Luật An ninh mạng tác động kinh tế Việt Nam thế nào ? (BBC, 29/06/2018)
Bà Phạm Chi Lan nói về tác động của luật Đặc khu, An ninh mạng đến kinh tế Việt Nam
Tổ chức Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo "Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" với một số nhận định : "Do được tạo đà vững chắc trong năm 2017, tăng trưởng được gia tốc mạnh hơn trong quý đầu năm 2018. Nhờ các yếu tố thuận lợi bên trong và bên ngoài, nền kinh tế Việt Nam ghi dấu tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất trong 10 năm qua".
"Tình hình ngân sách của Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong năm 2017. Tổng bội chi ngân sách nhà nước ước tính vào khoảng 4,5% GDP trong năm 2017 so với mức 4,8% trong năm 2016 và 5,5% trong năm 2015", văn bản nêu trên viết.
"Lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát năm nay sẽ được duy trì ở mức mục tiêu 4% của Chính phủ. Kỳ vọng này dựa trên căn cứ là chính sách tiền tệ sẽ được thắt lại đủ để chống lại áp lực giá có thể hồi sinh trong trung hạn do áp lực giá đầu vào trong nước và/hoặc giá cả thương phẩm toàn cầu tăng lên".
'Khác biệt về cách tiếp cận'
Hôm 28/6, trả lời BBC, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói : "Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mấy tháng gần đây tương đối tốt. Có điều các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu độc lập cũng đưa ra những cảnh báo về việc có nền tảng để duy trì bền vững trong cả năm hay không".
"Ngoài ra cũng có cảnh báo về lạm phát có nguy cơ tăng lên vì những nhân tố như chủ trương thúc đẩy tín dụng của chính phủ ; chi phí y tế, giáo dục tăng ; hoặc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ -Trung…"
Bà Chi Lan cũng cho hay : "Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm đến những cảnh báo đó và luôn tìm cách thúc đẩy môi trường kinh doanh, giảm chi tiêu công, cũng như đưa ra đòi hỏi mạnh mẽ về cải cách doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới".
Trả lời câu hỏi liệu luật Đặc khu (dự kiến thông qua tháng 10/2018) và luật An ninh mạng có làm đảo lộn các dự báo kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan đáp : "Điều này tùy thuộc vào việc Việt Nam thực thi luật An ninh mạng và sửa luật Đặc khu ra sao để tháng 10 tới Quốc hội có thể thông qua một luật tốt hơn, phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển kinh tế trong dài hạn, tránh những rủi ro như những chuyên gia đã phản biện thời gian qua".
"Với luật Đặc khu, tôi tin là các chuyên gia sẽ tiếp tục đưa ra đề nghị về thay đổi luật này để đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, ngăn nguy cơ, rủi ro".
"Với luật An ninh mạng, tôi kỳ vọng khi được thực thi sẽ theo hướng như lãnh đạo Việt Nam giải thích là không nhằm vào gây cản trở cho kinh doanh, cho người dân tự do sử dụng Internet mà là để bảo vệ an ninh mạng nói chung".
"Tôi mong chính phủ sẽ nghe được tiếng nói lo ngại của cộng đồng kinh doanh để đưa ra những quy định, điều khoản cụ thể của luật này để giảm đi những rủi ro cho nền kinh tế, hoạt động kinh doanh".
"Có thể cách tiếp cận về luật An ninh mạng giữa người dân và những người soạn luật còn khoảng cách nhất định. Tôi mong là thời gian tới, những người quyết định thi hành luật sẽ tìm cách giải tỏa điều đó".
Về khả năng các hãng công nghệ quốc tế như Google, Facebook rời bỏ thị trường Việt Nam do quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam của luật An ninh mạng, bà Chi Lan cũng thêm : "Tôi rất tiếc vì điều này đã được lên tiếng trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được bàn bạc một cách thấu đáo".
"Tôi mong là khi bàn điều khoản cụ thể để thực hiện luật thì có xem xét thực tế hơn".
"Nếu các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook rút khỏi Việt Nam vì không chấp nhận được điều kiện như luật này đưa ra, hoặc một số nhà kinh doanh cảm thấy cần thu hẹp hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vì thấy rủi ro thì điều đó gây phương hại cho kinh tế Việt Nam".
"Và như vậy thì cuối cùng thì luật An ninh mạng không đáp ứng được nhu cầu là phục vụ cho công cuộc phát triển".
*****************
Tâm thư của một nữ doanh nhân ‘yêu nước’ gửi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (VOA, 29/06/2018)
Một doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam hay lên tiếng về các vấn đề xã hội nói với VOA rằng bà "cảm nhận được bức xúc xảy ra đối với người dân ở Việt Nam" về những bất công trong xã hội, khi bà viết bức thư ngỏ chất vấn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về sự cần thiết của luật an ninh mạng.
