Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

06/07/2018

Quân bình ngân sách kiểu Việt Nam : tăng kịch khung giá xăng và tiếp tục chơi sang

Tổng hợp

Hệ lụy khi giá xăng tăng kịch khung (VNTB, 06/07/2018)

Thuế xăng dầu được đề nghị tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu. Ước tính mỗi năm ngân sách sẽ có 55.000 tỉ đồng, tăng 14.368 tỉ so với mức cũ.

xang1

Hệ lụy của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Để những đề xuất trên thành hiện thực, theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và thông thường sẽ có hiệu lực sau 45 ngày ký. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng tăng thuế hiện nay đang được cơ quan chức năng cân nhắc có thể là từ ngày 1/8 theo cơ chế đặc biệt hoặc từ ngày 1/10.

Hệ lụy của nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa ?

Xăng dầu là nhiên liệu đầu vào của cả nền kinh tế, thậm chí còn là "đầu vào của đầu vào", thế nên bất kỳ người tiêu dùng nào cũng sẽ bị tác động, cả trực tiếp lẫn gián tiếp : gián tiếp khi mua hàng hóa, trực tiếp khi lưu thông trên đường. Thuế xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá xăng dầu tăng, mớ rau quả trứng cũng sẽ tăng theo. Người tiêu dùng chịu thiệt đơn, thiệt kép. Hiện thu nhập bình quân của Việt Nam đã ở ngưỡng trung bình, nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới, nếu đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều xem ra chỉ có trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng xăng dầu đã có 12 đợt điều hành. So với thời điểm cuối năm 2017, giá bán lẻ tối đa các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 7,5-17,9%. Giá xăng dầu tăng đã đẩy giá cả 6 tháng đầu năm lên cao. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng tới 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, trong khi mục tiêu cả năm Quốc hội đặt ra là dưới 4%.

Ghi nhận ý kiến từ một số doanh nghiệp tại Sài Gòn vào cuối giờ chiều ngày 4/7 của phóng viên Việt Nam Thời Báo, thì nếu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với giải pháp tăng thuế, dẫn tới tăng giá xăng, coi như vô hình trung đã đi ngược lại chủ trương của Chính phủ xác định năm 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Giá thành các sản phẩm cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp giảm, và chi phí tăng làm giá cả tăng thì năng lực cạnh tranh lại càng yếu. Đó là chưa kể năng suất lao động của Việt Nam cực kỳ thấp. Mỗi thứ góp một ít, sẽ khiến cho sức cạnh tranh kiệt quệ. Một số mặt hàng của Việt Nam sẽ mất thị phần ở trong nước và các nước khác. Nguồn thu ngân sách từ làm ăn kinh tế sẽ thêm èo uột.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự thất vọng trước đề xuất tăng thuế xăng dầu lên kịch khung của Bộ Tài chính. "Ngành vận tải hàng hóa đang trong tình trạng cung vượt cầu nên việc tăng giá cước là rất khó. Các doanh nghiệp vận tải đang xin nhà nước giảm thuế - phí để bù lỗ còn chưa được, giờ lại viện cớ bảo vệ môi trường để đề xuất tăng thuế xăng dầu lên 4.000 đồng/lít thì doanh nghiệp vận tải chỉ từ lỗ đến lỗ, có thể nhiều doanh nghiệp sớm phải giải thể", ông Quản than thở.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit, đánh giá trong quá trình hội nhập, một loạt thuế phí nhập khẩu được cắt giảm nên dễ dàng nhận thấy khi nguồn thu giảm, Bộ Tài chính sẽ tìm các nguồn thu khác bù vào như tăng thuế VAT, thuế tài sản... Ông Viên nhấn mạnh tốc độ đào thải doanh nghiệp hiện rất nhanh và đề nghị cần lưu ý điều này để cân nhắc thu sao cho hợp lý. "Tất nhiên người tiêu dùng sẽ là người gánh chịu cuối cùng", ông Viên nói.

