Luật Đặc khu tiếp tục gây ‘sóng gió’ ở Việt Nam (VOA, 05/07/2018)
Sau khi làm bùng ra nhiều cuộc biểu tình, Luật Đặc khu lại gây ra tranh cãi liên quan tới Trung Quốc ở Việt Nam, trong bối cảnh ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng đặc khu chuẩn bị nhóm họp.
Nhiều cuộc biểu tình bùng ra ở Việt Nam hồi tháng Sáu.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long hôm 5/7 cho biết ông đã "bị xuyên tạc" chuyện muốn "kết nối với kinh tế Trung Quốc" khi "kiến nghị xin nhanh thông qua Luật Đơn vị Hành chính – kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu)".
Tỉnh này sau đó đã yêu cầu Bộ Công an "điều tra, xử lý các đơn vị cá nhân sử dụng Facebook để bôi nhọ ông Long", theo Thanh Niên.
Tờ báo thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam còn nêu tên Việt Tân và trang tin Dân làm báo Việt Nam trong bài viết của mình. VOA Việt Ngữ chưa nhận được ngay hồi đáp của Việt Tân cho một đề nghị bình luận về cáo buộc từ trong nước.
Trang Facebook của tổ chức chính trị có trụ sở ở Mỹ hôm 4/7 trích lại một bài của trang Dân làm báo, trong đó có nhắc tới việc ông Long "tiếp tục đề xuất chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế Đặc biệt và đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác song phương với Trung Quốc".
Nhóm bị Việt Nam coi là "khủng bố" còn đăng hình ảnh tựa đề của trang Dân Trí có nội dung : "Quảng Ninh tiếp tục đề xuất hoàn thiện Luật Đặc khu và xây khu kinh tế với Trung Quốc".
Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, đoạn mở đầu bài viết của tờ báo này nói rằng tại hội nghị của chính phủ hôm 2/7, ông Long "tiếp tục đề xuất Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế Đặc biệt và đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác song phương với Trung Quốc".
Theo trang tin của Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã "kiến nghị với chính phủ ba vấn đề". Ngoài Luật Đặc khu, ông cũng "đề xuất Bộ Công thương cần sớm đẩy nhanh tiến độ đề án hợp tác kinh tế song phương, trong đó có khu hợp tác kinh tế biên giới TP Móng Cái với TP Đông Hưng [của Trung Quốc]".
Cùng với, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn, huyện đảo của Quảng Ninh, là nơi chính phủ Việt Nam tính lập đặc khu.
Theo Dân Trí, "tại đây, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đã xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng điện đường, trường, trạm, trong đó đặc biệt là sân bay quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo hình thức xã hội hóa bởi Tập đoàn Sun Group".
Cáo buộc của Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long được đưa ra ít ngày sau khi Văn phòng Chính phủ Việt Nam "có văn bản" gửi các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng Đơn vị Hành chính - Kinh tế Đặc biệt (đặc khu), Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ về việc "chuẩn bị nội dung họp lần thứ 2 của Ban này", theo VnExpress. Hiện chưa có thông tin cụ thể về ngày giờ tiến hành cuộc họp.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban, chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi ý kiến lên Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ trước ngày 2/7, đồng thời yêu cầu hai bộ này tổng hợp ý kiến và "chuẩn bị báo cáo các vấn đề liên quan đến nội dung Đơn vị Hành chính, kinh tế đặc biệt trước ngày 5/7".
Ông Nguyễn Đình Hà, cựu ứng cử viên đại biểu Quốc hội độc lập, nói với VOA tiếng Việt rằng việc Ban chỉ đạo xây dựng Đơn vị Hành chính, kinh tế đặc biệt chuẩn bị họp lần thứ hai "có thể nằm trong lộ trình đã được Chính phủ Việt Nam sắp đặt từ trước".
"Thông qua các phóng sự, bài báo trên hệ thống truyền thông nhà nước, như đối với dự án Bauxite Tân Rai - Nhân Cơ trước đây, việc thiết lập ba đặc khu lại là một ‘chủ trương lớn của Đảng’ nhất quyết phải thành hiện thực và ‘tứ trụ’ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị cao độ về việc đó, bất chấp những cảnh báo, lo ngại từ người dân và giới chuyên gia", ông Hà nói thêm.