Một doanh nhân 'yêu nước' viết một thư ngỏ kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn vào những bất công của xã hội và lắng nghe tiếng nói của người dân trước những bức xúc hiện nay.
Trong một bức thư ngỏ đăng trên Facebook hôm 20 tháng 6, bà Lê Hoài Anh – người tự nhận là một doanh nhân yêu nước – gọi ông Trọng bằng "bác" và yêu cầu ông cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ "là chế độ nào" – nhắc tới một phát biểu trước đó của ông nói rằng "cần có Luật An ninh mạng để bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi".
Người hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị HAL Group và thường xuyên làm từ thiện yêu cầu ông Trọng cho biết chế độ mà ông muốn bảo vệ "là chế độ nào ?"
Bà đặt câu hỏi : "Có phải là chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam không ạ ???".
Những bức xúc này (của người dân) tăng rất nhiều so với trước đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bức xúc của người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải quyết. Còn nếu không bất ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng.
Bà Lê Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAL Group
Ông Trọng đưa ra phát biểu về sự cần thiết có luật an ninh mạng trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội hôm 17/6.
Dự luật An ninh mạng, với tiêu chí bảo vệ ‘an ninh quốc gia’ được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6 với 86% phiếu đồng ý. Tuy nhiên dự luật này bị người dân trong nước phản đối và cộng đồng quốc tế chỉ trích vì họ cho rằng nó sẽ giúp nhà cầm quyền bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng Internet và hạn chế quyền con người cũng như quyền công dân.
Luật an ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua với 86 phiếu ủng hộ.
Đối với những nhà hoạt động thường đưa ra các ý kiến trái chiều với Đảng cộng sản hay chỉ trích cách điều hành của chính phủ thì bộ luật mới là một công cụ để nhà cầm quyền siết chặt việc quản lý họ, theo nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Chí Tuyến.
"Luật An ninh mạng với những điều khoản không rõ ràng như thế thì rất dễ để quy chụp ai là phản động", theo bà Hoài Anh.
Theo nữ doanh nhân 53 tuổi, điều này sẽ đóng góp thêm vào sự bất ổn trong xã hội vì những người, bao gồm cả bản thân bà Hoài Anh, khi lên tiếng trước những "đau xót của người dân" sẽ dễ bị quy là phản động.
Việc thông qua dự luật an ninh mạng, cùng với việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Đặc khu, đã làm dấy lên các cuộc biểu tình trong cả nước vào các ngày cuối tuần từ giữa tháng 6.
Bất ổn và bức xúc
Trong bức thư ngỏ được đưa lên Facebook cá nhân hôm 20/6 và được nhiều người chia sẻ, bà Hoài Anh – người tự nhận mình là "ôn hòa, không theo đảng phái" và "chỉ muốn sự hòa bình, ổn định cho người dân" – đề cập đến những bức xúc khác của công chúng như mối nguy mất chủ quyền quốc gia khi "Trung Quốc dùng vũ lực lấn chiếm phi pháp Hoàng Sa, Trường Sa", hay người dân bị tàu Trung Quốc ức hiếp trên Biển Đông, cũng như thảm họa môi trường Formosa gây ra, và nạn tham nhũng trong nước.
Người từng từng đóng góp 140 tỷ đồng trong 15 năm qua cho biết qua những chuyến công tác hay những chuyến đi từ thiện đến các vùng quê nghèo hay vùng lũ lụt, bà Hoài Anh được tiếp xúc với nhiều người dân và họ cho biết những bức xúc của họ về những chính sách của chính phủ cũng như những bất công trong xã hội đang tăng cao.
"Những bức xúc này (của người dân) tăng rất nhiều so với trước đây. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người đều cảm thấy rằng bức xúc của người dân là có cơ sở và chính phủ phải quan tâm giải quyết. Còn nếu không bất ổn trong xã hội sẽ ngày càng tăng".
Bà Hoài Anh, người có ông nội là một nhà tư sản tri thức yêu nước nhưng bị "chết một cách tức tưởi và oan sai trong cuộc Cải cách ruộng đất ở miền Bắc năm 1953", thắc mắc trong bức thư gửi ông Trọng rằng liệu "tiêu chí của Đảng cộng sản Việt Nam là ‘Của dân, do dân và vì dân’ có còn được gìn giữ" nữa không ? Bà kêu gọi người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam và những đảng viên khác hãy "lắng nghe tiếng dân".
Với tiếng nói của một nữ doanh nhân có ảnh hưởng, bà Hoài Anh – người có hơn 290.000 người theo dõi trên Facebook – cho biết bà muốn thông qua bức thư ngỏ này đưa được tiếng nói của người dân tới người đứng đầu Đảng cộng sản và hy vọng "ông Tổng bí thư trả lời".