Năng lực của Chính phủ ?

Theo thống kê, 1 lít xăng hiện phải chịu 7 loại thuế, phí như : thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường ; chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. Tổng các loại thuế, phí chiếm khoảng 8.500 đồng/lít xăng. Nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức kịch khung thì xăng tăng giá sẽ khiến nhiều người gặp khó khăn.

Chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Cảng Sài Gòn đặt vấn đề về năng lực quản trị quốc gia của chính phủ, khi có biện minh rằng việc phải chấp nhận giá cả tăng vì đó là cơ chế thị trường.

"Tôi không đồng ý với lập luận của ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, khi ông nói rằng "việc tăng thuế đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp vận tải, nhưng cơ chế thị trường thì phải chấp nhận thôi. Các doanh nghiệp vận tải giờ chủ yếu là tư nhân chứ nhà nước có trợ giá gì nữa đâu, cho nên họ phải tự cân đối thu chi, nếu tăng giá mà khách hàng, đối tác không chịu thì phải tính toán lại".

Nếu đồng ý với lập luận của ông Thanh, thử lật vấn đề, là nền kinh tế thị trường thì cần có những cá nhân quản trị quốc gia cũng theo cơ chế thị trường. "Điều hành đất nước khiến ngân sách ngày càng thâm thủng, không thể cứ mãi giật gấu vá vai bằng giải pháp tình thế tăng thuế, trong khi sở hụi của doanh nghiệp không tăng tương ứng". Ông chủ doanh nghiệp logistics đặt vấn đề ở tầm vĩ mô.

Ông Nguyễn Huy Độ, Giám đốc Maketing Công ty cổ phần thép Việt - Ý cho biết, về mặt cá nhân, ông ủng hộ việc tăng thuế xăng dầu. "Nếu tăng thuế mà hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân, tăng đầu tư cho công cộng thì tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng, tức chỉ tăng thêm 1.000 đồng thì chẳng đáng gì cả. Chưa hết, một số nước trong WTO vẫn vin vào cớ là Việt Nam có trợ cấp xăng dầu, là một trong các động thái để trợ cấp cho nền kinh tế nên họ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường", ông Độ nói.

Ông Độ cho biết, doanh nghiệp của ông hoạt động xuất nhập khẩu khá sôi động, vì thế việc đề xuất tăng thuế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng ảnh hưởng là ảnh hưởng chung cho cả nền kinh tế chứ có ảnh hưởng riêng một doanh nghiệp nào đâu ?

"Vấn đề là tiền thuế thu được từ việc tăng thuế này là để bảo vệ môi trường, đầu tư công hay để trả nợ nước ngoài ?", ông Độ đặt câu hỏi.

Xem ra vấn đề đang đặt trên bàn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là năng lực thu và quản lý chi ngân sách. Bộ Tài chính phải cố gắng thu ngân sách, chứ không phải tận thu. Bởi tại sao Bộ Tài chính không so với Malaysia (cùng khu vực) nhưng giá xăng thấp hơn Việt Nam ? Tại sao, Bộ Tài chính không so sánh giá xăng với Mỹ, có thu nhập cao gấp hàng chục lần Việt Nam nhưng giá xăng vẫn thấp hơn ? Tại sao Bộ Tài chính chỉ so sánh với Lào, Campuchia là nước không có dầu khai thác trong khi Việt Nam có dầu thô ?".

Để có nguồn thu thì nền kinh tế phải phát triển. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang liên tục ‘tắm máu’ kể từ sau ngày Quốc hội phê chuẩn Luật An ninh mạng. Sắc đỏ chết chóc phủ kín sàn chứng khoán còn đến từ các lo ngại rủi ro khi Việt Nam đang có sự bất mãn công khai trong công chúng, bởi chính phủ đang tìm mọi cách để thông qua dự luật đặc khu vốn vấp rất nhiều phản đối, vào tháng 10 tới đây, nhưng lại cố tình tránh bước thủ tục lấy ý kiến dự luật này trong nhân dân.