"Cái vấn đề mà người dân và giới chuyên gia lo ngại là ba đặc khu này có nằm trong chiến lược ‘Vành đai - con đường’ của Trung Quốc. Việt Nam hoàn toàn không đủ năng lực tài chính để phát triển hạ tầng cơ sở ở 3 đặc khu này, khi đó sẽ phải vay, Trung Quốc sẽ chìa tay ra. Việt Nam khi đó có thể sẽ sập vào ‘bẫy nợ’ như Sri Lanka, Maldives đang vấp phải. Lúc đó thì thật sự là ‘tiến thoái lưỡng nan’, quyền lợi và chủ quyền quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng. Trung Quốc khi đó ‘nắm đằng chuôi’, Việt Nam không còn có thể tự quyết".
Dân Bình Thuận cảnh báo ‘lại biểu tình’ nếu bị ‘truy bắt’
Sau khi xảy ra nhiều vụ biểu tình liên quan tới Luật Đặc khu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng trước đã kêu gọi người dân "tỉnh táo, tránh hiểu nhầm luật pháp", đồng thời nhấn mạnh rằng việc tạm dừng thông qua dự luật này tới cuối năm nay "đã thể hiện trách nhiệm trước nhân dân".
Ông Phúc được VnExpress trích lời nói rằng "ba đặc khu này đặt ra không phải là chỉ cho các địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang mà chính là tạo cực tăng trưởng, tạo điều kiện phát triển đất nước".
Luật Đặc khu tiếp tục gây ‘sóng gió’ ở Việt Nam
Liên quan tới thời hạn thuê đất dự kiến tối đa 99 năm ở các đặc khu mà dư luận lo ngại, người đứng đầu chính phủ Việt Nam được báo điện tử này dẫn lời nói rằng "theo dự thảo Luật thì chỉ áp dụng đối với trường hợp đặc biệt, do thủ tướng xem xét, còn phổ biến là 70 năm hay thấp hơn như Luật Đất đai đã quy định".
Viễn Đông
*****************
Sắp tới Giám đốc Công an Đà Nẵng sẽ đổi "ngôi"… ? (CaliToday, 05/07/2018)
Trong khi đại gia bất động sản ở Đà Nẵng ông Vũ "nhôm", tức Phan Văn Anh Vũ đang bị Bộ Công an Việt Nam điều tra và truy tố với các sai phạm thì những cá nhân có liên quan đến Vũ "nhôm" cũng đang sống trong "bão dư luận", mới nhất là trường hợp của giám đốc Công an Đà Nẵng đại tá Lê Văn Tam khi rộ tin đồn ông sắp phải "về vườn"…
Căn biệt thự được đồn thổi là của Vũ nhôm tặng đại tá Lê Văn Tam- Giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng. Ảnh Người đưa tin.
Đà Nẵng trong những ngày khá nóng. Nóng không chỉ vì thời tiết mà còn "nóng" ở chính trường với nhiều biến động đặc biệt ngay sau thời điểm Vũ "nhôm" và đồng bọn bị Bộ Công an Việt Nam bắt giữ để điều tra những tội trạng mà bọn chúng đã gây ra ở Đà Nẵng cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước.
Đã có những cán bộ công chức và doanh nhân dính vào vụ án Vũ "nhôm" bị vạch mặt nhưng như Cali Today từng thông tin đường dây "chân rết" của Vũ "nhôm" hoặc những người có liên can đến Vũ "nhôm" dự kiến còn khá nhiều. Cụ thể ở Đà Nẵng, sở dĩ chính trường ở đây được người viết nhận định khá "nóng" bởi vì vào ngày 4/7/2018, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm Thành ủy Đà Nẵng cho biết thực hiện Quyết định 102 ngày 25/11/2017 của Bộ Chính trị về việc xử lý kỷ luật đảng viên thì được biết đã có 73 đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng. Trong đó, có 54 đảng viên nhận hình thức kỷ luật khiển trách, 18 đảng viên bị cảnh cáo và 1 đảng viên bị cách chức. Chưa hết, chưa đến thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 7 của Hội đồng Thành phố Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng dư luận Đà Nãng đã đồn ầm tên tuổi của 03 cá nhân sẽ được bầu vào 03 chức vụ chủ chốt của thành phố hiện đang bị trống gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Ủy ban khiến báo chí phải vào cuộc đặt câu hỏi với một số quan chức ở Đà Nẵng.
