Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

04/07/2018

Đức bác đơn xin tại ngoại kẻ bắt cóc, Đà Nẵng bán đất Vũ nhôm

BBC tiếng Việt

Tòa Berlin bác đơn tại ngoại vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' (BBC, 04/07/2018)

Tòa thượng thẩm Berlin trong phiên xử sáng 4/7 quyết định bác yêu cầu xin tại ngoại hầu tra của ông N H Long, bị cáo duy nhất đang hầu tòa trong vụ án 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'.

vunhom1

Bị cáo N H Long bị cơ quan công tố Đức cáo buộc các tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

Đơn xin tại ngoại hầu tra do nhóm luật sư biện hộ của bị cáo bất ngờ đệ trình trong một phiên xử cuối tháng Sáu.

"Luật sư khi đó nêu các lý do, trong đó có nói rằng nguy cơ chạy trốn của ông Long là rất thấp, và rằng ông Long đang bị giam giữ trong điều kiện khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của bị cáo", nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng nói với BBC về diễn biến phiên xử hôm 22/06.

Bị cáo 'có thể bỏ trốn' nếu được tại ngoại

Tuy nhiên, đơn xin của luật sư đã không được chuẩn thuận.

Một yếu tố quan trọng được tòa nêu ra để bác đơn là mối quan hệ khăng khít giữa bị cáo và ông Đào Quốc Oai, một nghi phạm khác trong vụ bắt cóc.

Ông Đào Quốc Oai được xác định là người cậu của ông Long và có thể có vai trò quan trọng trong vụ bắt cóc.

Ông Oai, người mang song tịch Czech và Việt Nam, hiện đang bỏ trốn, giới chức Đức chưa bắt được.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã rút đơn kháng cáo, chấp nhận án chung thân ở Việt Nam

Ông này được cho là chỉ ít lâu sau khi xảy ra vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' đã rời Prague, thủ đô của Cộng hòa Czech, nơi ông cư trú từ nhiều năm nay, để về Việt Nam.

Trong một phiên xử bị cáo Long hồi cuối tháng Sáu, con gái của ông Đào Quốc Oai đã tới theo dõi phiên xử.

Tuy nhiên, cô "bất ngờ bị tòa gọi lên và thẩm vấn".

"Cô ấy đã rất bất ngờ và lúng túng. Được sự cố vấn của tòa cũng như các luật sư ở đó, cô đã cho rằng mình được phép giữ quyền im lặng, không trả lời trước tòa", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

"Hôm nay, tòa viện dẫn chi tiết đó ra và cho rằng việc xuất hiện những người có dính líu đến băng đảng bắt cóc tại tòa càng chứng minh một điều là ông Long nếu bây giờ được cho tại ngoại thì nhiều khả năng sẽ có sự chuẩn bị để giúp ông chạy trốn".

Việc ông Long vẫn đang có quốc tịch Việt Nam khiến tòa quan ngại rằng bị cáo có thể tìm được nơi ẩn náu an toàn, bởi "ông ta có thể dễ dàng trở về Việt Nam", theo nhà báo Lê Mạnh Hùng.

Tòa cũng nhắc tới mối quan hệ thân thiết giữa vợ của bị cáo Long với con gái ông Oai, và đặt nghi vấn về khả năng gia đình ông Đào Quốc Oai có thể sẽ hỗ trợ cho ông Long nếu như ông Long trốn về Việt Nam.

Đào Quốc Oai qua lời khai nhân chứng

Đây không phải là lần đầu tiên cái tên Đào Quốc Oai được nhắc tới trong phiên xử bị cáo N H Long.

Từ những phiên xử đầu tiên tới nay, Đào Quốc Oai và các mối quan hệ của ông này với những người khác luôn là trọng tâm trong các buổi thẩm vấn trước tòa.