Thảo Vy

*********************

Tăng thu ngân sách bằng cách tăng thuế có hợp lý ? (RFA, 05/07/2018)

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 6 luật thuế và ban hành thêm luật thuế tài sản, một trong những mục tiêu chính được nêu ra là nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

xang2

Ảnh minh họa chụp một người nông dân tại Huế hôm 17/01/2018. AFP

Tuy nhiên đề xuất vừa đưa ra vấp phải phản ứng bởi lý do tăng thuế không thuyết phục mà theo nhận định sẽ khiến giới có thu nhập thấp thêm phần khó khăn.

Càng nghèo càng chịu thuế suất cao

Năm luật thuế được Bộ Tài chính vào tháng 8 năm ngoái đề xuất sửa cùng một lúc gồm : thuế Giá trị gia tăng VAT, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Thu nhập doanh nghiệp ; thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tài nguyên. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giải thích mục tiêu nhằm cơ cấu lại nguồn thu cho Ngân sách, bà cũng khẳng định tăng thuế VAT ít tác động đến người nghèo !

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cho rằng :

"Vấn đề thuế VAT có quan hệ như thế nào với người nghèo thì cũng đang còn nhiều ý kiến tranh luận khác nhau, cũng như người ta chưa hiểu thế nào là thuế VAT. Thuế VAT là một hình thức thuế lũy thoái, lũy thoái nghĩa là anh càng nghèo thì càng chịu cao".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho biết trong hệ thống thuế lũy thoái, thuế suất trung bình của người thu nhập cao sẽ nhỏ hơn so với người thu nhập thấp.

Đến đầu năm 2018, Bộ Tài chính lại thay đổi và đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, gồm 5 luật thuế nêu trên và sửa đổi thêm thuế Xuất nhập khẩu. Đồng thời đề xuất ban hành thêm Thuế Tài sản.

Tại hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2018. Các chuyên gia thuộc VEPR cho rằng, nếu tăng thuế VAT lên 12%, Việt Nam sẽ có thêm 240.000 người nghèo.

Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính cũng quyết định tạm thời sẽ không tăng thuế VAT lên 12% như dự kiến, mà vẫn giữ ở mức 10%. Tuy nhiên, các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế suất từ 0% đến 5% sẽ bị cơ cấu lại và có thể sẽ phải chịu thuế suất 10%.

xang3

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh tại buổi hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội ngày 28 tháng 6 năm 2018. Courtesy VEPR

Có mặt tại buổi hội thảo "Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho Đài Á Châu Tự Do biết :

"Bộ Tài chính thì có nói là hiện nay tạm thời không tăng thuế VAT, thế nhưng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách có sử dụng mô hình tính toán và cho thấy : Nếu mà tăng thuế VAT lên thì ‘tỷ lệ người nghèo phải chi thêm so với tổng số chi của người nghèo’, thì nó lớn hơn rất nhiều so với ; ‘tỷ lệ tăng chi của người giàu so với tổng số chi của người giàu’. Vì vậy họ đối chiếu với các thu nhập của người nghèo nhất, thì họ đi đến một cái dự báo là cái số người nghèo sẽ tăng lên từng ấy ngàn người".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là điều báo động trước để các cơ quan nghiên cứu chính sách trước khi ban hành cần phải có sự tính toán và nghiên cứu một cách thấu đáo, chứ không nên thấy cần thu là cứ thu. Ông cũng cho rằng, đây là một căn cứ rất cần được tham khảo một cách nghiêm túc.