Nhưng có lẽ tin đồn về 03 cá nhân sắp được bầu vào 03 vị trí chủ chốt của thành phố người viết xét thấy sự quan tâm của dư luận chưa bằng tin đồn liên quan đến Giám đốc Công an Đà Nẵng ông Đại tá Lê Văn Tam sắp "về vườn", sẽ có một cuộc đổi ngôi vào những ngày sắp tới.
Thực ra, liên quan đến những tin đồn không tốt nhắm vào Đại tá Tam xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4/2018, tức là ngay vào thời điểm mạng xã hội đồn ầm thông tin ông Tam có nhà biệt thự trị giá 100 tỷ đồng ở làng biệt thực Euro Village do Vũ "nhôm" biếu tặng. Báo đài vào cuộc đặt câu hỏi với Đại tá Tam và được ông Tam xác nhận đúng là gia đình có nhà biệt thự ở làng biệt thự Euro Village, địa chỉ số 24-26 đường Hoa Phượng Đà Nẵng nhưng phủ nhận thông tin căn biệt thự này do Vũ "nhôm" biếu tặng, ông Tam nói đây là thông tin tào lao và người tung tin thất thiệt này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Tại thời điểm này, dư luận quan tâm vụ việc có đặt câu hỏi và câu trả lời nếu đúng căn nhà biệt thự ở làng biệt thự Euro Village của gia đình Đại tá Tam có được là do Vũ "nhôm" biếu tặng từ những phi vụ làm ăn sai phạm thì Đại tá Tam sẽ phải đón nhận hình thức kỷ luật nào ? Cảnh cáo hay là Cách chức ? Phần nhiều dư luận chọn hình thức kỷ luật cảnh cáo dành cho Đại tá Tam chứ rât 1it1 nghĩ đến hình thức cách chức.
Và Cali Today cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ việc của Đại tá Tam rằng ; Liệu Cơ quan điều tra Việt Nam có thực tâm vào cuộc xác minh nguồn gốc căn biệt thự nói trên mà đại tá Tam có được ? Nó có phải là tài sản hợp pháp mà đại tá Tam lao động cực nhọc trong quãng thời gian dài tích góp hay không ? Hay là do Vũ "nhôm" làm ăn phi pháp biếu tặng đúng như dư luận đồn đóan.
Còn nữa, nếu như cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện có một phần tài sản phi pháp mà Vũ "nhôm" dành để biếu, tặng cho các đảng viên, quan chức đặc biệt là quan chức lãnh đạo cấp cao nói chung chứ không riêng gì ở Đà Nẵng thì chính quyền Việt Nam sẽ xử lý như thế ? Có mạnh tay thu hồi số tài sản phi pháp này hay không ?
Một phần câu hỏi của Cali Today đặt ra liên quan đến Đại tá Tam đã được trả lời, vào ngày 22/6/218 vừa qua tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu và quận Sơn Trà, ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành ủy Đà Nẵng ngoài trả lời câu hỏi của cử tri còn cho biết thêm về tài sản của Đại tá Tam hiện nay Ủy ban Kiểm tra Đà Nẵng đang phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương thành lập đoàn giám sát.
Tuy nhiên độ khoảng hai ngày nay, một số Facebooker có lượng người quan tâm chia sẻ khá nhiều đã đánh tiếng cho rằng những ngày sắp tới sẽ có một cuộc đổi ngôi tại Công an Đà Nẵng, có Facebooker có nói thẳng tên đại tá Tam sẽ bị cách chức và người thay thế Đại tá Tam ngồi vào chiếc ghế Gíám đốc Công an Đà Nẵng chính là Thiếu tướng-Cục trưởng Cục tham mưu Cảnh sát ông Vũ Xuân Viên.
Ông Viên là người gốc Quảng Ngãi. Theo dõi tình hình ở Đà Nẵng, người viết đoán chừng tin đồn đổi ngôi Giám đốc Công an Đà Nẵng là có cơ sở và khả năng trở thành một tin thật chính xác rất là cao. Đà Nẵng quá "nóng" !
Quê Hương
***************
Người dân trả xe công vụ sau khi chủ tịch huyện về đối thoại (CaliToday, 05/07/2018)
Sau 7 ngày giam 3 chiếc xe công vụ nhằm phản đối Dự án Nhà máy điện măt trời trên đầm Trà Ổ, người dân thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã chấp thuận trả xe cho phái đoàn công tác sau khi ông Nguyễn Văn Dũng-Chủ tịch huyện về đối thoại với dân.