Theo truyền thông trong nước, nữ doanh nhân này đã nhiều lần góp tiếng nói riêng của bản thân vào vấn đề chung của xã hội và là người đứng ra kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền và hỗ trợ pháp lý trong vụ án Đoàn Thị Hương, người bị nghi tham gia ám sát Kim Jong Nam, anh em cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un. Bà là một doanh nhân tiên phong trong việc đưa các dòng thương hiệu mỹ phẩm cao cấp vào thị trường Việt Nam và đã làm nên thành công từ hai bàn tay trắng sau những biến cố của gia đình để trở thành một triệu phú đô la lúc mới 20 tuổi.
*********************
Công an cộng sản Việt Nam đẩy nhanh việc thực thi ‘Luật An ninh mạng’ (Người Việt, 28/06/2018)
"Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ. Quá trình xây dựng luật đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, có sự tham gia, góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon…"
Trung tướng công an Hoàng Phước Thuận, cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ công an, giới thiệu về Luật An ninh mạng. (Hình : Tuổi Trẻ)
Đó là phát ngôn của Trung tướng Hoàng Phước Thuận, cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ công an Việt Nam được báo Tuổi Trẻ dẫn lại từ cuộc họp báo hôm 28 tháng Sáu về việc Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật này.
Theo luật pháp Việt Nam, việc Văn phòng Chủ tịch nước công bố luật là một trong các bước để tiến tới việc thực thi một dự luật đã được Quốc hội thông qua. Dù rằng thời gian qua, cộng đồng mạng và giới trí thức đã ký vào bản lên tiếng kêu gọi Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng.
Tổ chức Hate Change cho hay đã có 21 tổ chức và hơn 90.000 cá nhân tham gia chiến dịch phản đối Luật An ninh mạng từ khi luật này được thông qua.
Nay báo Tuổi Trẻ cho biết : "Ban soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư Pháp chuẩn bị xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật, dự kiến tháng Mười, 2018, sẽ trình thủ tướng xem xét ban hành".
Sở dĩ mọi thủ tục liên quan đến Luật An ninh mạng đang được đẩy nhanh tốc độ là để luật này kịp có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng, 2019, theo đúng như kế hoạch của Bộ chính trị Việt Nam.
Việc Văn phòng Chủ tịch nước chính thức công bố Luật An ninh mạng cũng làm cộng đồng mạng dấy lên suy đoán ông Quang chính là "đầu têu" trong việc ra luật này nhằm bịt miệng dân.
Điều này trùng khớp với những phát ngôn của ông Quang được truyền thông "lề phải" trích dẫn trước đó : "Luật An ninh mạng nhằm phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại ý đồ của kẻ địch trong việc kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ; ngăn chặn khủng bố mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng… Quy định của luật cũng nhằm xử lý công khai, minh bạch những hoạt động xâm hại lợi ích an ninh mạng của các đối tượng xấu".
Trong bối cảnh đó, tin trên mạng xã hội cho hay fanpage của đảng Việt Tân, trang Nhật Ký Yêu Nước và ThứcFollowers (cập nhật thông tin về tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức) đột ngột cùng bị khóa hôm 28 tháng Sáu.
Đến tối 28 tháng Sáu, Facebook Việt Tân đã xuất hiện trở lại trên mạng xã hội và thông báo : "Sau một ngày rưỡi bị tấn công, trang Facebook Việt Tân đã quay trở lại cùng bạn đọc, sau khi làm việc với công ty Facebook. Những tiếng nói tự do không thể và bị bóp nghẹt dù phải đối diện với một nhà cầm quyền sử dụng luật rừng kèm với độ ngũ dư luận viên đông đảo toan tính chà đạp lên quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận. Facebook Việt Tân cũng như tất cả các trang fanpage và mọi cá nhân cổ xúy cho quyền tự do của con người đều có quyền hiện hữu và hoạt động một cách tự do trên không gian mạng này".
Phản ứng trước tin Luật An ninh mạng chỉ còn vài tháng là được thực thi, Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn viết trên trang Facebook cá nhân : "Tôi tuyên bố bất tuân Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và chủ tịch nước ký công bố".
Vị luật sư bất đồng chính kiến cũng cho biết thêm : "Trung tướng Hoàng Phước Thuận là người đã chỉ huy cuộc bắt giữ tôi và khám xét nhà/văn phòng tôi năm 2009 khi ông còn là đại tá. Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo cuộc thẩm vấn tôi và tạo ra các clip cắt dán lời nói của tôi trong quá trình giam cầm và xét xử". (T.K.)