Theo nội dung bản cáo trạng do cơ quan công tố đọc trước tòa, ông Đào Quốc Oai bị nêu tên là đầu mối của cơ quan mật vụ Việt Nam tại Prague, luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ xử này, cho BBC biết.

Ông Oai có quen biết với ông Trịnh Xuân Thanh, nhưng cũng là người mà ông Thanh trong thời gian ở Berlin muốn tránh mặt, theo lời khai của vợ ông Thanh trước tòa.

"Có một lần Vũ [Đình Duy] rủ chồng tôi đi đánh golf và nói ông Oai sẽ tham gia, chồng tôi từ chối ngay", bà Trần Dương Nga khai trước tòa hôm 7/05.

vunhom3

Vũ Đình Duy hồi tháng 5 xuất hiện trước tòa tại Berlin trong vị trí nhân chứng vụ Trịnh Xuân Thanh

Ông Oai rất thân thiết với Vũ Đình Duy, một cựu quan chức rời khỏi Việt Nam từ cuối năm 2016 và ra trước Tòa Thượng thẩm Berlin trong vai trò nhân chứng, tòa được nghe trình bày.

"Vũ Đình Duy kể với tôi rằng khi ở Việt Nam, ông Oai sống ở Hải Phòng, là anh kết nghĩa của Vũ. Ở Tiệp, ông ấy được gọi là 'soái'", bà Trần Dương Nga nói.

Chi tiết này cũng được ông Vũ Đình Duy nói tại tòa trong phiên xử cùng ngày.

Ông Duy nói ông Oai với Duy là "bạn thân, ở cùng quê, nhà ở sát nhà".

"Ông Đào [Quốc Oai] nói với tôi rằng đã sang Châu Âu từ khoảng 1988", ông Duy nói trước tòa.

"Ông ấy nói ở Tiệp, ông ấy chuyên cung cấp các dịch vụ cho người Việt ở Châu Âu và ở Tiệp".

"Ông ấy nói với tôi là ông ấy có cổ phần ở chợ Sapa".

"Ông ấy làm dịch vụ chuyển tiền, buôn bán hàng qua lại giữa Việt Nam và Czech".

"Ở Việt Nam, ông ấy có đầu tư vào một kho ngoại quan, chuyên nhập hàng về rồi xuất đi nơi khác ; và có một hệ thống vận tải".

"Các đoàn lãnh đạo của Việt Nam đi Châu Âu, đặc biệt là phái đoàn của Bộ Công an đi thì ông ấy thường 'take care', giúp đặt khách sạn, đưa đón ở sân bay", ông Vũ Đình Duy trình bày chi tiết.

"Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy rất thân với Bộ trưởng Công an, nhưng bản chất mối quan hệ đó là gì thì tôi không biết".

Vũ Đình Duy nói sau khi rời Việt Nam sang sống ở Warsaw và Berlin, đã có một số lần ông sang Prague để thăm Đào Quốc Oai, và với cảm nhận cá nhân, ông nói với tòa rằng ông thấy cộng đồng người Việt ở thủ đô của Czech "đều tỏ thái độ rất nể trọng ông Oai".

"Ông Oai là người có quyền lực. Ông ấy nói hoặc muốn làm điều gì là ông ấy có thể làm được. Ông ấy nói là có người nghe".

"Chẳng hạn như hồi 2010, khi tôi đến Frankfurt, tôi gọi điện cho ông ấy, bảo ông ấy cho một xe đón tôi sang Tiệp. Chỉ vài tiếng sau là đã có người mang xe đến đón tôi".

"Hoặc vợ tôi muốn có một số loại mỹ phẩm mang về làm quà, ông ấy chỉ cần gọi điện là có người mang đến. Ông ấy bảo tôi muốn gì ông ấy cũng sẽ đáp ứng".

Ông Đào Quốc Oai được cơ quan điều tra của Đức xác định là người đã đặt phòng cho Tướng Đường Minh Hưng ở Berlin trước thời gian diễn ra vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'.

