính cũng là một trong ba phó ban.

Trung Quốc cố vấn gì về Vân Đồn ?

Tại CCSEZR ngày 27/1/2018, ông Chính cảm ơn sự cố vấn của đoàn chuyên gia Trung Quốc và xin "chân thành nhờ tư vấn về một số thách thức quan trọng" như "có nên cho thuê 70 hay 99 năm ?".

Theo trang CCSEZR, trả lời câu hỏi của ông Chính, ông Yuan Yiming, phó giám đốc CCSEZR nói rằng chu kỳ ngành công nghiệp đang thu ngắn lại nên việc cho thuê đất 30-50 năm là phù hợp, nhưng trong trường hợp đất dân dụng thì cần gia hạn theo như nguyện vọng lâu dài của dân cư, nhưng ông Yuan không nói rõ bao nhiêu năm.

Thêm vào đó, ông Huang Yaying, trưởng khoa luật tại SZU thì cho rằng việc thiết lập chính quyền nhân dân cho phép đặc khu quyền hạn lập pháp, thiết lập ngân sách tài chính và bổ nhiệm nhân sự.

"Vì vậy, chính quyền Việt Nam được đề nghị là cho phép các đặc khu toàn quyền trong ba quyền hạn trên, vốn là đặc thù của hệ thống pháp lý cần thiết cho việc phát triển kinh tế đặc khu", CCSEZR dẫn lời ông Huang Yaying.

Ông Phạm Minh Chính đáp lại rằng sự thành công vượt trội của Thâm Quyến thể hiện rõ ràng sự đúng đắn của chính sách và đề xuất của Đảng cộng sản Trung Quốc và lợi thế của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chủ nghĩa tư bản.

Bản tin của CCSEZR cho thấy sự tham gia tư vấn của các chuyên gia Trung Quốc đối với việc xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Tuy nhiên, theo thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn các đơn vị tư vấn nước ngoài là PricewaterhouseCoopers (PwC) và Arcadis & Callison RTKL để lập Quy hoạch chung xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vân Đồn.

Tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh làm việc với Công ty TNHH PWC Việt Nam và Arcadis & Callison RTKL để nghe trình bày năng lực lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng cho Khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

'Phải cảnh giác Trung Quốc'

Bình luận với BBC hôm 26/6, một chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer, từ Úc, nói : "Trong khi Trung Quốc đang quân sự hóa ở Biển Đông nhưng lại vẫn tỏ ra duy trì tình hữu nghị với Việt Nam, thì điều này cho thấy bản chất hai mặt của Trung Quốc".

"Khi Trung Quốc muốn mua lại một tập đoàn lớn, hay đầu tư vào một dự án công trình quy mô như cầu đường, ngân hàng tài chính, thậm chí viễn thông, thì Việt Nam cần phải rất cẩn thận để làm sao vừa bảo vệ an ninh quốc gia mà vẫn đạt được lợi ích kinh tế. Chỉ nhìn vào việc cho thuê 99 năm, thì hãy nghĩ đến việc Trung Quốc có thể lợi dụng suốt thời gian đó để thu thập thông tin tình báo, cũng như thông tin căn cứ quân sự của Việt Nam ở khu vực Quảng Ninh".

"Trung Quốc hẳn đang tìm kiếm sự ảnh hưởng về kinh tế hoặc chính trị, hoặc cả hai".

Ông Thayer cũng cho rằng dù dự luật đặc khu không đề cập đến Trung Quốc như Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, nhưng việc Trung Quốc tham gia cố vấn "hiểu rõ tường tận trong ra ngoài" sẽ có một lợi thế rất lớn cho Trung Quốc.

"Câu nói của ông Phạm Minh Chính khiến tôi nhớ lại khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh nói tại Đối thoại Shangri-la, rằng 'Trung Quốc là bạn của Việt Nam', dư luận chắc chắn sẽ không thể ngồi yên nếu họ biết ông Chính nói câu này", Tiến sĩ Carl Thayer bình luận với BBC hôm 26/6.

Theo nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Trần Quốc Thuận thì ý tưởng xây dựng đặc khu đã có từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi Việt Nam còn bị cấm vận.

"Việt Nam sau đó chủ trương chính sách Đổi Mới năm 1986 và đã tìm ra con đường phát triển kinh tế. Chúng ta cũng có đi nghiên cứu mô hình Thâm Quyến của Trung Quốc, nhưng chỉ thoáng qua, khi đó không làm theo", ông Thuận nói với BBC.

Ông Thuận nêu quan điểm : "Lý Thường Kiệt năm xưa cũng tụ ở đó trước khi đem quân đánh Trung Quốc. Đó là một vị trí rất quan trọng".

"Việt Nam luôn luôn phải cảnh giác với Trung Quốc. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, Trung Quốc luôn sẵn sàng lấn chiếm Việt Nam, ngày nay cũng vậy", ông Thuận quan ngại.

Hôm 10/06, tại nhiều thành phố ở Việt Nam, hàng ngàn người xuống đường phản đối dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu Kinh tế.

Họ mang theo khẩu hiệu phản đối chuyện cho Trung Quốc "thuê đất 99 năm" ở các đặc khu, dù phía chính quyền không nêu tên nước nào trong các dự án này.

Sẽ vẫn làm Đặc khu ?

Hôm 17/6, tiếp xúc cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập dự luật đặc khu.

Ông Trọng được dẫn lời nói Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã lắng nghe, tiếp thu, dừng lại nghiên cứu tiếp, bao giờ hoàn thiện tốt mới thông qua.

Theo báo Nhân dân, ông Trọng nói thêm : "Pháp luật hiện thời quy định không cho thuê đất quá 70 năm, vì đây là đặc khu nên dự kiến ban đầu cho thuê đất không quá 99 năm để khuyến khích, song còn qua bao nhiêu quy trình phải thực hiện, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới được làm".

Hai ngày sau, cũng tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu quan điểm dự luật đặc khu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Tạp chí cộng sản dẫn lời ông Quang : "Quốc hội cũng đã cho rằng cần phải lấy thêm các ý kiến cử tri sâu rộng và cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, các vị lão thành cách mạng, nhân dân nên Quốc hội đã lùi thời gian thông qua".

Quay lại trang chủ
Read 641 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)