Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

09/08/2018

Làm ăn kiểu Việt Nam : tiêu xài vốn ODA, ăn nhờ lỗ có nhà nước

Nhiều sai phạm trong việc sử dụng vốn ODA (RFA, 09/08/2018)

Việc sử dụng vốn đầu tư không hoàn lại ODA giai đoạn 2011-2016 mắc nhiều sai phạm cần được điều tra làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng.

oda1

Một công trình xây dựng dang dở ở Đà Nẵng. AFP

Đây là đề nghị mà Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong phiên họp về việc quản lý sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 diễn ra vào chiều ngày 9 tháng 8.

Theo đó trong giai đoạn này đã có 319 Hiệp định được ký kết với hơn 33,6 tỷ đô la. Trong số này, phần chi cho các dự án không có khả năng hoàn vốn chiến 65%. Bình quân trong cả giai đoạn, vốn ODA và ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên Đoàn giám sát cho biết còn nhiều sai phạm trong việc sử dụng vốn ODA như tình trạng đội vốn hơn nhiều so với dự toán ban đầu như dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép- Thị Vải tăng hơn 8000 tỷ đồng, dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng hơn 10.000 tỷ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng đội vốn hơn 10.000 tỷ đồng… Bên cạnh đó chất lượng nhiều dự án không đạt yêu cầu. Có dự án bị lạc hậu về công nghệ, một số dự án chậm tiến độ.

Đoàn Giám sát của Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ cho tạm dừng những dự án chưa thực hiện nhưng chưa xác định rõ hiệu quả. Đối với các dự án đang thực hiện cần đánh giá nửa giai đoạn. Còn với những dự án đã xong, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án.

*******************

Não trạng Việt Nam : Doanh nghiệp kêu cứu thủ tướng (BBC, 08/08/2018)

Luật sư nói việc Công ty Ba Huân kêu cứu thủ tướng về vụ liên quan đến VinaCapital cho thấy "não trạng" của doanh nghiệp Việt, nhà báo nói công ty "nên kiện ra tòa thì hơn".

oda2

Báo Việt Nam nói quỹ ngoại VinaCapital "có đòi hỏi vô lý" với Công ty Ba Huân

Công ty cổ phần Ba Huân "kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và muốn hủy hợp tác với VinaCapital" vì cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc là "quá sức" của doanh nghiệp này, truyền thông Việt Nam cho hay.

Động thái này diễn ra sau gần nửa năm Công ty Ba Huân nhận khoản đầu tư 32 triệu đôla từ VinaCapital.

Bà Phạm Thị Huân, giám đốc Công ty Ba Huân được báo Zing dẫn lời : "Do thời điểm ký kết thỏa thuận vào mùa kinh doanh hàng Tết nên phần chuẩn bị rất cập rập, dẫn đến nhiều sai sót. Thay vì ký đầy đủ hai bản thỏa thuận cả tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi chỉ ký kết trên bản tiếng Anh. 20 ngày sau, bản tiếng Việt mới được đối tác chuyển qua. Chúng tôi đối chiếu thấy nhiều điều khoản không phù hợp, nên vẫn chưa ký bản thỏa thuận này".

Các báo Việt Nam nói trong văn bản gửi Thủ tướng Phúc, Ba Huân cáo buộc VinaCapital "muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân".

'Có khúc mắc' ?

Từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Hà Phan nói với BBC : "Tôi không đồng ý cách truyền thông và một số thông tin trong vụ Công ty Ba Huân "kêu cứu" lên thủ tướng Phúc vì lo ngại VinaCapital thâu tóm".

"Một doanh nghiệp có tiếng tăm và khá lớn trong ngành của mình như Ba Huân không thể biện minh rằng vì hợp đồng chỉ có tiếng Anh, chưa xong bản tiếng Việt nên "có hiểu lầm trong bản ký kết bằng tiếng Anh".

"Có thể bà Ba Huân sơ ý và không rành hết các "ngõ ngách" của một hợp đồng phức tạp nhưng còn cộng sự và cấp dưới".

"Hơn nữa khi làm ăn với bên ngoài và nhất là những quỹ đầu tư dày dạn kinh nghiệm như VinaCapital, tôi vẫn không hiểu tại sao Ba Huân lại không có công ty tư vấn hoặc luật sư đứng sau để phân tích rõ những rủi ro pháp lý cho bà chủ doanh nghiệp này. Tôi e rằng có "khúc mắc" nào đó chứ không hẳn như những gì báo chí Việt Nam đã đăng tải".

"Theo tôi thì dù cho hợp đồng ký kết bằng ngôn ngữ nào, doanh nghiệp cũng phải tôn trọng các điều khoản đã ký kết".

"Nếu công ty này sau đó phát hiện "hiểu lầm" hay không hài lòng thì nên kiện ra tòa và chờ phân xử chứ không nên kêu lên thủ tướng".

"Tôi tin chẳng ông thủ tướng nào can thiệp vào các hợp đồng đã ký đúng luật cả".

"Tôi cũng cho rằng cách truyền thông đổ lỗi cho đối tác bắt ép hay chỉ muốn thâu tóm doanh nghiệp chẳng có lợi gì cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Việt Nam".

Sau vụ này, nhiều doanh nghiệp đi lên từ cơ sở kinh doanh gia đình như Ba Huân rất dễ bị tâm lý coi các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp nước ngoài như "ngáo ộp" chỉ muốn "nuốt sống" mình.

"Đối tác ngoại cũng sẽ ngại làm ăn với doanh nghiệp Việt nếu cứ bị đổ cho những lỗi rất cảm tính như thế. Điều đó chỉ có hại cho doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế Việt Nam".