Lý do không thuyết phục

Trong 6 luật thuế mà Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi có thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... Một số lãnh đạo chính phủ tuyên bố là vì muốn lo cho sức khỏe của dân nên mới tăng những loại thuế như thuế nước ngọt, rượu bia, thuế thuốc lá, thuế xăng dầu.v.v…

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết :

"Thí dụ bây giờ tăng thuế nước ngọt, nước uống có ga, thuốc lá, bia… thì rõ ràng là sẽ làm giảm số người sử dụng các mặt hàng đó, và sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh trong khi sử dụng thuốc lá hay uống rượu bia. Theo tôi đấy là một điều thật sự hợp lý chứ không phải không hợp lý".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, người được Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp mời tham gia thẩm định việc sửa đổi 6 luật thuế này, cho rằng thuế thuốc lá thì nên đánh vì nó hại sức khỏe rất rõ ràng và các nước cũng vậy. Ông đưa ra ý kiến :

"Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt đang định đánh 10%. Tại sao phải tính thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt 10%, Bộ tài chính có đưa ra 3 mục tiêu : thứ nhất để hướng dẫn người tiêu dùng để tiêu dùng một cách hợp lý, cái thứ hai là theo thông lệ quốc tế, vấn đề thứ ba là để tăng nguồn thu ngân sách. Thì cả ba mục tiêu đưa ra đều chưa thuyết phục".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, hướng dẫn người tiêu dùng thì không nhất thiết phải dùng công cụ thuế, mà có thể dán nhãn mác hoặc tuyên truyền giáo dục. Ông nói tiếp :

"Có phải béo phì, tiểu đường tại Việt Nam là do nước ngọt hay không ? Theo báo cáo của Tổng hội y học Việt Nam năm 2017, thì thừa cân, béo phì, tiểu đường của người Việt Nam do 3 nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là do ăn nhiều thức ăn động vật quá, nguyên nhân thứ hai là do lối sống không khoa học, không hợp lý. Nguyên nhân thứ ba là do sử dụng quá nhiều rượu bia. Chứ chưa có một chứng minh nào để chứng minh nước ngọt tác động đến người Việt Nam".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, bội chi ngân sách và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao, đang là một vấn đề rất là căng thẳng trong nền kinh tế. Ông giải thích :

"Hiện nay Việt Nam chi đến 71% trong tổng số chi ngân sách là chi thường xuyên, tức là để nuôi cái bộ máy này. 24,5% là chi cho trả nợ, và cái số còn lại chi cho đầu tư là quá ít. Vì vậy cho nên nhà nước phải tiếp tục vay nợ thêm để trang trải đầu tư".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra ví dụ ở các nước Châu Âu, nếu lạm phát trên 3% mà nợ công trên 60% là báo động đèn đỏ. Ông so sánh với tình hình Việt Nam hiện nay :

"Việt Nam thì trần nợ công là 65%, mà lạm phát và bội chi ngân sách cũng tăng cao 5 hay 6%. Xu hướng là giảm bội chi ngân sách xuống 3,7%, nhưng khả năng ấy là khó. Việt Nam hiện nay thì ngân sách luôn mất cân đối, nợ công luôn tăng cao. Mà chủ trương của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là Bộ chính trị, là cơ quan đầu não đưa ra những phương hướng thì cho rằng ‘trong quá trình mất cân đối ngân sách như thế thì phải tái cơ cấu ngân sách’. Nhưng tái cơ cấu ngân sách thì phải tái cơ cấu cả thu cả chi, chứ không phải chỉ tái cơ cấu thu".

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long ngoài tái cơ cấu thu chi, còn phải sử dụng ngân sách nghiêm minh, chống thất thoát, chống tham nhũng, chống lãng phí. Theo ông, tư duy của Bộ tài chính là sửa đổi 6 luật thuế là để tăng thuế, để tăng thu ngân sách, là nhìn nhận một cách phiến diện.