Tuy nhiên, giới chức Đức đã không bắt được ông Đào Quốc Oai và hiện đang điều tra tung tích của ông này.

vunhom4

Ông N H Long là người đứng tên đăng ký doanh nghiệp chuyển tiền ở chợ Sapa vào thời điểm bị bắt, 8/2017

Theo lời ông Vũ Đình Duy, thì vào khoảng hơn hai tháng sau ngày xảy ra vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', ông Duy liên hệ với ông Oai và được biết vào thời điểm đó "ông Oai đang ở Việt Nam".

Ông Vũ Đình Duy cũng khai trước tòa rằng qua những lần gặp gỡ với ông Oai thì ông biết rằng bị cáo N H Long là "người thân cận, trợ giúp trong công việc" của Đào Quốc Oai.

Tại thời điểm bị bắt, bị cáo N H Long là chủ một cơ sở chuyên dịch vụ chuyển tiền ở khu chợ của cộng đồng người Việt tại Prague, chợ Sapa.

Tuy nhiên, theo lời khai của Vũ Đình Duy, thì dường như chủ thực sự của cơ sở này là ông Đào Quốc Oai.

"Ông Đào nói với tôi rằng ông ấy mở văn phòng thực hiện một số dịch vụ để anh Long có việc làm".

***********************

Đà Nẵng cho mua bán đất thuộc dự án Vũ Nhôm (BBC, 04/07/2018)

Giới chức Đà Nẵng vừa cho phép mua bán các lô đất từng thuộc dự án của ông Phan Văn Anh Vũ để 'đảm bảo quyền lợi của người dân'.

vunhom5

Giới chức Đà Nẵng vừa cho giao dịch trở lại các lô đất từng thuộc dự án của ông Phan Văn Anh Vũ (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Ngày 4/7, cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng cho hay đã tiếp nhận lại hồ sơ giao dịch đất của người dân liên quan đến các dự án của ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), theo Tuổi Trẻ.

Các lô đất này do ông Vũ Nhôm đứng tên, bị dừng giao dịch từ đầu tháng 6/2018 theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng.

Một lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà lúc đó cho hay đang 'lúng túng' không biết có cho dừng giao dịch không đối với các lô đất đã chuyển nhượng sang nhà đầu tư thứ cấp.

Trong lúc 'chờ ý kiến chỉ đạo', chi nhánh văn phòng này cho tạm dừng giải quyết các hồ sơ liên quan.

Việc tạm dừng này bị luật sư đánh giá là 'tùy tiện'.

Luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư Thành phố Đà Nẵng) nói với báo Tuổi Trẻ rằng luật chỉ quy định phong tỏa, ngăn chặn các giao dịch dân sự đối với các tài sản 'do phạm tội mà có' của nghi can đang bị điều tra, xét xử để có giải pháp thu hồi.

Nếu công dân mua và sở hữu tài sản hợp pháp, không tiêu thụ hay đứng tên thay cho nghi phạm thì không thể ngưng giao dịch của họ.

Trong trường hợp người dân mua tài sản đứng tên ô Vũ Nhôm một cách hợp pháp qua dự án, thì khi xảy ra sai phạm liên quan đến ông Vũ, chính ông Vũ và các cấp có thẩm quyền liên quan phải chịu trách nhiệm, chứ không phải người dân.

Hồi giữa tháng Sáu, cơ quan điều tra Việt Nam đề nghị truy tố ông Phan Văn Anh Vũ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.

Trước đó, ông Anh Vũ bị khởi tố về hành vi "cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" và "trốn thuế" xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương.

Bộ Công an phát lệnh truy nã vì ông Vũ đã bỏ trốn khi công an đến khám nhà và bắt giữ ông.

Đến đầu tháng 1/2018, ông Vũ bị bắt giữ ở sân bay Singapore và đưa về Việt Nam hôm 4/1.

Quay lại trang chủ
Read 490 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)