"Một khi đã hội nhập, chấp nhận gọi vốn, hợp tác làm ăn và để các quỹ đầu tư vào thì doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết".

"Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cũng như am hiểu luật pháp liên quan thì nên thuê các công ty tư vấn, công ty luật chứ đừng để xảy ra do "không rành" rồi mới tính đến chuyện mời luật sư giải quyết như Ba Huân đang làm".

'Não trạng'

Cùng ngày, Luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty luật Luật Việt, bình luận với BBC : "Sự việc Công ty Ba Huân làm đơn kêu cứu thủ tướng để can thiệp và giải quyết mối quan hệ thương mại - đầu tư với Quỹ Vinacapital gióng hồi chuông báo động về sự hiểu biết pháp luật và ứng xử của doanh nghiệp Việt".

"Hành vi nhờ thủ tướng can thiệp phản ánh não trạng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là có việc gì cũng nhờ quan chức giải quyết, ở đây là thủ tướng. Họ thường nhầm lẫn giữa chức vụ và quyền hạn".

"Thủ tướng không có thẩm quyền để xử lý vấn đề này. Mà thật ra, nó cũng phản ánh thực trạng khá buồn là thủ tướng hoặc thủ trưởng các cơ quan nhà nước thường can thiệp vào các hoạt động kinh doanh - nhân sự của doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc có liên quan đến tài sản đất đai của nhà nước".

"Thế nên, khi có chuyện, doanh nghiệp thường kêu thủ tướng là điều dễ hiểu. Nhưng khó hiểu ở đây là Công ty Ba Huân không phải là doanh nghiệp Nhà nước để ông ấy có thể can thiệp".

"Thử tưởng tượng, hàng triệu doanh nghiệp đều gửi lời kêu cứu tới thủ tướng thì chúng ta cũng có thể hiểu được thủ tướng không thể và không được can thiệp vào các giao dịch thương mại đầu tư kiểu này".

"Ông không thể làm thay công việc của cơ quan tài phán như tòa án hay trọng tài. Trong vụ này, đáng lẽ người nhận đơn của Công ty Ba Huân phải là các cơ quan này theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng".

oda3

VinaCapital thành lập năm 2003

"Giao dịch này theo báo chí lên tới hơn 700 tỷ đồng, và theo thông lệ, quá trình đàm phán sẽ kéo tới hơn nửa năm, bao gồm cả vấn đề thẩm định pháp lý, tài chính của doanh nghiệp. Thời gian đó với thông tin chia sẻ qua lại, chắc Ba Huân đã hiểu và phải hiểu bản chất của giao dịch, quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Thế nên, giờ bà Phạm Thị Huân phát ngôn như vậy, sẽ gây cảm giác không trung thực từ phía công ty".

"Chúng tôi thấy, các thỏa thuận, quan điểm của Ba Huân về giao dịch này hoàn toàn thiếu vắng vai trò của luật sư tư vấn. Họ không có mặt thì phải, hoặc nếu có thì ảnh hưởng của họ là con số KHÔNG to tướng. Thật ra, doanh nghiệp Việt Nam ít khi thuê luật sư trong các giao dịch kinh doanh, bất kể lớn nhỏ, đơn giản hay phức tạp".

"Sự thành công của họ mà không có luật sư đã làm họ tự tin một mình có thể giải quyết mọi vấn đề, từ kể cả luật pháp. Họ không cho rằng phí luật sư cũng là một khoản đầu tư đáng giá. Mười thương vụ thành công và chỉ một vụ thất bại vì các vấn đề pháp lý cũng làm cho hao hụt của mười vụ thành công kia về số âm".

"Sự tham gia của quỹ đầu tư trong các doanh nghiệp thường rất ngắn hạn - cùng với vòng đời cũa quỹ là 3-5 năm. Họ bỏ tiền vào doanh nghiệp và điều họ muốn là chi phối được quá trình ra quyết định của doanh nghiệp đó".

"Các công ty gia đình hoặc công ty - một - người thường rất khó chịu về chuyện này. Có thể Ba Huân thấy họ không có khả năng kiểm soát công ty nữa nên khá khó chịu".

"Thậm chí, nhà đầu tư bên ngoài yêu cầu cắt bớt các hoạt động kinh doanh khác để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi cũng là hợp lý. Họ muốn mua doanh nghiệp sản xuất trứng, gà, gia cầm. Danh mục đầu tư của họ cho quỹ này phải như thế".

"Nhiều bài học khá đau đớn từ Việt Nam mà họ học được là, doanh nghiệp nhận tiền đầu tư và ném vào các ngành mới khác như bất động sản, lướt sóng trên sàn... để kiếm tiền nhanh và nhiều. Kết quả ngược lại là tiền mất và doanh nghiệp lụn bại. Các bên đưa nhau ra tòa, trọng tài để kiện tụng nhau. Rất vất vả và mỏi mòn cho các bên".

"Việc Ba Huân cần làm bây giờ là thuê luật sư để họ thay mình giải quyết các vướng mắc pháp lý này, còn chủ doanh nghiệp nên dành thời gian cho hoạt động kinh doanh. Cần tránh lên báo chí, truyền thông kể lể để nhận sự "cảm thông" nhưng dường như kết quả không như ý. Điều đó sẽ tổn hại đến hình ảnh của doanh nghiệp vì sự không chuyên nghiệp của mình", Luật sư Trần Duy Cảnh nói với BBC.

Năm 1985, vựa trứng Ba Huân của bà Phạm Thị Huân chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, và tới năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.

VinaCapital thành lập năm 2003.

Ben Ngo

Quay lại trang chủ
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)