Một góc đầm Trà Ổ. Ảnh : Dân Trí
Tin tức này sau đó đã được xác nhận bởi chính ông Nguyễn Văn Dũng với báo chí. Ông Dũng còn cho biết, sau khi phái đoàn do ông chủ tịch dẫn xuống, người dân đã không còn tụ tập biểu tình và trả luôn 3 chiếc xe cho phái đoàn công tác.
Trong cuộc đối thoại, người dân yêu cầu phía chính quyền phải dừng ngay dự án nhà máy điện mặt trời trên đầm Trà Ổ. Theo dân chúng, dự án này nếu được triển khai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế, xáo trộn đời sống của họ. Đại đa số những người phản đối đều sinh sống nhờ vào đầm Trả Ồ, người thì nuôi cá trong lồng bè, người thì kinh doanh ăn uống…
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Dũng nói : "Quan điểm của đảng và nhà nước cũng như chính quyền địa phương là phải bảo vệ đời sống của nhân dân, bảo vệ hoạt động chính đáng của người dân…".
Vậy nhưng, trong suốt hơn cả tuần qua, lực lượng công an, cảnh sát, mật vụ ngày đêm rình rập, khủng bố tinh thần người dân. Họ chẳng những dọa nạt bắn những người phản đối dự án, mà còn áp lực lên gia đình, con cái lẫn cả chỗ làm ăn, kinh doanh của những người biểu tình.
Trước phản ứng quyết liệt, cũng như tình hình chính trị tại Việt Nam và ở huyện Phù Mỹ trong thời gian qua khá căng thẳng nên chính quyền huyện Phù Mỹ mới xuống nước.
Trước đó, vào ngày 2/7, cũng chính miệng ông chủ tịch Nguyễn Văn Dũng cho biết, phía công an đã nắm được những người cầm đầu xúi giục dân chúng giữ xe của phái đoàn công tác để phản đối liên quan đến chủ trương triển khai dự án nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ. Ông nói :
"Vụ việc này có người cầm đầu, chứ người dân khi tuyên truyền thì họ nghe thôi. Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ công tác để nghe ý kiến từ người dân, sau đó sẽ tiến hành họp dân và thực hiện các bước vận động để ổn định tình hình".
Với lối nói chụp mũ và khinh thường dân chúng chẳng những làm cho tình hình giảm nhiệt, mà còn trở nên căng thẳng hơn.
Trái với lối nói của ông chủ tịch huyện, ông Trương Văn Quý là Bí thư thông Châu Trúc (Xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) cho biết, tại đầm Trà Ổ có đến 350 hộ dân sống nhờ vào nó. Vậy nhưng, khi chính quyền tỉnh lẫn huyện có chủ trương xây dựng nhà máy điện mặt trời họ lại chẳng được can dự vào. Có nghĩa là 350 hộ dân cho ra rìa trong những tính toán của chính quyền. Bực tức vì thói kẻ cả, người dân đã đồng lòng phản đối chính quyền.
Ông Quý còn cho biết, việc người dân giữ xe phái đoàn công tác là muốn được đối thoại, nghe những thông tin cụ thể về dự án từ chính quyền. Vì dự án làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nên họ phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Phản bác lại luận điệu chụp mũ, coi thường dân của ông Nguyễn Văn Dũng, ông Bùi Xuân Bộ-trưởng thôn Châu Trúc khẳng định : "Việc phản ứng dữ dội của người dân không hề có yếu tố xúi giục, kích động mà bắt nguồn từ những bức xúc khi dân không hay về dự án này"- theo báo Dân Trí.
Người dân luân phiên nhau canh giữ 3 chiếc xe của phái đoàn công tác. Ảnh : Thanh Niên
Vào đầu tháng 6/2018, ông Hồ Quốc Dũng-Chủ tịch tỉnh Bình Định đã cho phép công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam xây dựng Dự án nhà máy điện mặt trời Trà Ổ với tổng vốn đầu tư lên đến 1,440 tỷ đồng. Theo như hồ sơ đăng ký thì việc xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất. Rõ ràng với việc chiếm diện tích như vậy làm ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của 350 hộ dân tại đó.
Người Quan Sát