**********************

Tướng lĩnh quân đội Việt Nam được tăng lương gấp 10 lần (RFA, 05/07/2018)

Tin cho biết lương hàng tháng được tính bằng cách nhân mức lương tối thiểu 1,39 triệu đồng với hệ số lao động được xác định dựa trên theo trình độ và kinh nghiệm của mỗi cá nhân.

xang4

Hình ảnh trong buổi lễ diễu binh của Quân đội Việt Nam Reuters

Ngoài lương chính thức, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ được nhận mức tiền thưởng hàng tháng là 2 triệu đồng, trong khi chỉ huy trưởng được thưởng từ 1,7-1,9 triệu đồng.

Vị trí trung úy, cấp bậc thấp nhất trong quân đội nhận được 5,8 triệu đồng mỗi tháng.

Thu nhập đầu người tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vào năm ngoái là 2.385 USD. Mức này trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.

Vừa qua một số tướng lĩnh quân đội Việt Nam bị kỷ luật trong chiến dịch chống tham nhũng mà ông tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đang tiến hành.

*****************

Ngân sách thâm hụt, hàng ngàn tỷ cho cán bộ đi nước ngoài (RFA, 05/07/2018)

Những con số khổng lồ

Đầu năm nay Chính phủ cho biết trong năm 2017, ngân sách đã chi 1.030 tỷ đồng để mua 1.081 ôtô công, trung bình giá gần 1 tỷ đồng/xe. Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 xe công, trong số đó có đến 7.000 chiếc đang dư thừa

xang5

Xe công cao cấp biển số xanh. Courtesy of Tapchitaichinh

Mỗi một năm các chi phí từ việc mua bán đến bảo trì xe công ở Việt Nam lên đến 13.000 tỷ đồng/năm.

Công luận chưa kịp hết ‘sửng sốt’ về con số xe công được công bố, thì đến cuối tháng Sáu lại có thông tin trong bốn năm từ 2012 đến 2016, Việt Nam đã chi 1.200 tỷ đồng cho 53.000 cán bộ đi xuất ngoại. Đây là những chuyến đi được báo cáo là để xúc tiến đầu tư, ngoại giao, học hỏi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ,… Nhưng trong thực tế nhiều cán bộ đã lợi dụng những chuyến "công tác nước ngoài" để đi thăm quan, thăm người thân, gia đình.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định việc chi tiêu ngân sách như vậy là không hợp lý và thậm chí không đúng với quy định của pháp luật :

"Việc đi công tác nước ngoài để khảo sát, nghiên cứu là cần thiết nhưng vấn đề là đi phải được tổ chức làm sao tiết kiệm nhất và có hiệu quả. Báo chí cho thấy nhiều nơi có hiện tượng đi nhưng không có hiệu quả khi không xác định được mục tiêu rõ ràng, kết quả khảo sát mang về có thể giúp gì cho hệ thống làm việc. Hay những bài học gì mang về. Những kết quả này không được nói tới trong khi việc đi thì quá nhiều. Tôi nghĩ tình trạng này rất bất ổn".

Bộ Công Thương là cơ quan chi nhiều nhất cho việc đi nước ngoài. Điển hình là ông Vũ Huy Hoàng, lúc bấy giờ còn là Bộ trưởng, có năm đi nước ngoài tới 163 ngày/năm.

Về tình trạng mua sắm xe công hay tài sản công, chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá là căn bệnh nan y nhiều năm nay. Có năm Bộ Tài chính đã thốt lên rằng số xe công quá nhiều lên đến 40.000 chiếc nhưng không thấy nói rõ đã cắt giảm bao nhiêu. Ngược lại chi phí cho xe công vẫn tiếp tục tăng hàng năm. Bà Phạm Chi Lan cho rằng đây là một sự lãng phí ngân sách rất nghiêm trọng, mà hậu quả người dân phải gánh chịu :

"Trong khi đó ngân sách ngày càng eo hẹp hơn, thường hay bị thâm hụt và cứ mỗi lần thâm hụt ngân sách lại dẫn tới việc tăng thu thuế của người dân. Tôi nghĩ điều đó hết sức bất hợp lý".

Tình trạng bội chi ngân sách của Việt Nam liên tục xảy ra trong những năm gần đây. Năm ngoái Bộ Tài chính cho biết mức bội chi cả năm ước tính hơn 115 ngàn tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, bội chi 192 ngàn tỷ đồng. Năm 2015 là hơn 256 ngàn tỷ đồng và năm 2014 là 249 ngàn tỷ đồng.

xang6

Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương, khi còn đương chức có thời gian ở nước ngoài 163 ngày/năm. Courtesy of CafeF

Sai từ bộ máy

Khi ngân sách thâm hụt, nhiều khoản bị nói là vô lý được đưa ra như tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu lên kịch trần, nhưng lại bỏ tiền thuế này vào ngân sách chung. Rồi đến dự luật áp thuế nhà ở được Bộ Tài chính đề xuất. Các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cho tăng thuế thu từ người dân để bù vào ngân sách thâm hụt mà một trong những nguyên nhân là do tiêu xài hoang phí.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng các biện pháp ngăn chặn lãng phí ngân sách đã được đưa ra nhưng không phải một sớm một chiều đã mang lại kết quả :

Tại vì năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kém ; tham nhũng vẫn còn phổ biến. Mà biết điều đó rồi không phải giải quyết một sớm một chiều, ngày một ngày hai là được mà là cả một quá trình. Mặc dù đã sửa đổi rất nhiều cơ chế quản lý và thể chế ví dụ như nâng cao hiệu quả đầu tư công hay tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách. Đây là một vấn đề nan giải và khó giải quyết được, giống như căn bệnh tham nhũng, đã biết từ lâu và đưa ra nhiều biện pháp nhưng thực sự chưa có hiệu quả.

Hàng ngàn tỷ cho cán bộ đi nước ngoài, rồi hàng ngàn tỷ mua xe cho cán bộ không phải là những trường hợp duy nhất thể hiện sự hoang phí tiền thuế của dân.

Để ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách, Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng việc căn cơ nhất phải làm là cải cách bộ máy Nhà nước :

Một bộ máy quá lớn, cồng kềnh, quá nhiều người tham gia, thì bản thân nó đã kém hiệu quả và đẻ ra các nhu cầu đi nơi này nơi khác hoặc chi tiêu các thứ như mua sắm xe để trang bị cho họ làm việc. Cho nên phải thu hẹp lại bộ máy, bớt đi những đầu mối không cần thiết, giảm biên chế của Nhà nước là việc đầu tiên cần phải làm.

Gần đây Việt Nam cũng đang ráo riết cắt giảm biên chế, và thu gọn các cơ quan thuộc các bộ. Chẳng hạn như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, thậm chí Bộ Công an. Tuy nhiên bà Lan nói rằng cần giảm bớt ở tất cả các cơ quan vì ở đâu cũng có hiện tượng thừa. Và phải có sự giám sát trong việc thực hiện.

Bà Phạm Chi Lan cũng nói rằng cần làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, tránh sự chồng chéo công việc. Một việc giao cho nhiều cơ quan thì sẽ "đẻ ra" nhiều người, nhiều đầu mối.

Và một điều nữa bà đánh giá là rất cần thiết, đó là tăng cường kỷ cương trong cơ quan Nhà nước. Việc chi tiêu một cách lãng phí vi phạm các quy định Nhà nước ban hành :

Ở đây là việc người ta chi tiêu quá, nhưng ngay cả chất lượng công việc của người ta như thế nào, người ta lạm dụng quyền lực trong các lĩnh vực khác như thế nào để gây khó khăn cho xã hội, doanh nghiệp cũng là điều phải xem xét đến chứ không phải chỉ những thứ có thể đo được như chi tiêu đi nước ngoài hay mua sắm.

Phát biểu trong Hội nghị Toàn quốc Chống tham nhũng cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư ông Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở đảng viên phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí. Ông Trọng dặn dò thêm rằng công quỹ là của công nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi.

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)